Sau khi công bố, bài viết của Vương Trí Nhàn nhanh chóng đối diện với sự phẫn nộ của những đơn vị, cá nhân chịu trách nhiệm tổ chức tang lễ nhà văn Nguyễn Minh Châu, đặc biệt là các nhà văn, nhà thơ ở Văn nghệ Quân đội. Và bài viết của nhà văn Nam Hà đã chỉ rõ sự thật, phản đối bài viết của ông Vương Trí Nhàn.
Nhà phê bình và chuyện “ngồi lê đôi mách” - Kỳ 1
NGUYỄN HÒA
Ngày 23.1.1989, nhà văn Nguyễn Minh Châu qua đời. Trong khi văn giới và bạn đọc cùng thương tiếc ông thì nhà phê bình văn học Vương Trí Nhàn, người khi đó đang sinh sống cách Việt Nam hàng vạn cây số, đã dựa theo thông tin “nghe hơi nồi chõ” để viết bài đăng trên báo nọ, ví tang lễ nhà văn Nguyễn Minh Châu như “đám tang của kẻ khó”. Sau khi công bố, bài viết của Vương Trí Nhàn nhanh chóng đối diện với sự phẫn nộ của những đơn vị, cá nhân chịu trách nhiệm tổ chức tang lễ nhà văn Nguyễn Minh Châu, đặc biệt là các nhà văn, nhà thơ ở Văn nghệ Quân đội. Và bài viết của nhà văn Nam Hà đã chỉ rõ sự thật, phản đối bài viết của ông Vương Trí Nhàn. Rồi đến hôm nay, vẫn chưa thấy nhà phê bình cho biết ngày đó ông đã đúng, hay đã sai.
Cứ ngỡ đó chỉ là sự kiện hy hữu, là bài học giúp nhà phê bình cẩn trọng hơn; nhưng không, hình như với ông, thói “ngồi lê đôi mách” đã ổn định như một căn tính trong lối viết? Bởi gần đây, sau khi đọc một số phần “Nhật ký văn nghệ” của Vương Trí Nhàn đăng trên một số trang mạng, blog, facebook, tôi đã không tin vào những gì đã đọc; vì trong đó la liệt các câu chuyện “nghe hơi nồi chõ”, cùng một số đánh giá, nhận xét mang màu sắc miệt thị, xúc phạm một số nhà văn, trong đó có người đã mất. Tới khi đọc “Nhật ký văn nghệ” trên blog của Vương Trí Nhàn, thì tôi đã tin và tự thấy cần phải viết bài này. Vì sau khi Nhật ký văn nghệ đăng tải trên một số blog, facebook cá nhân khác thì văn bản không tồn tại đơn lẻ trên blog của ông Vương Trí Nhàn nữa, mà đã được nhân bản; hơn nữa còn vì, sau khi tiếp xúc với “Nhật ký văn nghệ”, có thể bạn đọc nào đó sẽ mặc nhiên coi một số điều ông Vương Trí Nhàn đã công bố là sự thật, thậm chí có thể chịu ảnh hưởng từ đánh giá của ông, hoặc sẽ sử dụng làm tư liệu để… nghiên cứu!
