Đạo dức giả và ngụy biện thực chất là gian dối, che đậy sự xấu xa, sai lầm, bảo thủ, cố chấp… nhằm mục đích tự bảo vệ mình, đề cao mình và đối phó với công lý, với xã hội. Hầu hết những quan tham có chút ít chữ nghĩa đều sính đạo đức giả và “học thuyết ngụy biện”



ĐẠO ĐỨC GIẢ VÀ NGỤY BIỆN ĐANG LÂY NHIỄM

VÕ KHẮC NGHIÊM

Một hãng tin phương tây vừa công bố kết quả cuộc khảo sát khá thú vị với nội dung “Tại sao chúng ta hành xử giống những người xung quanh”. Cuộc khảo sát đã phân tích những ảnh hưởng tốt, xấu của bạn bè, gia đình, cộng đồng xã hội đối với mỗi người mà thói quen bắt chước có thể làm thay đổi bản ngã của bất kỳ ai... Câu chuyện này khiến tôi bỗng nghĩ đến “thói quen vòi vĩnh” của công chức nước ta, cũng bắt nguồn từ cái sự “gần mực thì đen” khi mà những “ngọn đèn” không thể rạng được, thậm chí bị vùi dập, loại bỏ.
Tôi đã từng nghe một vị quan chức khá to cao giọng dạy bảo nhân viên phải sống, làm việc trung thực, nhân ái, có trách nhiệm, tránh xa những thói hư tật xấu... nhưng chính ông ta lại vừa bị công an bắt quả tang đang nhận hối lộ hàng trăm triệu đồng tại một quán nhậu, nhưng vẫn hung hăng: “Các anh bắt nhầm rồi!...”. Ông ta ngụy biện mọi lý do, ba hoa về cái sự liêm khiết của mình, rút điện thoại gọi cho ông A, bà B, tướng C... trình bày, nhờ can thiệp. Khám nhà ông, công an thu được khá nhiều vàng, USD và tại ngăn kéo bàn làm việc vẫn còn hàng chục phong bì tiền đút lót chưa kịp bóc dùng. Vụ án đang được mở rộng điều tra. Không ít người ngạc nhiên, kể cả cấp trên vì ông này thuộc diện quy hoạch, sắp được đề bạt lên một vị trí cao hơn, lý lịch trong sạch, tích cực tham gia chống tham nhũng và các hoạt động từ thiện... Có người cho rằng vì biết sắp được lên ghế cao nên ông ta phải xoay xở “lót đường”cho nhanh... Nhưng theo tôi thì không hẳn vậy. “Thói quen kiếm chác” khi đã ngấm vào máu thì tiền cũng kích thích bộ não chẳng kém gì ma túy… Có điều mọi quan tham thời 4.0 đều rất tinh quái, biết che đậy mình bằng vỏ bọc hiền lành, liêm chính, cố tình tỏ ra giản dị, trung thực, nhân ái, lấy một phần tiền tham nhũng đi cứu trợ bão lụt, xây nhà trẻ cho làng nghèo... Lâu nay ta thường quan niệm “đạo đức giả” là “nói một đằng làm một nẻo”, tự đề cao những thứ mình không có, không làm, thậm chí che đậy sự xấu xa, độc ác. Với các quan tham thời nay “nói hay, làm cũng hay”, chỉ khác là làm để đánh bóng mình, lừa cấp trên, lừa thiên hạ chứ chẳng hề trong sáng vì lợi ích của xã hội. Không ai ngụy biện giỏi hơn các quan tham… Nào là do biến đổi khí hậu, do tình hình thế giới, do quá nhiều việc, do nhu cầu cấp bách, phục vụ nguyện vọng của nhân dân... nên để xẩy ra tình trạng “đáng tiếc” như kiểu phát biểu của vị bộ trưởng khi nói về đoàn thanh tra bị bắt quả tang nhận hối lộ vừa rồi ở Vĩnh Phúc. Có lẽ ngài bộ trưởng quên mất quy định quan trọng của Đảng và Chính Phủ: Để xẩy ra tham nhũng, người đứng đầu phải chịu trách nhiệm. “Đáng tiếc” hơn là ngay lập tức bộ này thành lập đoàn thanh tra mới, “khủng” hơn, tiếp tục thanh tra khi mà công an đang giữ toàn bộ hồ sơ để điều tra. Phải chăng đây là sự ngụy biện đầy cay cú nhằm “trả đũa” xã, huyện dám động đến quyên uy của một bộ to đùng. Dân chúng phì cười khi người ta dùng dao mổ voi của một bộ có mênh mông dự án khổng lồ để giết vài con nhặng ở xã mà vẫn cao giọng đạo đức giả rằng: - đã lập đoàn thanh tra thì phải làm cho xong, có kết luận đúng - sai . Trong khi có bao nhiêu công trình cao to ở ngay cạnh văn phòng bộ này sai phạm nghiêm trọng bao năm rồi vẫn ngang nhiên tồn tại.
Một vị tướng công an từng nói với tôi: - Thanh tra xây dựng, giao thông, quản lý thị trường... từ thấp đến cao đều từng xẩy ra tham nhũng bị xử lý khá nhiều, nhưng trắng trợn vòi vĩnh như vừa xẩy ra, bị bắt quả tang thì hơi hiếm. Thanh tra bộ xuống tận xã “cày ải” lại càng hiếm. Có cái gì đó khác hơn, lạ hơn là tỏ ra sâu sát của thói đạo đức giả và lối ngụy biện cùn. Ban Chỉ đạo phòng chống tham nhũng Trung Ương đã có chỉ thị phải rà soát thanh lọc hệ thống Thanh tra. Chắc sẽ có nhiều vụ lớn sẽ bị phanh phui. Những vỏ bọc đạo đức giả chỉ bị lột trần trước cán cân công lý với đủ chứng cứ khóa miệng lưỡi ngụy biện.
