Đã có “một bộ phận không nhỏ” quan chức từ cấp huyện trở lên có “sân sau”. Cái có này nhiều khi rất nhẹ nhàng, nhiều khi như không cố ý. Vì khi anh đã có chức quyền, thì tự nhiên cái ‘sân sau” nó tìm đến với anh.




SÂN SAU - BIỂU HIỆN CỦA THAM NHŨNG

THANH THẢO

Từ một cái tên rất đỗi hiền lành, gắn nhiều với những ngôi nhà nông thôn có vườn rộng, đột nhiên những năm gần đây cụm từ “sân sau” nổi lên như một biểu hiện của… tham nhũng. Nói “sân sau” tham nhũng cái gì thì chẳng mấy ai biết, vì cái sân cũng chỉ là cái sân. Nhưng nói đó là “sân sau của quan chức” thì người ta biết, dù không dễ tìm ra người ta tham nhũng ở sân sau như thế nào.
Chưa tìm ra rồi sẽ tìm ra.
Đã có “một bộ phận không nhỏ” quan chức từ cấp huyện trở lên có “sân sau”. Cái có này nhiều khi rất nhẹ nhàng, nhiều khi như không cố ý. Vì khi anh đã có chức quyền, thì tự nhiên cái ‘sân sau” nó tìm đến với anh. Nó ngoan ngoãn và dễ bảo đến không chịu nổi. Nó tình nguyện phục vụ anh vô điều kiện. Chỉ cần, anh công nhận nó là “sân sau” của anh. Thế là đủ.
Làm “sân sau” cho quan chức có lợi gì?
Trước hết, là có lợi cho việc thực hiện các dự án. Nhiều khi, có “sân sau” rồi, người ta mới nghĩ ra các dự án. Vì đã có “phương án thực hiện” từ trước khi có dự án.
Những doanh nghiệp tình nguyện làm “sân sau” cho ai đó có khổ không? Khổ lắm chứ. Đêm hôm, tối lửa tắt đèn, mưa to gió lớn, cứ sếp gọi là “có em đây!” Không vất vả, sao thành công? Nhưng có sướng không? Sướng lắm chứ. Nhất là trong thời buổi cạnh tranh, “mật ít ruồi nhiều” như thế này, kiếm được một dự án để làm không hề dễ, dù mình cũng “chịu chi” không thua kém ai. “Người ta sao, tôi vậy”. Nhưng cũng không được. Vì những dự án ấy đã có “sân sau” đảm trách. “Sân sau” không những chi đúng, chi đủ, mà còn “hơn cả một chuyện chi”, nói theo kiểu quảng cáo của một hãng hàng không bây giờ, là “hơn cả một chuyến bay”. Thử hình dung xem, thực hiện một dự án thì cũng chỉ là thực hiện một dự án, nhưng “hơn cả thực hiện một dự án” là cái gì?
Câu chuyện “sân sau” tuy không ồn ào, nhưng ai cũng biết. Có điều, biết vậy thôi, cùng  lắm, cũng chỉ là những tin đồn. Vì “sân sau” không phải là “sân trước”, không phải ai cũng tò mò nhòm ngó vào được. Những che chắn ở đây là rất kỹ, và cách “xóa dấu vết” cũng rất chuyên nghiệp. Chuyện này, đến một quan chức cấp huyện cũng có thể biết.
Trong tương lai gần, nếu không có những cơ chế kiểm soát được việc hình thành và thực hiện các dự án, từ dự án nhỏ tới dự án lớn, những cơ chế kiểm soát được đưa vào luật, thì chuyện “sân sau” vẫn sẽ tiếp diễn một cách bình yên. Nhất là khi “sân sau” bây giờ không chỉ là “sân bay nội địa”, mà còn là “sân bay quốc tế”. Các quy chế đấu thầu, không hề lạc hậu, nhưng đều đã trở thành hình thức. “Sân sau” sẵn sàng tham gia đấu thầu một cách minh bạch, và luôn luôn… trúng thầu, cũng một cách không kém minh bạch. Đơn giản, “vì em là… sân sau”.
Đã xa rồi cái thời thời những hợp đồng kinh tế, những vụ chạy chọt được ký tắt tại các bàn nhậu, dẫn đến tham nhũng, hối lộ cả bằng tình và tiền, biến nhiều cán bộ tốt đầy năng lực trở thành kẻ sa đọa phải ngồi tù hết đời. Chuyện đó giờ chưa phải là đã hết, nhưng dần dà đã “biến thể” thành một mối quan hệ khác, quan hệ “sân sau”, vừa kín đáo, lại vừa an toàn. Dần dà nó trở thành một thế lực, một mối quan hệ “khăng khít” giữa quyền lực và tiền bạc, những nhóm lợi ích có khả năng thao túng nhiều lĩnh vực trong xã hội… Chính vì vậy mà trong công cuộc chống tham nhũng hiện nay, không thể không chú ý đến những cái “sân sau” có thể là rất nhỏ, núp dưới nhiều hình thức tinh vi thoạt nhìn rất dễ cho qua, nhưng đó chính là nguyên nhân, là phương tiện để tham nhũng tồn tại và  phát triển…


Nguồn: Văn Nghệ