Quan điểm của nhà văn Phùng Văn Khai: Viết về lịch sử rất khó. Có người lộn trái lịch sử khiến người đọc mất phương hướng. Họ lợi dụng, đào sâu những khúc quanh, những giai đoạn lịch sử rối ren của dân tộc để viết, đi quá giới hạn cần thiết. Họ bị bạn đọc phản ứng, bạn đọc chân chính không thích. Ngược lại, cũng có nhà văn khi viết đề tài lịch sử thì rụt rè quá, viết theo lối tô hồng lịch sử, chỉ tốt không xấu, chỉ hay không dở, chỉ hào quang chứ không thấy mặt tối. Trong khi mỗi nhân vật lịch sử đều là một con người với đầy đủ tính cách phức tạp, bên cạnh cái anh hùng thì họ có những cái đời thường, bên cạnh thành công vì đại nghĩa thì họ có những mưu mô, thủ đoạn khiến đời sau lên án.
Lý giải lịch sử bằng cảm hứng hiện đại
HỒNG HẢI
Những năm gần đây, Trung tá, nhà văn Phùng Văn Khai, Phó tổng biên tập Tạp chí Văn nghệ Quân đội gây ấn tượng với độc giả bằng nhiều tác phẩm biên khảo, tiểu thuyết văn học về đề tài lịch sử. Bằng ngòi bút của mình, Phùng Văn Khai đã đưa những nhân vật lịch sử, như: Phùng Hưng, Ngô Quyền, Lý Thường Kiệt, Trần Nhân Tông, Trần Quốc Tuấn, Phạm Ngũ Lão… trở thành hình tượng văn học sống động, gần gũi, chân thực trong mỗi trang sách.
@: Trong một cuộc hội thảo toàn quốc về sáng tạo tác phẩm văn học-nghệ thuật, anh đã gây ấn tượng mạnh khi cho rằng dòng “văn học thị trường là điều bình thường, thậm chí là tất yếu của mỗi nền văn học”. Anh có thể nói sâu sắc thêm về luận điểm này?
Phùng Văn Khai: Văn học Việt Nam sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945 phát triển khá rực rỡ và lành mạnh. Trong hai cuộc kháng chiến trước đây, vì nhu cầu phục vụ mục tiêu độc lập dân tộc, thống nhất đất nước nên dòng văn học chính thống tập trung tôn vinh hình tượng người chiến sĩ và nhân dân. Khi đất nước có hòa bình, độc lập, thống nhất rồi, văn học đứng trước yêu cầu, nhiệm vụ mới và nếu như đất nước trải qua một thời kỳ với cơ chế quản lý quan liêu bao cấp kéo dài, phát triển theo khuynh hướng chủ quan duy ý chí thì nền văn học cũng bị ảnh hưởng, cũng vật vã tìm lối ra. Rất may, kể từ năm 1986, Đảng khởi xướng và lãnh đạo công cuộc đổi mới, từng bước vận hành và phát triển kinh tế thị trường định hướng XHCN, từ đó hình thành dòng văn học thị trường, điều này là khách quan và rất tự nhiên. Nền văn học thế giới vừa mất đi nhà văn Kim Dung (Trung Quốc). Ta có thể thấy tác phẩm của Kim Dung hoàn toàn là văn học thị trường nhưng đã đạt đến đỉnh cao văn học. Tác phẩm của Kim Dung bước vào ngôi đền Nobel văn chương thì chắc là khó khăn nhưng bản thân Kim Dung đã tự dựng nên tượng đài Nobel cho riêng mình, cả thế giới đều yêu các nhân vật của Kim Dung. Nhân vật của Kim Dung, từ bối cảnh tình yêu đến bối cảnh xã hội đều là người phò chính trừ tà, bóc ra lớp mặt nạ, đào sâu vào bản thể con người, nêu cao tinh thần trượng nghĩa, mấu chốt để giữ gìn bản sắc văn hóa phong phú của người Trung Quốc.
Vì vậy, tôi cho rằng một nhà văn viết phục vụ thị hiếu thị trường cũng đáng trân trọng như viết những tác phẩm của dòng văn học chính thống. Ngay cả quan niệm dòng văn học chính thống có lẽ cũng sẽ dần thay đổi. Với tôi, cứ viết bằng tất cả sức lực, trái tim mà không quá rạch ròi đâu là thị trường hay chính thống, văn học đích thực luôn dung chứa tất cả, thị trường hay chính thống thì để độc giả đánh giá sẽ công bằng hơn.
