Với Trúc Thông, nếu trước đèn là một ấn phẩm của Nguyễn Bính lừng lẫy thi đàn hay một Trần Tâm thợ mỏ cũng vậy thôi, nếu ấn phẩm đó đích thực là Thơ thì lập tức anh đặt bút phẩm bình, không thiên vị. Trong việc sáng tác thơ cũng vậy, anh không bao giờ chịu sự tác động từ bên ngoài, không bao giờ chịu “hái theo mùa” hay sản xuất theo thời vụ mà chỉ nắm bắt những gì khó nắm bắt nhất từ những xô bồ cuộc sống chảy trôi, như níu giữ một cơn gió, một vệt nắng hay một làn hương chợt thoảng qua cửa sổ, để rồi biến cái khoảng khắc vô tình ấy thành cái vô biên, cái tức thời trở thành muôn thưở.



NGƯỜI THƠ TRÚC THÔNG

NGUYỄN THẨM VĂN

Tôi muốn gọi anh là Người Thơ. Người Thơ chứ không phải nhà thơ. Thơ vốn không phải là một nghề mà là một sân chơi. Đã là sân chơi thì ai chơi chả được, vì thế mới sinh ra những tổ chức thơ, những câu lạc bộ thơ, những hội thơ vô cùng đông đảo suốt từ Nam chí Bắc với những hoạt động sôi nổi chẳng kém chút nào, và mới thành ra có quá nhiều “nhà”. Quá nhiều “nhà” thì Người Thơ lại hiếm, tìm được một Người Thơ như Trúc Thông bây giờ thật không dễ chút nào. Và thế là tôi tìm đến một trong những Người Thơ còn trụ lại từ Thiên niên kỷ trước và giờ đây vẫn đồng hành cùng Thơ Trẻ. Tiếc rằng dịp này anh không được khỏe, đang nằm an dưỡng tại nhà riêng, không trò chuyện được nhiều. Thế nhưng tại những nơi không có mặt anh thì Trúc Thông vẫn như đang giữa đám đông, trong mắt bạn bè. Họ đang hào hứng nói về anh, về thơ anh, về nỗi khát vọng cách tân thơ của anh, như thể anh đang hiện diện. Té ra cái việc anh ốm nằm nhà chỉ là cái thể xác anh nó nằm ở nhà thôi, còn hồn vía anh vẫn đang ở giữa hội Thơ đấy chứ.
Trúc Thông không chỉ là một Người Thơ hiếm có ở đời này mà còn là một người thẩm thơ, bình thơ ít ai bì kịp. Các nhà thơ đời Đường khi đọc lời bình thơ của Kim Thánh Thán, bảo rằng “mắt Thánh Thán to bằng cái rổ”, tôi cũng muốn nói về Trúc Thông như vậy. Với thơ mình, anh luôn có ý thức tìm tòi, đổi mới nhưng khi bình thơ của bạn bè dường như anh tự tách mình ra, không quá coi trọng những bài thơ có màu sắc cách tân mà ngược lại, còn nồng nhiệt cổ vũ những bài thơ viết theo lối truyền thống. Có thể nói trong chuyện này anh rất công tâm, chấp nhận được nhiều gu, nhiều motip và rất “văn bản học”. Khi đối thoại với Thơ, anh chỉ biết có Thơ, không nể nang ai dù đó là một tên tuổi lớn, cũng không bỏ rơi ai dù đó là một kẻ vô danh, ít người biết đến. Với Trúc Thông, nếu trước đèn là một ấn phẩm của Nguyễn Bính lừng lẫy thi đàn hay một Trần Tâm thợ mỏ cũng vậy thôi, nếu ấn phẩm đó đích thực là Thơ thì lập tức anh đặt bút phẩm bình, không thiên vị. Trong việc sáng tác thơ cũng vậy, anh không bao giờ chịu sự tác động từ bên ngoài, không bao giờ chịu “hái theo mùa” hay sản xuất theo thời vụ mà chỉ nắm bắt những gì khó nắm bắt nhất từ những xô bồ cuộc sống chảy trôi, như níu giữ một cơn gió, một vệt nắng hay một làn hương chợt thoảng qua cửa sổ, để rồi biến cái khoảng khắc vô tình ấy thành cái vô biên, cái tức thời trở thành muôn thưở. Và anh thể hiện nó theo cách riêng mình, không giống bất kỳ ai và cũng không bao giờ tự lặp lại mình. Để làm được thế, Người Thơ Trúc Thông phải đọc rất nhiều, nghĩ rất nhiều. Đọc rất nhiều để không lặp lại, nghĩ rất nhiều để luôn luôn mới, nói một cách khác tức là phải rất thông thái về thơ đồng thời phải có một tầm văn hóa lớn. Nhưng trước hết và sau hết, cái đáng quý hơn cả ở Người Thơ này là thái độ trân trọng thơ, trân trọng người đọc vô cùng, đến mức nhiều khi anh phải vật vã với thơ đến từng câu chữ.
