Trong ký ức thẳm sâu và hầu như còn bảo lưu gần như nguyên vẹn, Trần Trương yêu và nhớ tiếc xứ Đoài da diết. Ông yêu và nhớ tiếc xứ Đoài đến nỗi tin rằng xứ Đoài đâu có mong “lên Hà Nội”, đâu có “mơ đất Thánh” (một cách gọi dân gian một thời về Hà Nội). Mà có rơi vào tình trạng như vậy thì “bánh tẻ vẫn thơm lừng”, “các ngài La Hán trong chùa Mía có đâu khác vẻ” và “vẫn còng lưng”. Ấy là sự bất biến trong những cái tạm coi là vạn biến vậy!



HỎI XỨ ĐOÀI CỦA TRẦN TRƯƠNG

Tôi mất xứ Đoài mất cả mây
Mất người con gái mắt Sơn Tây
Cả làng chân đất lên Hà Nội
Mà tương mẹ ngả vẫn còn đây.

Nào của xứ Đoài mây trắng nữa
Câu thơ Quang Dũng ở đâu rồi?
Khóm tre, tiếng ếch, gầu buông giếng
Hình như nhòa nhạt phía xa xôi.

Cứ tưởng dân mình mơ đất Thánh
Hóa ra bánh tẻ vẫn thơm lừng
Các ngài La Hán trong chùa Mía
Có đâu khác vẻ, vẫn còng lưng.

Dồn sức ta đi lên hiện đại
Nhưng mà hiện đại có gì vui
Bác Tản Đà ơi, thôi, tỉnh lại
Mà xem non nước lở hay bồi?
                      
         
                  (Trích từ “Nhặt lại tháng ngày rơi”, NXB Hội Nhà văn quý 4 – 2018)
     Lời bình của Đặng Huy Giang:
    Từ lâu lắm rồi, văn học nghệ thuật vẫn được coi là sản phẩm của “dòng” duy tâm chủ quan. Không có “dòng” này, không có văn học nghệ thuật. Đặc biệt trong thơ, điều này càng rõ hơn. Có lẽ vì thế mà lúc sinh thời, triết gia Đức Schopenhauer từng cho rằng: “Thế giới là những gì tôi nhận thức được”.
    Một sự vật, một hiện tượng của đời sống chỉ thực sự đi vào hoặc trở thành thơ khi đi qua chủ quan của nhà thơ. Chủ quan ở đây, không chỉ là nhìn thấy, mà là nhận thấy và cao hơn là cảm thấy. Chủ quan ở đây đã được cá thể hóa đến tận cùng. Mầm mống của sự khác biệt cũng được sinh thành và xuất phát từ đó.
    Bởi thế cho nên khi viết “Hỏi xứ Đoài”, cái “phần duy tâm chủ quan”, cái phần “thế giới là những gì tôi nhận thức được” mới được đánh thức trong Trần Trương một cách đột ngột và có phần thất thần. Không đột ngột và thất thần, làm sao Trần Trương lại có ngay một bài thơ thông thoáng và liền mạch đến vậy? Không đột ngột và thất thần, sao Trần Trương lại hạ bút:
Cả làng chân đất lên Hà Nội
Mà tương mẹ ngả vẫn còn đây.
    Với Trần Trương, sự nhập (hay theo cách gọi cho có vẻ “êm tai” là “hợp nhất”) Hà Tây vào Hà Nội là “mất xứ Đoài” đi kèm với “mất cả mây”, “mất người con gái mắt Sơn Tây”…của riêng ông. Sự hụt hẫng khó tưởng tượng ra nổi ấy đã khiến ông hoang mang, hồ nghi, không biết hỏi ai, đành quay ra hỏi xứ Đoài, hỏi cả một không gian rộng lớn.
    Trong ký ức thẳm sâu và hầu như còn bảo lưu gần như nguyên vẹn, Trần Trương yêu và nhớ tiếc xứ Đoài da diết. Ông yêu và nhớ tiếc xứ Đoài đến nỗi tin rằng xứ Đoài đâu có mong “lên Hà Nội”, đâu có “mơ đất Thánh”(một cách gọi dân gian một thời về Hà Nội). Mà có rơi vào tình trạng như vậy thì “bánh tẻ vẫn thơm lừng”, “các ngài La Hán trong chùa Mía có đâu khác vẻ” và “vẫn còng lưng”. Ấy là sự bất biến trong những cái tạm coi là vạn biến vậy!
     Sự dẫn dắt của ba khổ thơ đầu như dồn hết sức nặng tiềm năng của tứ thơ vào khổ thơ thứ tư đồng thời cũng là khổ kết:
Dồn sức ta đi lên hiện đại
Nhưng mà hiện đại có gì vui
Bác Tản Đà ơi, thôi, tỉnh lại
Mà xem non nước lở hay bồi?
    Đúng là hiện đại chưa chắc là tất cả và không biết rồi thì “hiện đại có gì vui” thật! Nói câu ấy xong, Trần Trương lại nhớ đến thi sĩ của núi Tản sông Đà. Rồi ông “đánh động” Tản Đà bằng hai câu mới đọc lên đã thấy giật mình:
Bác Tản Đà ơi, thôi, tỉnh lại
Mà xem non nước lở hay bồi?
      Lâu nay, tôi vẫn tin: Viết thơ 4 câu là sở trường của Trần Trương. Ông từng sở hữu những câu thơ hay và không phải ai đã dễ mà viết được: “Búa nghị án gõ lên bàn nghị án/ Mà vẫn nguyên bóng tối dưới chân đèn” (“Điều còn lại”), “Cái nắng hôm qua không hong khô được cái áo hôm nay” (“Lý giải”), “Người nhạt rồi muối không chữa được đâu” (“So sánh”), “Núi buồn từ thủa em đi” (“Chợt về Tuyên”)…
    Ngay cả bài “Giao mùa” mang hơi hướm thơ cổ mà vẫn tân thời, ấn tượng, đáng nhớ, gợi mở đến từng chi tiết, lại vẫn là một bài thơ 4 câu:
Sen nở hết mình tuổi mãn khai
Nắng vội vơi dần, nắng chợt phai
Em cầm sen trắng như mây ấy
Thu chở heo may hết ngõ gầy.
     Nhưng khi đọc “Hỏi xứ Đoài” thì tôi nghĩ mình đã nhầm. “Hỏi xứ Đoài” là một trong một số bài thơ hay, không phải là thơ 4 câu của Trần Trương.