Cánh làm thơ lứa thập niên 70 của thế kỷ trước, không ít người đã gắn bó với nhà thơ Võ Văn Trực, trong sự nghiệp sáng tác của mình. Khi ấy ông còn đang làm biên tập tại nhà xuất bản Thanh Niên. Căn phòng 8m2 của gia đình ông ở phía sau nhà xuất bản, mỗi lần mưa hắt chúng tôi thường ngồi xúm nhau lại, trò chuyện cười nắc nẻ, rồi chia nhau lần lượt uống bát chè tươi chát tê lưỡi. Thật khó quên!
MỘT KHOẢNG TRỜI BỖNG HOANG VẮNG CÔ ĐƠN
VƯƠNG TÂM
ẨN ỨC NHỮNG NIỀM ĐAU
Nhà thơ Võ Văn Trực rất trầm tính. Gương mặt lúc nào cũng ngỡ như nghiêm nghị. Nhưng giọng nói ông cất lên làm ấm lòng người. Nụ cười ông hiền khô. Chúng tôi ban đầu gặp ông thường rụt rè. Nhiều lần gặp nhau, ai nấy râm ran đưa chuyện, ông chỉ cười và im lặng. Rất kiệm lời, nhưng thực ra ông lại xởi lởi tấm lòng, luôn ân tình và chu toàn. Mỗi khi nghe ông đọc thơ, mới thấy rõ con người hồn hậu này. Chúng tôi ngày đó ai cũng thuộc những câu thơ trong bài “Nghe mẹ hát” của ông: “Giọng hò thơm như nếp rồng được nắng. Ngọt the the như bưởi đường tháng tám. Như hát cau đông sữa lòng đào”. Nhất là câu: “Bàn chân ai khỏa sóng nước cầu ao. Đến tận bây giờ chưa lặng sóng”.
Năm 1977 (ở tuổi 41), nhà thơ Võ Văn Trực chuyển về làm việc tại báo Văn nghệ, cánh thơ trẻ chúng tôi càng được ông quan tâm nhiều hơn. Gần ông học được nhiều điều, không chỉ về thơ ca, mà còn về nhân cách con người. Nhà thơ Võ Văn Trực luôn thể hiện chính mình, qua những câu thơ: “Tôi là ngọn Trường Xuân trên bãi mặn. Ngả cành ra cho chim én bay về. Cho sao đậu cho mặt trời đến hát. Cho tình yêu về ngủ với trăng khuya” (Ngọn Trường Xuân). Vậy mà, cuộc đời ông gắn liền với những nỗi đau bất tận, trong gia đình và quê hương. Chính vì thế ông có nhiều sáng tác sâu sắc về làng quê và mẹ, cùng những sự mất mát bất ngờ.
Nỗi đau xót xa đầu tiên, ngôi mộ của mẹ nhà thơ bị mất dấu tích, trong cơn quy hoạch gây “địa chấn” ở làng quê. Nghĩa trang có ngôi mộ mẹ của nhà thơ, cũng bị “quy hoạch”, nhưng lẫn lộn và mất dấu tích, không tìm ra. Nhà thơ đã bao đêm ngày “Lưu lạc giữa quê hương”, với những vần thơ: “Một làng vui bỗng lạnh tựa tha ma. Khi tiên tổ, ông bà không còn mộ. Mồ côi cả đất đai và ngọn cỏ. Lũ chim non khản giọng lạc bài ca”. Bài thơ đẩy đến tận cùng nỗi tuyệt vọng trong tâm hồn nhà thơ: “Tôi quỳ sụp cổng làng, đầu cúi xuống. Chắp tay lạy những ngôi mồ tưởng tượng. Nghìn vong linh ám lạnh cả làn da. Trái tim nhỏ tụ về muôn giọt máu. Mấy chục năm lưu lạc giữa quê nhà”
