Sự xuất hiện ồ ạt của những quyển tự truyện trên thị trường sách hiện nay đang tạo ra nhiều tranh cãi. Liệu có phải, các nhà xuất bản đang đặt lợi ích doanh thu lên trên chất lượng và các độc giả đang ngày càng dễ tính trong vấn đề tiếp nhận sản phẩm văn hóa?



SÁCH TỰ TRUYỆN: AI XỨNG ĐÁNG ĐƯỢC PHÁT HÀNH?

ĐỨC TIẾN

Thực trạng về tự truyện trên thị trường sách
Tự truyện hiểu một cách đơn giản là một thể loại văn học kể về cuộc đời của một nhân vật (thường là chính tác giả) và thường được thể hiện bằng văn xuôi. Trước đây, tự truyện ở Việt Nam khá hiếm hoi, chỉ một số nhân vật có tầm ảnh hưởng lớn ở một số lĩnh vực mới có thể ra mắt tự truyện. Hiện nay, không khó để bắt gặp một quyển tự truyện đang được bày bán tại các nhà sách hoặc được quảng cáo trên các phương tiện truyền thông.
Xã hội ngày càng tiến bộ và việc tiếp nhận văn hóa cũng ngày càng cởi mở hơn, tự truyện từ đó được nới rộng thoát khỏi những quy cũ vốn có trước đây. Không cần đợi đến khi nhân vật đã lớn tuổi hay đã qua đời thì mới được viết tự truyện. Chính vì vậy, tự truyện ngày nay mang nhiều tính thời sự và nhân vật có cơ hội để nhìn nhận, tự đánh giá bản thân nhiều hơn.
Tự truyện không cần hẳn là cả cuộc đời của nhân vật, đôi khi chỉ là một lát cắt trong sự nghiệp, cuộc sống nhưng đó phải là giai đoạn đặc sắc và mang đến những suy tư thật sự cho độc giả về một hoặc một vài vấn đề cụ thể. Tuy nhiên, lại có quá nhiều người “dựa hơi” vào sự phóng khoáng ấy để ra mắt những quyển tự truyện kém chất lượng với những nhân vật đa phần là những người trẻ đang hoạt động nghệ thuật hoặc đang nổi tiếng trên mạng xã hội để thu hút độc giả. Đây là một sự kết hợp mà lợi ích chia đôi, nhà xuất bản có doanh thu cao, nhân vật tăng thêm độ nổi tiếng. Độc giả vẫn là người thiệt thòi nhất vì mất tiền, mất thời gian mà những lợi ích, giá trị hay những kinh nghiệm được lĩnh hội từ tự truyện gần như không có.
Điểm qua một vài tự truyện của các nghệ sĩ trẻ: Sơn Tùng (Chạm tới giấc mơ), Harri Won (Cỏ hạnh phúc), Đức Phúc (I believe I can fly)... có đặc điểm chung là đều được ra mắt trong khoảng thời gian những nhân vật này đang trở thành tâm điểm của dư luận. Sơn Tùng với hàng loạt các ca khúc trở thành hiện tượng, những câu chuyện về đời tư của Harri Won được quan tâm, sự lột xác của Đức Phúc... Công bằng mà nói, ở những người nghệ sĩ trẻ này, câu chuyện nghề của họ có nhưng chủ yếu là những sự khởi sắc ở giai đoạn ban đầu. Chính vì thế, những câu chuyện về đời tư được chú trọng khai thác cũng là một cách để thu hút độc giả. Đối tượng độc giả chủ yếu là những người hâm mộ, họ mua sách để tìm hiểu về thần tượng hay đơn giản hơn chỉ là để ủng hộ sản phẩm.
Nắm bắt được lượng nhu cầu khá lớn, nhiều công ty sách hiện nay tiếp tục đẩy mạnh việc phát hành tự truyện của các nghệ sĩ trẻ. Gần đây nhất phải kể đến tự truyện “Đổi thay” của ca sĩ Hồ Quang Hiếu được phát hành rộng rãi. Không dừng lại ở đó, nhiều công ty sách còn chuyển hướng sang phát hành tự truyện của nhân vật từng gây sốt trên mạng xã hội, ngay cả hiện tượng tiêu cực như Lê Thị Huyền Anh (bà Tưng) cũng được phát hành tự truyện. Sự dễ dãi và chạy theo các hiện tượng mới nổi đang bắt đầu bước vào giai đoạn cần phải cảnh báo để tránh tình trạng tệ hơn có thể xảy ra.

Ai là người xứng đáng được phát hành tự truyện?
Yếu tố kinh tế thị trường và cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 làm cho con người hướng đến những điều tiện ích, nhanh chóng. Việc đọc sách, báo thông qua các thiết bị điện tử và mạng internet được ưu tiên hơn so với sách, báo in. Chính vì thế, để duy trì các hoạt động xuất bản, tính thị trường là cần thiết để có thể hướng đến số đông độc giả.
Tuy nhiên, phát hành sao cho vừa giải quyết được vấn đề kinh tế lại vừa đáp ứng được nhu cầu thị trường lại là một bài toán khó. Điều này quan trọng nhất vẫn dựa vào quan điểm làm nghề của các công ty sách cũng như ý thức của chính nhân vật viết tự truyện. Bởi vì hiện nay, không chỉ có những người không đủ tầm viết tự truyện mà có cả một số người sử dụng tự truyện để nói xấu, công kích cá nhân.
Thật ra, ngay cả đối với những người đã có những thành công nhất định trong sự nghiệp như NSND Kim Cương, NSƯT Thành Lộc, cầu thủ Lê Công Vinh... khi viết tự truyện cũng gặp phải nhiều ý kiến trái chiều vì bị cho rằng sử dụng tự truyện để kể lể, níu kéo hào quang. Do đó, việc viết tự truyện luôn nhạy cảm và đòi hỏi tính trung thực, sự bản lĩnh, chịu trách nhiệm trước những gì mình kể của các nhân vật.
Có nhiều ý kiến khẳng định rằng tự truyện là một quyển sách vô cùng quan trọng, có sự ảnh hưởng lớn đến độc giả, nhất là những nhân vật có tầm ảnh hưởng cao thì độc giả rất dễ dựa vào đó để hình thành lối sống. Còn những ý kiến ngược lại, tự truyện là một sản phẩm có tính chất như một sản phẩm báo chí tổng hợp vì đa phần những thông tin trong đó đã được công bố trên báo chí nên không có quá nhiều ảnh hưởng đến độc giả.
Cuối cùng, để trả lời câu hỏi ai xứng đáng được viết tự truyện thì có rất nhiều đáp án. Một là dựa vào định hướng công ty phát hành, hai là ý thức nhân vật và ba là quan điểm độc giả. Song, quan trọng nhất vẫn là phía độc giả vì chính độc giả sẽ là người biết mình cần gì nhất và đâu là điều tốt cho mình nhất.


Nguồn: Người Tiêu Dùng