Một thực tế đáng báo động là hầu hết cán bộ, công chức, viên chức trong các cơ quan, doanh nghiệp Nhà nước còn đang công tác biết nhiều đấy mà không dám nói, không ai ngăn chặn, không ai lên tiếng phê phán lấy nửa lời để lỗi lầm, sai phạm của các lãnh đạo, đồng chí, đồng nghiệp ngày càng lớn, rồi trượt dài vào vòng tội lỗi. Phải chăng, người Việt Nam vốn tính "dĩ hòa vi quý", nên "lời nói không mất tiền mua, lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau" đang trở thành lực cản trong việc đấu tranh chống tiêu cực, chống các biểu hiệu suy thoái về đạo đức, lối sống, "tự diễn biến", "tự chuyển hóa". Thấy đúng không bảo vệ, thấy sai không đấu tranh, ngại va chạm, né tránh, gió chiều nào che chiều ấy… để hành xử với mọi người là những biểu hiệu thường gặp ở cán bộ, công chức.



HỆ LỤY TỪ SỰ IM LẶNG

CÙ TẤT DŨNG

Phiên họp thứ 35 của Ủy ban Kiểm tra Trung ương đưa ra thông báo yêu cầu các tổ chức đảng có thẩm quyền xem xét, xử lý trách nhiệm, xử lý kỷ luật đối với hàng loạt cán bộ cấp cao từ Trung ương cho tới địa phương, trong đó có cả nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ, nguyên Bộ trưởng và 4 Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải cùng một loạt tướng lĩnh cao cấp trong quân đội. Nhưng, đáng chú ý hơn cả, trong số những cán bộ kỳ cựu được nêu tên, nổi lên "hạt giống đỏ" Nguyễn Bá Cảnh năm nay 35 tuổi, Phó trưởng Ban Dân vận Thành ủy Đà Nẵng. Một cảm giác chung của cán bộ, đảng viên và người dân là đau xót, khi mà cùng lúc chúng ta mất đi cả ba thứ đều vô cùng quý giá là: Tiền bạc, cán bộ và uy tín của Đảng, Nhà nước với người dân. 
Mỗi cá nhân không thể tạo ra những thay đổi to tát, nhưng giá như mỗi người dám nói thẳng, nói thật, dám có những lời can gián những việc làm sai của đồng chí, đồng đội để họ thấy được sai phạm rồi tiếp thu, sửa chữa và giá như lòng tham biết dừng lại đúng lúc thì sẽ không có những câu chuyện buồn lòng như ngày hôm nay.
Hằng ngày, trên các phương tiện thông tin đại chúng, chúng ta vẫn thường được đọc, nghe những lời chia sẻ, những đóng góp thẳng thắn, những phát biểu chí tình, chí lý, nhưng chủ yếu là ý kiến của những cán bộ đã về hưu, hoặc đã chuyển công tác, đã trở thành chuyên gia, thay vì là ý kiến của cán bộ đương chức. Tiếng nói của họ lúc này không còn chịu gánh nặng của quy định về "trách nhiệm về phát ngôn" nên mới dám đề cập tới nhiều vấn đề bức xúc, nhạy cảm mà trước đây họ lảng tránh.
Một thực tế đáng báo động là hầu hết cán bộ, công chức, viên chức trong các cơ quan, doanh nghiệp Nhà nước còn đang công tác biết nhiều đấy mà không dám nói, không ai ngăn chặn, không ai lên tiếng phê phán lấy nửa lời để lỗi lầm, sai phạm của các lãnh đạo, đồng chí, đồng nghiệp ngày càng lớn, rồi trượt dài vào vòng tội lỗi.
Phải chăng, người Việt Nam vốn tính "dĩ hòa vi quý", nên "lời nói không mất tiền mua, lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau" đang trở thành lực cản trong việc đấu tranh chống tiêu cực, chống các biểu hiệu suy thoái về đạo đức, lối sống, "tự diễn biến", "tự chuyển hóa". Thấy đúng không bảo vệ, thấy sai không đấu tranh, ngại va chạm, né tránh, gió chiều nào che chiều ấy… để hành xử với mọi người là những biểu hiệu thường gặp ở cán bộ, công chức.
Cách sống này mới thoạt nhìn bề ngoài thì tỏ vẻ thân thiện vì không mấy khi làm mất lòng ai, nhưng thực tế gây ra không ít hệ lụy. Cách ứng xử này tạo ra "tấm bình phong" che đỡ những kẻ tài hèn đức mọn; đồng thời không tạo chỗ dựa, động lực, niềm tin phấn đấu vươn lên cho những nhân tố tích cực, những con người dũng cảm, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm.
Đã có những cán bộ, đảng viên có đủ bản lĩnh, nghĩ theo lối tích cực "mình làm sai thì mình mới phải sợ, chứ mình đúng thì mình cứ ngẩng cao đầu, sao phải sợ hãi ai?". Cán bộ, đảng viên đương chức dám nói ra suy nghĩ, quan điểm của mình cũng không phải là đơn giản, dễ dàng gì! Đấy mới chỉ là vấn đề dám nói thôi, chứ chưa nói đến việc dám làm, dám hành động. Bởi lẽ, những người dám nói thường bị coi là gây rối, gây mất đoàn kết, thường bị cô lập, không ai chơi, bị lạc lõng giữa một tập thể.
Nhiều người ngay thẳng còn bị trù dập, mất chức, mất quyền và câu nói "thẳng thắn, thật thà, thì thua thiệt" áp vào trường hợp này quả không sai. Những vụ việc này đã làm nhụt chí người chính trực trước các hành vi sai trái, đồng thời tạo nên chỗ ẩn nấp cho lương tâm người tốt đỡ cán rứt khi buộc phải im lặng trước những việc làm xấu xa.
Sẽ thế nào nếu tại các tổ chức đoàn thể, người ta cứ nhìn nhau mà nói, đón ý nhau mà nói cho vừa lòng nhau thì ai sẽ lên tiếng trước để đấu tranh với cái sai, bảo vệ cái đúng? Không dám bộc lộ những quan điểm, suy nghĩ của mình thì sẽ trở thành một ẩn họa khôn lường cho sự phát triển của quốc gia, dân tộc. Im lặng vì bất kì lí do nào đi nữa thì đó cũng là biểu hiện của sự tha hóa ở mỗi cá nhân và cho thấy dấu hiệu bất ổn của xã hội. Nói cách khác, khi người tốt im lặng trước cái xấu, cái ác là khi xã hội đang đứng trên bờ vực của sự băng hoại những giá trị đạo đức.
Sự im lặng của ngày hôm qua đã phải trả giá bằng hiện thực của ngày hôm nay. Nếu có những lời góp ý thẳng thắn, chân thành thì những lỗi lầm sẽ không trở thành tội lỗi và chắc chắn những cán bộ cao cấp, những "hạt giống đỏ" sẽ không có kết cục buồn như ngày hôm nay.

Nguồn: Văn Nghệ Công An