Báo Công An Nghệ An đặt câu hỏi: Một tờ báo mang tên “Bảo vệ pháp luật” tại sao lại không bảo vệ một cô bé đang yên đang lành bỗng bị biến thành nạn nhân của trò vu khống hèn hạ? Theo dõi toàn bộ nội dung sự việc, độc giả và người dân càng hoài nghi: Báo Bảo vệ pháp luật có thực lòng bảo vệ pháp luật như tôn chỉ cao quý của tờ báo hay không?
BÁO BẢO VỆ PHÁP LUẬT ĐÃ THỰC LÒNG BẢO VỆ PHÁP LUẬT?
TRẦN LÂM
Là cơ quan ngôn luận của Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Báo Bảo vệ pháp luật thực hiện chức năng tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng và pháp luật của Nhà nước; tuyên truyền về hoạt động tư pháp. Thế nhưng, theo dõi những bài viết phản ánh sự việc liên quan đến vụ bé gái 6 tuổi tại TP Vinh vừa qua, độc giả và người dân càng thêm hoài nghi về mục đích, hiệu quả hoạt động của tờ báo Bảo vệ pháp luật. Báo Bảo vệ pháp luật có đi đúng con đường mình đã được định hướng, hay lại làm những việc hoàn toàn trái ngược, công kích, thậm chí đẩy một nạn nhân vô tội vào con đường khốn cùng, oan ức?
Có lẽ, Trần Thị T.A (quê Hậu Giang), người được Nguyễn Thanh Trung chỉ đích danh trong vụ án mà Trung tố cáo lên Công an TP Vinh về hành vi xâm hại tình dục cháu bé N.T.B.T sẽ không bao giờ quên những tháng ngày tủi hổ, xót xa đã qua. Với một cô gái 16 tuổi, thực sự đó là thời điểm ám ảnh nhất trong cuộc đời. Từ một lời tố cáo hoàn toàn bịa đặt của Trung, chỉ trong vài ngày, A. bỗng chốc trở thành nạn nhân những anh hùng bàn phím, và nhất là “cộng đồng mạng”. Dù chưa có bất cứ kết luận nào của cơ quan điều tra, dù vụ việc đang được Công an TP Vinh tích cực làm rõ, nhưng A. đã bị dư luận xúc phạm, bị chửi rủa và thậm chí là “kết án oan”. Tích cực nhất, trong vụ việc này, không ai khác chính là Báo Bảo vệ pháp luật.
Từ khi vụ việc mới phát hiện chưa được lâu, thay vì để cơ quan Công an tập trung điều tra, Báo Bảo vệ pháp luật đã đăng tải nhiều bài viết mang tính quy chụp, phiến diện. Tờ báo này khai thác đủ mọi góc cạnh để thu hút dư luận, thậm chí chỉ trích lực lượng Công an. Nổi cộm là các bài viết: “Vụ bé gái 6 tuổi nghi bị xâm hại: Tôi có tiền án nhưng con tôi cần được bảo vệ”; “Vụ bé gái 6 tuổi tố nghi bị xâm hại tình dục: Lời kể đau đớn của người bố trẻ"; “Vụ bé gái 6 tuổi nghi bị xâm hại tình dục: Có khởi tố vụ án hình sự”... Tất cả chỉ có mục đích là kết án Trần Thị T.A là thủ phạm, là người thực hiện hành vi xâm hại tình dục trẻ em.
Vậy là chỉ từ một lá đơn tố cáo chưa rõ ràng, tờ báo này đã vội vàng đưa ra những ám chỉ mang tính kết luật về hành vi của một con người. Thậm chí, ngay cả khi có kết luận giám định pháp y về việc bé gái không bị xâm hại, tờ báo này vẫn “cố đấm ăn xôi”, đẩy dư luận và bạn đọc hoài nghi theo một hướng khác với tiêu đề ám chỉ nhiều điều: “Màng trinh không bị rách không phải là yếu tố duy nhất định tội xâm hại tình dục”... Đọc những bài viết này, thực sự, dư luận đều nghĩ A. chính là thủ phạm của vụ việc trên. Trong lúc xã hội đang lên án mạnh mẽ hành vi xâm hại tình dục trẻ em thì những bài viết phiến diện của Báo Bảo vệ pháp luật càng được chia sẻ rộng rãi trong cộng đồng mạng.
Thế nhưng, sự thật là gì? Sau khi Công an TP Vinh tích cực, khẩn trương điều tra làm rõ vụ việc, vở kịch mà người bố Nguyễn Thanh Trung dựng lên đã được hạ màn. Chính Trung chứ không ai khác, đã thừa nhận mình dựng toàn bộ vụ việc chứ không như nội dung tố cáo ban đầu. Nghĩa là A. hoàn toàn vô tội. Một câu hỏi đặt ra là, đến lúc này, Trần Thị T. A. mới 16 tuổi, chưa đủ tuổi trưởng thành. Vậy A. cũng là một trẻ em cần được pháp luật bảo vệ, chăm sóc.
Theo Điều 21 Luật Trẻ em 2016 quy định: “Trẻ em được pháp luật bảo vệ danh dự, nhân phẩm, uy tín, bí mật thư tín, điện thoại, điện tín và các hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác; được bảo vệ và chống lại sự can thiệp trái pháp luật đối với thông tin riêng tư". Việc công bố thông tin bí mật đời sống riêng tư của trẻ em lên mạng phải có sự đồng ý của cha, mẹ, người chăm sóc trẻ em. Trong trường hợp trẻ em từ đủ 7 tuổi thì việc này còn phải được sự đồng ý của chính các em. Ngoài ra, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trên môi trường mạng và cá nhân khi đưa thông tin bí mật đời sống riêng tư của trẻ em lên mạng còn phải bảo đảm an toàn thông tin của trẻ em. (Điều 36 Nghị định 56/2017/NĐ-CP).
