Tham gia và nắm vai trò kiến tạo các hoạt động sáng tác là các mạnh thường quân, các nhà tài trợ, các nhóm hay cá nhân tác giả. Sự cộng hưởng, gợi mở này, tạo cơ hội thúc đẩy hoạt động sáng tác văn học, đưa văn học thâm nhập sâu hơn vào một số đối tượng công chúng, bạn đọc. Mặt khác, cũng đặt ra đòi hỏi bảo vệ, nâng cao về chất lượng sáng tác.




Nhận rõ hơn mô hình sáng tác mới

HOÀNG HOA

Chính sách xã hội hóa sáng tạo văn học nghệ thuật và sự cởi mở trong quan niệm xã hội về đời sống văn chương đang tạo điều kiện xuất hiện những mô hình hợp tác sáng tác “kiểu mới”. Nhận diện rõ hơn vì chất lượng sáng tác và hiệu quả lao động nghề văn là việc làm cần thiết.
1.
Những năm gần đây, từ tác động của cơ chế thị trường, sự cởi mở của xu hướng dịch vụ hóa trong nhiều lĩnh vực đời sống, đã dẫn đến sự xuất hiện những hình thức phối hợp mới trong sáng tác văn chương. Đây bước phát triển mang dấu ấn thời cuộc. Cũng là cánh cửa mở đối với nhà văn, lẫn các nhà tổ chức sáng tác - có thể là các hội nghề nghiệp hay những cơ quan, tổ chức, địa phương, cá nhân không liên quan đến lĩnh vực văn chương.
Với cách tổ chức phổ biến lâu nay, khi hội nghề nghiệp phát động, cơ quan chuyên môn về sáng tác chủ động đứng ra tổ chức trại hay chuyến đi thực tế sáng tác. Hoặc các địa phương, ngành nghề mời các nhà văn, nhà thơ về địa phương thực tế. Cách làm này thường có sự phối hợp giữa hội nghề nghiệp và địa phương, ngành nghề trong xây dựng chương trình, tổ chức nhân sự, bố trí đi lại, ăn ở. Hoạt động đó, tạm gọi là mang tinh thần “công lập”, được sự chăm lo từ chính quyền địa phương, ngành nghề, từ chi phí của hội nghề nghiệp. Thời gian qua, xu thế xã hội hóa được phát huy mạnh hơn. Tham gia và nắm vai trò kiến tạo các hoạt động sáng tác là các mạnh thường quân, các nhà tài trợ, các nhóm hay cá nhân tác giả. Sự cộng hưởng, gợi mở này, tạo cơ hội thúc đẩy hoạt động sáng tác văn học, đưa văn học thâm nhập sâu hơn vào một số đối tượng công chúng, bạn đọc. Mặt khác, cũng đặt ra đòi hỏi bảo vệ, nâng cao về chất lượng sáng tác.

2.
Một số thí dụ, gần đây, hội đồng hương Vĩnh Bảo (Hải Phòng) tại Hà Nội phối hợp các cơ quan chức năng của huyện Vĩnh Bảo, mời hơn 30 nhà thơ là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam về thực tế sáng tác tại địa phương. Ông Phạm Từ, chủ tịch hội cho biết, vừa trước đó, các thành viên của hội đã tổ chức một chuyến thực tế sáng tác ca khúc, vận động in ấn được một tập thơ nhiều tác giả (NXB Hội nhà văn) về các đề tài liên quan đến Vĩnh Bảo. Chuyến đi tiếp theo này, đặt mục tiêu sẽ có nhiều bài thơ chất lượng tốt để trong năm 2019 sẽ in thêm một tập thơ nhằm quảng bá hình ảnh, truyền thống quê hương Vĩnh Bảo trong và ngoài địa bàn Hải Phòng. Cũng trong thời gian qua, một trại sáng tác do tạp chí Nhà Văn và Tác Phẩm - Hội Nhà văn Việt Nam phối hợp Công ty Sao Việt, tổ chức ở resort Sao Việt tại Phú Yên với sự hỗ trợ tích cực của doanh nghiệp này, đã thu hút nhiều nhà văn, tác giả tham dự. Một số năm trước, cũng tại địa chỉ Sao Việt, doanh nghiệp đã phối hợp tạp chí Văn Nghệ Quân Đội tổ chức một trại viết mở rộng về thàn phần tác giả. Nhiều tác phẩm ghi chép, bút ký sau đó được in thành cuốn sách mang “đậm chất” du lịch, phục vụ cho hoạt động của khu nghỉ dưỡng này.
Một trường hợp kết nối cá nhân, có thể kể đến nhà văn Nguyễn Đình Tú với sự hợp tác một doanh nghiệp phía nam. Theo nhà văn, cuộc gặp gỡ này đã cho ra đời tiểu thuyết “Hoang tâm” (Công ty Phương Đông và NXB Hội nhà văn ấn hành), khai thác chính cuộc đời, sự nghiệp của người đứng đầu doanh nghiệp đó.
Rộng hơn, thời gian qua, xã hội đã biết đến hình thức sáng tác đặt hàng của các cá nhân là doanh nhân, người nổi tiếng; hoặc hình thức “chào hàng” từ cá nhân hay nhóm tác giả, doanh nghiệp văn hóa trên tinh thần: nhận chấp bút tác phẩm hồi ký, tự truyện, sáng tác theo đặt hàng phục vụ nhu cầu xã hội…

3.
Những hình thức hợp tác trên, phản ánh nhu cầu đa dạng từ thực tế đối với sáng tác văn học, muốn vận dụng thế mạnh, hiệu quả của tác phẩm văn học vào quảng bá hình ảnh cá nhân, doanh nghiệp, địa phương. Đơn giản hơn là ghi lại kỷ niệm cuộc đời. Hoặc ý nghĩa hơn là cụ thể hóa sự đóng góp của cá nhân, nhóm cá nhân đối với hoạt động sáng tác, với nghề văn. Mặt khác, cho thấy sự linh hoạt thích ứng của nhà văn trong cơ chế thị trường, nhận đặt hàng hay lời mời viết - đương nhiên thường gắn với chế độ thù lao, bồi dưỡng theo những chủ đề, đề tài có tính định hướng chủ yếu trên tinh thần “xây dựng”.
Đó cũng chính là những xúc tác, thúc đẩy cho hoạt động sáng tác văn chương, tăng nguồn thu cho người viết văn vốn khó lòng sống được bằng nghề. Nhưng ở một phía, cũng là đòi hỏi không nhỏ với người cầm bút trong nỗ lực giữ “phong độ”, nâng cao chất lượng tác phẩm - “hàng hóa văn học”. Là thách thức về sự hài hòa giữa tinh thần tự do, cá tính trong sáng tác với mong muốn tôn vinh, ca ngợi, tô điểm cho nhân vật, địa phương ngành nghề được phản ánh.
Nhận diện rõ hơn các mô hình, cách tổ chức sáng tác văn chương mới mang màu sắc xã hội hóa, tư nhân hóa trong bối cảnh hiện tại, là việc cần thiết của cơ quan văn hóa nghệ thuật, tổ chức nghề nghiệp về văn học. Từ đó có sự xúc tác tốt về chính sách, cũng như những góp ý nhất định khi cần, về công tác tổ chức, về hiệu quả lao động nghề viết, và cả vấn đề đánh giá thỏa đáng công sức của nhà văn. Trong sự quan sát, đánh giá và hợp tác, các cơ quan, tổ chức đó không nên đứng ngoài dòng chảy mới này.


Nguồn: Thời Nay