Với dòng văn học thị trường, tôi nghĩ Việt Nam cần khuyến khích, cũng giống như nước ta đang phát triển đa dạng hóa các thành phần kinh tế, đa dạng hóa và đa phương hóa quan hệ quốc tế, nên đa dạng hóa các dòng văn học để phục vụ nhu cầu tinh thần phong phú, lành mạnh, chính đáng của xã hội. Theo hướng cái gì có lợi cho sự phát triển bền vững thì chúng ta sẽ phát triển. Còn tôi tin dòng văn học chính thống, đề cao lý tưởng cách mạng, viết về lịch sử, về chiến tranh nhân dân… vẫn sẽ phát triển. Ví dụ, chương trình đầu tư hỗ trợ sáng tác đề tài LLVT và chiến tranh cách mạng của Bộ Quốc phòng giao cho Tạp chí Văn nghệ Quân đội tổ chức, mỗi năm chúng tôi đầu tư vào khoảng 10 cuốn tiểu thuyết và trường ca với nhiều tác giả thành danh, như: Chu Lai, Nguyễn Chí Trung, Trung Trung Đỉnh, Khuất Quang Thụy, Nguyễn Bảo, Nguyễn Hữu Quý, Nguyễn Đức Mậu... là chương trình rất hiệu quả. Nhiều tác phẩm được độc giả đánh giá cao và đoạt giải thưởng như cuốn “Mưa đỏ” của nhà văn Chu Lai. Cùng với đó, các nhà văn quân đội, như: Nguyễn Đình Tú, Đỗ Bích Thúy, Nguyễn Xuân Thủy... vừa có tác phẩm dòng chính thống, vừa có tác phẩm dòng thị trường. Đặc biệt, nhà văn Nguyễn Đình Tú, 5 năm gần đây, anh ra 5 cuốn tiểu thuyết thuộc dòng thị trường, viết về xã hội đương đại với những xô bồ, rạn nứt, rất được dư luận quan tâm. Văn học thị trường có lượng độc giả riêng, cạnh tranh với dòng văn học chính thống và thúc đẩy dòng văn học chính thống đổi mới để phát triển.
@: Trong khi lên tiếng trân trọng dòng văn học thị trường thì anh lại âm thầm hướng ngòi bút của mình về dòng văn học chính thống, với những tác phẩm mang đề tài lịch sử, đề cao giá trị và khát vọng dân tộc. Tại sao lại như vậy?
Phùng Văn Khai: Điều này thì như một cái duyên. Tôi đi theo đề tài lịch sử như một sự dẫn dắt tự nhiên. Chỉ riêng cuốn tiểu thuyết Phùng Vương dày 630 trang, tôi đã dành ngót 10 năm để học hỏi, nghiên cứu, sưu tầm tư liệu. Vừa rồi mới tái bản và Đài Tiếng nói Việt Nam đưa vào chương trình đọc truyện đêm khuya. Tôi cũng vừa in tiểu thuyết Ngô Vương dày gần 500 trang, viết về Ngô Quyền, vị vua đánh trận Bạch Đằng, giành độc lập dân tộc, triều định trăm quan. Có người hỏi tôi sao không viết văn học thị trường, tôi có nghĩ đến, nhưng truyền thống văn hóa dân tộc với bề dày lịch sử dày dặn, từ Vua Hùng đến nay biết bao danh nhân, hào kiệt... là kho đề tài rực rỡ về võ công và văn hiến đã cuốn hút tôi. Nhất là khi tôi nhận thấy nhiều nhân vật lịch sử của chúng ta xuất hiện trong văn học còn quá mỏng, quá sơ sài, như Phùng Hưng, trong "Đại Việt sử ký toàn thư" chỉ có 16 dòng; Ngô Quyền cũng chỉ vài chục dòng. Các nhà văn đàn anh đã động viên tôi theo đuổi dòng văn học đề tài lịch sử.
Viết về lịch sử rất khó. Có người lộn trái lịch sử khiến người đọc mất phương hướng. Họ lợi dụng, đào sâu những khúc quanh, những giai đoạn lịch sử rối ren của dân tộc để viết, đi quá giới hạn cần thiết. Họ bị bạn đọc phản ứng, bạn đọc chân chính không thích. Ngược lại, cũng có nhà văn khi viết đề tài lịch sử thì rụt rè quá, viết theo lối tô hồng lịch sử, chỉ tốt không xấu, chỉ hay không dở, chỉ hào quang chứ không thấy mặt tối. Trong khi mỗi nhân vật lịch sử đều là một con người với đầy đủ tính cách phức tạp, bên cạnh cái anh hùng thì họ có những cái đời thường, bên cạnh thành công vì đại nghĩa thì họ có những mưu mô, thủ đoạn khiến đời sau lên án. Ví dụ nhân vật Trần Thủ Độ, ông gây dựng triều Trần và mở ra một thời kỳ rực rỡ của lịch sử dân tộc, nhưng ông cũng đã thực thi chính sách giết hại gần hết hậu duệ triều Lý. Về ý này thì đời sau phê phán ông nhiều, nhưng cũng phải thấy là triều Trần vừa lập nước thì giặc Nguyên Mông ngấp nghé bờ cõi, nếu nội bộ vẫn lục đục, tương tàn thì làm sao lo chống giặc ngoại xâm được. Cho nên, trong trường hợp này thì việc nước là việc chung còn việc gia tộc là riêng, giữa được mất của nước và được mất của một gia tộc thì việc nước lớn hơn. Giờ với độ lùi của lịch sử thì chúng ta nhìn việc này rõ hơn, có cái thông cảm cho Trần Thủ Độ hơn.
