Với trình độ học vấn uyên bác của Hoàng Trung Thông, năm 1980, cả Viện Văn học suy tôn ông là giáo sư, nhưng ông lịch lãm từ chối “Làm nhà thơ cũng đủ lắm rồi !”. Cuộc đời ông luôn phải trải qua nhiều cam go khắc nghiệt. Nhưng có lẽ khắc nghiệt nhất, khi ông phải làm “quan” văn nghệ. Bởi con người ông luôn đầy mâu thuẫn giữa con người  công chức và con người nghệ sĩ. 



NGƯỜI SAY TRONG TỈNH, TỈNH TRONG SAY

VŨ TỪ TRANG

Thực tình, tôi ít có dịp được tiếp xúc với ông. Những lần gặp gỡ, đều do công việc gấp gáp. Nhưng ấn tượng về ông là một nhà thơ dễ gần, chân tình, với nếp sống giản dị. Tôi còn nhớ đầu năm 1980, đến thăm ông, được ông tặng tập tiểu luận - phê bình Cuộc sống Thơ và Thơ cuộc sống, của ông do Nhà xuất bản Văn học vừa ấn hành. Ngay trang đầu, ông đề tặng “Thân tặng Vũ Từ Trang” và chữ ký “Thông” làm tôi vô cùng xúc động. Ấy là ông quý hóa mà đề tặng vậy, chứ tôi chỉ là lứa tuổi con cháu của ông. Cuốn sách gần bốn mươi năm, giấy đã chớm ố vàng, nhưng trong tủ sách nhà tôi, vẫn được xếp vào ô trang trọng.
Nhớ những ngày làm báo tết, ban biên tập thường cử tôi đến gặp nhà thơ Hoàng Trung Thông xin câu đối tết. Báo tết, mục câu đối tết, như một món ăn không thể thiếu. Một bữa, tôi chợt tới cửa  phòng ông, khi ông đang ngửa mặt vuốt chòm râu, người rung rung ngâm một câu thơ cổ. Có thể là câu thơ Đường hoặc Tống, mà tôi không nghe rõ. Ấy là lúc ông như nhập đồng, thật thi sỹ. Tôi đứng lặng, lắng nghe. Ông ngâm hết câu thơ, quay ra nhìn tôi, vồn vã bảo vào đi, vào đi. Ông như đọc được ý nghĩ của tôi, rồi ông cười khà. Cậu đến lấy câu đối tết phải không? Báo tết năm nay in ấn có xôm không? Khất ba hôm nữa, đến lấy nhé. Ông lại ngửa mặt, vuốt chòm râu, cười khà. Giọng cười nhỏ nhẹ, mà sảng khoái và như chả có gì quan trọng.
Đúng ba ngày sau, sáng sớm, tôi hồi hộp bước từng bước cầu thang gỗ, lên phòng ông. Ông nói xuề xòa mà thân mật: “Cậu cầm về đọc, nhờ Ban biên tập duyệt giúp. In được thì vui”. Tôi đón nhận chiếc phong bì, trong có mấy trang giấy viết câu đối của ông, lòng vui khấp khởi. Tôi lập cập lấy bi-đông rượu quê xin biếu ông. Ánh mắt ông khi ấy cười rất vui và đôn hậu. Ông mở nút bi-đông, mùi thơm rượu bừng lên. Ông bảo rượu nếp Kinh Bắc à, cái vị thơm của nếp làng Vân không lẫn được. Tôi vội chào ông, đem câu đối của ông về tòa soạn, để ban biên tập kịp đưa in trang bìa của báo tết. Có lẽ niềm vui của người đi xin câu đối tết, còn lớn hơn niềm vui người viết câu đối tết. Đã mấy năm liền, báo tết cơ quan tôi có vinh hạnh được in câu đối của nhà thơ Hoàng Trung Thông. Ông bận rộn như thế, mà ông vẫn dành thời gian cộng tác với báo chúng tôi. Cái tình ấy lớn làm sao!
