Suốt thời trai trẻ và lấn sang cả đoạn dài trung niên, Lương Ngọc An tìm chữ “an” trong xê dịch. Chủ nghĩa xê dịch dường như là một lẽ sống của chàng trai tướng mạo bụi bặm mà ẩn sâu trong tim lại là một hồn thơ lãng mạn, lãng mạn đến tận cùng. Lương Ngọc An luôn khiến người ta e ngại lúc thoạt nhìn nhưng sau đó lại cuốn hút người khác với vẻ bí ẩn khó đoán, như cất giấu cả một kho báu tinh thần không thể đoán định.



ĐI TRƯỚC CẢ “PHƯỢT”

KIỀU BÍCH HẬU

“Phượt” là một từ mang lại cảm giác mạnh, từng tạo nên trào lưu đi khám phá trong giới trẻ suốt hơn thập kỷ qua.Nhưng từ trước khi trào lưu “phượt” ra đời, đã có một chàng trai coi việc đi lang thang khắp nẻo đường đất nước là động lực sống và sáng tạo cho mình. Đó là nhà báo, nhà thơ Lương Ngọc An - gã trai từng đi trước cả “phượt”.
An trong xê dịch
Suốt thời trai trẻ và lấn sang cả đoạn dài trung niên, Lương Ngọc An tìm chữ “an” trong xê dịch. Chủ nghĩa xê dịch dường như là một lẽ sống của chàng trai tướng mạo bụi bặm mà ẩn sâu trong tim lại là một hồn thơ lãng mạn, lãng mạn đến tận cùng. An luôn khiến người ta e ngại lúc thoạt nhìn nhưng sau đó lại cuốn hút người khác với vẻ bí ẩn khó đoán, như cất giấu cả một kho báu tinh thần không thể đoán định.
An cứ đi thôi, không tiền cũng đi. Liều lĩnh mà đi nhưng sự liều lĩnh ấy là có cơ sở. Bởi An trẻ, phóng khoáng và lại có cả một “quỹ bạn hữu” rải khắp đất nước. Đến tỉnh nào là An có bạn ở tỉnh đó. Bạn từ thời trong quân ngũ, bạn từ thời đi học, đi làm... Có biết bao nhiêu bạn của An trên đời này. Làm sao mà giữ được bạn, với An, không khó, chỉ cần có một trái tim. Mà trái tim trai trẻ của Lương Ngọc An luôn đập nồng nhiệt sau vẻ bụi bặm mà tĩnh lặng ghê gớm. Chỉ cần kiên nhẫn theo An một chặng đường, sau một chén rượu tại một quán ven đường nào đó, bạn sẽ thú vị phát hiện ra sức nóng của trái tim trai trẻ ấy.
Do đó, khi xu hướng “phượt” chưa hình thành, chữ “phượt” đầy ẩn dụ chưa thành tiếng đầu môi của giới trẻ ham khám phá thì An đã lượt phượt mà đi một mình xuyên Việt bằng xe máy, đi những 3 lần. Mỗi lần đi lại rất khác, chính An cũng khác mà bạn hữu cũng khác, nói gì đến phong cảnh. Mỗi chuyến đi là một hành trình thử thách. Câu nói “Muốn đi nhanh thì đi một mình, muốn đi xa hãy đi cùng đồng đội” chưa chắc đã đúng trong trường hợp của An. An chọn đi một mình, đi rất xa, chọn sự cô đơn để được là chính mình trong mọi nhẽ. Và thử thách chính mình, xem mình thuộc loại gì, ngựa đường trường hay chăng?
An đã từng thiếu tiền giữa đường “chinh chiến”, phải đặt cược cả “con ngựa sắt”, chiếc xe máy là phương tiện cùng anh xuyên Việt để được đủ điều kiện lên một chuyến tàu câu cá ngừ đại dương. 3 tuần lênh đênh trên biển, không được làm gì cả, chỉ được quan sát cách người ta câu cá ngừ, kéo cá lên tàu ra sao. Nhưng kể cả khoảnh khắc kéo cá mắc câu lên tàu cũng hiếm hoi, còn hầu hết thời gian là ngồi tĩnh lặng, không làm gì cả. Sự đơn điệu, chán chường ghê gớm chính là thách thức lớn nhất đối với An khi ấy. An không hề lường trước tình huống này, khi anh phải chiến đấu từng phút với ý định đòi bỏ giữa chuyến, quay tàu trở về đất liền, sẵn sàng mất trắng “con ngựa sắt” đặt cọc. Bài học lớn của chuyến đi chính là ý nghĩa: cuộc sống này không có mối hiểm nguy nào lớn bằng nỗi buồn chán của chính mình, sinh ra từ trí não mình. Khi bắt đầu một ý định, ai cũng hào hứng khi khởi đầu, nguội dần trên hành trình và bắt đầu đuối khi sự đơn điệu xuất hiện. Sự đơn điệu và buồn chán dụ ta bỏ cuộc giữa chừng. An phát hiện ra, buồn chán chính là kẻ thù lớn nhất của tâm trí. Khi ấy, “tĩnh tâm” là chữ khó học nhất trên đời. Nhưng An đã xứng với cái tên của mình, để tâm được “an” khi xung quanh dường như mãi mãi là biển mênh mông, tĩnh lặng, thậm chí không thấy sóng, cảm giác như mình đứng trên đỉnh địa cầu, buồn chán vô tận và không thể nhìn thấy đâu là đích đến. Sự chiến thắng ở chuyến đi, không chỉ tinh thần mà còn về thể chất. An không bị ốm, không say sóng. Qua trải nghiệm này, anh khá tự tin với sức trai tráng của mình trước biển.
