Ngày 11-6 vừa qua, bạn bè và người thân đã tổ chức sớmlễ giỗ 4 năm của GS-TS Trần Văn Khê (24/6/2015- 24/6/2019), nhưng họ không thể tới dự lễ giỗ tại ngôi nhà ông đã sinh sống những năm cuối đời mà phải tổ chứctại Galaxy Nguyễn Du- quận 1, một nơi ít liên quan đến di sản của ông.



VỀ ĐÂU DI SẢN TRẦN VĂN KHÊ?

TRỌNG THỊNH

Một di sản quý
Là người cống hiến cả cuộc đời cho những nghiên cứu và truyền bá về âm nhạc dân tộc Việt đi khắp thế giới, từ năm 2006 khi ở tuổi 85, GS-TS Trần Văn Khê hồi hương về Việt Nam sinh sống. GS chọn sống tại TPHCM, nơi ông có nhiều điều kiện để tiếp tục nghiên cứu, bảo tồn âm nhạc dân tộc. Trước đó, Sở VHTT TPHCM đã thống nhất cùng với GS thực hiện đề án nhà Trần Văn Khê và giao cho GS căn nhà số 32 Huỳnh Đình Hai - Bình Thạnh để tôn tạo, làm nơi bảo quản và trưng bày những tài liệu và những hiện vật được GS nghiên cứu, sưu tầm trong suốt cuộc đời gắn với âm nhạc dân tộc.  
Tính tới khi về Việt Nam, GS-TS Trần Văn Khê đã chuyển về 435 kiện sách, trong đó hơn 10.000 đầu sách, tạp chí liên quan đến nghiên cứu, giới thiệu âm nhạc truyền thống Việt Nam và âm nhạc thế giới; Các hiện vật âm nhạc như nhạc cụ, đĩa, băng ghi âm, hình ảnh, sách báo, bằng khen, huy hiệu… Trong đó, đáng chú ý còn có hơn 200 quyển ghi chép do GS ghi lại trong suốt hành trình nghiên cứu và gắn liền với cuộc đời, sự nghiệp của GS. 
Sau khi về nước, GS-TS Trần Văn Khê đã biến ngôi nhà 32 Huỳnh Đình Hai trở thành điểm đến văn hóa cho những người yêu mến và mong muốn tìm hiểu âm nhạc dân tộc. Cùng với nhiều nhà nghiên cứu và các nghệ sỹ âm nhạc dân tộc, GS tổ chức thường xuyên các hoạt động giao lưu văn hóa, nói chuyện chuyên đề và trình diễn minh họa để cung cấp kiến thức về âm nhạc dân tộc, nghệ thuật cải lương, nghệ thuật hát bội, đờn ca tài tử, nhã nhạc cung đình Huế… hoàn toàn miễn phí dành cho mọi người. Nhiều nghệ sỹ nổi tiếng như Nhạc sư Nguyễn Vĩnh Bảo, nhà giáo ưu tú Phạm Thúy Hoan, NSƯT Hải Phượng, NSND Kim Cương…. cũng thường xuyên tham gia các chương trình của GS.