* * *
Vẫn chiếc cầu thang gỗ cũ kỹ, tay vịn đã lung lay, dẫn lên căn phòng cũ càng. Một không gian cũ càng như mấy chục năm trước. Chiếc tủ quần áo cũ kỹ. Giá sách gỗ đơn giản, đa phần những cuốn sách cũ, gáy sách đã sờn rách. Những khung ảnh treo trên tường cũng cũ càng như khuôn mặt người trong ảnh. Có khung kính treo bức thư pháp, giấy đã chớm ố. Mọi vật dụng trong phòng, như giữ nguyên từ mấy chục năm trước. Tất cả, như toát lên đời sống thanh bần của chủ nhà. Có thể điều kiện kinh tế không dư dật gì. Hoặc giả, người chủ nhà không quan tâm vật chất. Điều đáng suy nghĩ, chủ nhân căn phòng lại là một “quan” văn hóa. Ông từng giữ chức Viện trưởng Viện Văn học. Ông từng làm Tổng Biên tập báo Văn Nghệ, Giám đốc Nhà xuất bản Văn học, Vụ trưởng Vụ Văn nghệ thuộc Ban Tuyên huấn Trung ương.
Căn buồng chừng ba chục mét vuông. Tôi băn khoăn, một thuở,  gần chục người cùng sinh sống trong căn phòng này. “Ăn hết nhiều, ở mấy đâu anh” - Hoàng Thị Bích Hà, người con gái thứ, giải thích cho tôi. “Vậy căn buồng này, được cơ quan phân cho từ bao giờ” ? “Không. Không có cơ quan nào phân cả. Gia đình thuê của bên nhà đất thành phố, từ năm 1956”. Hồi ấy, nhà thơ Hoàng Trung Thông còn làm việc ở tạp chí Văn Nghệ, bên 51 Trần Hưng Đạo. Người con gái đầu, theo ông ra Hà Nội ăn học. Cảnh hai bố con sống tập thể, đời sống tạm bợ, ông quyết định về Quỳnh Đôi (Nghệ An) đón mẹ và người vợ ra Hà Nội, để gia đình sum họp đoàn tụ. Rồi tiếp đấy, bốn người con chào đời trong căn phòng đơn sơ ấy. Cuộc sống vất vả, nhưng hạnh phúc tràn trề.
Căn buồng đơn sơ, nhưng là nơi gặp gỡ bạn bè văn chương. Các nhà văn, nhà thơ Xuân Diệu, Tế Hanh, Chế Lan Viên, Nguyễn Tuân thường ghé chơi. Có khi có cả mấy họa sỹ Nguyễn Sáng, Dương Bích Liên, Mai Văn Hiến...  Những ông ấy, việc cao đàm khoát luận ở đâu, chứ đến đây chơi, thường nói năng rất khoan hòa. Có ông, nhớ nhau, đến thăm nhau, ngồi yên một lúc lâu, lại đứng dậy ra về. Chuyện của các ông, thường bàn về văn chương, nghệ thuật. Cũng có lúc bốc lên, ngồi uống với nhau một vài chén rượu nhỏ. Bà Hồ Thị Hoa là người vợ hiểu tâm tính chồng và rất chiều khách, hễ các ông rót rượu ra mấy cái chén bé như hạt mít, bà lại vội xuống bếp rang mấy củ lạc, có khi là mấy bìa đậu phụ luộc, để các ông nhấm nháp. Đồ ăn thức uống đơn giản, nhưng tấm lòng các nhà văn nhà thơ, các họa sĩ rất quý, rất thương nhau.
