Đã và đang có một hiện tượng không bình thường là khi xuất bản trong nước, tên gốc một số tác phẩm của nhà văn người Việt ở nước ngoài đã bị thay đổi hoặc tên tác giả được thay bằng bút danh ít người biết, sau khi tác phẩm phát hành thì lập tức trên một số tờ báo, tác giả được ca ngợi hết lời, tác phẩm được khẳng định như tuyệt tác. Rồi lúc lời ca ngợi lắng xuống thì tác giả và tác phẩm cũng lắng xuống theo, nếu không nói mất hút trong sinh hoạt văn chương.
VÌ VĂN CHƯƠNG, HAY CÒN VÌ MỤC ĐÍCH NÀO KHÁC?
NGUYỄN HÒA
Mới đây, đọc bài “30.4 và câu hỏi văn chương có chữa lành vết thương lịch sử?” của Nguyễn Vĩnh Nguyên, tôi chú ý tới việc bài này giới thiệu hai tác phẩm của hai tác giả “có thể xem là những đại diện hàng đầu của văn chương Việt Nam đương đại” là Thuận và Kim Ân, vì đã “gây rất nhiều bất ngờ, thậm chí sửng sốt, trong bối cảnh kỷ niệm sự kiện lịch sử 30.4”. Với Thuận, tôi đã đọc các tiểu thuyết của nhà văn này, còn Kim Ân, vì chưa tường tận nên tôi hỏi qua một số đồng nghiệp, cũng không ai hay. Sau tôi được biết, Kim Ân là bút danh của Vũ Thư Hiên - một người Việt viết văn hiện sống tại Pháp.
Để kiểm chứng điều Nguyễn Vĩnh Nguyên cho rằng “Có lẽ đã rất lâu rồi, văn học Việt Nam mới có một tiểu thuyết đáng chờ đợi - vừa đảm bảo độ “nóng” của các vấn đề thời sự chính trị… vừa chạm đến những vấn đề sâu xa của lịch sử tinh thần thời hiện đại của người Việt”, và một tập truyện ngắn ra đời từ “lối viết của một bậc thầy kể chuyện”, tôi đã đọc hai cuốn sách. Để rồi đọc xong, điều tôi ngờ ngợ dễ bị lời quảng bá “đánh lừa” đã không còn là dự cảm!
1. Về tiểu thuyết “Thư gửi Mina” của Thuận
Hồi đầu, đọc mấy tiểu thuyết của Thuận xuất bản ở Việt Nam, tôi bị hấp dẫn bởi lối viết dày đặc suy tư, dày đặc liên tưởng, phảng phất giễu nhại... Rồi càng đọc càng mệt mỏi và tôi nhận ra, dù Thuận cố gắng làm mới tác phẩm bằng một số chế tác hình thức (từ không tổ chức theo chương hồi, không dấu chấm xuống dòng, không sắp xếp theo chương để người đọc tự sắp xếp, đến sử dụng la liệt các con số 4, tổ chức tiểu thuyết bằng mấy chục bức thư...) cũng không che lấp được điểm yếu cốt tử trong các tiểu thuyết của chị là trước sau chỉ có một lối viết lặp đi lặp lại từ cuốn này đến cuốn khác, quanh đi quẩn lại vẫn là dòng ý thức mà ở đó thời gian hiện tại chỉ như cái cớ để khuếch đại thời gian quá khứ. Còn nhân vật, dù lang bạt nơi nào thì vẫn như một (các) cá thể luôn sống với những tâm sự đậm mầu tư biện, đầy ẩn ức, miên man trong liên tưởng; hầu như lẻ loi vì liên hệ với xã hội bản xứ lỏng lẻo; quan sát ở phạm vi hẹp để thi thoảng đưa ra vài nhận xét, suy tưởng; mỗi khi nghĩ về quê hương thì như nghĩ về xứ sở của những điều cũ kỹ, lạc hậu, dốt nát, dị hợm, phản tiến bộ, nhan nhản chuyện xấu xa...
