Khi đang là sinh viên khoa Văn ở Trường Đại học Sư phạm Huế, Tôn Nữ Thu Thủy viết bài thơ đầu tiên về mối tình tưởng tượng với ý định để dành tặng người yêu của mình, không ngờ giây phút đó lại thành khởi điểm để chị gắn bó một đời cùng thi ca. Suốt hành trình sáng tạo chỉ bằng giọng điệu thì thầm của một phụ nữ gốc gác cố đô, nhà thơ Tôn Nữ Thu Thủy chinh phục bạn đọc theo cách lặng lẽ và nhẹ nhàng “Trồng cây tùng để làm tin/ Mở lồng thả hết cánh chim cho trời”.
TÔN NỮ THU THỦY TỪNG LÁ SEN LÀM SAO TĨNH TÂM?
LÊ THIẾU NHƠN
Sinh ra và lớn lên bên bờ sông Hương, tâm hồn Tôn Nữ Thu Thủy được nuôi nấng bằng những cơn gió khe khẽ qua những hàng cây im ắng trong Đại Nội. Nguồn mơ mộng ấy ngỡ cho chị một cuộc sống yên bình nơi chôn nhau cắt rốn, không ngờ số phận lại đẩy đưa chị phải rời xa những tiếng chuông chùa Thiên Mụ ngân nga mỗi chiều. Năm 1976, cô giáo trẻ Tôn Nữ Thu Thủy 23 tuổi đến tỉnh Khánh Hòa làm giáo viên ở Cam Ranh, mang theo bao nhiêu ngổn ngang thương nhớ “Mái nhà cha mẹ thôi đành/ Xa xăm ở giữa nội thành xa xăm”.
Sau khi lấy chồng, chị chuyển về dạy học ở Nha Trang. Những ngày tha hương và những ngày bận bịu ở đô thị ven biển, giúp chị gần gũi hơn với thơ. Rồi vần điệu của Tôn Nữ Thu Thủy cũng không thể tiếp tục dan díu với từng con sóng trắng xô dạt tít tắp Hòn Tằm, Hòn Yến, Hòn Mun…. Năm 1988, chị lại cùng gia đình chuyển vào định cư tại TPHCM. Mảnh đất mới chộn rộn hơn, con người mới chen lấn hơn, Tôn Nữ Thu Thủy từ giã bục giảng để đi làm báo và làm sách. Những ngày xuôi ngược tầng thấp tầng cao giăng mắc nỗi niềm, chị tập đối diện chính mình “Giá như bao giờ cũng biết/ Buồn vui là tự nơi mình/ Giá như đừng cô đơn quá/ Núi xanh mở lối gập ghềnh” và chị tập an ủi chính mình “Sương vừa rơi giữa đêm nay/ Để mềm chiếc bóng của ngày hôm qua”.
Nhà thơ Tôn Nữ Thu Thủy cư ngụ trong một con hẻm nhỏ ở quận 8, sự ồn ào không làm chị bức bối, sự đơn điệu không làm chị hiu quạnh: “Trong không gian trắng/ Có người biết mình yêu điều gì, cần phải làm gì/ Cặm cụi bên những vi mạch từng ngôn ngữ kết nối sinh sôi cho đời…”. Chị may mắn có được người chồng là nhạc sĩ, luôn thấu hiểu và khích lệ vợ mình bên ngọn đèn bàn viết xanh xao chữ nghĩa. Những tập thơ nối tiếp nhau ra đời “Viết tặng ánh lửa”, “Trái đất đang nóng dần lên”, “Hoa hồng xanh”, “Mắt lá”, “Dưới mái nhà xanh” đủ để độc giả nhận diện được chân dung nhà thơ Tôn Nữ Thu Thủy dung dị mà suy tư: “Để làm dịu nỗi đau/ Tôi xoay trở/ Nghiêng nghiêng, bám tay vào hàng phím sóng/ Trùng khơi đáp lời…”
So với những nữ sĩ cùng thế hệ, nhà thơ Tôn Nữ Thu Thủy dường như đứng ngoài những bộn bề danh lợi. Không giả vờ khiêm cung, chị chọn một lối đi hiền lành và thanh thản “Em về từng bước nhỏ/ Bên đất trời lớn lao”. Thế nhưng, sự nhạy cảm của một người đàn bà cầm bút lại không cho phép chị thờ ơ với những náo động xung quanh. Chị cũng hoang mang thế sự “Nhiều khi ở giữa ngày thường/ Tôi còn lại những nỗi khổ đau của chính mình từ bi kịch của người khác/ Cánh cửa không mở ra cánh rừng/ Tôi hốt hoảng trước bức tường trắng” và tự tìm cách thanh lọc bản thân “Khi mây không còn là mây/ Âm vang rời những âm vang/ Tôi lại là tôi/ Một phụ nữ nhỏ nhoi/ Với những đoá hồng chưa kịp tươi lại/ Sau buổi chợ mai”.