Chính vì thế, nhà thơ đã viết về mẹ thật cay đắng, trong cuộc kiếm tìm vô vọng này. Mất mộ mẹ. Còn gì đau xót hơn. Ông viết: “Trên trần thế mười năm con phiêu dạt. Đất nơi đâu cũng thấy mẹ đang chờ. Hài cốt mẹ suốt mười năm lưu lạc. Con đốt trầm lạy bốn hướng vu vơ. Mẹ ở nơi đâu?. Xin hãy gọi con về” (Tìm mộ mẹ). Hồn thơ chết lặng trong nỗi cô đơn khôn nguôi. Nhìn khối lượng sách của nhà thơ viết về quê hương (10 cuốn, gồm khảo cứu và tiểu thuyết) mới thấy, tấm lòng của ông da diết đến nhường nào. Đọc những bài thơ mới hay vì sao ông cảm thấy côi cút mỗi khi về làng quê: “Một khoảng trời bỗng hoang vắng cô đơn. Khi cây muỗm đầu làng không còn nữa. Lòng tôi bơ vơ cùng tiếng gió. Thổi về đâu? Mây trắng dạt trời xa. Mấy chục năm lưu lạc giữa quê nhà”
Nỗi đau liên tiếp nỗi đau. Liền trong mười năm, khi bước vào tuổi ngũ thập, ông bị choáng váng khi mất đi hai người thân. Cô con gái, sau khi xây dựng gia đình, lại bị bệnh hiểm nghèo. Cô mất trong khi tuổi đời còn rất trẻ. Vậy mà vận hạn đâu đã hết, chỉ ít lâu sau, người vợ thân yêu của ông cũng lâm trọng bệnh. Ông khóc mẹ. Khóc con. Giờ lại khóc vợ: “Em cứ nhìn với đôi mắt van lơn. Như muốn giục anh xông vào cứu vớt. Anh muốn cứu nhưng làm sao cứu được. Con đò chìm. Anh cứ đứng trông theo”. Rồi sau đó nhà thơ chỉ biết kêu thét trong cơn đau xé tim gan: “Ai giằng em ra? Ai giằng em ra? Anh xiết chặt trong vòng tay run sợ. Em là nước hay em là lửa. Nóng bỏng người và lạnh buốt xương?” (Rút trong tập “Hai lần khóc”, 19-10-1994). Đó là những câu thơ khô kiệt nước mắt trước nỗi đau không thể cứu vãn. Nhà thơ đã chịu đựng đau khổ liên tiếp như vậy, quả là sự ám ảnh vượt sức tưởng tượng, với một cuộc đời thi sĩ mong manh và cô đơn.
ÁNH XẠ THU VÀNG VÀ NHỮNG KHÚC CA BUỒN
Sự đầy đọa tinh thần không hề làm nhà thơ gục ngã. Gương mặt ông thêm những nếp xù xì, khắc khổ. Đôi mắt nhà thơ nặng trĩu tâm tư, nhưng bản lĩnh lại kiên cường vượt lên số phận. Tính cách của một “Ông đồ Nghệ” lại thêm trần trụi ngang tàng. Nhà thơ dồn hết vào con chữ. Cho dù trước đó, tiểu thuyết “Chuyện làng ngày ấy” của nhà thơ, vừa in xong đã bị cấm, khi chưa kịp ra mắt bạn đọc (năm 1990). Rồi lại đến cuốn “Vết sẹo và cái đầu hói” (2006) và “Cọng rêu dưới đáy ao” (2007) đều gây tranh luận xôn xao, trái chiều trong lòng bạn đọc. Đặc biệt là tiểu thuyết “Vết sẹo và cái đầu hói”, hầu hết bạn đọc đã nhận ra sự phản ánh hiện thực điển hình và sâu sắc, thông qua nhân vật chính. Đó là sự tha hóa đạo đức. Cơ hội. Ông phán xét, dự báo trước được những nhân vật, mang yếu tố “Tự diễn biến”, “Tự chuyển hóa”, trong cơ chế bao cấp lạc hậu, khi bước vào cơ chế thị trường. Cuốn sách có sức lan tỏa và gây dư luận bất ngờ đối với chính tác giả. Đó là một thành công trong sự nghiệp văn chương của nhà thơ Võ Văn Trực