Đạo dức giả và ngụy biện thực chất là gian dối, che đậy sự xấu xa, sai lầm, bảo thủ, cố chấp… nhằm mục đích tự bảo vệ mình, đề cao mình và đối phó với công lý, với xã hội. Hầu hết những quan tham có chút ít chữ nghĩa đều sính đạo đức giả và “học thuyết ngụy biện” - Nói gì cũng quy về cái sự đúng đắn, tốt đẹp cho mình. Sai lớn ngụy biện lớn, sai nhỏ ngụy biện nhỏ. Người đứng đầu có “dũng cảm nhận trách nhiệm” thì cũng rất chung chung, nhận cho ra vẻ có đạo đức, xin lỗi để dân thương, vậy thôi! Mọi việc rồi lại vẫn như cũ, thậm chí càng cải cách càng tệ hơn, tốn kém hơn và càng biết cách ngụy biện khéo hơn. Ở nước ngoài một vị bộ trưởng vì vô tâm để cấp dưới yêu cầu một chuyến bay phải đợi mình, bị dư luận phê phán, đã vội vàng xin từ chức. Ở nước ta, một tổng giám đốc đã buộc một chuyến bay phải đợi bạn mình khá lâu mà còn ngụy biện là vì lý do nhân đạo… Lại có những vị dùng xe công ra tận sân bay đón vợ hoặc chở vợ đi cúng bái, đi sửa mắt xăm môi... cứ vô tư ngụy biện “tại nhân viên văn phòng tự ý làm, mình không hề biết gì”… Xem ra quy định “người đứng đầu phải chịu trách nhiệm” chỉ mới mang y nghĩa tượng trưng với ai đó, chứ bộ trưởng có trăm công nghìn việc quản sao nổi hàng chục vạn con người rải khắp đất nước!...
Một quan tham từng nói lời cuối trước tòa khi nhận án 30 năm tù: - Tôi đã bị cuốn vào cơn lốc gian dối, tha hóa... mà vẫn được thăng tiến trọng dụng nên phải giả vờ đạo mạo, giả vờ nghiêm minh, ngụy biện với cấp trên để được tin cậy hơn, tiêu xài thoải mái hơn. Cứ nghĩ, người như mình còn ai dám động đến... Đây là lời sám hối của tôi cũng có thể là lời ngụy biện cuối cùng: Xin tòa hãy xét đến truyền thống của gia đình, dòng họ với những đóng góp của chúng tôi cho đất nước mà khoan hồng giảm hình phạt cho kẻ đạo đức giả này còn được sống làm người tự do khi hết hạn tù…
Sống cao thượng, sống đẹp ai cũng mong muốn. Nhưng sống thế nào được coi là đẹp hẳn đã có chuẩn mực chung cho mọi cộng đồng xã hội nên mới có câu ngạn ngữ sâu sắc “gần mực thì đen, gần đèn thì rạng”. Khi một bộ phận cộng đồng “nhiều mực ít đèn” thì ảnh hưởng không nhỏ đến cách sống của bất cứ ai sinh ra và lớn lên trong bộ phận cộng đồng đó, mà sự gian dối là đặc trưng của thói quen đạo đức giả và ngụy biện, rất dễ tiêm nhiễm vào bản ngã của lớp trẻ, chiếm đoạt sự ngây thơ trong sáng. Bệnh thành tích, quá coi trọng bằng cấp đã dung dưỡng thầy cô, học trò và cả cha mẹ có những hành vi gian dối, lo lót, che đậy, và thế là kéo nhau cùng sống đạo đức giả, cùng ngụy biện, và rồi đến tham nhũng nhanh lắm…
Gia đình, trường học, bạn bè, tổ chức, truyền thông, văn học... luôn là chỗ dựa tinh thần cho thanh thiếu niên. Sống thế nào, học tập ai, học tập những gì... Lớp trẻ thời @ đọc vị nhanh lắm, bắt chức nhậy lắm. Yêu sớm, thực dụng sớm, đạo đức giả sớm, ngụy biện cũng sớm. Ví như một cậu ấm vòi tiền: - “Thời bố mẹ khác, chúng con khác! Không có bộ cánh xịn, không có xế hộp, dế chảnh, không có ái tình phí thì đừng yêu...”. Lại có chuyện một giám đốc tự hào khoe con trai ông không hề vòi tiền bố mẹ mà tự kiếm tiền bằng cách bán hàng qua mạng, sống hiền lành ngoan ngoãn lắm. Tìm hiểu kỹ mới biết cậu ta chuyên bán hàng cho những đối tác và nhân viên của bố mình với giá gấp đôi gấp ba mà họ vẫn vui vẻ mua. Một cách kiếm tiền hợp pháp từ những kẻ tham nhũng quyền lực.
Suy cho cùng gian dối, tham nhũng sản sinh ra thói đạo đức giả và đủ thứ giả, mà ngụy biện là thứ lý luận giả nguy hiểm nhất, làm băng hoại những giá trị đạo đức quý báu. Dù chỉ một bộ phận cộng đồng có đặc quyền đặc lợi thường hay đạo đức giả và ngụy biện, nhưng nó chi phối xã hội rất lớn và lây nhiễm rất nhanh, rất cần sự lên án mạnh mẽ của toàn dân, đặc biệt là truyền thông, báo chí, văn học nghệ thuật


Nguồn: Văn Nghệ