Người Việt xưa nay vẫn thế. Cứ con, hay cháu, hay em một ông Kễnh nào đó bị kỉ luật, bị khởi tố, thậm chí chỉ là một hành động thiếu văn hóa cũng thành câu chuyện làm quà và bàn luận, đặt câu hỏi. Cho nên, hạnh phúc là được sinh ra từ “danh gia vọng tộc” mà bất hạnh cũng bởi sinh ra từ “vọng tộc danh gia”.




KHÔNG CÓ VÙNG CẤM CHO “DANH GIA VỌNG TỘC”

SƯƠNG NGUYỆT MINH

Những ngày gần đây, truyền thông đồng loạt loan tin ông Lê Tấn Hùng - Tổng giám đốc Tổng công ty Nông nghiệp Sài Gòn (SAGRI) bị Cơ quan công an khởi tố, điều tra về hành vi “Vi phạm các quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí” theo Khoản 3, Điều 219 Bộ luật Hình sự 2015. Có một điều cần chú ý là hầu như các tin nóng hổi đều nhấn thêm thông tin: ông Lê Tấn Hùng là em trai cựu Bí thư Thành uỷ thành phố Hồ Chí Minh Lê Thanh Hải. 
Pháp luật hiện nay ai làm người nấy chịu, chứ không bị kết tội cả chùm, cha ông sai phạm giết cả con cháu, tông ti họ hàng, mà “chu di tam tộc” thời trung đại là một ví dụ tàn ác, đau lòng. Thời bây giờ, cha làm cha chịu, con làm con chịu; em làm em chịu, anh làm anh chịu. Cớ sao ông em sai phạm, lại cứ nhắc đến ông anh? Chắc phải có một hạt nhân hợp lý nào đó? Nhưng, mà thôi, chuyện này để sau, nói đến cái sự vi phạm pháp luật của ông Lê Tấn Hùng đã.
***
Quá nhiều sai phạm ở Tổng công ty Nông nghiệp Sài Gòn (SAGRI) do ông Lê Tấn Hùng làm Tổng giám đốc. Tổng giám đốc sai phạm kéo theo nhiều cán bộ, nhân viên sai phạm. SAGRI là doanh nghiệp có 100% vốn nhà nước được duyệt là 1690 tỉ đồng vốn điều lệ, hoạt động theo mô hình công ty mẹ-con, trực thuộc UBND thành phố Hồ Chí Minh. Chính cái thói “cha chung không ai khóc”, thóc của làng xã chứ không phải của nhà nông dân, nên SAGRI chỉ là cái áo khoác để ngụy trang cho một nhóm người tư lợi. Sử dụng thương hiệu doanh nhiệp nhà nước, tiền bạc nhà nước, pháp nhân nhà nước để thực hiện các vụ làm ăn mờ ám. 
***
Chẳng hạn: SAGRI chuyển nhượng trái luật đất dự án với cái "giá bèo" 168 tỉ đồng (chỉ 10,5 triệu đồng/1m2) ở KP.4, P.Phước Long B, Q.9. Giá này thấp hơn giá 14 triệu đồng/1m2 huy động vốn từ khách hàng. Còn thấp hơn giá dự án ở ngay liền kề chuyển nhượng 29 triệu đồng/m2. Tiền của nhà nước cứ như nước đổ lỗ chuột, mất hút trong tăm tích. Thử hỏi dự án này nếu là tài sản riêng của gia đình ông Lê Tấn Hùng thì có bị đem chuyển nhượng với giá bèo ấy không?
***
Chẳng hạn, “SAGRI qua mặt UBND thành phố Hồ Chí Minh để gây ra các sai phạm nghiêm trọng khác tại hàng loạt dự án đầu tư sử dụng đất công sản, điển hình là tại dự án Cụm công nghiệp Láng Le - Bàu Cò ở xã Lê Minh Xuân, huyện Bình Chánh với diện tích hơn 89 ha, tổng mức đầu tư 693 tỉ đồng…”. SAGRI còn cùng với công ty con - Công ty cổ phần lâm nghiệp Sài Gòn (Forimex) chuyển nhượng hơn 3,6 ha đất tại xã Cửa Cạn, huyện đảo Phú Quốc, Kiên Giang với “giá bèo” 280.000 đồng/m2 cho một cá nhân. Trong khi đó giá thị trường đất cùng loại, cùng thời điểm là 3 triệu đồng/1m2. Sao lại có chuyện ném tiền qua cửa sổ tàn bạo như vậy? Không “của đau con xót” bởi 3,6ha đất ấy có phải là vườn riêng nhà ông Lê Tấn Hùng và các thành viên ban giám đốc đâu! Cứ thử của riêng nhà các ông bà xem, có mà một đồng lẻ cũng cò cưa bớt một thêm hai, chứ đâu phải kiểu vén tay đốt vàng mã như thế.