Trước hết, liệu có thể tin những ai từng giới thiệu “Thư gửi Mina” được cấu tứ bằng 30 bức thư đã thật sự đọc cuốn sách? Bởi nếu đã đọc, họ sẽ thấy tiểu thuyết chỉ có 27 thư gửi Mina, xen lẫn giữa 27 thư này là nhiều phiến đoạn có tên: “Thư Pema” (7 lần), “Tin Afghanistan” (11 lần), “Tin Paris” (một lần) và hai đoạn văn vô đề ở các trang 85, 183. Tổng số các phiến đoạn là 65 trang, chiếm gần 20% số trang cuốn sách, sao có thể bỏ qua? Đọc 65 trang tôi đồ rằng: Có thể tác giả viết để “làm màu”? Có thể tác giả không biết cài đặt chúng vào đâu? Có thể tác giả e người đọc không nắm bắt được nguồn cơn chuyện muốn kể? Có thể tác giả muốn cung cấp thông tin về cuộc chiến ở Áp-ga-ni-xtan? Là khả năng nào thì 65 trang “độn” giữa 27 thư gửi Mina cũng không giúp tiểu thuyết hấp dẫn hơn. Nên tôi nghĩ, các tác giả giới thiệu trên báo chí rằng Thư gửi Mina “cấu thành từ 30 bức thư”, “30 bức thư không bao giờ được gửi”, “các bức thư có thể dừng ở con số 30 nhưng hiện thực ngoài kia thì không dừng lại”,... đều chưa đọc cuốn sách như một khảo sát toàn diện để giới thiệu.
Tháng 4-2019, một tác giả là Tầm Thư công bố bài điểm sách nhan đề “Nhà văn Thuận lần đầu ra mắt tiểu thuyết về chiến tranh”. Điều lố bịch là bài điểm sách mở đầu bằng một đoạn dài đạo văn từ bìa bốn cuốn “Thư gửi Mina”. Như bìa bốn “Thư gửi Mina” viết: “Mùa thu 2016, nhân vật chính, một nhà văn nữ gốc Việt sống ở Paris, đã quay lại căn phòng áp mái giữa khu Pigalle nóng bỏng từng chứng kiến những ngày đầu tiên cô đặt chân đến Pháp, để bắt tay vào một bản thảo”, thì Tầm Thư cũng véo von: “Mùa thu 2016, nhân vật chính, một nhà văn nữ gốc Việt sống ở Paris, đã quay lại căn phòng áp mái giữa khu Pigalle nóng bỏng từng chứng kiến những ngày đầu tiên cô đặt chân đến Pháp, để bắt tay vào một bản thảo”! Không chỉ thế, nếu đã đọc, nhẽ ra con số 30 trong đoạn Tầm Thư viết: “Ba mươi bức thư gửi đúng một người, luôn xưng “tao” và gọi “mày”. Ba mươi bức thư không dừng ở tâm sự, miêu tả” phải thay bằng con số 27! Nhưng vấn đề là ở chỗ Tầm Thư đọc “Thư gửi Mina” như thế nào. Bảo rằng với “Thư gửi Mina”, lần đầu Thuận viết về chiến tranh ư? Đó là “vẽ rắn thêm chân”, vì ngoài mấy dòng được Tầm Thư dẫn và 11 mục “Tin Afghanistan” thì chiến tranh hầu như vắng bóng, và cho thấy “Thư gửi Mina” không phải tiểu thuyết về chiến tranh, mà chiến tranh chỉ là một trong vô số ký ức, liên tưởng được nhân vật phô diễn triền miên trong tiểu thuyết. Bảo rằng “Dường như đây cũng là lần đầu tiên tác giả vốn bị coi là lạnh lùng và lý trí quyết định để các nhân vật mở lòng, để tình yêu và tình dục có những dịp được vắt đến cùng kiệt” ư? Đó là viết lấy được, chí ít nếu đã đọc “Chỉ còn 4 ngày là hết tháng Tư”, Tầm Thư sẽ gặp vài ba trang viết về tình dục cũng na ná như mấy trang trong “Thư gửi Mina”, nghĩa là không có gì mới so với sáng tác trước đó của Thuận!
