Nhà báo Ngô Nguyệt Hữu sinh năm Quý Hợi 1983. Ở tuổi 36, đã đủ hiểu biết về nghề, và đã thôi ảo tưởng về nghiệp, Ngô Nguyệt Hữu đang cầm bút bằng sự lựa chọn hướng đi riêng mình. Ngô Nguyệt Hữu đã có 2 cuốn sách, tập văn “Đi ở nhớ về” và tập thơ “Mai kia mốt nọ mình rời bỏ người ta”.



NHÀ BÁO GIỮA KHÁT VỌNG RIÊNG VÀ LỢI ÍCH NHÓM

LÊ THIẾU NHƠN

Một tờ báo nói riêng và một diện mạo truyền thông nói chung, sẽ vô cùng nhạt nhòa nếu không có sự xuất hiện của những cây bút cá tính. Trong dăm năm trở lại đây, khi báo chính thống song hành tương tác và cạnh tranh mạng xã hội, thì Ngô Nguyệt Hữu là một cây bút được nhiều người biết đến. Chàng trai Ngô Hữu Kinh Luân sau khi tốt nghiệp đại học, đã theo nghề báo với bút danh Ngô Kinh Luân, và có thời gian là một cộng tác viên tích cực của ấn phẩm Kiến Thức Gia Đình. Sau khi lấy vợ, Ngô Kinh Luân lấy chữ lót trong tên vợ và tên mình ghép lại, mà có thêm bút danh Ngô Nguyệt Hữu. Bây giờ, bút danh Ngô Nguyệt Hữu quen thuộc hơn bút danh Ngô Kinh Luân!
Nhân kỷ niệm ngày 21-6, chúng tôi trò chuyện với Ngô Nguyệt Hữu, như một cách chia sẻ về thực trạng báo chí nước nhà và tâm tư một thế hệ đang hào hứng với tin tức mỗi ngày.

@ Có một sự thật đang diễn ra mà không ai có thể phủ nhận: Báo in sụt giảm từng ngày. Anh hình dung đoạn kết nào cho báo in? Bản thân anh có thiện cảm với báo in hay báo điện tử?
Ngô Nguyệt Hữu: Thật ra thì chuyện báo in là chuyện mà mười năm trước, anh và tôi đã từng nói. Công nghệ quả nhiên kỳ diệu, kỳ diệu đến mức vượt ngoài tiên liệu của mọi người.
Tôi vẫn tin báo in không "chết" hoàn toàn, chỉ là khu biệt đối tượng, có chọn lọc hơn. Tất nhiên người làm báo in phải thay đổi liên tục để hấp dẫn, măc cho sự thay đổi đó trong bối cảnh này rất khó, vì quan trọng nhất vẫn là giữ chân bạn đọc trung thành, bạn đọc lâu năm. Chứ giờ mà phát triển thêm bạn đọc mới của báo in thì e rằng hơi viễn tưởng.
Ngày trước mỗi lần báo ra, tôi chưa ngủ dậy đã nhận được tin nhắn hay điện thoại của đồng nghiệp, người quen nhận xét về bài viết của mình. Mấy ngàn ngày đã trải qua, tôi không còn nhận được điều ấy nữa, mặc dù vẫn đều đặn viết.
Báo in như mối tình đầu vậy, có đứt đoạn nợ duyên vẫn không thôi tơ tưởng và nhớ về bằng sự ấm êm. Tình cảm ấy tuyệt đối không bao giờ thay đổi.

@ Vài năm gần đây, mạng xã hội chiếm lĩnh đời sống truyền thông. Nhiều người cho rằng, mạng xã hội đã giành được ưu thế trước báo chính thống. Theo anh, xu hướng ấy tồn tại bao lâu và có… phức tạp hơn không?
Ngô Nguyệt Hữu: Mạng xã hội thay đổi thói quen tiếp nhận thông tin và cả cách thức đưa thông tin với khái niệm "nhà báo công dân" hoặc "mỗi facebooker là một nhà báo". Tuy nhiên, mạng xã hội rất khó giành được ưu thế trước báo chí thống. Bởi, ngoại trừ một ít facebooker sử dụng ngôn ngữ báo chí cho mỗi status post trên mạng, tiết chế được cảm xúc và hơi có biểu hiện cực đoan chữ nghĩa. Còn lại đa phần đang buông lơi câu chữ của mình một cách bản năng. Nhưng có điều dễ nhận thấy là thay vì gọi đến đường dây nóng của các báo theo cách truyền thống như trước đây, thì một status nhanh chóng biến thành một cơn bão thông tin mà không cần phải liên lạc qua bất cứ tòa soạn báo nào. Đây cũng là điều thú vị và đáng suy nghĩ.