***
Nhưng, có lẽ “tàn bạo” nhất phải là vụ khai khống, kê khống người đi thăm quan, học tập nước ngoài để quyết toán khống 13,3 tỉ đồng vô cùng mờ ám. “Năm 2016, ông Lê Tấn Hùng đã ký 10 hợp đồng tham quan, học tập kinh nghiệm ở nước ngoài với tổng giá trị hơn 13,3 tỉ đồng với Công ty Thương mại Dịch vụ Hòa Bình Quốc tế và Công ty cổ phần Du lịch Thanh niên xung phong cho hàng chục cán bộ, người lao động đi nước ngoài học tập kinh nghiệm. Tuy nhiên, có 22 người không tham gia chuyến đi”. Đi đêm lắm cũng có ngày gặp ma, có thể do thanh tra định kỳ, có thể do ghen ăn tức ở mà kiện cáo, Thanh tra thành phố Hồ Chí Minh vào cuộc và chỉ ra sai phạm của SAGRI đã “không thực hiện các chuyến đi tham quan, học tập kinh nghiệm ở nước ngoài, nhưng vẫn thanh toán toàn bộ chi phí cho 2 công ty với tổng số tiền hơn 13,3 tỉ đồng là vi phạm nghiêm trọng nguyên tắc kế toán”. Liều thật! Coi trời bằng vung. Thành phố rộng mênh mông chan hòa ánh nắng mặt trời mà cứ nghĩ là khu rừng có nhiều bóng tối dễ ẩn khuất. 
***
Thực tế 13,3 tỉ đồng đã nằm gọn trong tài khoản doanh nghiệp đối tác, bắc thang mà hỏi ông trời, đi đêm cho lắm có đòi được không? Nhưng, “rút dây động rừng”, thấy thanh tra mới vào đến “cửa rừng”, SAGRI đành ba mươi sau chước, chước chuồn là hơn. Sau khi nuốt miếng to quá không trôi, đành thỏa thuận với “Công ty Thương mại Dịch vụ Hòa Bình Quốc tế hoàn trả hơn 6,3 tỉ; Công ty cổ phần Du lịch Thanh niên xung phong hoàn trả gần 3,4 tỉ đồng; nhưng SAGRI vẫn thất thoát gần 4 tỉ đồng”. Số tiền này, không cần phải bắc thang hỏi ông trời, mà hỏi ngay ông Lê Tấn Hùng và những người có liên quan ở SAGRI! 
Năm 2014, ông Lê Tấn Hùng được điều chuyển từ Chỉ huy trưởng lực lượng TNXP thành phố sang làm Tổng giám đốc SAGRI. Tân cán bộ, tân chính sách, tân hành động. Lẽ ra, là người đứng đầu doanh nghiệp trực thuộc Ủy ban nhân dân thành phố, ông Hùng phải có trách nhiệm hóa giải lành mạnh các sai phạm cũ để xây dựng và phát triển doanh nghiệp, thì ông lại làm cho SAGRI sai phạm trầm trọng hơn, be bét hơn. 
***
Nếu doanh nghiệp được ví như con tầu, thì thuyền trưởng phải là người chịu trách nhiệm đầu tiên về sự đắm chìm, hay về tới đích huy hoàng. Bây giờ, con tầu SAGRI tan nát cả rồi: 18 cá nhân là lãnh đạo chủ chốt của SAGR thiếu sót, sai phạm bị kiểm điểm. Người bị kỉ luật. Kẻ bị bắt giam. Tiền của nhà nước bị thất thoát. Mục tiêu doanh thu năm 2019 sụt giảm 1 nửa so với năm 2016. Người ta bảo “chọn mặt gửi vàng” không chọn lại “gửi trứng cho ác”; cứ cái đà này thì ông Lê Tấn Hùng chưa kịp ra tù, lại có các ông Lê Tấn Hủng, Lê Tấn Húng, Lê Tận Hụng... khác vào tù.
***
Điều lạ lùng là: Thanh tra kết luận SAGRI có nhiều sai phạm rành rành, ông Lê Tấn Hùng vi phạm pháp luật rõ mười mươi mà không bị khởi tố ngay lúc đó? Nhìn lại quá trình SAGRI và ông Lê Tấn Hùng dần dần bị đưa ra ánh sáng công lý thì mới thấy công cuộc chống tham nhũng mới nhọc nhằn, khó khăn làm sao. Sau khi thanh tra toàn diện SAGRI, tháng 10.2017, Thanh tra thành phố Hồ Chí Minh ban hành kết luận số 38. Kiểm toán Nhà nước cũng chỉ ra các vi phạm của SAGRI và kiến nghị Chủ tịch UBND thành phố có hướng xử lý. Nhưng, tháng 3.2018, UBND thành phố mới quyết định kỷ luật ông Lê Tấn Hùng với mức... khiển trách. Nhẹ hèo! 