Hầu như xuyên suốt các tiểu thuyết Thuận đã xuất bản, thứ “bột” để “gột nên hồ” luôn luôn chỉ là suy tư, liên tưởng dựa trên vốn liếng tích lũy từ trải nghiệm ở thì quá khứ của người kể chuyện được pha trộn đủ loại thông tin lượm lặt từ internet, cùng vài điều nhặt nhạnh qua tiếp xúc hạn hẹp với người bản xứ... Còn về thủ pháp sử dụng đến nhàm chán là nhắc đi nhắc lại một số câu văn, đoạn văn thì tôi nghĩ, tác giả cố tình rườm rà để làm đầy trang viết mà thôi. Tôi không coi những đặc điểm kể trên là phong cách văn chương của Thuận, đó chỉ là “ba đường búa của Trình Giảo Kim” giúp nhà văn “múa” hết từ tiểu thuyết này đến tiểu thuyết khác. Sự ổn định như “đổ bê-tông” của lối viết khiến tôi dự cảm khi ký ức khai thác cạn kiệt thì Thuận sẽ “cạn vốn”. Và dự cảm trở nên rõ nét khi được nhân vật xác nhận ngay trang đầu “Thư gửi Mina”: “Tao thường xếp quá khứ vào những ngăn nhỏ rồi thỉnh thoảng mở xem có thể sử dụng vào đâu”! Nhưng, trong tiểu thuyết của Thuận, mỗi “ngăn nhỏ” quá khứ chỉ là cái “cớ” để nhân vật bấu víu rồi triền miên liên tưởng, đó là căn nguyên để Thư gửi Mina liên tục xuất hiện các diễn giải: “tao tưởng tượng”, “tao mơ”, “tao hình dung”,... nên phải chăng khi tác giả để nhân vật phải thừa nhận những gì kể - tả chỉ là kết quả của tưởng tượng, mơ, hình dung, cũng tức là nhà văn chưa tự tin vào những gì đã viết? Trong các tiểu thuyết Thuận, cái “ngăn nhỏ” chứa đựng ký ức trải nghiệm ở Việt Nam từ mấy chục năm trước được “mở ra xem” nhiều nhất. Ký ức ấy như bị đóng đinh vào những điều cũ kỹ, lạc hậu, dốt nát, dị hợm, phản tiến bộ, nhan nhản chuyện xấu xa,... thường được quy chiếu từ góc nhìn “giễu nhại, hài hước đen” (chữ của Nguyễn Vĩnh Nguyên) mà theo tôi thực chất chỉ như là ám chỉ, xỏ xiên một số giá trị vốn được trân trọng ở Việt Nam, thậm chí như xuyên tạc lịch sử. Nói cách khác, mỗi khi nghĩ về cố quốc, nhân vật của Thuận chỉ nhớ và mô tả những điều tồi tệ và xấu xa, từ đó nảy sinh một nghịch lý liên quan đến lòng tự trọng, vì tiểu thuyết của Thuận chủ yếu được xuất bản ở chính nơi nhân vật của chị vẫn mặc định như là xứ sở của những điều tồi tệ, xấu xa! (Để không bị coi là quy chụp về chính trị, tôi không dẫn lại các nội dung như ám chỉ, xỏ xiên. Nhưng theo tôi, mỗi nhà văn sẽ tự tầm thường hóa ngòi bút của mình nếu sử dụng văn chương để ám chỉ, xỏ xiên!).
Rốt cuộc thì đọc “Thư gửi Mina”, tôi không bắt gặp “rất nhiều bất ngờ, thậm chí sửng sốt”, cũng không thấy một “tiểu thuyết đáng chờ đợi”. Tiểu thuyết chỉ cung cấp thêm cứ liệu củng cố điều tôi cho rằng tiểu thuyết của Thuận là tác phẩm của một người Việt sống và viết văn ở nước ngoài nhiều năm song thiếu khả năng nhập thân văn hóa, phải đeo bám vào sinh quyển văn hóa đã khai sinh con người nhà văn bằng vài ba “rễ ký ức” đã vụn mủn theo thời gian. Nếu vẫn đeo bám ký ức mấy chục năm trước, nếu vẫn lặp lại lối viết đã nhàm chán thì dù Thuận bày đặt trò chơi hình thức như thế nào thì rồi đây, văn chương của chị vẫn tiếp tục “đi ngang như vốn vẫn đi ngang”. Vì tác phẩm văn chương thành công luôn là kết quả của khám phá, sáng tạo mới mẻ, hấp dẫn trong sự thống nhất giữa nội dung với hình thức… Dẫu đó là việc khó khăn thì vẫn là tiêu chí hàng đầu giúp đánh giá một nhà văn tài năng hay không.
2. Về tập truyện ngắn “Hoa cúc dại” của Kim Ân - Vũ Thư Hiên
Bởi Nguyễn Vĩnh Nguyên quảng bá đây là sản phẩm từ “lối viết của một bậc thầy kể chuyện”, nên trước khi đọc, tôi đã chuẩn bị tâm thế đón đợi để tiếp nhận tác phẩm. Nhưng chưa hết nửa tập, tôi đã phải đặt cái tâm thế đón đợi kia sang một bên.
