Không thể phủ nhận hình ảnh các sạp báo con con, dã chiến cũng góp phần làm nên bộ mặt văn hóa của thành phố. Tất nhiên, không thể loại trừ thời kỳ báo điện tử lên ngôi khiến cho các tờ báo giấy mất địa vị “đại ca”, đã có thế hệ không còn thích ngửi mùi mực in nữa. Nhưng cũng không gì vậy mà báo giấy mất đi những bạn đọc – những người còn thích đọc chữ in trên giấy, trước ly cà phê trong quán nhỏ lề đường. Thời nay, buồn thay đi đâu cũng thấy nhà hàng, nhà ăn siêu thị nhưng tìm một sạp báo để mua một tờ báo thì chẳng biết tìm ở phương nào?



SẠP BÁO- BỘ MẶT VĂN HÓA ĐƯỜNG PHỐ

LÊ VĂN NGHĨA

Khi bỏ khu kinh tế mới Lê Minh Xuân về lại Sài Gòn tìm kế sinh nhai, mẹ tôi trở thành một nhà “thương nghiệp phân phối báo”- cách gọi vui của tụi tôi thay thế cho cụm từ “người bán báo vừa thương, vừa tội nghiệp”. Lúc ấy, ngay đường Nguyễn Chí Thanh- góc bùng binh ngã sáu vẫn còn một sạp báo cũ, chúng tôi tìm cách mua lại từ một đơn vị quản lý với giá khá hời vì họ không biết sử dụng cái sạp báo này vào công năng gì nữa. Và từ đó, khong năm 82 tại khu vực này, có một sạp báo khá đẹp, được trang hoàng bằng những tờ báo màu, khá bắt mắt. Hàng ngày, mỗi sáng trên đường đi làm nhiều người với dáng vẻ là công nhân viên chức đã ghé sạp báo bà Ba để mua tờ báo Tuổi Trẻ, Phụ Nữ TPHCM, Thanh Niên hay Thể Thao… Thậm chí có người còn mua tới ba, bốn t để đọc cho nó đã thèm. Nhưng chỉ được một thời gian, theo lệnh của bà giám đốc trung tâm thương nghiệp quận 10, sạp báo bề thế này bị triệt hạ để cửa hàng vàng bạc sau lưng được thông thoáng. Và có lẽ đây là sạp báo lề đường cuối cùng bị triệt hạ để nhường lại cho các sạp báo bằng những cái bàn nho nhỏ, gấp vào được để dễ chạy…

Hồi trước, báo chí Sài gòn chưa bao giờ phát hành thông qua hệ thống bưu điện. Rộn rã và ầm ĩ nhất là những đứa trẻ bán báo dạo với những tờ báo mới ra lò “vừa thổi vừa coi” trên đường phố. Đây là kênh phân phối “di động, nhanh chóng, kịp thời” đưa báo đến tay người đọc tận hang cùng ngõ hẻm. Sau đó, hệ thống các sạp báo ở ngã tư là nơi chốn đón nhận những tờ báo hàng ngày của người đi làm, nếu như họ không đặt báo giao tận nhà do phải tốn thêm chút phí cho người giao báo

Hệ thống sạp báo ở các ngã tư là một kênh phân phối của nhà phát hành Thống Nhất. Khi xe cộ chen chúc, khi người ta dập dềnh ở các rạp hát, quán ăn thì hình ảnh các sạp báo nho nhỏ làm cho các ngã tư trở nên mềm mại, dịu mắt và đầy văn hóa hơn. Thời nào cũng vậy, báo chí luôn là thức ăn tinh thần hàng ngày của dân Sài Gòn. Báo chí không phải là đặc sản dành riêng cho những người trí thức- chỉ trừ những tờ tạp chí chuyên ngành. Nhiều người đến thành phố năng động này đều ngạc nhiên khi thấy hình ảnh của những bác xích lô đạp, khi ngả lưng buổi trưa hay trong lúc chờ khách đều lấy tờ báo ra đọc một cách chăm chú. Hình ảnh những người ngồi quán cà phê cóc vỉa hè buổi sáng với tờ báo trên tay là hình ảnh quen thuộc khi có du khách muốn tìm hiểu hình ảnh buổi sáng của thành phố lúc rạng đông.

Người đọc đến mua báo không chỉ là mua báo mà con có thể bàn luận về chuyện thời sự giá gạo, chuyện tăng lương, chuyện chiến tranh lạnh của Nga-Mỹ, chuyện thế giới, chuyện chừng nào ở VN ngưng bắn… hết sức tình thương mến thương. Mà những cái sạp báo ấy có bề thế gì cho cam. Chỉ là cái thùng, được gia cố bằng một khung thân sắt có mái che, chừng một mét vuông và cao hai mét đủ để che nắng, che mưa. Các tờ báo hàng ngày được bày trên mặt thùng, nếu báo còn dư thì khi “đóng cửa” sẽ được cất vào thùng có khóa ngoài. Tôi không biết các kiều dáng sạp báo này có được “quy hoạch” đúng quy cách hay không nhưng thường thấy ở những ngả tư đường phố nhỏ với hình dạng giống nhau y hệt. Còn ở những khu thị tứ thì tôi thấy có những sạp báo khá bề thế, người bán báo có thể ngủ trong đó được luôn. 