Căn tính nữ trong thơ Tôn Nữ Thu Thủy nghiêng hẳn phía chia sớt bất hạnh và bơ vơ. Những cảnh đời thường thoáng qua mà nhiều người không để ý, thì chị lại ám ảnh và day dứt. Đó có thể là người phụ nữ bất chợt nhìn thấy giữa cơn mưa với những lầm lũi không mấy ai đồng hành san sẻ: “Chị run run trong mưa/ Bước chân không dừng lại/ Vẳng nghe trẻ con cười nói/ Nhớ một ngôi nhà sau rặng cây xa/ Đi qua mưa đi qua mưa/ Trái tim nấu nung che chở/ Chị trở về bên cánh cửa/ Mang theo hơi ấm cuối cùng”. Đó có thể là đứa trẻ tình cờ nhìn thấy bên thềm nhà vắng vẻ không vòng tay âu yếm che chở: “Mẹ đi bán rau, mẹ vẫn chưa về/ Em ngồi chơi với đồng tiền lá…/ Mẹ đi đâu chưa về mẹ ơi/ Mẹ nói ba không còn ở trên đời/ Làm sao con đi một mình không có mẹ/ Con đói quá, con mệt quá/ Con buồn ngủ quá…”. Những câu thơ không cần đẽo gọt ngôn ngữ cũng không cần bóng bẩy ẩn dụ, lại giống như những thước phim quay chậm khơi dậy phấp phổng xót xa, đánh thức nôn nao lương thiện. Phẩm chất thi sĩ của nhà thơ Tôn Nữ Thu Thủy hiển lộ ngay những trắc ẩn mong manh! Thậm chí, khi xem bức tranh “Tĩnh vật giày của Van Gogh” thì chị cũng không giấu được ngậm ngùi cho những bôn ba, những chới với, những khấp khểnh, những chênh vênh mà mỗi kiếp người dự phần trong cõi nhân gian chìm nổi lênh đênh: “Chẳng giấu mình mòn vẹt/ Những chiếc giày đi tìm giấc mơ đến đứt dây/ Xấu cũ sau hành trình mải miết/ Những chiếc giày mỉm cười bước cùng số phận ai…”.
Nhà thơ Tôn Nữ Thu Thủy có cuộc sống giản đơn và êm ấm. Những xáo trộn chốc lát đều được chị dàn xếp, những mất mát riêng tư đều được chị vỗ về, nên mảng thơ tình của chị rất ít dư vị cồn cào. Thỉnh thoảng chị đau đáu “Mây đổi thay rồi hàng dương oằn gốc/ Mùa qua hư huyền cánh chim bặt tăm/ Cát vàng trôi đi đầy vơi vỏ ốc/ Tình yêu nào buộc ràng biển thức bao năm?” rồi chị lại thương lượng với sự hài lòng duyên nợ “Mai sau bóng vườn thành hư ảo/ Anh có nhìn ra một nét cười?”. Chị đặt câu hỏi mà không chờ ngóng hồi đáp. Chị đặt câu hỏi chỉ để trái tim mình xao xuyến theo những nhu cầu tự tại ung dung!
