Ngày 6 tháng 11-1961 ông Bộ trưởng Kinh tế Hoàng Khắc Thành ban ra một nghị định cấm hạ thịt và bán thịt heo trên các sạp vào các ngày thứ ba, thứ sáu và chủ nhật. Nghị định quy định rõ là “trong ba ngày cấm trên đây, thịt heo quay, thịt heo ướp lạnh của những ngày trước còn lại cũng không được phép bán trong các tiệm, các chợ, mặc dầu dưới hình thức nào, ngoại trừ lạp xưởng và thịt phơi khô đã làm xong từ trước. Tuy nhiên có thể hạ thịt và bán các thứ thịt khác như: thịt trâu, thịt bò, thịt trừu, thịt dê, thịt thỏ…”
CÓ THỜI KỲ THỊT HEO BỊ CẤM BÁN…
LÊ VĂN NGHĨA
Hồi còn nhỏ, con nít tụi tôi rất hát bài “Ba bà mẹ chồng” của ban AVT với lời mở đầu
“Ba bà đi bán lợn-xề (ba bà đi bán lợn-xề)/Ấy thế mới gặp ngày hôm nay là ngày thứ-sáu,Hôm nay là cái hôm cấm thịt, bà ơi…”. Tụi tôi thích bài hát nầy là vì nó vui và cũng là lần đầu tiên nghe nói đến con lợn vì không hiểu con lợn là con gì? Sau nầy nghe ba má giải thích mới biết dó là con heo. Lúc ấy, trong miền nam chỉ có con heo-và trong các văn bản cũng như báo chí thường gọi con heo là… con heo nhưng do nhạc sĩ viết bài hát nầy là người “huế” (1) nên gọi con heo là con lợn. Còn tụi tôi thì chỉ biết bánh da lợn và bánh lỗ tai heo thôi.
Lời bài hát của ban nhạc vui AVT nhắc lại một ký ức ngộ nghĩnh, nghĩ lại cũng thấy mắc cười khi nhớ về một thời kỳ toàn miền nam không được hạ thịt heo ba ngày trong tuần. Chuyện thật vô cùng xa lạ khi được nghe kể lại. Ấy là vào ngày 6 tháng 11/1961 ông Bộ trưởng Kinh tế Hoàng Khắc Thành ban ra một nghị định cấm hạ thịt và bán thịt heo trên các sạp vào các ngày thứ ba, thứ sáu và chủ nhật. Nghị định quy định rõ là “trong ba ngày cấm trên đây, thịt heo quay, thịt heo ướp lạnh của những ngày trước còn lại cũng không được phép bán trong các tiệm, các chợ, mặc dầu dưới hình thức nào, ngoại trừ lạp xưởng và thịt phơi khô đã làm xong từ trước. Tuy nhiên có thể hạ thịt và bán các thứ thịt khác như: thịt trâu, thịt bò, thịt trừu, thịt dê, thịt thỏ…”
“Từ khi có lệnh trên ban, toàn dân không bán heo ba ngày” .Nhưng tại sao lại cấm hạ thịt heo ba ngày trong một tuần? Vì tình hình chiến sự bất an,vì heo nuôi không đủ cung cấp? Dư luận, tất nhiên là xôn xao mà xôn xao nhất là trong giới khá giả vì gia đình nghèo thì một tuần ăn thịt heo được ba ngày là quá ngon rồi cần chi mà thắc mắc với chính phủ chi cho mệt vì dân cho rằng “chính phủ thường là chú phỉnh”. Để trấn an dư luận, trong cuộc họp báo ngày 11/11/61, phó Tổng Thống Nguyễn Ngọc Thơ đã giải thích rằng các vùng cung cấp heo nhiều nhất cho Đô thành Sài gòn chính là những vùng đã bị nạn lụt tàn phá. Cấm hạ thịt ba ngày không ngoài mục đích là để heo con tại các vùng bị lụt đủ thời giờ lớn lên chứ không phải là do thiếu thịt-đây chỉ là một phương cách phòng bị. Tuy nhiên, trong ba ngày cấm hạ thịt nầy thì dân chúng vẫn được ăn thịt nếu như họ còn trữ thịt heo từ ngày trước. Ngoài ra, trong thời gian cấm hạ thịt nầy, dân chúng nên ăn tôm, cá , thủy sản giúp cho các tỉnh bị nạn lụt có thêm nguồn lợi.
