Bác Hồ kính yêu đã dành riêng cho hàng vạn cán bộ, chiến sĩ Phòng không - Không quân và Hải quân niềm vinh dự đặc biệt, một phần thưởng vô giá. Đó là việc Người chụp ảnh lưu niệm với đồng chí Nguyễn Bá Phát, đại diện cho Quân chủng Hải quân và đồng chí Phùng Thế Tài - Tư lệnh Quân chủng Phòng không - Không quân. Nói hai vị “tướng” là nói đến tầm cỡ chỉ huy của hai ông. Tuy nhiên, điều ít ai ngờ đến là khi ấy Đại tá Nguyễn Bá Phát giữ chức Phó tư lệnh Hải quân, còn vị Tư lệnh đầu tiên của Quân chủng PK-KQ, đồng chí Phùng Thế Tài, mới chỉ có quân hàm Thượng tá!
55 năm sự kiện “Vịnh Bắc Bộ”
HAI VỊ TƯỚNG “PHÁT-TÀI” ĐÁNH GIẶC
NGUYỄN MINH NGỌC
Bị thua đau trên chiến trường miền Nam Việt Nam và đứng trước nguy cơ chiến lược “Chiến tranh đặc biệt” không thể tránh khỏi thất bại, đế quốc Mỹ liều lĩnh gia tăng các hoạt động phá hoại ra miền Bắc. Trên cơ sở phân tích âm mưu và hành động chiến tranh của địch, trong tháng 3-1964, Quân ủy Trung ương và Bộ Tổng tư lệnh QĐND Việt Nam quyết định chuyển một bộ phận lực lượng vũ trang, trong đó có Quân chủng PK-KQ chuyển sang “trạng thái có tính chất thời chiến”. Mọi công tác chuẩn bị được tiến hành khẩn trương, từ việc đào hầm hào, làm công sự, đến hàng ngàn tổ, đội bắn máy bay của dân quân tự vệ được thành lập.
Ngày 27-3-1964, tại Hội nghị Chính trị đặc biệt - một hội nghị có ý nghĩa như Hội nghị Diên Hồng trong thời đại mới, Chủ tịch Hồ Chí Minh tuyên bố: “Nếu đế quốc Mỹ liều lĩnh động đến miền Bắc thì nhất định chúng sẽ thất bại thảm hại. Vì nhân dân cả nước ta sẽ kiên quyết đánh bại chúng…”. Người kêu gọi quân và dân miền Bắc mỗi người “làm việc bằng hai để đền đáp lại cho đồng bào miền Nam ruột thịt”.
Đầu tháng 7-1964, Hải quân Nhân dân VN được lệnh chuyển trạng thái sẵn sàng chiến đấu. Bộ Tư lệnh Quân chủng Hải quân thành lập Sở chỉ huy tiền phương ở sông Gianh do đồng chí Nguyễn Bá Phát, Phó Tư lệnh Quân chủng phụ trách.
Sau nhiều lần khiêu khích, ngày 2-8-1964, Mỹ đưa tàu khu trục USS Maddox tiến sâu vào vùng biển miền Bắc Việt Nam. Với tinh thần cảnh giác và sẵn sàng chiến đấu cao, bộ đội Hải quân kiên quyết trừng trị tàu chiến địch. Bộ Tổng tham mưu và Bộ Tư lệnh Hải quân lệnh cho Đoàn 135 tàu phóng lôi xuất trận. Phân đội 3 gồm ba tàu phóng lôi của ta đã đánh đuổi tàu khu trục Maddox và đánh trả dàn máy bay phản lực Mỹ hiện đại, bắn rơi tại chỗ 1 chiếc.
Đây chính là lý do để người Mỹ dựng lên “sự kiện Vịnh Bắc Bộ” hòng đánh lừa dư luận quốc tế, tạo cớ đưa không quân “leo thang” ra miền Bắc Việt Nam. Để “trả đũa”, ngày 5-8-1964, Mỹ mở cuộc hành quân “Mũi tên xuyên” (Operation Pierce Arrow), huy động một lực lượng lớn không quân của hải quân, đánh phá ác liệt dọc bờ biển miền Bắc. Mục tiêu mà họ nhắm đến là các căn cứ, các khu neo đậu của Hải quân ta. Ỷ thế có trang bị vũ khí hiện đại và hòng lợi dụng yếu tố bất ngờ, các nhà quân sự Mỹ chắc mẩm phen này sẽ “làm gỏi” lực lượng Hải quân Bắc Việt non trẻ cùng lắm chỉ trong một ngày! Trớ trêu thay, kẻ bị bất ngờ và bị trừng phạt lại chính là bọn cướp trời. Lưới lửa phòng không của quân và dân miền Bắc đã giăng sẵn thế trận chờ địch.
Trận đánh diễn ra từ 12 giờ 25 phút đến 17 giờ ngày 5-8-1964 tại các khu vực trọng điểm là cảng Gianh (Quảng Bình), Cửa Hội (Hà Tĩnh), Lạch Trường (Thanh Hóa), Hòn Gai (Quảng Ninh) và kho dầu Vinh (Nghệ An). Với tinh thần cảnh giác cao độ, tổ chức hiệp đồng chặt chẽ, quân và dân ta (nòng cốt là các lực lượng phòng không) đã anh dũng chiến đấu, kịp thời giáng trả mãnh liệt các đợt tập kích của 64 lần chiếc máy bay Mỹ. Tất cả đám “quạ sắt” của Hải quân Mỹ, bao gồm các loại F-8 Crusader, A-1 Skyraider, và A-4 Skyhawk, đều cất cánh từ các tàu sân bay USS Constellation và USS Ticonderoga thuộc Hạm đội 7. Trong đợt ra quân lần này, các lực lượng phòng không ta bắn hạ 8 máy bay của không lực Hoa Kỳ (trong đó Hải quân bắn rơi 3 chiếc), bắt giặc lái tại Hòn Gai - Bãi Cháy, Quảng Ninh. Viên trung úy Everett Anvaret là phi công Mỹ đầu tiên bị bắt ở miền Bắc Việt Nam. Với tỷ lệ 12% chiến đấu cơ bị bắn hạ, lầu Năm góc bị một đón bất ngờ, choáng váng!