Độ ấy, đời sống xã hội còn khó khăn. Nhà thơ Xuân Diệu đã mấy lần chở củi đến, giúp bạn thêm đồ đun nấu. Chả là, nhà thơ Xuân Diệu khi ấy hay đi nói chuyện thơ trong ngành lâm nghiệp. Có khi, được nhận nhuận nói bằng củi đun, ông bèn đem về san sẻ cho bạn bè. Biết nhà thơ Hoàng Trung Thông nhà đông con, kinh tế thiếu thốn, mấy bó củi cũng đỡ bạn qua cơn khốn khó. Ngày ấy, các ông sống với nhau rất chân tình. Thương bạn sống độc thân, đã mấy tết, vợ chồng nhà thơ Hoàng Trung Thông  gói bánh chưng luộc sớm, đem đến làm quà cho nhà thơ Xuân Diệu.
Là “quan” văn hóa, nhà thơ Hoàng Trung Thông hay có điều kiện đi nước ngoài hơn các bạn. Mà ngày ấy, chỉ toàn đi mấy nước xã hội chủ nghĩa. Mỗi lần đi về, bao giờ ông cũng có quà cho bạn. Có khi, chỉ là cây bút viết, cuốn sổ, hộp diêm, mấy lưỡi dao cạo... Quà nghèo, của thời nghèo khó, nhưng cái tình thật lớn. Có lẽ, nhà thơ Hoàng Trung Thông nảy ra ý tưởng sưu tập các hộp diêm từ bấy giờ. Những chiếc hộp diêm to nhỏ, nhãn mác khác nhau, dễ gợi cho ông cảm xúc những miền đất, những chặng hành trình xa gần đầy buồn vui.
Bích Hà cho tôi xem những chiếc hộp diêm mà người cha tích cóp bao năm trời. Nhà thơ Hoàng Trung Thông đi xa đã gần ba mươi năm. Những chiếc hộp diêm của nhiều nước, nay đã cũ càng. Có người bảo bỏ đi, nhưng Bích Hà vẫn quyết giữ. Tôi xem bộ sưu tập hộp diêm của nhà thơ và tôi hình dung ra những chặng hành trình với bao nghĩ suy nhân tình thế thái. Bao vần thơ rưng rưng nhà thơ thai nghén trong chuyến đi ấy.
Cuối đời, khi đổ bệnh, nhiều buổi chiều trong căn phòng cũ và vắng lặng, nhà thơ Hoàng Trung Thông lại lần giở bộ sưu tập hộp diêm ra coi. Đêm đêm, ông  lẩm nhẩm trò chuyện một mình với mấy pho tượng Đỗ Phủ, Lục Du, Lỗ Tấn. Mấy pho tượng bằng sứ mỹ nghệ be bé, như thầm thĩ cũng ông bao điều lớn lao. Người nhà kể lại, có khi ông ngồi bó gối, lặng yên như tảng đá. Có lúc ông ngâm thơ Đỗ Phủ, Lục Du. Rồi ông ôm mặt khóc.
 * * *
“Bàn tay ta làm nên tất cả
Có sức người sỏi đá cũng thành cơm” 
Câu thơ ông viết từ mấy chục năm trước, nay đã thành một thành ngữ để cổ vũ ý chí cho nhiều thế hệ. Ông có nhiều bài thơ in sâu vào tâm trí bạn đọc. Nhiều bài thơ của ông được các nhạc sĩ phổ nhạc, thành ca khúc đi cùng năm tháng. Nhiều bài thơ của ông đã đưa vào sách giáo khoa. Ông thành thạo ba ngoại ngữ Hoa, Pháp, Anh. Ông từng tham gia dịch thơ của các nhà thơ thế giới, như Đỗ Phủ, Lục Du, Puskin, Maiacôpxki, Pêtôphi, Hainơ. Với trình độ học vấn uyên bác của ông, năm 1980, cả Viện Văn học suy tôn ông là giáo sư, nhưng ông lịch lãm từ chối “Làm nhà thơ cũng đủ lắm rồi !”.
