Có những thông tin bắt đầu cho rằng nhà sản xuất "Vợ Ba" rút phim vì "hoang mang, sợ bị cấm, nên hoảng loạn" hoặc "rút phim để bảo vệ cho nữ diễn viên chính trước dư luận". Cả hai lý do này đều ngụy biện. Chưa có một lệnh nào, kể cả bằng miệng, từ những người chịu trách nhiệm quản lý mà nhà sản xuất đã "đoán ý" để rút phim thì quả thực điều này phải khiến cơ quan quản lý thấy "hoang mang" mới đúng.



ĐỪNG NHÂN DANH NGHỆ THUẬT

VĂN ĐOÀN

"Vợ Ba" đột nhiên đã trở thành một hiện tượng ầm ĩ, khi mà câu chuyện nữ diễn viên chính của bộ phim lấy bối cảnh nông thôn Bắc bộ cuối thế kỷ 19 đã tham gia đóng các cảnh nóng khi mới ở độ tuổi 13. Và sự ầm ĩ xoay quanh "Vợ Ba" đã để lại rất nhiều tranh cãi gay gắt giữa những người làm nghề, làm báo xoay quanh tính hợp pháp của một hành vi thực hành nghệ thuật.
Đầu tiên, sự kiện gây "sốc" chính là việc nhà sản xuất phim đệ đơn xin rút khỏi rạp sau 4 ngày công chiếu. Việc đệ đơn xin rút khỏi rạp này đã tạo ra một hệ lụy nguy hiểm khi chạy theo nó là những tin đồn đại ý rằng "Bộ phim bị Cục Điện ảnh ra lệnh cấm chiếu".
Và điều đáng nói ở đây là đã có quá nhiều ý kiến đồng thanh phản ứng lại một cách thiếu suy xét mà mỉa mai hơn cả, nhiều ý kiến trong số đó lại đến từ những người làm văn hoá, những người lẽ ra phải hiểu quy trình duyệt và cấp phép phát hành một sản phẩm văn hoá là như thế nào.
Trên thực tế, không có bất kỳ một lệnh cấm chiếu nào được đưa ra từ Cục Điện ảnh cả. Nếu Cục Điện ảnh không đồng ý cho công chiếu, chắc chắn "Vợ Ba" không thể ra rạp tới 4 ngày. Nhưng chỉ đạo việc rà soát lại quy trình cấp giấy phép công chiếu là có. Và việc Bộ trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch yêu cầu Cục Điện ảnh rà soát lại là có lý do. Yêu cầu ấy dựa trên phản ảnh của dư luận xã hội về chuyện cảnh nóng mà nữ diễn viên tham gia khi mới ở tuổi 13.
Bây giờ, câu chuyện lại cần được mổ xẻ ở khía cạnh khác. Có những thông tin bắt đầu cho rằng nhà sản xuất "Vợ Ba" rút phim vì "hoang mang, sợ bị cấm, nên hoảng loạn" hoặc "rút phim để bảo vệ cho nữ diễn viên chính trước dư luận".
Cả hai lý do này đều ngụy biện. Chưa có một lệnh nào, kể cả bằng miệng, từ những người chịu trách nhiệm quản lý mà nhà sản xuất đã "đoán ý" để rút phim thì quả thực điều này phải khiến cơ quan quản lý thấy "hoang mang" mới đúng. Họ sẽ hoang mang vì không biết mình đã làm gì sai để đến mức nhà sản xuất phim lại phải có thái độ như vậy.
Còn nếu nói để bảo vệ nữ diễn viên thì lại càng không phải. Chính nữ diễn viên chính và gia đình cô còn cho rằng việc rút phim mới khiến cô bé buồn, thất vọng và trước đó, cô cảm thấy rất bình thường khi tham gia những cảnh phim kiểu đó.
Quay trở lại từ ban đầu, khi có thông tin đồn đoán rằng 1 tờ báo nào đó đã ác ý cố tình "dìm" phim "Vợ Ba" nên mới tung chuyện cô bé 13 tuổi đóng cảnh nóng ra công luận, chúng ta sẽ thấy có vài điểm mờ như sau. Thứ nhất, chuyện phản ảnh một thực tế là trách nhiệm của báo chí, và bài báo đó đã phản ảnh đúng thực tế. Thứ hai, bất kỳ sản phẩm phim ảnh nào trước khi ra rạp cũng đều có những bài báo để truyền thông, quảng bá. Vậy thì tại sao nhà sản xuất phim "Vợ Ba" lại bỏ qua công tác tối quan trọng này để cuối cùng, bài viết đầu tiên về phim lại là một bài phản ảnh thực trạng cô bé 13 tuổi đóng cảnh nóng.
Cuối cùng, quan trọng nhất, chính là lời bênh vực của nhiều đạo diễn với nguỵ biện rằng "nghệ thuật khác với thực tế và công kích chuyện cô bé 13 tuổi đóng cảnh nóng là giết chết nghệ thuật". Xin thưa, nghệ thuật đúng là khác với thực tế, song thực hiện hành vi nghệ thuật thì phải căn cứ vào thực tế, mà cơ bản nhất là luật pháp.
Nếu đọc kỹ những thông tin về quá trình làm phim "Léon: The professional", một phim kinh điển sản xuất năm 1994, chúng ta sẽ thấy gia đình của nữ diễn viên Natalie Portman (khi ấy mới 12 tuổi) quan sát chặt chẽ, ràng buộc chặt chẽ đoàn phim đến mức nào và bản thân đạo diễn, nam diễn viên chính cũng thực hiện phim ra sao để tránh chuyện làm tổn hại đến một cô bé ở tuổi 12.
Đó mới chính là nghệ thuật, bởi nghệ thuật nào thì cũng phải mang yếu tố nhân bản cả. Nếu chấp nhận hành vi phi nhân bản, phạm pháp để đạt được cái gọi là mục đích nghệ thuật thì rõ ràng bị phê phán là đúng. Mục đích không thể biện minh cho phương tiện và càng không thể khoác tấm áo nghệ thuật để muốn làm gì thì làm.
Một điểm cuối, cần tham khảo bởi nó có thể khép lại mọi ồn ào của bộ phim này, chính là chuyện đã có những người gửi ảnh cho một số toà soạn báo để nhờ truyền thông cho phim và ảnh đó chụp cảnh cô bé 13 tuổi để ngực trần. Và ở buổi rà soát, kết luận cuối cùng của Cục Điện ảnh chính là "bản phim mà nhà sản xuất mang đi duyệt khác với bản phim mà họ mang ra rạp chiếu cho công chúng".
Chuyện bây giờ đã quá rõ. Ai gian dối và ai đạo đức giả là không cần phải bàn cãi nữa. Lúc này là lúc cần các cơ quan pháp luật làm việc với đoàn phim về việc tại sao lại để một em bé 13 tuổi đóng những cảnh nóng như thế. Nên nhớ, không nghệ thuật nào, không quyền làm cha làm mẹ nào có thể bào chữa nổi cho một hành vi  như  vậy.


Nguồn: Văn Nghệ Công An