Rất mạnh mẽ, có đôi phận dữ dội trong khi viết văn xuôi, ngược lại trong thơ, Võ Văn Trực lại lắng đọng, luôn có sức ám ảnh với mỗi câu thơ. Qua 14 tập thơ và trường ca, bạn đọc phát hiện ra Võ Văn Trực là một thi sĩ có nhiều tìm tòi. Đó là những tứ thơ, và câu thơ mới lạ. Lãng mạn và ẩn chứa nỗi niềm đắm say. Đặc biệt, nhà thơ có những thi phẩm gây ấn tượng về mùa thu. Những bài thơ về mùa thu. Nào “Vườn thu”. “Đêm cuối thu”, “Mùa thu không yên tĩnh”; hoặc đó còn là “Mùa thu đi tự bao giờ”, “Thu về một nửa”…Đến nay, bạn đọc không thể quên một khối tình dịu dàng đáng yêu: “Anh cầm trên tay tiếng hót chim khuyên. Đang đọng lại ngọt lừ trong quả chín. Một nửa quả mùa thu chưa kịp đến. Còn mịn xanh sắc vỏ đợi bồi hồi” (Thu về một nửa). Nếu trong thi phẩm “Vườn thu” chỉ là vỡ òa cảm xúc: “Em mở cửa, hương lùa vào man mác. Anh bàng hoàng tỉnh dậy: đã mùa thu”, thì đến bài thơ “Đêm cuối thu”, có một Võ Văn Trực khác hẳn: “Tiếng mèo kêu xé màn đêm. Vàng thu lá động trước thềm gọi đông. Chuyện đời bao nỗi đục trong. Câu thơ cháy đến tận cùng buồn vui.”. Đó là một trong những khổ thơ hay của Võ Văn Trực. Tôi nghĩ chỉ tách ra hai câu một, trong những khổ thơ như thế, cũng đã gây dấu ấn trong lòng bạn đọc.
NỐT TRẦM
Nay ông đã về cõi xa (5-4-2019). Cuộc đời thật vô thường. Nỗi cô đơn, kéo dài trong số phận của ông, cho đến ngày đau yếu bất động trên giường bệnh. Âu số mệnh, đó cũng là sự nghỉ ngơi cho nỗi buồn cuối cùng, ở tuổi 84. Ông để lại gia tài văn học ,gồm 14 tập thơ và trường ca; 16 tập truyện ngắn và tiểu thuyết; 12 cuốn sách sưu tập nghiên cứu văn hóa dân gian, về quê hương Nghệ An. Thật đồ sộ. Nhưng ông có thiệt thòi, khi mới chỉ được nhận vài giải thưởng của Hội Văn học Nghệ thuật Hà Nội, Bộ giao thông kết hợp với Hội Nhà văn trao tặng; chứ chưa bao giờ có giải chính thức nào từ Hội Nhà văn Việt Nam.
Nhất là dư luận trong nhiều năm còn bàn tán, vì sao nhà thơ Võ Văn Trực không được giải thưởng Nhà Nước về Văn học Nghệ thuật. Có thể ông chưa bao giờ làm đơn chăng. Hay vì lẽ gì?. Nay nhà thơ đã chia tay: “Cuộc đời dở chuột dở dơi. Nửa bóng tối, nửa mặt trời nhá nhem. Hai tờ sách giở hai bên. Tôi nằm ở giữa khâu bền sợi đau” (Nhà tôi). Nhà thơ Võ Văn Trực có tấm lòng với quê hương, gia đình và bạn bè. Vậy, thôi vẫn cứ đọc ông và nhớ những câu thơ hay, để lại trên thế gian này: “Mảnh trăng rụng xuống bên trời. Mùa thu đã chết tuyệt vời trong ta”