Tôi không rõ khi tập hợp và xuất bản tập truyện ngắn này, những người liên quan tổ chức theo cách thức nào, nhưng trên thực tế, toàn bộ truyện ngắn in trong Hoa cúc dại đã công bố trên internet từ khá lâu, có thể kiểm chứng bằng cách khảo sát theo từ khóa: Đôi mắt màu đêm, Lời xưng tội lúc nửa đêm, Nấm mồ, Đường số 4, Người chỉ đường ở Lyon, Hoa cúc dại, Ông thông gia, Sao đổi ngôi, Cái bóng, Đêm mất ngủ, Cõi âm, Đêm mùa xuân, Ba ngày ở thị trấn Cù Cưa, và các truyện đều ghi rõ tác giả Vũ Thư Hiên. Cho nên, dù coi việc tập hợp truyện ngắn đã công bố để xuất bản thành tập là bình thường thì ở đây, tôi vẫn bày tỏ thắc mắc: Tại sao khi xuất bản Hoa cúc dại, NXB Phụ nữ phải đổi toàn bộ tên tác giả từ Vũ Thư Hiên thành Kim Ân?
13 truyện ngắn in trong Hoa cúc dại tập trung vào hai phạm vi đề tài khá cụ thể: một là chuyện về con người và sự kiện ở Việt Nam nơi tác giả đã biết, đã trải qua (trong đó cảnh và người Việt Bắc khá rõ); hai là chuyện về con người và sự kiện ở một số nước châu Âu nơi tác giả đã sống, đã ghé qua. Nhưng dù trong phạm vi đề tài nào thì chuyện vẫn được kể một cách chậm rãi, tác giả rất ít dụng công cho biện pháp kỹ thuật để chuyện kể trở nên hấp dẫn, mà thường dông dài, đa số truyện gần gũi với truyện ký hơn truyện ngắn. Một số truyện như được cấu tứ chủ yếu giúp tác giả bàn chuyện nhân tình thế thái, triết lý sự đời (như các truyện: Lời xưng tội lúc nửa đêm, Cõi âm). Cách kể - tả như vậy không mới, không cho thấy dấu ấn một “bậc thầy”, có truyện tác giả còn tỏ ra kém tay nghề, chẳng hạn như truyện ngắn Nấm mồ. “Một bậc thầy kể chuyện” sẽ không phải sử dụng tới 559 chữ (hơn hai trang giấy) chỉ để người kể chuyện ở ngôi thứ nhất lòng vòng mào đầu: “Câu chuyện tôi kể ở đây không dài, lại không có những diễn biến đan xen, bất ngờ, khả dĩ dắt dẫn người đọc tới những suy đoán mung lung, đặng tạo ra sự lôi cuốn. Vì lẽ đó nó sẽ không thú vị, hoặc kém thú vị, tính theo chuẩn văn chương quen thuộc. Xin rào trước một câu như thế để người viết khỏi bị những phiền trách về sau”; rồi bày tỏ “băn khoăn là nên chọn cho nó hình thức nào đây để nó không trở thành nhàm chán”; rồi giới thiệu nhân vật thứ nhất tên là gì, lai lịch và hoàn cảnh thế nào, quan hệ với người kể chuyện ra sao; rồi kể nhân vật thứ hai là ai, làm nghề gì, đặc điểm, hiện sống ở đâu; thậm chí chồng của nhân vật thứ nhất cũng được giới thiệu “tuy không đóng vai trò đáng kể nhưng cũng không thể vắng mặt trong câu chuyện”. Tôi thử đọc truyện ngắn Nấm mồ theo cách bỏ qua 559 chữ mào đầu, và không thấy tác phẩm suy suyển. Thiết nghĩ, căn cứ vào 13 truyện ngắn trong Hoa cúc dại, giả dụ coi Kim Ân - Vũ Thư Hiên là một trong các đại diện hàng đầu của văn chương của người Việt ở nước ngoài đã cần phải cân nhắc, huống hồ đại diện hàng đầu của văn chương Việt Nam đương đại.
