Giữa hè 1995, Nguyễn Quang Lập háo hức thông báo: “Hữu Thỉnh mời tao về báo Văn nghệ, làm tờ Văn nghệ Trẻ, mày ạ”. Tôi bảo, nhận ngay thôi. Nguyễn Quang Lập nghiền ngẫm, lập đề cương tờ báo, mấy hôm sau, mang đến tôi tập giấy 5 hào 2, viết chi chít các chuyên mục, bảo tôi góp ý. Tôi góp vài chỗ. Nguyễn Quang Lập bảo: “Tao cần một bài phỏng vấn Thủ tướng về văn học trẻ cho số ra đầu tiên”.




NHỮNG THÁNG NGÀY TƯƠI ĐẸP

NGUYỄN THÀNH PHONG

Tháng 12/1985, Hội nghị Những người viết văn trẻ toàn quốc được tổ chức. Người có ý tưởng và có công lớn, kiên trì trong việc này là nhà thơ Hữu Thỉnh, một thành viên mới và trẻ của dàn lãnh đạo Hội Nhà văn Việt Nam thời đó.
Sau Hội nghị, một bầu không khí say mê, ganh đua sáng tạo văn chương trong những người trẻ như một luồng gió mạnh mới bùng lên. Nhưng nơi để các cây bút trẻ xuất hiện in tác phẩm thì rất khó khăn.
Hội Nhà văn có tờ báo Văn nghệ, 16 trang, ra mỗi số một tuần, như một sa lông sang trọng, lớp trẻ dễ gì ngồi vào? Lúc đó tôi đã có nhiều thơ in trên “Văn nghệ”, nhưng được “quán triệt giới hạn” là mỗi năm không in thơ quá hai lần. Đã có nhiều cây bút trẻ nêu lên ý kiến, cần phải có một tờ báo dành cho văn chương trẻ.
Tôi nhớ, sau Hội nghị một thời gian, nhà thơ Phạm Tiến Duật có một bài phỏng vấn các cây bút trẻ in trên tờ Văn nghệ, với nội dung, làm gì để văn học trẻ phát triển, tôi có trả lời là, cần nhanh chóng ra một tờ báo trẻ, cho người viết trẻ, vì văn chương trẻ.
Vậy mà cũng phải đến gần 10 năm sau, Văn nghệ Trẻ mới ra đời…
Cuối năm 1994, tôi đang là biên tập viên NXB Công an nhân dân, được mời làm thư ký tòa soạn tờ tuần báo “Thanh niên thời đại” của Ủy ban Thanh niên quốc gia. Vào thời điểm ấy, Nguyễn Quang Lập dẫn vợ con rời Quảng Trị ra Hà Nội.
Tôi chơi với Lập hồi học Đại học Bách Khoa Hà Nội từ những năm 1977 - 1982, vì cả hai cùng làm thơ. Anh Lập hơn tôi 3 tuổi, học trước tôi hai khóa, nhưng tôi cứ ù xọe xưng hô “ông, tôi” cho gần gũi. Lập hồi đó đã nổi như cồn, là phó cho anh Hoàng Phủ Ngọc Tường, Chủ tịch Hội Văn nghệ Quang Trị.
Lập còn là đại biểu HĐND, đang làm tờ tạp chí “Cửa Việt” cực duyên và hay. Thế mà bỏ ngang đi, ra Hà Nội. Sáng sáng, Lập dắt xe máy khỏi nhà, bảo với vợ là đi làm, nhưng đã có việc đâu, chỉ chạy rông kiếm tiền vặt, nói thế cho vợ con yên tâm.
Làm thư ký tòa soạn, tôi tìm cách đặt bài Lập để bạn có thêm tiền mua xăng đổ xe máy chạy rông.
Đầu năm 1995, tờ “Thanh niên thời đại” chuyển vào miền Nam để ê kíp trong đó làm, vừa hay có tờ “Văn hóa” lại chuyển từ Nam ra Hà Nội để tòa soạn làm. Tổng biên tập “Văn hóa” mời tôi giúp, cho ba suất lương để lập tổ tư vấn. Tôi liền mời Nguyễn Quang Lập giúp mảng phóng sự xã hội, mời một người nữa lo mảng dịch các tin tức nước ngoài, tôi chuyên đi phỏng vấn, đối thoại với các chính trị gia…