@ Là một hot Facebooker, anh đánh giá như thế nào về tin giả trên mạng xã hội?
Ngô Nguyệt Hữu: Có rất nhiều tin giả trên mạng xã hội, nhất là trên các trang ẩn danh, người dùng tài khoản mạng xã hội sử dụng hình ảnh lẫn tên không có thật. Họ đưa thông tin vô trách nhiệm, nếu không muốn nói là cẩu thả và rất có ý đồ. Báo giới thì loay hoay trong việc đính chính tin xuất hiện trên mạng xã hội, trông vừa xót vừa vuồn.

@ Một bài viết của anh trên mạng xã hội và trên báo chính thống, khác biệt nhiều hay ít?
Ngô Nguyệt Hữu: Thật ra, tôi vẫn tâm niệm và nhất quán về lựa chọn của mình, đó là phản biện để mong mọi thứ tốt đẹp lên. Ở tờ An Ninh Thế Giới Giữa tháng và Cuối tháng, chúng tôi vẫn có những bài viết phản biện, góp ý mạnh mẽ ở từng số báo. Lâu trước tôi có nghe điệp khúc, "Viết báo một đằng, viết mạng xã hội một kiểu", tôi không biết điều này có đúng với thực tế hay không? Bởi theo quan sát của tôi thì những đồng nghiệp viết báo và viết mạng xã hội không có gì khác cả. Chuyện gì đáng chê thì chê, đáng khen thì khen. Đáng phê phán thì phê phán, đáng ủng hộ thì ủng hộ. Cái khác duy nhất của tôi giữa viết báo và viết mạng xã hội chính là số chữ, viết báo tốn chữ nhiều hơn.

@ Chính phủ vừa công bố Quy hoạch báo chí quốc gia. Sự sắp xếp các cơ quan truyền thông sẽ tạo cú hích gì chăng? Liệu những loại hình nửa báo chính thống nửa mạng xã hội như các trang tin điện tử có còn đất sống?
Ngô Nguyệt Hữu: Thật khó để đưa ra dự đoán này, dẫu hiện tại chúng ta đang tràn lan các ấn phẩm báo chí. Một dạo, các nhà quản lý báo chí nói nhiều đến sắp xếp lại các báo, không cấp phép cho các ấn phẩm mới... nhưng giữa nói và làm có chút mâu thuẫn, càng nói cấm càng cấp phép nhiều hơn.
Bây giờ thì có vẻ như mọi thứ đang được đưa vào lộ trình một cách quyết liệt và mạnh mẽ hơn. Tôi chỉ e rằng sau đợt quy hoạch này, sẽ có nhiều biến động về thông tin, các cây bút tràn ngập khắp trên internet.
Cũng là để xem một hai năm tới ra sao vậy, chứ bằng kinh nghiệm của mình, tôi thấy mọi thứ đang loay hoay.

@ Vấn đề đào tạo cử nhân báo chí nhiều năm qua vẫn chưa có tín hiệu khả quan. Khi mỗi người đều dễ dàng thành một “Tổng Biên tập” trên Facebook, thì làm sao để có đội ngũ nhà báo thế hệ mới chuyên nghiệp và bản lĩnh?
Ngô Nguyệt Hữu: Các bạn trẻ theo nghề báo bây giờ có tư duy khác với anh hay tôi ngày trước. Có lẽ là hiện tại các bạn ấy có nhiều mối quan tâm hơn và nhiều lựa chọn hơn. Cũng chưa thấy có bạn nào nổi bật hoặc có nổi bật thì số này ít quá. Nhìn quanh vẫn là những cây bút đã trên tuổi ba mươi mà số này lại không nhiều. Mọi thứ đều đều, tính kế thừa thì tôi không thấy rõ lắm. Tôi đố anh - một người có tầm quan sát bao quát cả báo chí và văn chương, một cá nhân đọc rất nhiều, có thể kể cho tôi nghe hơn một cái tên của nhà báo nào đó dưới ba mươi tuổi để lại cho anh một ấn tượng?