Có người nói rằng Trúc Thông cả đời khát vọng cách tân thơ nhưng thành công nhất của anh lại là những bài thơ cổ điển, trong đó tiêu biểu là bài Bờ sông vẫn gió viết kính dâng hương hồn mẹ anh sau khi bà mất. Đây là một bài thơ hay, đã rất nhiều người bình về nó. Ở đây tôi không định bình thêm mà chỉ muốn nói thêm một đôi điều. Với ai không biết nhưng với Trúc Thông, tôi nghĩ rằng trước khi bắt tay vào cuộc cách tân thơ, anh đã rất am tường về các thể thơ truyền thống. Vậy nên sự thành công của Bờ sông vẫn gió không chỉ vì trong đó chứa đựng tình mẫu tử sâu nặng mà còn ở sự tinh luyện của tác giả trong việc thể hiện nó bằng thể thơ truyền thống là lục bát. Chọn thể thơ này để viết về mẹ là phải đạo nếu không muốn nói là đắc địa, nhưng cái hay của nó không chỉ dừng ở nhịp điệu và những câu chữ uyển chuyển vốn là thế mạnh của thể thơ này, đằng sau nó còn có một cái gì rất lạ, một cái gì như là linh giác của người con trần thế trong một phút giây nào đó bất chợt nhìn thấy mẹ mình tự cõi nào hiển hiện trước mắt anh.
Lá ngô lay ở bờ sông
Bờ sông vẫn gió
người không thấy về 
Nếu nghe cho kỹ tiếng thầm thì này của Trúc Thông, ta chợt hiểu ra không phải anh đang mong mẹ về mà là mẹ anh đã về rồi, anh đã nhìn thấy mẹ, thấy bóng bà thấp thoáng trong làn gió lay động lá ngô kia. Nhìn thấy mẹ về mà vẫn nói người không thấy về, vẫn xin mẹ về một lần cuối thôi... nghe có vẻ phi lý quá. Nhưng nếu nghe kỹ hơn chút nữa, ta sẽ hiểu rằng người con - tác giả bài thơ này, không phải đang xin mẹ về mà đang sợ Người đi mất đấy. Hai câu cuối của bài thơ càng thấy rõ hơn điều đó:
Con xin ngắn lại đường gần
một lần rồi mẹ hãy dần dần đi.