Cuộc đời ông luôn phải trải qua nhiều cam go khắc nghiệt. Nhưng có lẽ khắc nghiệt nhất, khi ông phải làm “quan” văn nghệ. Bởi con người ông luôn đầy mâu thuẫn giữa con người  công chức và con người nghệ sĩ. 
Năm 1968, khi đương chức Tổng biên tập báo Văn nghệ, ông phải cầm bút ký duyệt in bài phê bình tác phẩm Tình rừng của nhà văn Nguyễn Tuân, mà mắt ông rưng rưng lệ. 
Thời ông làm Viện trưởng Viện Văn học, ông tổ chức các công trình nghiên cứu về văn học Nguyễn Trãi, Hồ Chí Minh, Văn học chống phong kiến phương Bắc, Văn học chống Pháp, Mỹ. 
Đấy là thời kỳ anh em ở Viện Văn học làm việc rất bận rộn, mà sinh hoạt rất vui. Tuy là viện trưởng, nhưng ông sống chan hòa với anh em. Ông là người đi xin cấp trên cho Viện  chiếc ôtô. Nhưng sáng sáng, ông vẫn cuốc bộ từ nhà lên Viện làm việc.
Có người bảo, vì công việc quá bận rộn, quá nhiều vui buồn, nên nhà thơ Hoàng Trung Thông đã tìm đến rượu. Tôi không rõ, ông uống rượu từ khi nào. Ông từng nói vui với bạn bè, có 4 điều ông không bỏ. Đó là: tổ quốc, thơ, vợ và rượu. Nhiều giai thoại về nhà thơ Hoàng Trung Thông với rượu. 
Có người kể, năm 1976, khi còn làm Vụ trưởng Vụ Văn nghệ, cấp trên có ý cất nhắc ông vào ủy viên trung ương Đảng. Nhưng ông  xin từ chối, vì lý do ham uống rượu. Việc mê rượu của ông hồi đó, chả thấm gì so với việc uống rượu của một số đại gia ngày nay. Thời nhà thơ Hoàng Trung Thông uống rượu, toàn  rượu quê,  gọi là rượu cỏ, giá có mấy xu, mấy hào, chả sánh với rượu ngoại cả mấy ngàn đô như bây giờ.
Bạn rượu ở quán “Trúc viên” ngày ấy, đủ các thành phần. Văn nghệ sỹ có, tri thức có, dân lao động cũng có. Hình như khi vào bàn rượu, con người bình đẳng với nhau hơn. 
Trong quán rượu khi ồn ào, khi tĩnh lặng. Nhà thơ họ Hoàng thường chọn chiếc bàn góc quán quen thuộc. Ông thường ngồi với họa sĩ Nguyễn Sáng, Dương Bích Liên và gọi chai rượu nhỏ. Tay vê vê hạt lạc, thi thoảng nâng chén, nhấp rượu rất khoan thai. Khi uống rượu, nhà thơ Hoàng Trung Thông thường lặng yên, nhìn mọi người. Cũng có khi ông ngửa cổ cười thầm điều gì đó. 
Cũng có khi, ông thả ánh mắt như nhìn vào cõi mông lung. Quán rượu này, thi thoảng có cả lớp nhà thơ nhà văn đàn em, như Tạ Vũ, Trúc Cương, Định Nguyễn đến góp chuyện. Tôi  có  lần cùng nhà thơ Tạ Vũ theo bước chân nhà thơ Hoàng Trung Thông từ quán “Trúc Viên” về nhà. 
Quãng đường không xa, ông đi thong thả. Dáng ông xiêu xiêu, không phải xiêu liêu của người say rượu, mà như ông đang lướt, đang trôi, đang dừng lại trong dòng người vừa vội vã vừa chậm chạp. Lui lại sau ông, nhìn dáng xiêu xiêu của nhà thơ đi trên đường, tôi như cảm nhận nỗi cô đơn của con người thi nhân giữa dòng đời bộn bề xuôi ngược.