Câu chuyện tìm kiếm căn tính bản thân của Hoài Lâm, “Đen Vâu”, hay Sơn Tùng, mặc dù là của 3 người nổi tiếng nhưng thực tế lại là 3 câu chuyện rất tiêu biểu cho người trẻ hôm nay. Điều này khác với thế hệ sinh năm 1975 trở về trước, những người lớn lên và vào đời trong một bối cảnh căn tính bản thân hầu như là đã mặc định là hòa chung với căn tính của toàn xã hội.
Từ trường hợp Hoài Lâm, “đen vâu” và Sơn Tùng MTP:
Khi người trẻ vật vã đi tìm căn tính
PHẠM HIỆP
1.
Tôi bắt đầu chú ý đến ca sỹ Hoài Lâm khi xem Lâm dự thi chương trình Gương mặt thân quen năm 2014. Bẵng đi một thời gian, không thấy Lâm có sản phẩm mới thật nổi trội nhưng thi thoảng tôi vẫn lên YouTube xem lại những bài hát của em từ cuộc thi năm đó.
Năm ngoái, khi đọc báo thấy nói Lâm quyết định tạm dừng ca hát, rút về ở ẩn với bạn gái một thời gian, rồi sau đó đọc được bài trả lời phỏng vấn của nghệ sỹ Hoài Linh, cha nuôi và là người đỡ đầu trong âm nhạc cho Lâm, tôi hiểu là giữa hai cha con đã có sự vênh nhau về định hướng.
Dường như Lâm không muốn tiếp tục theo hát bolero như định hướng của cha nuôi. Khi đó, tôi đã cảm thấy rất tiếc cho Lâm. Tuần trước, Lâm trở lại với công chúng sau quãng thời gian ở ẩn. Nhiều người bàng hoàng với phong cách bụi bặm, nhuộm tóc, xăm mình khác lạ của Lâm. Còn tôi thì chú ý đến phần trả lời phỏng vấn của em hơn.
Dự đoán năm ngoái của tôi đã đúng. Lâm thổ lộ, em có vẻ muốn theo nhạc hip hop, còn cha nuôi Hoài Linh thì không. Có một chi tiết đáng chú ý, trong năm vừa qua, có lúc Lâm đã làm lái xe. Nhiều người nghĩ Lâm lái xe để mưu sinh nhưng Lâm giải thích khác, em muốn có trải nghiệm sống như người bình thường.
2.
Tôi gọi quá trình rời bỏ cái bóng của cha nuôi, sống cùng bạn gái, trải nghiệm sống bằng nghề bình dân của Lâm là “hành trình tìm kiếm căn tính bản thân”. Và, em không phải là một trường hợp cá biệt trong xã hội Việt Nam hiện nay, theo quan sát của tôi.
Nhiều bạn trẻ như Lâm đã và đang quyết tâm rời bỏ sự bao bọc về cả tinh thần lẫn vật chất của cha mẹ (hay người đỡ đầu), rời bỏ công việc mơ ước (cần nhớ trước khi nghỉ hát, Lâm vẫn là ca sỹ đắt show) để làm một việc mà trong con mắt của bố mẹ cũng như theo chuẩn mực chung của xã hội có thể là rất khó hiểu.
3.
Để dễ trao đổi, tôi đã mô hình hóa hành trình kể trên như hình vẽ phía dưới. Có 5 yếu tố chính: Thứ nhất là Căn tính bản thân mà người trẻ muốn hướng tới. Đây là “cái tôi”, “cái riêng biệt” thực sự phù hợp với từng người trẻ mà rất nhiều người chưa tìm ra. Cái này bao gồm nhiều yếu tố như: hệ giá trị mà người đó muốn theo, ý nghĩa của cuộc sống hay công việc, nguyên tắc giúp người đó ra quyết định khi gặp vấn đề phát sinh...
Hoặc, nói một cách dễ hiểu hơn, nếu đã tự xác định được căn tính bản thân của mình, người trẻ sẽ dễ dàng tự trả lời được 2 câu hỏi sau đây trong mọi tình huống cuộc sống: một là “tôi không là ai?” và hai là “tôi là ai?”.
Như trường hợp của Hoài Lâm, cách đây một năm, Lâm đã biết “Lâm không là ca sỹ hát bolero” và vì vậy, em đã quyết tâm tạm xa sân khấu, tạm xa cha nuôi Hoài Linh để tìm kiếm câu trả lời cho câu hỏi thứ hai. Và như phần trả lời phỏng vấn tuần trước, dường như Lâm đã sắp chạm được vào câu trả lời cho chính mình, Lâm có vẻ hợp với hip hop.