Xét từ nội dung và thời điểm, thì “Nhật ký văn nghệ” của Vương Trí Nhàn ghi lại suy nghĩ, hoạt động và tiếp xúc nghề nghiệp hằng ngày của ông cách đây mấy chục năm. Chưa biết văn bản đích thực của nhật ký, chỉ đọc văn bản ông đưa lên blog, nên không rõ “Nhật ký văn nghệ” đã công bố có tương ứng với nhật ký ông viết, hay đã được biên tập, bổ sung, làm mới? Thông thường, với nhật ký cá nhân không được tổ chức như một tác phẩm văn học, thì việc công bố là rất cẩn trọng. Vì cảm xúc, suy nghĩ, đánh giá thuần túy riêng tư về những vấn đề - sự kiện - con người đề cập trong nhật ký không phải khi nào cũng có thể trình trước thiên hạ. Ngay cả khi công bố nhật ký của một người đã khuất, người biên tập và nơi xuất bản cũng cân nhắc kỹ lưỡng (việc này hẳn khi biên tập “Nhật ký Đặng Thùy Trâm”, ông Vương Trí Nhàn đã nắm rõ). Và về nguyên tắc, dẫu không phải là tác phẩm văn học thì việc công bố nhật ký là quyền của ông Vương Trí Nhàn. Tuy nhiên, điều tôi quan tâm ở đây là tính khách quan và chính xác, góc độ tiếp cận vấn đề - sự kiện - con người, sự trung thực, thái độ của người đã ghi và công bố nhật ký. Nếu không bảo đảm các yếu tố cơ bản này, sau khi công bố, nhật ký có thể đẩy tới ngộ nhận, làm ảnh hưởng đến vấn đề - sự kiện - con người đã được đề cập…
Đọc “Nhật ký văn nghệ” của ông Vương Trí Nhàn, không cần tỷ mẩn đếm chữ cũng nhận ra tỷ lệ quá cao những câu chuyện và chi tiết ông lượm lặt được khi tiếp xúc với người này, người khác, quá nhiều sự kiện - vấn đề - con người được ông đề cập với tư cách là “chuyện văn nghệ Hà Nội nghe ở Moskva”, hoặc ghi theo lời kể của người khác theo lối “khẩu thiệt vô bằng” - thao tác mà nếu nhà phê bình đã biết thế nào là tôn trọng tính khách quan, cụ thể sẽ không vướng vào. Nên tôi không rõ Vương Trí Nhàn lấy gì bảo đảm tính chính xác khi trong “Nhật ký văn nghệ” của ông nhan nhản những ghi chép đại loại như: “Nguyên Ngọc kể”, “ai đó bảo”, “Hồ Ngọc kể”, “Nguyễn Quân kể”, “Quân lại nói”, “Hồ Ngọc bảo ông Vũ Tú Nam kể”, “Một người bạn cũ, kể chuyện Hà Nội - Sài Gòn”, “Đoàn Giỏi tới thăm về, kể…”, “Nghe đồn Phan Hồng Giang có nói…”, “Nghe nói khi thơ Trường Chinh ra, có người bảo Lê Đình Kỵ phê bình đi…”, “Nghe nói (có anh kể)...”, “Phương Lựu kể với tôi”, “Nghe nói vụ Cù Lao Tràm”, “Trần Đăng Khoa có lần kể với Trà một chuyện nhỏ, giờ Trà kể lại với tôi”, “Nghe nói là có cuộc trao đổi về Ly thân bên báo Văn nghệ”, “Chương Thâu kể”, “Bùi Việt Sĩ kể”, “Thiếu Mai kể”, “Nguyễn Đăng Mạnh có lần nói với bọn tôi”, “Sử kể một đoạn đối thoại với Hữu Thọ”, “Vũ Quần Phương kể là ở cơ quan NXB Văn học”, “Ngọc Trai bảo”, “Một việc khác, cũng do Ngọc Trai kể”, “Vẫn Ngọc Trai kể”, “Cả Ngô Văn Phú và Bùi Hòa cùng kể”, “Gặp Nguyễn Văn Bổng. Ông lắc đầu kể”, “Nguyễn Văn Bổng kể”,“Mai Thúc Long giảng giải”, “Phong Lê kể cho biết”, “Bùi Việt Sĩ kể”, “Ân kể về mối quan hệ giữa nhà xuất bản chúng tôi và Hội”, “Trúc Thông kể”, “Lê Minh Khuê kể”, “Xuân Quỳnh họp về đến cơ quan kể với tôi một chuyện tạt ngang”, “Chương Thâu kể”, “Ngô Thảo