Sáng tác dành cho lứa tuổi thiếu niên (9-15) đang có lổ hổng lớn không chỉ vì chuyện đề tài bị đóng khung một màu mà còn bởi tâm lý xem đây là mảng “chiếu dưới” ít được xã hội quan tâm khiến người viết chẳng mấy mặn mà. Thực tế đáng buồn này được các nhà văn, nhà thơ, nhà nghiên cứu chỉ ra tại Tọa đàm “Nâng cao chất lượng sáng tác dành cho thiếu niên” do Chi hội nhà văn Sài Gòn, trực thuộc Hội Nhà văn TP. Hồ Chí Minh tổ chức vào đầu tháng 5 vừa qua.



CẦN CÚ HÍCH CHO VĂN HỌC THIẾU NIÊN

THẢO NGUYÊN

Tâm lý “chiếu dưới”
Nhà văn Trần Văn Tuấn, Chủ tịch Hội Nhà văn TP. Hồ Chí Minh, khẳng định, văn học thiếu niên – nhi đồng là một phần không thể thiếu trong dòng chảy văn học Việt Nam, góp phần quan trọng vào việc nuôi dưỡng tâm hồn, nhân cách trẻ em. Tuy nhiên, văn học thiếu niên vẫn loanh quoanh những tên tuổi đã là “cây đa cây đề” Tô Hoài (Dế mèn phiêu lưu ký), Phùng Quán (Tuổi thơ dữ dội), Đoàn Giỏi (Đất rừng phương Nam), Nguyễn Nhật Ánh (Kính vạn hoa), Nguyễn Ngọc Thuần (Vừa nhắm mắt vừa mở cửa sổ), Trần Hoài Dương (Nàng công chúa biển) … “Suốt nhiều năm qua, trong mảng sáng tác này chúng ta vẫn chỉ thấy nổi lên nhà văn Nguyễn Nhật Ánh. Trước Nguyễn Nhật Ánh có Trần Hoài Dương, Phạm Hổ…, nhưng từ sau 1986, số tác giả tham gia viết cho thiếu niên ngày càng ít. Văn học thiếu niên bao gồm truyện chữ, truyện dịch, truyện tranh vẫn chưa đáp ứng được kỳ vọng của công chúng bạn đọc”.

Lý giải nguyên nhân ngày càng ít, nhà thơ Lê Thiếu Nhơn, một tác giả có nhiều tác phẩm viết cho lứa tuổi thiếu niên, cho rằng, đã có nhiều nhà văn, nhà thơ theo đuổi dòng văn học thiếu niên – nhi đồng, nhưng rồi chính người viết tự hạ bút xuống, bởi tâm lý sáng tác cho người lớn mới là văn học, còn tác phẩm dành cho thiếu niên thuộc loại hai. Nhà thơ Lê Thiếu Nhơn chỉ ra, người bền bỉ nhất với văn học thiếu niên là nhà văn Nguyễn Thái Hải ở Đồng Nai, viết từ trước 1975. Trong gia tài hơn 50 tác phẩm đã được khẳng định của Nguyễn Thái Hải có thể kể một số cái tên ấn tượng dành cho trẻ em như Chiếc lá thuộc bài, Bên bóng Thái Sơn, Cha con ông mắt mèo… Tréo ngoe ở chỗ, nhắc đến Nguyễn Thái Hải, người ta chỉ nhớ những Chuyện ở dãy phố Năm Căn, Lời nguyền hai trăm năm là các sáng tác đề tài người lớn của ông.

Tự nhận vẫn đang vừa học vừa viết cho trẻ em, nhà văn Võ Thu Hương bộc bạch: “Tôi nghĩ chẳng phải là khó khăn riêng của Việt Nam đâu. Nhiều người xót xa cho người viết mảng văn học này bởi các em hiện có xu hướng truy lùng truyện tranh, phớt lờ truyện chữ... Rồi thì điện thoại thông minh, ipad, hoạt hình “bom tấn” ra rạp thường xuyên cũng được xem là nguyên nhân dẫn đến tình trạng này…”. Nhà văn Đoàn Thạch Biền thì nêu một nguyên nhân nữa cho cái sự “tự buông bút” của các tác giả là hiện chưa có giải thưởng riêng dành cho văn học thiếu niên – thiếu nhi. Nhiều đại biểu dự tọa đàm đồng tình quan điểm này…

Đồng tác giả thực hiện tham luận “Xã hội hóa nhìn từ thực trạng văn học thiếu nhi ở TP. Hồ Chí Minh” PGS.TS Bùi Thanh Truyền, giảng viên Khoa Ngữ văn, Trường Đại học Sư phạm TP. Hồ Chí Minh, và nhà văn Văn Thành Lê (Nhà xuất bản Kim Đồng) đề xuất: Nếu có một giải thưởng thường xuyên dành riêng cho lĩnh vực này do các mạnh thường quân đảm trách sẽ là động lực không nhỏ cho sự khởi sắc của văn học địa phương. Làm sao có được một đội ngũ phê bình và nghiên cứu chuyên nghiệp song hành cùng đội ngũ sáng tác, xây dựng trung tâm đọc sách cộng đồng, mỗi năm có một hội sách hè dành cho các em.

Trẻ con không có nghĩa là không biết gì
Nâng cao chất lượng sáng tác dành cho thiếu niên, sự thay đổi, trước hết cần bắt nguồn từ người cầm bút. Theo nhà văn Đoàn Thạch Biền các tác giả cần thẳng thắn nhìn nhận những vấn đề xã hội nhức nhối hiện nay, từ nạn bạo lực học đường, lạm dụng lao động đến dâm ô – xâm hại tình dục trẻ em. Nhà văn Kim Quyên ngậm ngùi ví văn học thiếu niên như khu vườn bị bỏ hoang. Bà đồng tính với ý kiến của nhà văn Đoàn Thạch Biền, bởi vì chúng ta chưa có những sáng tác đánh thẳng vào vấn đề xã hội như vậy, trẻ phải tìm sách nước ngoài đọc. Tương tự, PGS.TS  Hoàng Thị Tuyết, Giám đốc Trung tâm phát triển văn hóa đọc và kỹ năng sống Hướng Dương Việt, bày tỏ quan điểm nếu trước đây 12, 13 tuổi thì nay 9, 10 tuổi trẻ đã có dấu hiệu dậy thì. Tâm sinh lý trẻ bây giờ thay đổi rất nhanh, kéo theo đó nhu cầu cần được biết những vấn đề thuộc về mình cao hơn.

Ở góc độ tâm sinh lý, chuyên gia tâm lý Nguyễn Thu Hiên khẳng định: “Trẻ con không có nghĩa là không biết gì”. Bà Thu Hiên đặt vấn đề: “Tại sao phải chờ lên cấp 3 mới hướng nghiệp mà không làm ngay từ lúc các em còn nhỏ thông qua những câu chuyện, những tác phẩm văn học dành cho lứa tuổi các em. Thực tế cho thấy, nếu có điều gì đó mà từ nhỏ các em đã đam mê thì lớn lên sẽ dễ lựa chọn và thành công hơn”. Bà Nguyễn Thu Hiên cũng lưu ý các nhà văn phải đặt tâm lý, tình cảm, ngôn ngữ và cách ứng xử của các em vào tác phẩm chứ không phải ngôn ngữ của người viết. 

Nguồn: Báo Văn Nghệ