4.
Yếu tố thứ hai là ý thức hay mong muốn tự tìm kiếm của từng cá nhân. Cái này dường như Lâm không hề có cho đến năm ngoái bởi Lâm được cha nuôi định hướng từ bé và có lẽ trong nhiều năm, em chỉ biết nghe và tin theo cha mà không hề tự hỏi lại chính mình xem có hợp không. Trong trường hợp này, Hoài Linh (đại diện cho yếu tố thứ ba - sự hỗ trợ của cha mẹ) dường như lại chính là lực cản vô tình cản trở hành trình tìm kiếm căn tính bản thân của Hoài Lâm.
5.
Để đi vào 2 yếu tố còn lại, tôi xin kể câu chuyện của “Đen Vâu”. Tôi mới chỉ vừa biết đến chàng ca sỹ nổi tiếng bậc nhất trong dòng nhạc rap Việt này cách đây 2 tuần khi báo chí đưa tin anh được chùa Yên Tử mời lên nói chuyện với các em thiếu niên trong khóa tu mùa hè.
Tìm hiểu kỹ hơn, tôi mới thấy “Đen Vâu” (tên thật là Nguyễn Đức Cường) cũng rất thú vị: “Đen Vâu” gần như là một phiên bản trái ngược với Hoài Lâm. “Đen Vâu” sinh ra trong một gia đình lao động và sống ở Quảnh Ninh.
Học hết cấp 3, “Đen” không học tiếp mà làm công nhân vệ sinh môi trường, hằng ngày vợt rác trên vịnh Hạ Long để mưu sinh. Ngược với Lâm, “Đen” dường như đã có ý thức tự tìm kiếm bản thân từ khá sớm: từ cấp 3, “Đen” đã thích nhạc rap; năm 2011, “Đen” đã đạt giải ở cuộc thi Bài hát Việt.
Nhưng, vì không tự chủ được kinh tế (vì chỉ là công nhân) và cũng không có sự hỗ trợ đủ tốt của cha mẹ (cha mẹ không cấm cản nhưng cũng không giúp được gì nhiều như “Đen” chia sẻ trong một bài phỏng vấn), hành trình tìm được căn tính bản thân của “Đen Vâu” cũng trở nên kéo dài hơn.
Phải đến tận 2 năm trước, khi có một bài hát tạo “hit” (nhiều lượt xem) trên mạng, trở nên nổi tiếng, kiếm được nhiều tiền hơn, không phải làm công nhân nữa, “Đen Vâu” mới thực sự tiến gần hơn và thực sự tìm kiếm được căn tính của bản thân mình như hiện nay.
Trong một số lần trả lời phỏng vấn mới đây, “Đen Vâu” luôn nhấn mạnh “tôi chọn nơi tôi đến” và luôn nói “tôi không hợp với những thứ sang chảnh”. Nói cách khác, giờ đây, “Đen Vâu” đã biết rất rõ anh không là ai.
6.
Yếu tố thứ 5 trong 5 yếu tố là các thành phần liên quan đến môi trường sống xung quanh từng cá nhân như văn hóa, kinh tế, xã hội... Môi trường đó càng cởi mở, càng đề cao cá nhân thì từng người càng dễ hình thành ý thức tự tìm kiếm cá nhân và càng dễ tìm ra căn tính cá nhân của bản thân mình hơn.
Ở chiều ngược lại, nếu như cá nhân càng đắm chìm vào môi trường xung quanh, càng trải nghiệm thì cá nhân đó cũng dễ đi đến đích, tìm ra căn tính bản thân của mình hơn. Với khía cạnh này thì rõ ràng “Đen Vâu” thuận lợi hơn Lâm. “Đen Vâu” mưu sinh 8 năm trên vịnh Hạ Long, trải nghiệm sống của “Đen” rõ ràng sâu đậm hơn Hoài Lâm, là con nhà nòi, chỉ biết hát từ bé. Và vì vậy, việc Lâm tự nhiên đi làm lái xe để trải nghiệm cuộc sống trong một năm qua rõ ràng là hợp lý.
7.
Lần đầu tôi biết đến Sơn Tùng MTP là khi xem... Hoài Lâm đóng giả và hát bài Em của ngày hôm qua trong chương trình Gương mặt thân quen năm 2014. Khi giám khảo - ca sỹ Mỹ Linh nhận xét về Lâm “em hát live còn hay hơn Sơn Tùng”, tôi đã quyết định phải tìm xem Sơn Tùng rốt cục là ai.