nói”, “Đỗ Trung Lai ở báo Quân đội nhân dân thì thào”, “Bà Bảo ở Văn phòng Hội bảo”, “Sử có lần nói về Phương Lựu như sau: Phương Lựu đọc ông A, bảo ông A được cái này hỏng cái này. Rồi đọc ông B, bảo ông B được cái kia và hỏng cái kia. Kết hợp cả hai cái được của A và B lại, thì thành ra Phương Lựu”, “Anh Ngọc nhà thơ khái quát”, “Nghe nói Nguyễn Thụy Kha có một bài”, “Nghe Ý Nhi kể”, “Nghe Hách nói”, “Trần Đình Sử nhận xét”, “Nghe nói Chu có viết một báo cáo”, “Hách bình luận”, “Nguyên Ngọc kể”, “Vũ Quần Phương kể”, “Ân kể với tôi”,… Với vô số câu chuyện ghi lại qua “kể, nghe nói, nói, bảo” từ một người, hoặc người này nói rằng người khác từng nói như thế mà hoàn toàn không có bằng chứng xác thực, chỉ thể hiện qua câu chữ của Vương Trí Nhàn, thì liệu có nên tin vào những gì ông ghi lại? Đặc biệt, khi những điều “kể, nghe nói, nói, bảo” ấy đã diễn ra ở thời điểm cách chúng ta khá xa về thời gian (năm 1990) thì không loại trừ khả năng đến năm 2015 này, nếu khổ chủ đã mất rồi thì đó là điều chính ông Vương Trí Nhàn không thể xác minh, còn nếu khổ chủ còn sống thì liệu họ có còn nhớ mấy chục năm trước đã từng nói gì để ông Vương Trí Nhàn hí húi ghi chép, rồi sau một phần tư thế kỷ đem ra công bố trước mọi người?
Qua “Nhật ký văn nghệ” của Vương Trí Nhàn, tôi tò mò muốn biết nếu có ai đó coi những gì ông viết về thói xấu của người Việt là “chửi dân tộc”, “đánh dân tộc” thì ông sẽ nghĩ sao? Tôi đặt câu hỏi này vì thấy trong “Nhật ký văn nghệ” ông có thói quen rất đáng yêu là định tính một số bài phê bình văn học, hoặc ứng xử của đồng nghiệp là “chửi”, là “đánh”, như: “Đỗ Văn Khang chửi Hoàng Ngọc Hiến bước qua lời nguyền”, “Báo Văn nghệ số cuối tháng 7 có bài Duật nhận định tình hình, lại chửi bới ra rả”, “Nguyễn Văn Lưu có bài chửi những người ăn vạ”, “Duật bị người ta chửi là điếm là gắp lửa bỏ tay người. Đầu cơ chính trị thượng hạng”, “Đỗ Văn Khang trong dịp này, chỉ đánh hôi cho Bùi Công Hùng”, “Đến Nguyên Ngọc thì tất cả xô vào đánh”, “bài của Phan Cự Đệ chửi bới Trần Độ về định hướng rộng, chửi luôn cả Nguyễn Duy, Nguyễn Huy Thiệp, và Phong Lê”, “Nghe nói báo Công an Quảng Nam Đà Nẵng có bài chửi bới quyển sách rất dữ”… Thiết nghĩ, khi nhà phê bình tào lao bên bàn trà, hay viết nhật ký riêng tư không có ý định công bố, thì có thể sử dụng “chửi, đánh” định tính một bài phê bình, nhưng khi đã sử dụng “chửi, đánh” để công khai nhận xét một bài phê bình thì xem ra có điều cần xem xét. Dù không đồng tình, ghét tác giả, dù dị ứng với bài phê bình, bất bình với ứng xử của đồng nghiệp thì ông cũng nên định tính một cách lịch lãm, chứ không nên coi đó là “chửi”, là “đánh”; và chí ít thì cũng nên quan tâm tới bài phê bình, tới ứng xử của chính mình để nhận được sự tôn trọng, đó là thái độ có văn hóa của người viết. Vì hoàn toàn có thể nói, nếu lối định tính của ông có một ý nghĩa nào đó, thì nó lại làm xuất hiện khả năng là: bằng việc công bố Nhật ký văn nghệ, ông cũng làm cái công việc mà ông cho rằng người khác đã “chửi”, “đánh” đồng nghiệp!?
(còn tiếp)