Ban vận động sáng tác Quốc ca mới và Hội đồng giám khảo cuộc thi được thành lập. Trưởng Ban vận động là ông Xuân Thủy- Phó Chủ tịch Ủy ban thường vụ Quốc hội, còn Phó Trưởng ban kiêm Phó Chủ tịch Hội đồng Giám khảo cuộc thi là ông Cù Huy Cận- Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Phó Chủ tịch Hội liên hiệp Văn học, nghệ thuật Việt Nam.




17 BÀI HÁT NÀO TỪNG ỨNG TUYỂN THAY THẾ QUỐC CA?

DƯƠNG ĐỨC QUẢNG

Năm 1986 ông Nguyễn Văn Linh được Đại hội Đảng lần thứ VI bầu làm Tổng Bí thư của Đảng, tôi được Tổng Giám đốc Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN) giao nhiệm vụ làm phóng viên đặc biệt đưa tin về hoạt động của Tổng Bí thư. Khi Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh được giới thiệu ra ứng cử làm đại biểu Quốc hội Khóa VIII, trong buổi tiếp xúc cử tri Hà Nội tại trụ sở Ủy ban Mặt trận Tổ quốc thành phố, Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh hứa nếu được bầu làm đại biểu Quốc hội Tổng Bí thư sẽ làm hết sức mình để góp phần làm cho Quốc hội không phải là "cây cảnh" như nhiều người nhận xét!

Song, trước đó, trong những năm làm phóng viên chính trị của TTXVN tôi đã từng được chứng kiến một lần Quốc hội "không phải là cây cảnh". Đó là khi Quốc hội quyết định không thông qua việc chọn bài Quốc ca mới mà vẫn giữ nguyên bài Tiến Quân ca của Nhạc sĩ Văn Cao đã được Quốc hội Khóa 1 họp kỳ thứ nhất năm 1946 lấy làm Quốc ca của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nay là nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam. .

Năm 1981, kỳ họp cuối cùng của Quốc hội khóa 6 đã quyết định mở cuộc vận động sáng tác Quốc ca mới. Cuộc vận động này được tiến hành dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Ban vận động sáng tác Quốc ca mới và Hội đồng giám khảo cuộc thi được thành lập. Trưởng Ban vận động là ông Xuân Thủy, Phó Chủ tịch Ủy ban thường vụ Quốc hội, còn Phó Trưởng ban kiêm Phó Chủ tịch Hội đồng Giám khảo cuộc thi là ông Cù Huy Cận, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Phó Chủ tịch Hội liên hiệp Văn học, nghệ thuật Việt Nam.
Ban vận động ban hành Điều lệ dự thi sáng tác Quốc ca mới, theo đó mọi công dân Việt Nam đều có quyền dự thi sáng tác Quốc ca mới. Tác giả dự thi có thể là một người, một nhóm hoặc một tập thể và có thể gửi một bài hoặc nhiều bài dự thi. Những bài hát được sáng tác từ sau Đại thắng mùa Xuân 1975 phù hợp với yêu cầu về nội dung và hình thức nêu ở trên đều có thể dự thi. Thời hạn gửi bài dự thi là từ ngày 19/5/1981 đến ngày 19/12/1981. Hết thời hạn gửi bài dự thi, Ban vận động đã nhận được 1.420 bài của 1.181 tác giả, trong đó có 173 nhạc sĩ chuyên nghiệp.

Sau đó Hội đồng Giám khảo đã sơ tuyển vòng I được 74 bài của 74 tác giả, trong đó có 58 tác giả soạn nhạc chuyên nghiệp và 16 tác giả soạn nhạc không chuyên. Điều thú vị là có một nữ giáo viên dạy văn ở trường cấp III phổ thông trung học và chồng là giáo viên dạy toán cùng trường, cùng làm chung nhạc và lời, một sĩ quan công an, hai sĩ quan quân đội, một vụ trưởng của Ủy ban Kế hoạch Nhà nước và một linh mục... đã gửi bài dự thi và được chọn.

Ngày 1-7-1982 Ban vận động sáng tác Quốc ca mới đã tổ chức họp báo giới thiệu kết quả Vòng 2 của cuộc vận động. Ông Cù Huy Cận, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Phó trưởng ban Vận động, Phó Chủ tịch Hội đồng Giám khảo cuộc thi cho biết: Cả 74 bài được sơ tuyển ở vòng 1 đều được dàn dựng và thu thanh dưới hình thức đơn ca hoặc song ca, đệm đàn pi-a-nô. Ở vòng 2, Hội đồng Giám khảo đã nghe và bỏ phiếu chọn được 17 bài để đưa vào vòng 3, xếp theo vần ABC tên tác giả, là:

1.Việt Nam – Việt Nam, nhạc Văn An, lời Tạ Hữu Yên và Văn An

2.Việt Nam nắng hồng, nhạc Hồ Bắc, lời thơ Xuân Thủy

3.Quốc ca Việt Nam, nhạc và lời Trọng Bằng

4.Tổ quốc ta, nhạc Lưu Cầu, lời Diệp Minh Tuyền

5.Vinh quang Việt Nam, nhạc và lời Huy Du

6.Mở hướng tương lai, nhạc và lời Vân Đông

7.Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh, nhạc và lời Ngô Sĩ Hiển

