Vlog là từ viết tắt của video blog, tạm hiểu là một đoạn nhật ký bằng video ngắn để mời gọi mọi người tìm hiểu thế giới riêng của nhân vật. Chủ đề của các vlog xoay quanh cuộc sống thường ngày nên nó rất rộng: từ ý kiến cá nhân với một vấn đề nào đó đến nếp sinh hoạt, trải nghiệm khám phá... của nhân vật. 


VLOG VÀ NHỮNG TRÀNG PHÁO TAY DỄ DÃI CỦA ĐÁM ĐÔNG

PHAN THI UYÊN

Trước đây, những vlogger như Toàn Shinoda, Duhocsinhmy, JVnevermind… gây ấn tượng nhờ quan điểm sâu sắc, thú vị về các vấn đề xã hội. Khi YouTube phát triển mạnh tại Việt Nam, vlog càng có cơ hội nảy nở. YouTube với cơ chế kiếm tiền từ lượt người xem khiến nó trở thành mảnh đất màu mỡ cho những người sản xuất nội dung, trong đó có giới làm vlog. Người xem càng nhiều và ổn định, chủ kênh không chỉ nhận được số tiền của YouTube mà còn thu khoản lợi nhuận béo bở từ các nhà quảng cáo.
Và thành công nhất đến thời điểm này phải kể đến kênh Bà Tân Vlog. Ra mắt được 20 ngày, kênh này đã thu hút gần 1,5 triệu subscribers (người đăng ký) và nhận nút vàng YouTube. Kỷ lục này giúp bà Tân lọt vào top 3 kênh YouTube có lượt đăng ký tăng nhanh nhất thế giới. Bất ngờ hơn nữa khi hầu hết các clip của bà Tân đều đạt mốc triệu view sau thời gian ngắn.
Điều khiến người ta ngạc nhiên và khó hiểu là tại sao bà Tân lập được "thành tích" trên khi các clip rất nghiệp dư, nội dung hết sức đơn giản, thậm chí là hời hợt. Với góc quay sơ sài của cậu con trai, bà Tân thực hiện các món ăn bình dân như đùi gà nướng, thịt trâu xào rau muống, xúc xích nướng, trái cây dầm, trà sữa...
Điều đặc biệt duy nhất chỉ là kích cỡ. Lúc nào bà cũng thực hiện món ăn với kích cỡ khổng lồ: nướng 100 cái đùi gà, 200 cây xúc xích, ly trà sữa 60 lít... Lý giải về việc tại sao mình lại thích xem các clip của bà Tân, nhiều người cho rằng vì cách nói chuyện của bà thật thà, ngô nghê, quê mùa. Người già làm Vlog có gì đó thú vị, bất ngờ đối với các bạn trẻ, mà đây lại là một cụ bà nông dân. Một số câu nói của bà Tân trở thành xu hướng của cộng đồng mạng như: "Bà chào các cháu nhá", "Các cháu có thấy bà ngầu không?", "Cuộc đời bà gần 60 nồi bánh chưng rồi"....
Tuy nhiên, không ít ý kiến cho rằng ngoài kích cỡ món ăn và cách nói chuyện ngô nghê, công thức làm món ăn của bà Tân không có gì độc đáo, sáng tạo để học hỏi. Nội dung clip cũng không truyền tải thông điệp ý nghĩa gì. "Kịch bản vô giá trị, ăn nói không có duyên, video không có sự đầu tư, làm không vì đam mê mà mang mục đích muốn kiếm tiền" - một khán giả gay gắt.
Từ sự "ăn nên làm ra" của Bà Tân Vlog, các kênh ăn theo motif "bà già làm Vlog" đua nhau ra đời. Bắt chước cách làm món ăn khổng lồ của bà Tân, không chỉ các cụ bà như Bà Sáu TV, Bà Vân Vlog, Bà Tám Vlog, Bà Đường Vlog… mà cụ ông cũng sốt sắng vào cuộc như Ông Ba Vlog.
Trong video đầu tiên, ông Ba (73 tuổi) làm thau hoa quả dầm siêu to và thu hút gần 700 nghìn lượt xem sau một ngày đăng tải. Hiện tượng bà Tân Vlog như cái tát vỗ mặt những người làm nội dung chuyên nghiệp trên YouTube. Họ tự hỏi tại sao kênh của mình được đầu tư công phu, lành mạnh từ nội dung đến hình thức nhưng lại "thua đớn thua đau" các vlog sơ sài, nội dung vô bổ?
Với số người theo dõi và xem hiện tại, thu nhập hàng tháng của bà Tân lên đến gần 100 triệu đồng. Trước đó, kênh của Khá Bảnh cũng từng nhận đến 400 triệu đồng mỗi tháng. Số tiền đó làm mờ mắt nhiều người khiến họ bất chấp mọi thủ đoạn, kể cả vi phạm thuần phong mỹ tục, lề thói đạo đức để câu view.
Nếu cách câu view của bà Tân và các cụ ông, cụ bà khác vẫn còn khá nhẹ nhàng thì vlog của Khá Bảnh, Dương Minh Tuyền, Hồ Xuân Hương, Phúc XO... đều gây sốc bằng đủ chiêu trò kỳ dị. Phúc XO đeo vàng giả đầy người nhưng luôn "nổ" là vàng thật; Hồ Xuân Hương luôn rải một đống tiền quanh mình mỗi khi đi chơi, ăn uống; Dương Minh Tuyền thì nổi tiếng là "thánh chửi" hoặc đi hù dọa người khác, lấy đó làm trò tiêu khiển; Khá Bảnh thì có trò đốt xe máy, khoe thành tích vào tù ra khám... Mới đây, các kênh mang tên Ẩm thực Tam Mao, NTN Vlogs... cũng toàn chứa nội dung phản cảm như đi ăn trộm, đập phá máy móc, leo lên nóc nhà, ăn uống nham nhở...