Trong Hoa cúc dại, một số truyện ngắn của Kim Ân - Vũ Thư Hiên cũng đưa đến cái kết có hậu, ít nhiều có ý nghĩa nhân văn, có dấu ấn tình người (như các truyện: Nấm mồ, Ông thông gia, Đêm mất ngủ); tác giả cũng sử dụng yếu tố huyền ảo làm cho chuyện kể vừa hư vừa thực, tăng tính ly kỳ (như các truyện: Đôi mắt màu đêm, Cõi âm). Nhưng lối kể dông dài trong các truyện ngắn dễ làm người đọc khó nhẫn nại đi cùng tác giả đến cuối cùng, hoặc khiến yếu tố huyền ảo trở nên nhạt nhòa. Hẳn vì các truyện ngắn trong Hoa cúc dại không phải xuất sắc, nên tuy đã công bố từ lâu nhưng chưa thấy được đề cập như đối tượng khảo sát, chí ít với các tác giả lý luận, phê bình người Việt hiện ở nước ngoài. Ngoại trừ một khảo sát của Du Tử Lê, tôi chưa thấy có ý kiến đánh giá cao truyện ngắn của Kim Ân - Vũ Thư Hiên. Hơn nữa theo tôi, điều Nguyễn Vĩnh Nguyên khẳng định Kim Ân - Vũ Thư Hiên là “một bậc thầy kể chuyện” thực chất là sản xuất một phó bản của điều năm 2017 Du Tử Lê đã nhận xét Kim Ân - Vũ Thư Hiên: “là một trong những bậc thầy về truyện ngắn”!...
Ngày 23-4-2019, trang facebook Anh Doan Thuan đăng tải một trạng thái: “Cảm ơn Nguyễn Vĩnh Nguyên, biên tập viên xuất sắc, dũng cảm và tài năng”, lời cảm ơn này giúp xác định vai trò của Nguyễn Vĩnh Nguyên khi xuất bản “Thư gửi Mina”. Không bình luận về sự “xuất sắc, tài năng” của Nguyễn Vĩnh Nguyên khi biên tập cuốn sách, tôi chỉ băn khoăn vì không rõ đâu là cơ sở xác định đó là việc làm “dũng cảm”? Là tác giả, là người biên tập, chỉ Thuận và Nguyễn Vĩnh Nguyên mới có thể trả lời câu hỏi này. Còn khi Nguyễn Vĩnh Nguyên “thổi kèn khen lấy” thì không làm tôi ngạc nhiên, tuy nhiên theo tôi, hẳn vì mải mê “mãi võ” nên Nguyễn Vĩnh Nguyên đã “múa mấy đường quyền” quá đà qua việc tôn vinh Thuận, Kim Ân - Vũ Thư Hiên là hai tác giả “có thể xem là những đại diện hàng đầu của văn chương Việt Nam đương đại” kèm theo lời ca ngợi có cánh về tác phẩm của họ! Thiển nghĩ, dù “có thể” và là ý kiến của Nguyễn Vĩnh Nguyên thì vẫn nên cân nhắc trước khi công bố. Đồng thời xin lưu ý, đến thời điểm tôi viết bài này, với “Thư gửi Mina” và “Hoa cúc dại”, mới chỉ có riêng Nguyễn Vĩnh Nguyên là “chờ đợi, bất ngờ, sửng sốt”, còn giới phê bình vẫn im lặng, báo chí mới công bố vài bài đọc sách chủ yếu là xào xáo của nhau.
Tôi không phân biệt nhà văn trong nước hay ngoài nước và luôn trông đợi những tác phẩm ngày càng hay hơn góp phần phát triển văn chương nước nhà. Song theo tôi, đã và đang có một hiện tượng không bình thường là khi xuất bản trong nước, tên gốc một số tác phẩm của nhà văn người Việt ở nước ngoài đã bị thay đổi hoặc tên tác giả được thay bằng bút danh ít người biết, sau khi tác phẩm phát hành thì lập tức trên một số tờ báo, tác giả được ca ngợi hết lời, tác phẩm được khẳng định như tuyệt tác. Rồi lúc lời ca ngợi lắng xuống thì tác giả và tác phẩm cũng lắng xuống theo, nếu không nói mất hút trong sinh hoạt văn chương. Như cuốn sách của một người Việt ở nước ngoài luận bàn về thơ từng được ví như “Thi nhân Việt Nam thứ hai” chẳng hạn, gần mười năm rồi, không mấy ai nhắc đến, hoặc trích dẫn! Xa hơn, một tiểu thuyết của người Việt ở nước ngoài từng được đề nghị cần “nằm trong hành trang tinh thần của mỗi người Việt Nam trước khi bước sang thế kỷ 20” giờ cũng vắng bóng! Nên xét đến cùng, bản chất của những việc làm như vậy là thiếu trung thực. Nếu thực tâm với sự phát triển văn chương thì đừng vì mục đích nào đó hay chỉ nhằm bán sách mà “biến không thành có”, làm người đọc rối trí vì không thể nhận biết đâu là nhà văn tài năng, đâu là tác phẩm xuất sắc.
Nguồn: Báo Nhân Dân