Chiến công đánh thắng trận đầu đã làm nức lòng phấn khởi quân và dân miền Bắc, khẳng định ý chí sắt đá của cả dân tộc Việt Nam, quyết đánh và quyết thắng giặc Mỹ xâm lược. Ngày 7-8-1964, tại Thủ đô Hà Nội, Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng long trọng tổ chức lễ tuyên dương công trạng các đơn vị Phòng không - Không quân và Hải quân đã lập công xuất sắc trong các trận chiến đấu (2 và 5-8-1964). Tại buổi lễ trọng thể này, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dành những lời trang trọng nhất để nói về chiến công vang dội của cán bộ, chiến sĩ hai quân chủng.
Người nói: “Bác rất vui mừng thay mặt Đảng và Chính phủ đến khen ngợi các chú đã lập được thành tích lớn trong các cuộc chiến đấu chống đế quốc Mỹ vừa qua.
Các chú đã chiến đấu rất dũng cảm, đã bắn rơi 8 chiếc máy bay Mỹ và bắn hỏng 3 chiếc khác, vừa rồi lại nghe tin 4 chiếc máy bay Mỹ đến Biên Hòa bị hỏng. Các chú đã bắt sống phi công Mỹ, đánh đuổi tàu chiến Mỹ ra khỏi vùng biển nước ta. Như vậy là rất tốt”.
Người còn căn dặn: “Các chú đã thu được thắng lợi vẻ vang nhưng chớ vì thắng lợi mà tự mãn, chủ quan khinh địch. Chúng ta phải biết rằng đế quốc Mỹ và tay sai chết thì chết, nết không chừa. Chúng còn nhiều âm mưu hiểm ác”.
Đặc biệt, Bác Hồ kính yêu đã dành riêng cho hàng vạn cán bộ, chiến sĩ Phòng không - Không quân và Hải quân niềm vinh dự đặc biệt, một phần thưởng vô giá. Đó là việc Người chụp ảnh lưu niệm với đồng chí Nguyễn Bá Phát, đại diện cho Quân chủng Hải quân và đồng chí Phùng Thế Tài - Tư lệnh Quân chủng Phòng không - Không quân. Nói hai vị “tướng” là nói đến tầm cỡ chỉ huy của hai ông. Tuy nhiên, điều ít ai ngờ đến là khi ấy Đại tá Nguyễn Bá Phát giữ chức Phó tư lệnh Hải quân, còn vị Tư lệnh đầu tiên của Quân chủng PK-KQ, đồng chí Phùng Thế Tài, mới chỉ có quân hàm Thượng tá!
Trong bức ảnh lịch sử này, Bác Hồ - vị Tổng Tư lệnh tối cao đứng giữa với nụ cười rạng rỡ, chòm râu bạc phơ phất; bên phải Người là đồng chí Nguyễn Bá Phát, bên trái là đồng chí Phùng Thế Tài. Hai vị chỉ huy trong bộ lễ phục tề chỉnh, nét mặt tươi tắn. Sự ngẫu nhiên kỳ lạ làm nên một cặp bài trùng Phát - Tài rất ý vị, khiến mọi người dễ liên tưởng đến hào khí Đông A thời nhà Trần chống quân Nguyên Mông.
Ngay khi bức ảnh được giới thiệu rộng rãi đã gây xúc động mạnh. Ai nấy đều tin tưởng dưới sự lãnh đạo của Trung ương Đảng và Bác Hồ kính yêu, cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta nhất định sẽ giành được thắng lợi hoàn toàn. Nhiều bậc cao niên lúc bấy giờ đã không giấu được niềm tự hào, nắc nỏm: Cụ Hồ thánh thật, Cụ chọn hai vị tướng Phát - Tài đánh giặc, nên thằng Mỹ dù có hung hăng kiểu gì rồi nhất định chúng cũng phải thua!
Thiếu tướng Nguyễn Bá Phát (1921-1993) sinh trưởng trong một gia đình nhà Nho nghèo ở làng Trung Sơn, xã Hòa Liên, huyện Hòa Vang, thành phố Đà Nẵng. Ông là vị tướng có công đầu đổi với việc xây dựng và phát triển Hải quân nhân dân Việt Nam anh hùng từ ngày đầu thành lập đến khi kháng chiến chống Mỹ kết thúc. Với những cống hiến lớn lao trong việc xây dựng “đoàn tàu không số”, chỉ đạo và phát triển “Đường mòn Hồ Chí Minh trên biển” chi viện đắc lực cho chiến trường miền Nam, bảo vệ và phòng thủ bờ biển, năm 1978, ông được trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về khoa học quân sự đợt đầu tiên. Năm 2010, ông được Nhà nước truy tăng danh hiệu Anh hùng LLVTND.
Thượng tướng Phùng Thế Tài (1920-2014) quê ở xã Văn Nhân, huyện Phú Xuyên, Thành phố Hà Nội. Ông là vị Tư lệnh đầu tiên của Quân chủng PK-KQ và là Phó Tổng tham mưu trưởng QĐND Việt Nam.
55 năm đã trôi qua kể từ ngày ấy, bức ảnh đã đi vào lịch sử và vẹn nguyên giá trị, sống mãi với thời gian.