 Xin lưu ý câu: “Con xin ngắn lại đường gần”. Nhà thơ Đỗ Trọng Khơi viết trên lucbat.com như sau: “Lẽ thường người con đứng trước khoảng cách “đường xa dặm thẳm” mới phải mong cho “ngắn lại” chứ?! Chính từ cái “nghịch lý” này mới họa rõ lên cái “nghịch phận”. Tình thơ bởi thế mới sâu nặng, mới ám ảnh...”. Tôi nghĩ không hẳn thế, ở đây có một cái gì đó hơi thần bí, nó khiến người ta liên tưởng đến cái “thuật rút đất” trong những câu chuyện cổ, lại khiến ta nhớ đến một câu Kiều: “Sen vàng lãng đãng như gần như xa”. Phải chăng chữ “gần” kia rất gần với chữ “gần” này, để rồi dẫn đến lời khẩn cầu tha thiết: “một lần... rồi mẹ hãy dần dần đi”? Và bởi thế, mặc dù trong toàn bộ bài thơ, trên bề mặt, chỉ thấy những hình ảnh quen thuộc: bờ sông và gió, rồi cây cau, cái giại, hiên nhà... không một câu chữ nào tả hình bóng mẹ vậy mà chỗ nào cũng thấy hình bóng mẹ hiện về. Đây không phải là “ý tại ngôn ngoại” như người ta vẫn nói khi bình những bài thơ truyền thống, đây là ý thơ được triển khai từ linh giác của nhà thơ khi nắm bắt cái “hiện thực ảo” tạo nên hình tượng Mẹ, khiến tình mẹ vốn đã rất nặng sâu trong niềm thương nỗi nhớ, càng trở nên rất đỗi linh thiêng trong tâm khảm người con và trong mỗi con người. Và ngôn ngữ thể hiện ở đây, dù rất tinh tế và gợi cảm, vẫn chỉ đơn thuần là phương tiện chuyển tải cho cái ý tưởng sâu xa ấy mà thôi. Đó chẳng phải là một trong những đặc tính của “thơ hiện đại” sao? Nếu quả thế thì phải chăng trong quá trình cách tân thơ, giữa hai chặng nghỉ, một cách vô tình Trúc Thông đã thực hiện việc “cách tân thơ” ngay cả trong thể thơ truyền thống? Phải chăng việc cách tân thơ, nếu không phải chỉ nhăm nhăm vào việc cách tân hình thức, thì có thể thể hiện bằng bất kì cách thể hiện nào, như cách của Trúc Thông trong thi phẩm Bờ sông vẫn gió?
Có người bạn nói với tôi: “Bài thơ Bờ sông vẫn gió của Trúc Thông ra đời đúng vào lúc tôi mất mẹ. Tôi khóc rất nhiều nhưng không viết được gì về bà, nên đã chép lại bài thơ này như một niềm an ủi. Cảm động nhất là lời đề từ: Chị em con kính dâng hương hồn mẹ, điều đó khiến tôi vô cùng kính trọng tác giả bài thơ, nó thể hiện một cái gì đó thật cao cả. Không hiểu sao khi đưa nó vào tuyển tập thơ, người ta lại cắt đi lời đề từ đó. Tôi rất bực, như thể nhiều nhà biên tập không cảm được cái chỗ hay nhất của bài thơ”.
Vậy là mỗi bạn văn đều phát hiện ở Trúc Thông những nét đẹp riêng. Còn tôi, tôi coi Trúc Thông như một người anh lớn, từ lâu tôi đã có nhiều dịp tiếp cận. Hồi còn ở Quảng Ninh, tôi làm Biên tập chương trình Văn nghệ của Đài tỉnh, trong khi đó Trúc Thông làm Biên tập Văn nghệ Đài Tiếng nói Việt Nam, nghĩa là tôi với anh là cành trên cành dưới cùng một gốc. Đấy là nói về nghề, còn về nghiệp thì đối với tôi, anh là bậc đàn anh trong văn giới, luôn hết lòng chăm chút cho lớp trẻ. Hồi tôi mới viết văn, hầu như truyện ngắn nào của tôi ra đời cũng được anh biên tập và cho đọc trên Đài, đôi khi còn giới thiệu rất trang trọng nữa. Hồi ấy mỗi lần có việc về Hà Nội, tôi thường tá túc ở nhà anh, và trong những đêm tâm sự, từ chuyện văn cho đến chuyện đời, bao giờ anh cũng để lại trong tôi một ấn tượng khó quên. Bây giờ kể ra thì dài lắm, chỉ biết rằng trong mắt tôi, anh không chỉ là người có cuộc sống nội tâm phong phú mà còn hội tụ cả văn tài, liên tài, cả văn hóa trong thơ và văn hóa ứng xử của Người Thơ.
Phải chăng vì thế, từ lâu rồi Trúc Thông đã được xem như một chỗ dựa tin cậy của bạn bè đồng nghiệp. Không chỉ là sự “khát vọng cách tân thơ” như ai đó nói mà trước hết, đến với anh là đến với thơ, đến với sự xác tín trong thơ, sự mong mỏi cái toàn bích trong thơ và tính chuyên nghiệp trong thơ. Và dĩ nhiên, trong văn học nói chung, cũng vậy.