Theo Khoản 9, Điều 9 Luật Báo chí: Các hành vi bị nghiêm cấm: “Thông tin ảnh hưởng đến sự phát triển bình thường và thể chất của trẻ em”. Còn theo Điểm d, Khoản 2, Điều 8, Nghị định 159 Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động báo chí xuất bản về Vi phạm quy định về nội dung thông tin: “Tiết lộ bí mật đời tư khi chưa được sự đồng ý của người đó, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác”. Thế mà, hàng loạt bài viết của báo Bảo vệ pháp luật đang đi ngược lại điều đó, nhiều thông tin về A. đã bị “đào xới” để đăng tải... Thậm chí, ngay cả khi A. trên 16 tuổi thì việc được các cơ quan công quyền bảo vệ là một điều hiển nhiên như bất cứ công dân nào. Qua vụ việc này, dư luận đang tự hỏi, liệu những người viết bài có tìm hiểu những quy định pháp luật này không? Một tờ báo mang tên “Bảo vệ pháp luật” tại sao lại không bảo vệ một cô bé đang yên đang lành bỗng bị biến thành nạn nhân của trò vu khống hèn hạ?
Thêm một chi tiết nữa càng làm rõ việc thiếu tôn trọng công dân, cơ quan tổ chức của Báo Bảo vệ pháp luật: Sau khi có kết luận bước đầu của Cơ quan CSĐT Công an TP Vinh, trong phiên làm việc với Ủy ban Tư pháp Quốc hội, trước câu hỏi của Đoàn, Thiếu tướng Nguyễn Hữu Cầu, Giám đốc Công an tỉnh đã thông tin, trao đổi vụ việc. Mục đích cao nhất là để Đoàn công tác và thông qua đó, để người dân hiểu rõ bản chất vụ việc. Với tính cách quyết liệt và mạnh mẽ, Thiếu tướng Nguyễn Hữu Cầu thẳng thắn nêu vấn đề, rằng, có một số cá nhân, tổ chức lợi dụng vụ việc để làm phức tạp tình hình; trong đó có Báo Bảo vệ pháp luật đã đăng tải nhiều bài viết gây hoang mang dư luận, khiến người dân hiểu sai về công tác điều tra.
Sau khi vụ việc sáng tỏ, thay vì tuyên truyền kết quả điều tra để định hướng dư luận, tờ báo này lại “cay cú” khi có bài viết mang tính ngụy biện, thiếu xây dựng: “Tướng Nguyễn Hữu Cầu đe nẹt Báo Bảo vệ pháp luật, nói vống gấp 2,5 lần”. Tại sao lại “đe nẹt”? Đây là một buổi làm việc tại UBND tỉnh, Thiếu tướng Nguyễn Hữu Cầu báo cáo với Đoàn giám sát của Quốc hội, có sự chứng kiến của lãnh đạo Trung ương và địa phương. Những thông tin Thiếu tướng đưa ra là bản chất vụ việc, và chỉ đích danh những đối tượng cần làm rõ. Trong lúc đó, lãnh đạo hay phóng viên Báo Bảo vệ pháp luật không có mặt ở buổi làm việc, không chứng kiến thì sao lại quy chụp là “đe nẹt”.
Không những vậy, bài báo còn sử dụng ngôn từ gây ảnh hưởng đến danh dự, uy tín Thiếu tướng Nguyễn Hữu Cầu. Cụ thể, bài báo viết: “Với một cơ quan báo chí (Báo BVPL), ông còn lớn tiếng đe nẹt, vậy đối với những người dân yếu thế thì tình hình sẽ ra sao?”. Đây là sự quy chụp phiến diện, vô lý. Ai cũng biết, từ trước đến nay, đại biểu Quốc hội Nguyễn Hữu Cầu luôn có những tranh luận, kiến nghị thẳng thắn, trách nhiệm và tâm huyết để bảo vệ lợi ích hợp pháp của người dân.
Xin cung cấp thêm một chi tiết để độc giả và Báo Bảo vệ pháp luật được rõ hơn: khi vụ việc xảy ra, Thiếu tướng Nguyễn Hữu Cầu đã chỉ đạo Công an TP Vinh tập trung điều tra làm rõ vụ việc. Giám đốc Công an tỉnh trực tiếp nghe lời khai của Trung và thường xuyên kiểm tra, đốc thúc điều tra viên sớm đưa kẻ xấu ra ánh sáng. Không ai khác, chính Thiếu tướng Nguyễn Hữu Cầu là người nắm rõ từng chi tiết vụ việc liên quan cháu bé B. T. Thế nên, ngoài kết oan tội cho A., Báo Bảo vệ pháp luật còn nợ Thiếu tướng Nguyễn Hữu Cầu, Đại biểu Quốc hội, Giám đốc Công an tỉnh Nghệ An một lời xin lỗi! Chắc chắn thế!...
Người làm báo phải giữ cho mình tâm sáng, bút sắc, lòng trong. Báo chí có chức năng định hướng dư luận, phản ánh khách quan, chân thực vụ việc. Theo dõi toàn bộ nội dung sự việc trên, độc giả và người dân càng hoài nghi: Báo Bảo vệ pháp luật có thực lòng bảo vệ pháp luật như tôn chỉ cao quý của tờ báo hay không? Hay đang hoàn toàn đi ngược lại, thậm chí có biểu hiện, hành vi vi phạm pháp luật? Liên quan nội dung này, chúng tôi sẽ cung cấp đến bạn đọc trong thời gian sớm nhất.
Nguồn: báo Công An Nghệ An