Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều với tư cách Giám đốc NXB Hội Nhà Văn nói về chuyên đề “Viết & đọc” do mình làm chủ biên: “Có người khuyên chúng tôi nên làm thế này thế kia để bán được sách với một phần thị hiếu của người đọc hiện nay. Tôi đã làm những tờ báo với lượng bản bán ra rất… khủng. Nhưng khi làm “Viết & đọc” thì tôi không làm như vậy. Chúng tôi không hạ thấp để không hướng tới bạn đọc phổ thông, mà chúng tôi muốn cải thiện họ...”


CẦN NHỮNG CUỐN SÁCH QUYẾN RŨ NGƯỜI ĐỌC

HOÀNG THU PHỐ

@ Thưa ông, lâu nay nhiều ý kiến than phiên rằng văn hóa đọc đang mất dần, tụt dốc. Ông có bình luận gì về sự đọc hiện nay?
Nguyễn Quang Thiều: Nghe cụm từ “văn hóa đọc’’ có vẻ như chẳng có chuyện gì ghê gớm và nó chẳng làm cho mấy người giật mình sợ hãi cả. Nhưng thật sự đó chính là dấu hiệu của những điều hết sức huy hiểm với bất cứ xã hội nào. Khi con người rời xa những cuốn sách là bắt đầu có nguy cơ rời xa trí tuệ và những vẻ đẹp nhân văn. Như thế là họ bắt đầu chìm vào một thế giới khác. Đó là thế giới sẽ giết chết tri thức và tâm hồn con người. Trung bình mỗi người Việt đọc chưa được 2 cuốn sách một năm là một con số đáng sợ. Như vậy, ngoài thời gian làm việc, họ đã tự đẩy con người họ vào những hành vi ở ngoài vùng ảnh hưởng của tri thức và văn hóa. Và kết quả của những con người ra khỏi vùng ảnh hưởng ấy sẽ là một kết quả chẳng có gì hay ho trong lâu dài.

@ Thế còn có ý kiến cho rằng, người Việt bây giờ đọc tin nhiều hơn đọc sách. Ý kiến của ông?
Nguyễn Quang Thiều: Có người có vẻ mừng vui khi thấy người Việt đọc tin (báo điện tử) nhiều hơn như một sự thành công của một phía nào đấy của công nghệ. Trong một cuộc họp về xuất bản do Ban Tuyên giáo T.Ư tổ chức cuối năm 2018, tôi phát biểu rằng: tin tức cho người ta thấy được những gì đang xảy ra trong đời sống xã hội của một giờ, một ngày, một tuần… còn sách cho người ta biết được những gì đang xảy ra trong tâm hồn con người. Tôi đã từng ở trong một số gia đình người Mỹ, Úc, Ai-len… Đó là những nước mà kỹ nghệ báo chí và công nghệ thông tin đến rất sớm. Nhưng họ không chìm đắm vào các loại tin tức mà hầu hết thời gian rảnh họ đọc sách. Có quá nhiều người Việt vùi vào mạng xã hội hầu hết các thời gian rảnh. Họ đang rơi vào nguy cơ tự hủy diệt tâm hồn họ từ từ mà họ không biết.

PV: Nhìn từ những báo cáo của ngành xuất bản thì thấy những năm qua, xuất bản Việt có nhiều khởi sắc. Nhưng theo ông, ngành xuất bản của chúng ta đã đáp ứng được/chinh phục được độc giả Việt Nam chưa?
Nguyễn Quang Thiều: Quả thực, số lượng người đọc sách ở Việt Nam đang tăng lên nhưng cũng chưa phải là một con số đáng kể. Để người Việt có một thói quen đọc sách chúng ta phải làm quá nhiều việc trong đó có ngành xuất bản. Hầu hết các NXB ở Việt Nam phải tự hạch toán. Đây là một thách thức lớn đối với họ. Bởi thế họ phải làm những cuốn sách mà chính họ không muốn, thậm chí những cuốn sách phi thẩm mỹ vì cái gọi là kinh tế thị trường. Những người viết sách của chúng ta chưa thật sự làm ra những cuốn sách “quyến rũ bạn đọc”.

PV: Kinh nghiệm của những năm tháng làm báo và “cầm” trong tay nhiều tờ báo thị trường mỗi số lượng xuất bản không nhỏ có giúp gì cho ông khi làm một chuyên đề nặng tính văn chương - nghệ thuật như cuốn “Viết & đọc” của NXB vừa ra mắt?
Nguyễn Quang Thiều: Những tờ báo tôi làm có tiêu chí khác nhưng cũng cho tôi một vài kinh nghiệm. Đó là hãy làm đến tận cùng có thể với sự nghiêm túc, mới mẻ và nhân văn. Khi tôi làm An ninh thế giới cuối tháng hay Cảnh sát toàn cầu thì ở đó tính nhân văn luôn tràn ngập kể cả khi viết về tội ác. Nhưng “Viết & đọc” khó hơn trăm lần làm những tờ báo đó và đặc biệt báo hay tạp chí in đã và đang rơi vào khủng hoảng lớn. Nhiều tờ báo bán với lượng bản rất lớn trước kia cũng đã rơi vào bế tắc. Một cuốn sách chuyên đề văn chương như “Viết & đọc” lại càng khó khăn. Nhưng chúng tôi vẫn làm với một sự hứng khởi lớn.  Nếu làm “Viết & đọc” chỉ vì lợi ích vật chất thì tôi vẫn còn đủ minh mẫn để không bao giờ làm nó. Nhưng chúng tôi muốn làm một ấn phẩm tốt nhất có thể và cho dù chỉ còn lại mươi người đọc nó. Nếu chỉ vì ít người đọc sách văn chương mà chúng ta chạy trốn không làm thì mãi mãi chúng ta không làm được gì cả. “Viết & đọc” được sự tài trợ từ một số cá nhân. Điều này động viên và cho chúng tôi nhận ra thêm một điều quan trọng là: cả những người chuyên về kinh doanh cũng nghĩ đến các sản phẩm văn hóa cần thiết cho xã hội như thế nào thì sao những người trực tiếp làm ra sản phẩn văn hóa cho xã hội lại thờ ơ?

Nguồn: Thời Nay