Rõ ràng đây là câu trả lời cho yên lòng công dân của chính phủ. Mặc dù đã ngăn chận việc hạ thịt nhưng trong những tháng giữa năm 1962, thị trường Sài gòn vẫn lâm vào tình trạng khan hiếm thịt heo. “Ngày thứ năm 1-8 không phải là ngày cấm thịt mà nhiều chợ nhỏ ở Đô thành không có thịt heo để bán. Nhu cầu về heo của Đô Thành là 1.500 đến 2.000 con một ngày cho số dân 1triệu bốn trăm ngàn. Thế mà ngày 18/7 có 1.141 con, ngày 21/7 có 1584 con, ngày 26/7 chỉ có 699 con và ngày 1/8 chỉ có 350 con. (Tuần San Phòng Thương Mại Sài gòn tháng 8/1962). Mãi cho đến năm 1964, lệnh cấm hạ thịt nầy được giảm từ ba ngày , rồi hai ngày cho đến tháng 2 năm 64 chỉ còn cấm một ngày thứ sáu trong tuần và đến tháng 7 năm 64 lệnh nầy được giải tỏa bởi ông Tổng trưởng Kinh tế Âu Trường Thanh. Từ đó các chủ lò thịt mới hạ thịt heo công khai, các sạp thịt heo mới thoải mái treo thịt lên quày chứ mấy ngày cấm thịt họ cũng làm heo lậu bán lén lút giá cao đâu có chính quyền nào kiểm soát nổi. Khi bỏ lệnh cấm hạ thịt dân Sài gòn được lợi là không phải mua thịt heo lậu với giá chặt chém, chịu mua thì có thịt ăn, không chịu thì nhịn đến ngày mai. Còn các tiệm nước bán mì hủ tíu của các chú ba thì vẫn bán hàng ngày vì thịt heo của họ trữ ngày trước còn lại mà, có gì mà sợ thầy chú? Chỉ có điều là tăng giá chút đỉnh thôi vì tiệm mua thịt heo lậu mà, thực khách thèm mì thì cũng phải xính xái thôi.
Nhắc lại chuyện không được hạ thịt heo thì hồi nẳm đâu khoảng năm 1929-30 , vào ngày 10 tháng 10 hàng năm thì không một chợ nào có thịt heo để bán. Ngày đó dân Sài gòn tự nhiên trở thành người theo đạo hồi vì các chủ lò đồng lòng không hạ thịt, nghỉ bán để dự lễ quốc khánh Trung Hoa Dân Quốc vì chủ là heo là người Hoa. Hãy đọc báo Phụ Nữ Tân Văn kêu ca “Ngày 10 Octobre mới rồi, là ngày kỷ niệm của dân Trung huê, bọn hoa kiều ở chợ lớn làm lễ kỷ niệm ấy long trọng lớn lao hơn mọi năm nhiều. Theo lệ thường, mỗi năm gần đến ngày ấy, thì ông xã tây Sài gòn cũng yết thị cho dân thành phố biết rằng đến bữa 10 Octobre thì không có thịt heo. Năm nay cũng vậy , bọn khách trú lò heo, muốn bắt ăn chay ngày nào mình cũng phải chịu.” ( 16/10/30)
Tức mình thì cũng phải chịu thôi, khi nào người Việt làm chủ lò heo -mà chuyện làm chủ lò heo thời “khách trú” chi phối kinh tế cũng đâu có dễ...
(*) Cách gọi người không phải là người miền Nam trước 1975.