Cho đến khi lên bờ thì chuyện kỳ lạ xảy ra, đó là An bị say đất. Mỗi bước anh đi, mặt đất như đập ngược trở lại khiến anh không đi nổi, phải dùng đến thuốc chống say. Không ai học được chữ “ngờ” là vì vậy, kể cả người mới vượt qua thách thức lớn về tâm trí.
Trong hành trình thi ca
Chính ham muốn phượt ấy lại có công sinh ra một đam mê khác trong An. Trong những chuyến đi khủng như thế, An không chỉ ghi lại kỷ niệm bằng những bức ảnh. Anh viết bút ký, ghi chép như một cách để lưu ký ức mãi mãi, để biến những chuyến đi thực sự là chuyến đi để đời với chính mình trước tiên. Và cái hay của đam mê này là nó dẫn anh đến với nghiệp viết, tích lũy khối tài sản chữ nghĩa đáng kể, tạo nên một cái tên ấn tượng trong làng viết.
Những giá trị tinh túy chắt lọc từ những hành trình khủng ấy, hơn cả những bút ký, ghi chép lại là những vần thơ sau này An viết. Đó là một hành trình khác - hành trình thi ca đẹp đẽ, nở hoa từ nền tảng là khối tri thức được bồi đắp suốt thời lượt phượt trải nghiệm đủ mọi cung bậc đi, sống, viết. Thơ Lương Ngọc An tinh ở chữ, sâu ở nghĩa và ấn tượng từ góc nhìn rất riêng.
“Hoàng hôn buông thõng vai mùa hạ
Gió mồ côi đi nhặt lá mồ côi
Mây ăn mày được chút ánh mặt trời
Hý hửng sáng như cả đời chưa từng được sáng...”
Nhà văn Trung Trung Đỉnh nhận xét, Lương Ngọc An là người thơ biết chạm khắc thơ thật hay, độc đáo.
“Em buộc lại dây giày và chải tóc
Là vừa thêm một đắng khóc hoen cười
Ta buộc lại dây giày và châm thuốc
Là tàn tro xuống đất
Theo lời...”
Những quan sát tinh tế, những suy tư đằm sâu khiến An chỉ với vài câu thơ ngắn là dựng lên cả một câu chuyện dài như một pho tiểu thuyết hiển hiện trước mắt người đọc, sống động, đậm đà khiến ta ham muốn tìm đọc tiếp, khiến ta ngạc nhiên trước một hồn thơ giàu có, phong trần, sáng tạo mà không kém tinh nghịch trẻ trung.
“Anh không biết vì nhớ em mà tỉnh giấc,
Hay tỉnh giấc rồi điều đầu tiên anh nghĩ đến là em?...
Nhưng lòng anh lúc này đang ngập tràn nỗi nhớ mong
Cũng có thể nỗi nhớ ấy vừa đi suốt cùng anh qua giấc ngủ mềm và êm như mái tóc ngát mùi cỏ dại...”
Chính những dòng thơ như thế của Lương Ngọc An khiến người đọc có thể mỉm cười và cho phép mình lãng mạn. Bởi giữa thời buổi nhiễu nhương, điên loạn như thế này vẫn có đâu đó tình yêu thật xứng đáng, chất yêu thật bao dung, lặng thầm mà cao cả. Chỉ vài câu thơ thôi mà khiến hồn người nâng lên cao vời thì đó chỉ có thể là tài năng.
Sức khỏe mãi là một bí ẩn
Những chuyến hành trình dài, khó khăn với một người, một ngựa sắt như vậy không thể chỉ ỷ lại vào tuổi thanh niên. Lương Ngọc An rèn sức mỗi ngày bằng đạp xe, tập thể dục và nhất là chơi bóng đá. Anh chơi trong đội bóng đá nghiệp dư, đủ ham mê và đủ say đến độ gãy chân vì đá bóng. Tai nạn gãy chân cũng là một cảnh báo, rằng thời điểm này anh khó có thể đua sức với lứa thanh niên “trẻ trâu” hừng hực ấy nữa.
Sức khỏe bản thân là một bí ẩn mà ta có thể biết rõ nhưng chính lúc ta tưởng như biết rõ nhất thì sẽ có một bất ngờ xảy ra, lật nhào mọi sự tin tưởng trước đó. Như cú say đất chứ không phải say sóng của An là một ví dụ. Cho nên, một mặt anh chuẩn bị những gì tốt nhất cho sức khỏe như tập tành, ăn uống thì một mặt anh cũng tự theo dõi, xem cơ thể mình sẽ đặt ra những bài toán nào để anh tiếp tục “thám hiểm” những ẩn số mang tên sức khỏe.
Tửu lượng cũng là một chỉ số đo lường sức khỏe. Trước đây, khi đi phượt ở những vùng cao, có những chuyến vào bản người Dao, người Mường thám hiểm thế giới tâm hồn của họ, An đã nhanh chóng hòa nhập sau những bát rượu tràn đầy. Hành động uống rượu trong những hoàn cảnh đó lại kết nối thật tốt cho mạch tâm hồn giữa những người xa lạ. Nhờ đó, An từng có những chuyến thám hiểm vừa kỳ thú, tinh nghịch mà mạo hiểm như vài chuyến chọc sàn cậy vách tìm hiểu yêu đương con gái dân tộc thiểu số hay chuyến học cách làm nèm của ông thầy cao tay xứ Mường... Cho đến nay, rượu uống không vào, anh lại gây ngạc nhiên cho những người từng biết rõ tửu lượng vào loại khá của anh. Sự thay đổi ấy lại thêm một lần thách thức chữ “an” trong tâm trí. Và Lương Ngọc An lại một lần cần vượt qua để tĩnh tâm theo đuổi hành trình mới - hành trình của một thi nhân với những chuyến thám hiểm ở tầng cao của tinh thần.