Nhiều người vì lượt view mà bất chấp các chiêu trò nguy hiểm cho người thân lẫn cho chính mình. Một cậu bé dội nguyên thau trứng sống lên đầu mẹ. Một người khác thì quăng mũ bảo hiểm từ tầng 81 xuống đất. Chủ nhân kênh NTN Vlogs thì leo lên cột điện cao 100 mét trong trời gió to hay đi xe máy mà bánh gắn lò xo...
Cũng vì câu view, các clip bệnh hoạn như thử ăn chất thải, hành hạ động vật, hút 1.000 điếu thuốc hoặc chơi đểu, chọc tức để nạn nhân phản ứng làm trò gây cười... được dịp nở rộ. Đáng nói là dù bị dư luận phản ứng dữ dội nhưng các vlog này vẫn ung dung tồn tại và thu hút lượt xem khủng chứ hiếm khi bị gỡ. Đặc biệt, những clip này luôn công khai cho mọi độ tuổi vào xem, trong đó có trẻ em.
Nhiều người giải thích rằng, vì cuộc sống đã quá căng thẳng nên xem những vlog này với mục đích giải khuây. Cũng có người tò mò xem thử nội dung lố bịch như thế nào mà vô tình tăng thêm lượt view cho chủ nhân. Song điều đáng báo động là những nhân vật dị hợm, cá biệt như thế lại trở thành thần tượng của một bộ phận giới trẻ. Khá Bảnh, Dương Minh Tuyền... trở thành những người hùng.
Bà Tân Vlog cũng nhanh chóng trở thành người phụ nữ đáng ngưỡng mộ để người khác noi theo, dù rằng bà không hề có tài năng gì đặc biệt. Nếu tuổi trẻ bồng bột chưa ý thức được cái nào đúng, cái nào sai, thì điều đáng buồn nhất vẫn là người lớn, đặc biệt là những người định hướng dư luận. Bà Tân Vlog nổi như cồn lập tức có không ít nhà đài mời về phỏng vấn, mời dự gameshow.
Kiểu ăn theo này có khác mấy sự kiện một tờ báo mời "thảm họa" Lệ Rơi về giao lưu cách đây vài năm. Hóa ra, những điều nhảm nhí được cả những người định hướng truyền thông cổ súy. Đến mức này, Nguyễn Đông Hùng - một Youtuber chuyên nghiệp, phải thốt lên: "Phải chăng thị hiếu công chúng đã xuống tận đáy, họ chỉ thích những mục giải trí đơn thuần thiếu chất xám và mang tính kỳ dị, cá biệt?".
Nhưng thử nhìn lại các hiện tượng mạng nổi lên từ YouTube như Lệ Rơi, Kenny Sang, Bà Tưng, Khá Bảnh, Dương Minh Tuyền... Những clip hát ca, nhảy múa theo kiểu lố bịch hay khoe giọng hát dở ẹc làm trò cười cho thiên hạ... rồi cũng nhanh chóng rơi vào quên lãng.
Đại diện YouTube tại Việt Nam cũng cho rằng dù các chương trình bổ ích, lành mạnh, được đầu tư chỉn chu không có nhiều cơ hội lên top đầu, không có lượt xem đột biến nhưng nó lại rất ổn định, lâu dài chứ không chóng rộ chóng tàn như các clip nhảm nhí, dễ dãi. Tuy nhiên, thời gian mà những nhân vật này nổi đình nổi đám cũng để lại tiền lệ xấu để giới trẻ học hỏi theo, gây méo mó nhận thức. Họ sẽ nghĩ rằng kiếm tiền từ YouTube thật dễ. Và nếu muốn không bị chìm, cứ làm lố hơn nữa, sốc hơn nữa.
Việc quản lý của cơ quan chức năng đối với vlog "rác", nhảm vẫn như bắt cóc bỏ dĩa, chế tài xử phạt chỉ "gãi ngứa" so với lợi nhuận mà các vlogger kiếm được. Kênh của Khá Bảnh, Dương Minh Tuyền... chỉ bị đánh sập khi hai nhân vật này bị "sờ gáy" vì vi phạm pháp luật ngoài đời thực.
Mới đây, Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ Thông tin và Truyền thông) ra công văn chấn chỉnh việc các nhãn hàng có quảng cáo trong các clip độc hại trên YouTube. Nhờ vậy, nhiều thương hiệu mới để tâm siết chặt. Việc siết lại nguồn quảng cáo khiến các clip nhảm nhí, phản cảm, vô bổ gặp khó khăn hơn. Ngoài ra, YouTube cũng có chính sách để người xem báo cáo clip xấu, độc. Dựa vào lượng người báo cáo, phía YouTube sẽ xem xét gỡ bỏ clip hoặc kênh đó. Tuy nhiên, nút báo cáo này hiện nay vẫn chưa phát huy hết hiệu quả khi số vlog "rác" vẫn nhan nhản. Phải chăng ở Việt Nam, cái gọi là văn hóa tẩy chay vẫn quá nhạt nhòa?



Nguồn: Văn Nghệ Công An