Giữa hè 1995, Lập háo hức thông báo: “Hữu Thỉnh mời tao về báo Văn nghệ, làm tờ Văn nghệ Trẻ, mày ạ”. Tôi bảo, nhận ngay thôi. Lập nghiền ngẫm, lập đề cương tờ báo, mấy hôm sau, mang đến tôi tập giấy 5 hào 2, viết chi chít các chuyên mục, bảo tôi góp ý. Tôi góp vài chỗ. Lập bảo: “Tao cần một bài phỏng vấn Thủ tướng về văn học trẻ cho số ra đầu tiên”. Vừa hay, chiều hôm ấy, Thủ tướng Võ Văn Kiệt cho thư ký gọi tôi lên để nghe ông kể về người con trai là bộ đội hy sinh trong chống Mỹ, theo đề nghị của tôi. Tôi đồng ý giúp Lập. Chuyện ấy hóa ra dễ dàng. Khi tôi hỏi Thủ tướng, ông biết rất nhiều về các nhà văn, như Nguyễn Quang Sáng, Nguyễn Duy, ông kể cả đến tên và sáng tác của Phan Thị Vàng Anh, còn bảo đấy là con gái anh Chế Lan Viên, rồi Phan Triều Hải. Ông nói, lớp trẻ sáng tác văn chương cần phải có cái nhìn tương lai.
Tháng 7/1995, báo Văn nghệ in bài bút ký “Như muôn vàn người lính” của tôi viết về sự hy sinh và tình cảm cha con của Thủ tướng. Tiếng tăm tôi lên ầm ầm. Trong khi đó, Lập gặp “chuyện”. Cái truyện ngắn “Chuyện không có trong sự thật” của Lập trên Văn nghệ quân đội bị vu cho là “nói xấu và xuyên tạc” hình ảnh Thủ tướng. Rầm rĩ ghê gớm. Chỉ còn hơn một tháng nữa, Văn nghệ Trẻ phải ra rồi (dự định đầu tháng 9/1995). Hữu Thỉnh là người quyền biến trong xử lý, “né họa”. Anh bảo: “Thôi, giờ Lập nấp xuống dưới chiến hào và giúp người khác làm”, rồi giao cho Nguyễn Quang Thiều, trưởng ban văn học nước ngoài của Văn nghệ chủ trì Văn nghệ Trẻ, đồng thời mời tôi về làm cùng. Vậy là từ đấy, hình thành bộ ba Văn nghệ Trẻ đầu tiên, ba chàng họ Nguyễn: Thiều, Lập và Phong.
Nguyễn Quang Thiều cũng là một người tài, và lịch duyệt. Tôi chơi với Thiều từ đầu những năm 1980, cùng làm thơ. Nguyễn Quang Thiều hóa ra là một tay làm báo rất “mả”, đưa ra nhiều chỉ đạo và thay đổi lạ lẫm, hợp lý. Ngày 5/9/1995, tờ Văn nghệ Trẻ ra số đầu tiên. Hoành tráng, 24 trang khổ lớn. Các bài viết giới thiệu các gương mặt trẻ dày dặn, các tác phẩm văn thơ trẻ được trình bày sang trọng, các vấn đề văn hóa, xã hội có cách tiếp cận và kiến giải rất riêng. Số đầu tiên Văn nghệ Trẻ có phỏng vấn Thủ tướng Võ Văn Kiệt với tiêu đề “Lớp trẻ phải có cái nhìn tương lai”. Họa sỹ trình bày là Văn Sáng, do Nguyễn Quang Thiều mời.
Dù với văn tài cao thấp khác nhau, ba chúng tôi làm việc với nhau ăn ý, hết sức tôn trọng và kính nể nhau. Người ta bảo, hiếm có ê kíp nào lại bổ sung cho nhau đẹp như thế. Nguyễn Quang Thiều sở trường về văn hóa, Nguyễn Quang Lập mạnh về các ngón nghề báo chí, còn tôi thì am hiểu về chính trị (?). Hữu Thỉnh vỗ vai Thiều, ánh mắt long lanh, say đắm: “Anh ghen với chú đấy, có cả tả phù lẫn hữu bật. Mày sướng hơn tao nhiều quá”.
Rồi cùng với thời gian, Văn nghệ Trẻ thêm các cây bút khác cùng tham gia vào: Bảo Ninh, Trần Quang Quý, Trần Anh Thái, Hồng Thanh Quang, Thành Đức Trinh Bảo, Yên Ba, Nguyễn Việt Chiến, Phong Điệp, Dạ Thảo Phương…
Các nhà văn lớp trước trọng nể chúng tôi. Có người như Nguyễn Khải, Nguyễn Trọng Tạo viết bài khen không tiếc lời. Các cây bút trẻ và bạn viết khắp cả nước tin cậy chia sẻ, gửi gắm… Cái tòa soạn 17 Trần Quốc Toản, từ ngày có Văn nghệ Trẻ, cứ rầm rập bước chân các cộng tác viên tìm đến, rồi nói cười, trao đổi ồn ã, khác hẳn trước đấy…
Đó là những tháng ngày tươi đẹp. Tuy nhiên, đã không kéo dài được thật lâu…