Và tôi nghĩ Mỹ Linh lúc đó đã có một nhận xét hoàn toàn khách quan. Có thể nói, tại thời điểm 2014, xét một cách tổng thể Hoài Lâm còn có phần nhỉnh hơn Sơn Tùng MTP về chất giọng, về sự nổi tiếng...
Nhưng, ở thời điểm hiện tại, tôi nghĩ tài năng của Sơn Tùng MTP ở một đẳng cấp khác rất xa so với phần lớn ca sỹ trẻ trong nước hiện nay, trong đó hẳn nhiên có cả Hoài Lâm. Điều này, theo tôi là bởi Sơn Tùng đã phát huy được tốt nhất cái căn tính bản thân mà Sơn Tùng đã xác định rõ từ khi còn rất trẻ.
Để viết ra những lời khen ngợi hết lời như trên, tôi đã xem đi xem lại gần 4 giờ nói chuyện của Sơn Tùng trong một chương trình có tên gọi Lần đầu tôi kể trên YouTube. Sau khi xem xong chương trình, bên cạnh việc tiếp tục đánh giá cao, tôi còn càng khâm phục và yêu mến em hơn.
Có thể nói, Sơn Tùng là trường hợp điển hình hội tụ hầu hết mọi yếu tố để có thể tìm ra căn tính bản thân từ rất sớm và từ đó đạt được thành tựu nghề nghiệp ở đẳng cấp quốc tế như hiện nay: sự hỗ trợ tốt từ phía gia đình, kiếm được nhiều tiền từ sớm để có thể theo đuổi ước mơ, trải nghiệm và có vốn sống sâu sắc, đặc biệt là ý thức tự tìm kiếm bản thân cực kỳ mãnh liệt.
8.
Câu chuyện tìm kiếm căn tính bản thân của Hoài Lâm, “Đen Vâu”, hay Sơn Tùng, mặc dù là của 3 người nổi tiếng nhưng thực tế lại là 3 câu chuyện rất tiêu biểu cho người trẻ hôm nay. Điều này khác với thế hệ sinh năm 1975 trở về trước, những người lớn lên và vào đời trong một bối cảnh căn tính bản thân hầu như là đã mặc định là hòa chung với căn tính của toàn xã hội.
Ví dụ, một thanh niên 5X, khi bước vào ngưỡng tuổi 18, thì hầu như chỉ có 1 trong 2 lựa chọn: ra chiến trường bảo vệ Tổ quốc hoặc đi học để chuẩn bị cho việc xây dựng Tổ quốc sau này. Với người thuộc lứa đầu 7X, sau khi ra trường thì xin được một công việc (thường là ở cơ quan nhà nước) sẽ là một mục tiêu tối thượng.
Với thế hệ trẻ hôm nay, việc học đại học đã không còn là tất cả, việc kiếm được một công việc (kể cả ở nhà nước) cũng không đảm bảo điều gì. Xã hội ngày nay cơ hội rất nhiều (ví dụ như từ cách mạng công nghiệp 4.0) nhưng nguy cơ cũng đầy rẫy, không có gì đảm bảo (ví dụ chả có gì đảm bảo là 20-30 năm nữa, quỹ lương hưu dành cho người trẻ hôm nay sẽ vẫn ở mức tạm ổn như hiện nay).
Nói cách khác, người trẻ hôm nay buộc phải tìm ra được cái căn tính cá nhân của mình trong một căn tính đa dạng, phức tạp và biến động từng ngày của xã hội, nếu như không muốn tụt lại phía sau.
9.
Chủ đề bài viết này thực tế là đã ám ảnh tôi trong nhiều năm. Trước tiên, nó liên quan tới chính hành trình tìm kiếm căn tính của bản thân tôi. Và gần đây, vì lý do nghề nghiệp, hầu như tuần nào tôi cũng được nghe những câu chuyện, những trăn trở về tương lai của các bạn trẻ hiện nay (tôi đang làm một việc hơi giống việc tư vấn lộ trình phát triển nghề nghiệp cho các bạn tuổi từ khoảng 20-40).
Và, phải khi quan sát được câu chuyện về 3 chàng ca sỹ trong bài này, ý tứ về bài viết này mới được định hình rõ ràng. Tôi hy vọng lưu đồ mà tôi đưa ra trong bài này sẽ giúp nhiều bạn trẻ hôm nay tìm được căn tính của bản thân mình nhanh hơn, vững vàng hơn.
Nguồn: An Ninh Thế Giới cuối tháng