Hay chuyện Thái hậu Dương Vân Nga lấy áo bào của con mình là Đinh Toàn khoác lên người Lê Hoàn, hành động này thì bà có tội với gia tộc họ Đinh, nhưng lại có công với nước, tình thế đất nước lúc ấy là như vậy. Nhà văn viết lịch sử phải mạnh dạn chỉ ra điều này. Hay loạn 12 sứ quân thời Hậu Ngô, đây là thời kỳ rất buồn, trái ngược với truyền thống đoàn kết của ông cha. Đây là thời kỳ mà độc giả văn chương rất muốn đọc để lý giải hiện tượng lịch sử. Muốn cạnh tranh độc giả thì nhà văn phải đi vào điểm tối bằng trái tim sáng, bằng khoa học lịch sử, đó là đất sống của các nhà văn. Càng đi vào viết đề tài lịch sử, tôi càng thấy đam mê vì những lẽ ấy!
PV: Để văn học-nghệ thuật về đề tài lịch sử phát triển, theo anh, chúng ta phải chú ý điều gì?
Phùng Văn Khai: Hiện nay, đầu tư cho “công nghiệp văn hóa” ở nước ta còn yếu, trong đó có văn học nghệ thuật. Tôi xin lấy ví dụ Hàn Quốc, những năm gần đây họ đầu tư cho văn hóa rất mạnh, đi kèm là chiến lược quảng bá, “xuất khẩu” văn hóa. Phim ảnh, âm nhạc Hàn Quốc thực sự là ngành công nghiệp của họ. Qua tìm hiểu, bạn rất ngạc nhiên thấy Việt Nam là một đất nước có nền văn hiến rực rỡ, có truyền thống yêu văn thơ mà các nhà văn lại ít được quan tâm, nhiều nhà văn có đời sống khó khăn như vậy. Bất cập này ở nước ta rất rõ. Một ca sĩ dòng nhạc thị trường hát một bài là có vài ba chục triệu đồng, cá biệt có cả trăm triệu đồng, trong khi một nhà văn miệt mài 5-7 năm để có một cuốn tiểu thuyết thì khi xuất bản gần như không thấy một tổ chức, một doanh nghiệp nào quan tâm hỏi han, nhuận bút có khi chỉ đủ mua sách tặng bạn bè. Ví dụ như cuốn tiểu thuyết lịch sử "Phùng Vương" tôi viết trong 10 năm, viết rất nhiều về văn hóa truyền thống, về tập tục, lễ hội, về thành Tống Bình... Đến nay đã tái bản và được độc giả, thính giả Đài Tiếng nói Việt Nam đánh giá tốt. Nhưng cơ quan quản lý văn hóa ở các miền đất, đặc biệt là Hà Nội mà tôi đề cập dường như không hề quan tâm... trong khi tôi biết họ đang phát động cuộc thi sáng tác, quảng bá gì đó.
@: Trong câu chuyện này, anh thấy mình có lỗi gì không?
Phùng Văn Khai: (cười) Nhà văn có lòng tự trọng, thậm chí tự ái, và như tôi thì cứ mải mê viết nữa, không quan tâm đến những điều khác; cứ nghĩ mình ăn lương quân đội, viết về bộ đội, còn viết về lịch sử, cũng là phục vụ đời sống tinh thần bộ đội và nhân dân. Nhưng tôi muốn nhấn mạnh chức năng, trách nhiệm của cơ quan quản lý Nhà nước trong lĩnh vực xây dựng, phát triển công nghiệp văn hóa. Các anh chị ấy soi rất nhanh, phát hiện cái sai sót rất nhanh nhưng có vẻ như việc phát hiện cái hay, cái đẹp, cái điển hình cần nhân rộng, cần đỡ đầu thì rất chậm. Thời chiến tranh, biết bao tấm gương anh hùng đã đi vào văn học, trở thành thần tượng, thành điển hình cho cả nước học tập. Bây giờ thời bình, đất nước phát triển nhanh, sôi động như vậy mà văn nghệ dường như không xây dựng được tấm gương nào để tạo thành vệt sáng cho xã hội. Tôi cứ nghĩ, về tập thể, như Tập đoàn Công nghiệp-Viễn thông Quân đội (Viettel) chẳng hạn, một tập thể anh hùng ắt có cá nhân xuất sắc. Hay các tập đoàn tư nhân đang lớn nhanh như Phù Đổng, hình như văn học-nghệ thuật đang nhìn vào mặt trái của họ mà không thấy nét tích cực.
Vừa rồi, trò chuyện với các nhà văn quân đội, Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng nói: “Tôi thấy đất nước bao điều tốt đẹp mà đọc nhiều tờ báo chẳng thấy đâu. Có đi ra nước ngoài mới thấy giá trị của môi trường bình yên và phát triển như nước ta là rất quý”. Đó là cũng là điều các nhà văn phải trăn trở...
@: Trân trọng cảm ơn anh về cuộc trò chuyện!