Một thời gian sau 1975, những sạp báo loại này biến mất vì báo chí lúc ấy được phát hành qua bưu điện, cũng một phần là do báo chí thời kỳ đầu còn bao cấp, làm báo theo lối cũ chưa đổi mới nội dung nên người ta cũng chưa cần tìm đọc hàng ngày vì thế sạp báo cũng chưa cần thiết lắm. Thành phố thời đó vắng những sạp báo ngã tư. Một thời gian sau thời kỳ báo chí tự đổi mới, trên lề đường, ngã tư hè phố bắt đầu có những sạp báo nho nhỏ, không kiên cố xuất hiện. Những sạp báo này, đôi khi là cái bàn nhỏ, đôi khi chỉ là cái ghế đựng một chồng báo đang ăn khách. Có người thì cho báo dựa vào tường, còn họ cầm báo đứng ngoài lề đường rao vẫy khách qua đường. Phải nói rằng, những sạp báo nầy có tính cách dã chiến và không đẹp bằng những sạp báo mà tuổi thơ tôi đã biết do người bán báo phải đối phó với các chiến sĩ dọn dẹp lề đường.

 Tôi còn nhớ hoài hình ảnh sạp báo của nhà báo kiêm phê bình văn học Cao Huy Khanh bên hông báo Tuổi Trẻ góc đường Nguyễn Đình Chiểu và Phạm Ngọc Thạch. Điều đặc biệt của sạp báo nầy là làm bằng tre, nứa lá, chủ nhân vừa bán báo vừa bình luận bóng đá bằng tấm bảng to treo bên hông sạp. Riêng nhà thơ Trần Phá Nhạc có một sạp báo bằng gỗ đường hoàng trước bờ tường Hội Văn Nghệ TPHCM trên lề đường Trần Quốc Thảo. Nhờ sạp báo mà gia đình hai nhà văn này cũng tạm ổn định cho đến khi bị…dẹp. Rôm rả nhất thời ấy là sạp báo của chị Mai, chị Lý trước cổng báo Tuổi Trẻ đường Lý Chính Thắng, báo Sài Gòn Giải Phóng đường Nguyễn Thị Minh Khai. Một sạp báo ở góc ngã tư Nguyễn Đình Chiểu và Cách Mạng tháng Tám rực rỡ lắm với đủ loại báo và tạp chí. Muốn mua sách báo ngoại văn thì hãy đến khu sạp báo thò thụt (nếu có người mua thì thò ra, trật tự đô thị đến thì thụt vào). Nếu cần đọc báo, trừ buổi tối, kỳ dư người đọc có thể dễ dàng tìm mua các loại báo tạp chí ở các ngã tư. Một hình ảnh hiếm thấy ở Hà Nội.
Tuy nhiên, dần dà theo thời gian các cuộc chiến dịch hễ mỗi lần có chiến dịch trật tự lòng lề đường thì một số sạp báo mất đi. Bây giờ, có nhiều “sạp” chỉ là vài tờ báo năm trên tấm nilong ở lề đường ( như “sạp” của một bác già ở đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa gần góc Lý Chính Thắng)

Các sạp báo ở ngã tư vừa giúp cho người bán có sinh kế, người mua được truyền tải tin tức chính thống từ kênh nhà nước và cũng góp phần phát hành cho hệ thống báo chí của thành phố. Mặt nào đó, không thể phủ nhận hình ảnh các sạp báo con con, dã chiến cũng góp phần làm nên bộ mặt văn hóa của thành phố. Tất nhiên, không thể loại trừ thời kỳ báo điện tử lên ngôi khiến cho các tờ báo giấy mất địa vị “đại ca”, đã có thế hệ không còn thích ngửi mùi mực in nữa. Nhưng cũng không gì vậy mà báo giấy mất đi những bạn đọc – những người còn thích đọc chữ in trên giấy, trước ly cà phê trong quán nhỏ lề đường. Thời nay, buồn thay đi đâu cũng thấy nhà hàng, nhà ăn siêu thị nhưng tìm một sạp báo để mua một tờ báo thì chẳng biết tìm ở phương nào? Để thay lời muốn nói về tình yêu với các sạp báo ngã tư của người đường phố, tôi xin trích phát biểu của ông Trần Vĩnh Tuyến –phó chủ tịch UBND.TPHM :“Tôi đã đi nhiều nước và thấy rằng, tại các thủ đô, các đô thị lớn của họ, trên vỉa hè vẫn có những ki ốt, quầy báo, tạp chí, ấn phẩm quảng bá, hướng dẫn du lịch, mang lại nét đẹp văn hóa cho đô thị. Báo chí là một loại hàng hóa đặc biệt, giá trị của nó phụ thuộc vào tính thời sự theo từng ngày, từng giờ nên việc phát hành nó không giống như các loại hàng hóa khác thường được bán trong cửa hiệu, cửa hàng. Theo tôi, tại VN, các TP lớn nên xem xét, nghiên cứu quy hoạch hệ thống các ki ốt, quầy báo một cách khoa học, ở những vị trí phù hợp nhất, không cản trở người đi bộ. Không chỉ nâng cao vẻ đẹp văn hóa, văn minh đô thị, làm cho đường phố sống động hơn, các quầy báo còn góp phần đáp ứng nhu cầu thông tin cho người dân và tạo cơ hội để các cơ quan báo chí tăng lượng phát hành, nhất là trong điều kiện báo chí hiện nay đang gặp khó khăn.”
Được biết, câu nầy ông nói vào tháng 3/2017 và bây giờ là ngày nhà báo 2019!