Cũng tại địa chỉ này, CLB Nghiên cứu và Vinh danh Văn hóa Nam Bộ do GS sáng lập phát triển mạnh, quy tụ nhiều bạn trẻ tham gia. Nhà nghiên cứu Văn hóa Hồ Nhựt Quang- Chủ nhiệm CLB cho biết lúc sinh thời, gần như hàng tuần CLB đều có các hoạt động sinh hoạt và GS đã giúp CLB rất nhiều trong kiến thức âm nhạc dân tộc cũng như các kỹ năng trình diễn.
Và trong di nguyện của mình trước khi mất, GS-TS Trần Văn Khê mong muốn sau khi qua đời, ngôi nhà 32 Huỳnh Đình Hai sẽ được sử dụng làm Nhà lưu niệm Trần Văn Khê. GS bày tỏ những tài liệu cũng như các hiện vật do GS sưu tập sẽ được trưng bày tại Nhà lưu niệm. Việc đọc sách, tham khảo tư liệu tại Nhà lưu niệm Trần Văn Khê sẽ rất dễ dàng, tạo điều kiện cho những người đến thư viện đọc, tìm hiểu và nghiên cứu về âm nhạc dân tộc. Tất cả các hoạt động đó sẽ không mang tính thương mại và chỉ có mục đích là nhằm bảo tồn và phát triển di sản văn hóa quý báu của cha ông để lại. 
Về đâu?
Khi GS- TS Trần Văn Khê qua đời, người xứng đáng có thể thay thế GS trong việc gìn giữ và bảo tồn di sản quý trên là GS Trần Quang Hải (con trai GS-TS Trần Văn Khê). Trước vong linh cha, GS Trần Quang Hải hứa sẽ tiếp tục sự nghiệp cao cả của cha. Tuy nhiên vì sức khoẻ yếu cũng như vì công việc còn dang dở tại Pháp nên GS Trần Quang Hải cũng chưa triển khai được những công việc dự tính tại Việt Nam.
Sau khi GS-TS Trần Văn Khê mất được hơn 2 tháng, ngôi nhà này được bàn giao cho Trung tâm Bảo tồn và Phát huy giá trị di tích lịch sử văn hóa TPHCM (Gọi tắt là Trung tâm Bảo tồn di tích) quản lý. Tất cả hiện vật, tài liệu, sách… gắn bó với cuộc đời, sự nghiệp của GS-TS Trần Văn Khê được giao cho Bảo tàng TPHCM và Thư viện Khoa học tổng hợp quản lý.
Trung tâm đã sử dụng một phần của căn nhà để làm văn phòng, phần còn lại được dùng làm kho tư liệu do Bảo tàng TPHCM quản lý. Theo đại diện của Trung tâm bảo tồn di tích cho biết, Trung tâm đã có phương án xây dựng các chuyên đề triển lãm Di sản GS-TS Trần Văn Khê nhưng không thường xuyên mà chỉ vào những dịp kỷ niệm, ngày sinh hoặc ngày mất của GS. Tuy nhiên, trong thực tế vẫn chưa thực hiện được. 
Theo đại diện của Trung tâm Bảo tồn di tích TPHCM, hiện nay trung tâm chỉ có nhiệm vụ quản lý bảo tồn khu di tích 32 Huỳnh Đình Hai, còn các hoạt động liên quan đến GS-TS Trần Văn Khê do phía Bảo tàng TPHCM đảm nhận và tổ chức. Còn theo đại diện Bảo tàng TPHCM, trong năm 2019 Bảo tàng cũng chưa có hoạt động nào liên quan đến di sản của GS-TS Trần Văn Khê. Hiện tại, bảo tàng mới đang chuẩn bị xây dựng kế hoạch để tổ chức các hoạt động kỷ niệm nhân 99 năm ngày sinh của giáo sư (1921 - 2020) vào năm sau. 
NSND Kim Cương, người rất tích cực trong việc thực hiện di nguyện của GS-TS Trần Văn Khê tâm sự: “GS-TS Trần Văn Khê luôn mong muốn bảo tồn, phục hưng nền âm nhạc truyền thống Việt Nam, qua việc tổ chức lập quỹ học bổng hoặc Giải thưởng Trần Văn Khê để hằng năm phát cho người có công trình nghiên cứu hoặc cống hiến xuất sắc về âm nhạc truyền thống Việt Nam.
Ở đó còn có thư viện mang tên ông, giúp người đọc có điều kiện tham khảo tư liệu để nghiên cứu, phát huy những giá trị to lớn của âm nhạc dân tộc. Cứ nghĩ đến những điều ông viết trong bản di nguyện chưa thực hiện được, sau gần 4 năm ông ra đi, trong đó ngôi nhà số 32 Huỳnh Đình Hai, nơi ông sinh sống, tổ chức nhiều hoạt động âm nhạc lúc sinh thời giờ không được gìn giữ đúng ước nguyện của ông, tôi cứ canh cánh bên lòng nỗi niềm như một người bất tín”.
NSND Kim Cương cũng cho biết không chỉ riêng bà mà bạn hữu, những người yêu mến GS cũng mong mỏi sẽ có một nơi nào đó để mọi người cùng chung tay làm tiếp công việc dang dở của GS. Nhưng tới giờ này vẫn chưa có một hướng đi nào cho các di sản của GS-TS Trần Văn Khê. 

Nguồn: Tiền Phong