Cốt cách đằm thắm của một người phụ nữ Huế thể hiện trong thơ Tôn Nữ Thu Thủy chủ yếu tập trung vào sự chan hòa với thiên nhiên. Giữa phố xá ngột ngạt, chị hướng về lá về hoa để bộc bạch, để lý giải, để thông cảm. Nhà thơ Tôn Nữ Thu Thủy có cách định nghĩa về hoa khá độc đáo: “Hoa/ Nụ cười của đá xanh bao năm trước/ Đám mây của giọt lệ bao năm trước/ Làn nắng của rêu mốc tù hãm bao năm trước”. Nhà thơ Tôn Nữ Thu Thủy cũng có cách ứng xử với lá khá thú vị: “Lá như tóc đậu trên vai/ Không tháng năm không hờn giận/ Bao nhiêu cơn gió đường dài/ Đã trượt ra ngoài số phận”. Hình tượng hoa và lá trở đi trở lại liên tục và dày đặc trong thơ chị, vừa là đối tượng phản ánh, vừa là ký hiệu thẩm mỹ, vừa là giá trị trữ tình. Hoa nở như cơn cớ của lãng mạn, lá rụng như hoài vọng của quá khứ, hoa và lá cùng hiện ra như tích tụ của kỷ niệm. Dù không gian chật hẹp, thì chị cũng thấy “Ngoài cửa” thật mênh mông “Hoa súng trắng ngẩng nhìn bầu trời trắng hơn chút nữa/ Cánh chim với bầu trời bay lên/ Nguồn nắng rót niềm ấm áp vô tận/ Có phải bầu trời cũng tự nhủ sẽ xanh hơn”. Cho nên, một lần ngắm “Hoa tiểu quỳnh giữa tinh sương” khiến chị bồi hồi “Hoa sinh ra cùng giấc mơ/ Ở cách xa những dối lừa/ Ở cách xa điều ác/ Hoa sinh ra như tuổi thơ”, một trải nghiệm “Đêm sao ở Từ Viên” khiến chị nghẹn ngào “Những giọt sương vẫn chậm rơi trên lá sứ/ Ngùn ngụt hơi lạnh đông xuân chẳng ru ngủ nổi mình/ Nghe một điều gì chớm khẽ/ Níu lòng trong ánh sáng của đêm”, mà một dịp đứng “Giữa vườn hoa Trúc Lâm” cũng khiến chị mãn nguyện “Hoa vươn lên từng cánh mong manh/ Chuộc lại ngày mưa thưa sắp vào chiều tối/ Có giấc mơ hóa bướm giữa vườn/ Đất trở thành niềm vui cứu rỗi!”
Thơ Tôn Nữ Thu Thủy không tạo ấn tượng bằng sự lấp lánh tu từ khéo léo. Thơ Tôn Nữ Thu Thủy cũng không tạo ấn tượng bằng vần điệu trầm bổng du dương. Thơ Tôn Nữ Thu Thủy có ưu điểm ở những khoảnh khắc thảng thốt của những điều bất an mơ hồ, của những phen xô lệch bịn rịn. Đó là những vang động không thể nào nghe được bằng đôi tai: “Dãy tường đá cũ còn in tiếng/ Từng lá sen làm sao tĩnh tâm”. Đó là những mong muốn không thể nào làm được bằng đôi tay: “Tôi vẽ hoa sen/ Mà chẳng vẽ được nụ cười thuần hậu ấy/ Tôi kể về hoa sen/ Mà chẳng kể hết được làn hương ấy/ Luôn luôn sen vượt qua cái nhìn của tôi/ Tôi mơ giấc mơ/ Một cô bé ôm cành hoa sen/ Được sống hạnh phúc mãi mãi”.
Bây giờ nhà thơ Tôn Nữ Thu Thủy đã quá tuổi lục thập. Cô nữ sinh thuở nào rạo rực những câu thơ đắm đuối qua mười hai nhịp cầu Tràng Tiền, hôm nay đã là bà mẹ của bốn gã trai phương trưởng và thành đạt. Nhà thơ Tôn Nữ Thu Thủy lại dùng thơ ru cháu như đã từng ru con “Những ngày đẹp/ Có bao giờ phai đi/ Bầu trời xanh mãi thầm thì”, và lắng đọng cho chính mình “Giữ lại một ngày ta như lá/ Xanh giữa trưa vàng êm ả ru/ Có một niềm vui thường im lặng/ Có bao giờ nói hết mùa thu…”./.