8.Việt Nam bốn ngàn năm lịch sử, nhạc và lời Nguyễn Thị Lan và Trần Ngọc Huy

9.Việt Nam non nước ngàn năm, nhạc và lời Chu Minh

10.Việt Nam Tổ quốc tôi, nhạc và lời Đỗ Nhuận

11.Tổ quốc, nhạc và lời Nguyên Nhung

12.Vì Tổ quốc Xã hội Chủ nghĩa, nhạc Lưu Hữu Phước, lời Huỳnh Văn Tiểng

13.Việt Nam quang vinh, nhạc Phạm Đình Sáu, lời thơ Xuân Diệu

14.Ngợi ca đất nước, nhạc và lời Nguyễn Trọng Tạo

15.Việt nam nắng hồng, nhạc Ngô Quốc Tính, lời Xuân Thủy

16.Tổ quốc vinh quang, nhạc và lời Nguyễn Đức Toàn

17.Quốc ca Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam, nhạc và lời Hoàng Vân.

Cả 17 bài hát trên đã được dàn dựng, phát trên Đài Tiếng nói Việt Nam và in thành một tập riêng, giới thiệu rộng rãi trong cả nước từ tháng 7 đến tháng 12-1982 để trưng cầu ý kiến của nhân dân. Tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội Khóa 7 ngày 20-12-1982, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Hữu Thọ, ông Cù Huy Cận, Phó trưởng ban vận động sáng tác Quốc ca mới, kiêm Phó Chủ tịch Hội đồng Giám khảo cuộc thi sáng tác Quốc ca mới đã báo cáo kết quả việc trưng cầu ý kiến nhân dân về 17 bài được chọn qua các vòng sơ tuyển, đề nghị các đại biểu Quốc hội cho ý kiến về việc chọn ra năm bài xuất sắc nhất để kỳ họp sau Quốc hội sẽ quyết định việc chọn một trong năm bài xuất sắc đó làm Quốc ca mới của nước Việt Nam. Sau khi nghe ông Cù Huy Cận trình bày, Quốc hội đã không có quyết định cụ thể mà cho kéo dài cuộc vân động và thi sáng tác Quốc ca mới thêm một thời gian.

Tôi nhớ trong một kỳ họp sau đó để thảo luận về việc này mà tôi được dự để đưa tin, không khí thảo luận thật sôi nổi, có lúc rất căng thẳng. Nhiều đại biểu Quốc hội không đồng tình với việc thay đổi Quốc ca phát biểu khá gay gắt về việc này. Một sỹ quan quân đội là đại biểu Quốc hội ở thành phố Hồ Chí Minh đã bức xúc phát biểu: “Quốc hội chúng ta không có việc gì làm nữa hay sao mà bày ra việc thay đổi Quốc ca?”.

Sau khi nghe các ý kiến của các đại biểu Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng Nhà nước Trường Chinh phát biểu. Chủ tịch nói:
- Tôi là người ủng hộ chủ trương thay đổi Quốc ca. Bài Tiến Quân ca, Quốc ca của nước ta đã hoàn thành nhiệm vụ lịch sử của mình. Đó là nhiệm vụ đấu tranh giành độc lập dân tộc, kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ thành công, thống nhất đất nước, đưa đất nước chúng ta bước sang một giai đoạn mới. Lời bài Quốc ca hiện nay có nhiều câu, nhiều chữ không còn phù hợp, hơn nữa một số bạn bè nước ngoài nói với tôi bài Quốc ca hiện nay có hơi hướng giống với một bản nhạc của Pháp. Vì thế, để cổ vũ mạnh mẽ đồng bào và chiến sĩ ta, thể hiện sâu sắc chí khí hào hùng của toàn dân quyết tâm thực hiện những nhiệm vụ mới của cách mạng, thì cần có một bài Quốc ca mới. Quốc ca mới cần phải hùng tráng, vừa sôi nổi, vừa lắng đọng và phải dễ hát.

Sau khi Chủ tịch Hội đồng Nhà nước Trường Chinh phát biểu, một vài đại biểu Quốc hội khác tiếp tục phát biểu, có người đồng tình ủng hộ việc thay đổi Quốc ca nhưng cũng có người không đồng ý, cho rằng bài Tiến Quân ca không chỉ trở thành bài Quốc ca được Bác Hồ và các đại biểu Quốc hội từ Khóa 1 chọn, đã đi vào lịch sử giải phóng dân tộc suốt mấy chục năm qua mà còn đi vào lòng mỗi người dân Việt Nam. Vì thế không cần thiết thay đổi Quốc ca.
Cuối cùng Quốc hội đã quyết định không thay đổi Quốc ca, vẫn giữ bài Tiến quân ca của nhạc sĩ Văn Cao làm Quốc ca của nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam cho đến hôm nay.