@ Đúng là tôi cũng chưa tìm ra gương mặt nào mới. Thậm chí, đọc những bạn trẻ viết tràn lan trên mạng, tôi cũng không thấy dấu hiệu nào dự phóng một cây bút tương lai. Thật nguy hiểm, khi nhiều bạn trẻ bước vào nghề báo mà không có khát vọng gì…Nếu làm báo chỉ để kiếm cơm kiếm áo thì buồn quá!
Ngô Nguyệt Hữu: Vâng, khi chập chững vào nghề, tôi gắn bó nhiều năm với Kiến Thức Gia Đình vì ấn phẩm này luôn tôn trọng phong cách viết của từng người!

@ Cũng đáng âu lo không kém là khái niêm “lợi ích nhóm” đang xuất hiện trong mọi lĩnh vực. Ở môi trường báo chí, “lợi ích nhóm" có màu sắc riêng?
Ngô Nguyệt Hữu: Điều này tồn tại từ rất lâu rồi, cũng không có gì thay đổi. Một nhóm nhà báo chơi với nhau, từ sơ giao thành thân tình. Rồi nhà báo này chơi với doanh nghiệp này, nhà báo kia chơi với quan chức kia. Có chuyện thì cũng giải cứu, có chuyện thì cũng xin gỡ... Chỗ anh em bạn bè, không nể nhau thì kỳ, không giúp nhau thì ngại. Cứ vậy mà hình thành nên nhóm lợi ích thôi.

@ Anh là một trong số ít những nhà báo trẻ thành danh trong một thập niên trở lại đây. Anh có bí quyết hay kinh nghiệm gì để chia sẻ với những người trẻ hơn không?
Ngô Nguyệt Hữu: Cũng không có bí quyết nào. May mắn là ngay khi vào nghề, tôi đã gặp nhiều anh chị say nghề, say chữ và có chuyên môn tốt hướng dẫn, tận tình chỉ bảo. Như chính anh Lê Thiếu Nhơn cũng đã giúp đỡ tôi rất nhiều, từ tư duy cho đến quan sát. Tôi vẫn nhớ lời anh những ngày tôi còn lầm lũi tìm kiếm lĩnh vực riêng thể hiện mình: "Phải viết, làm gì thì làm nhưng phải viết đều, ngày nào cũng viết". Gần hai mươi năm theo nghề báo, tôi luôn thực hiện theo lời dặn của anh. Tất nhiên, không phải điều gì mình viết ra cũng in, cũng post trên facebooker cá nhân.

@ Trong nghề báo, có nhiều quan hệ chằng chịt rất khó rạch ròi. Nếu phải lựa chọn giữa tình cảm, vật chất và sự thật, thì anh sẽ đắn đo thế nào? Anh đã bao giờ phải khó xử trước chuyện phải viết ra hoặc đành im lặng, phải công bố và đành xóa đi?
Ngô Nguyệt Hữu: Bất cứ nhà báo nào cũng trải qua điều mà anh vừa hỏi. Đáng buồn nhất của chúng ta chính là điểm này. Nhưng điều đáng buồn hơn cả là cơ chế tự kiểm duyệt trong mỗi nhà báo chuyên nghiệp chằng chịt rào cản, càng biết nhiều đặt bút viết càng băn khoăn. Cứ như năm hai mươi tuổi thì hay, cứ viết và viết, cứ viết và viết mà không cần phải rụt rè để ý xung quanh.

@ Cái hay của tiểu ngư là cứ tung tăng bơi lội, dù có gặp Long Vương cũng không biết mặt để… chào hỏi đúng nghi lễ cấp trên - cấp dưới!
Ngô Nguyệt Hữu: Hoài tưởng về tuổi trẻ, tự dưng tôi nhớ thi sĩ Thanh Tùng quá. Năm xưa, ở tòa soạn Kiến Thức Gia Đình, ông từng nói với tôi: "Tuổi trẻ mới là thứ danh vọng quý giá nhất". Càng có tuổi, tôi càng thấm thía câu nói này./.


Nguồn: Báo Kiến Thức Gia Đình số ra ngày 20-6-2019