***
Dư luận ầm lên cho rằng có sự nương nhẹ người em trai ông cựu lãnh đạo một thời to nhất thành phố. Tháng 10.2018, UBND thành phố mới xem xét và thấy ông Lê Tấn Hùng bị kỉ luật khiển trách là “chưa tương xứng với mức độ sai phạm”. Cho đến “tháng 2.2019, Thanh tra TP.HCM tiếp tục ban hành kết luận thanh tra số 05 về sai phạm tại SAGRI. Tháng 1.2019, Ủy ban Kiểm tra Thành ủy TP.HCM kỷ luật cảnh cáo ông Lê Tấn Hùng về mặt Đảng. Về mặt chính quyền, ông Hùng cũng bị Chủ tịch UBND TP.HCM kỷ luật cảnh cáo”. Có mỗi một chuyện xử lý sai phạm của cán bộ thuộc quyền (chỉ tương được cấp quận phó), mà dường như thành phố cứ loay hoay, lúng túng: “ Đối chiếu quy định, ông Lê Tấn Hùng có 10 nội dung phê bình, rút kinh nghiệm, 4 nội dung áp dụng hình thức kỷ luật “khiển trách”, 4 nội dung áp dụng hình thức kỷ luật “cảnh cáo”... Do đó hình thức kỷ luật tổng hợp đối với ông Lê Tấn Hùng là “hạ bậc lương”. Sau bao nhiêu lần nâng lên, đặt xuống, cân nhắc, trong vòng luẩn quẩn, rồi cuối cùng tháng 6.2019, ông Lê Tấn Hùng mới bị đình chỉ công tác và sau đó thì bị cách chức Tổng giám đốc SAGRI. Có nương tay trước quá nhiều sai phạm của SAGRI và ông Lê Tấn Hùng không?
***
Thực ra, Tổng giám đốc công ty trực thuộc tỉnh thành cỡ như ông Lê Tấn Hùng thì nhiều, nhan nhản trong toàn quốc. Khởi tố, bắt giam một tổng giám đốc cỡ trung bình quản lý gần 1700 tỷ đồng vốn điều lệ, mục tiêu doanh thu năm 2019 chỉ có 1366 tỷ đồng thì cũng chẳng lớn lao. Không đáng để ầm ĩ giữa cái thời ra ngõ gặp tham nhũng, về nhà gặp chuyện lo. So với bao nhiêu vụ tham nhũng to vật vã nóng hổi thất thoát tiền của nhà nước hàng ngàn, hàng chục ngàn tỉ đồng thì SAGRI và Lê Tấn Hùng cũng chỉ là... mắt muỗi. Nhưng, dư luận ầm ĩ là bởi ông Lê Tấn Hùng là em trai cựu Bí thư Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh. Mọi quan tâm của dư luận đều dõi theo từng bước, từng hành trình kỉ luật ông Lê Tấn Hùng để rồi bàn luận. Bàn rằng kỉ luật như thế là cao hay là thấp. Bàn rằng sao xử lý kỉ luật chậm thế? Bàn rằng có ai làm chậm quá trình, và làm nhẹ hình thức kỉ luật ông Lê Tấn Hùng không? Xử lý đến cùng hay chìm xuồng?... 
***
Người Việt xưa nay vẫn thế. Cứ con, hay cháu, hay em một ông Kễnh nào đó bị kỉ luật, bị khởi tố, thậm chí chỉ là một hành động thiếu văn hóa cũng thành câu chuyện làm quà và bàn luận, đặt câu hỏi. Cho nên, hạnh phúc là được sinh ra từ “danh gia vọng tộc” mà bất hạnh cũng bởi sinh ra từ “vọng tộc danh gia”. Sửa mình, giữ thân cũng là giữ gìn thanh danh cho gia đình, dòng họ.
***
Mọi người đều bình đẳng trước pháp luật. Cuối cùng, ông Lê Tấn Hùng bị khởi tố, bắt giam điều tra, và di lý ra Hà Nội để phục vụ công tác điều tra, chứ không phải ở Sài Gòn,... cũng là chuyện bình thường. Đến như Ủy viên Bộ Chính trị, đến như Bộ trưởng mà vi phạm pháp luật còn bị khởi tố, thì con em một vị lãnh đạo to nào đó vi phạm pháp luật bị tra tay vào còng số tám... cũng là chuyện bình thường. Vậy là, không có ông Cốp ông Kễnh nào, không có “danh gia vọng tộc” nào đứng ngoài pháp luật, và càng không bất khả xâm phạm... cũng là chuyện bình thường đáng mừng ở xã hội ta đang hướng tới công bằng, phát triển, văn minh.