Các nhà phát hành thì đã lắc đầu với thơ từ lâu rồi. Xuất bản thơ bây giờ hầu như là tác giả tự bỏ tiền ra in để làm vui, tặng bạn bè, người quen là chính. Nhưng có một hiện tượng rất lạ, có thể nói là vui nữa, đó là người yêu thơ, đọc thơ ngày một thưa vắng mà người làm thơ thì hình như ngược lại.
THƠ RỒI SẼ RA SAO?
LÊ CHÍ
Trong tôi thường lởn vởn thắc mắc: Thơ là gì? Câu hỏi rất cũ. Cũ mà vẫn chưa “thấu hiểu”, chưa nghe được ai lý giải cặn kẽ, thuyết phục. Có lẽ giữa Thơ và Mỹ thuật có chỗ khá giống nhau. Bởi không ít bức tranh sau khi xem, không biết tác giả muốn nói gì. Xúc cảm còn lại chỉ là bố cục và màu sắc. Mà cũng lạ, đôi khi vẻ đẹp “bề ngoài” ấy cũng có sức quyến rũ mình. Tương tự, có những bài thơ, tác giả được tiếng tìm tòi, cách tân mà đọc đi đọc lại cũng rất khó cảm và khó hiểu. Nhiều người hay nói: Thơ là tiếng nói tình cảm, hay Thơ là sản phẩm riêng có của trái tim. Nhưng khó vô cùng là tiếng nói ấy phải viết như thế nào mới làm rung động, hấp dẫn được người đọc.
Có vẻ xa một chút, thử nhìn lại mảng thơ trong kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Hồi ấy thơ gần gũi xiết bao với người chiến sĩ và đông đảo công chúng. Thơ gắn bó tự nhiên trong đời sống bình thường. Thơ thực sự góp một phần sức mạnh tinh thần. Trong những năm hoạt động ở miền Nam, không ít nam nữ thanh niên đến với cách mạng cũng bắt đầu bằng những bài thơ chép tay bí mật chuyền nhau. Có lẽ phần lớn thơ hồi đó được thôi thúc ra đời từ trực cảm trải nghiệm cuộc sống và đấu tranh, nên hình ảnh ngôn ngữ, ẩn dụ, triết lý toát ra thật giản dị, không quá khó hiểu. Sự đồng cảm giữa thơ và người đọc không có khoảng cách lớn. Do vậy thơ vào lòng người bằng chính “hồn vía” của nó chớ không quá vòng vèo về “kỹ thuật”.
Còn hôm nay, gần nửa thế kỷ đất nước hòa bình. Một cuộc thay đổi toàn diện đời sống con người về vật chất, tinh thần, tình cảm, tâm lý và tư duy. Với người làm thơ còn là cuộc tranh chấp đầy khó khăn trong cách nhìn nhận bằng cảm xúc của ngày hôm qua và những bức xúc của loại phức tạp mới mà mình chưa biết, chưa lường hết để chuẩn bị tư thế chịu đựng, vượt qua. Cảm giác vận động của thơ không theo kịp tốc độ biến đổi của hiện thực đời sống. Phải viết thế nào với những gì mình đã từng rất quen, rất mực yêu thương và những gì xa lạ, “khó chịu” trong thực tế mới, xuất hiện nhan nhản khắp nơi. Sự phân vân, sàng lọc và cả hoài nghi ấy phải mất một khoảng thời gian khá dài ở cuối thế kỷ trước những người làm thơ từ chiến tranh mới dần nhập được với bầu không khí vô vàn phức tạp này. Đây cũng là thời điểm xuất hiện đội ngũ những người làm thơ trẻ. Họ là học sinh, sinh viên, trí thức ở các đô thị, là chiến sĩ, người lao động và nông dân bình thường. Giữa lúc ấy thì cuộc chiến tranh biên giới Tây Nam và chiến tranh biên giới phía Bắc nổ ra. Như một phản ứng truyền thống, cuộc chiến nối dài, nhiều bài thơ ra đời với khí phách mạnh mẽ, ngồn ngộn chất sống, để lại nhiều vẻ đẹp tráng lệ trong lòng người đọc…
Tiếp sau, những năm tháng khó khăn tột độ về kinh tế xã hội. Sự bình yên của đất nước thường xuyên bị đe dọa. Khủng hoảng như dồn tới, tác động không nhỏ cách sống cách nhìn và cách nghĩ của những người làm thơ. Và thơ thực sự có chựng lại. Không ít người lúng túng, e dè trước bối cảnh mới. Thơ nhẹ đi về chất và tẻ nhạt hơi thở cuộc sống đời thường. Tuy vậy, thỉnh thoảng đây đó vẫn gặp một số bài mang nhiều tâm trạng, với ý thức công dân sâu sắc.
Nhà thơ Lê Chí trả lời phỏng vấn giới truyền thông!
Mãi đến những năm cuối thế kỷ 20 đầu thế kỷ 21 thơ mới có được bước đi tương đối thăng bằng, ổn định. Nhiều bạn trẻ hào hứng tìm kiếm sắc diện mới cho thơ qua hình thức cũng như nội dung. Việc xuất bản đã không còn quá khó. Theo dõi thời đoạn này có thể thấy phần đông các bạn trẻ nghiêng về tìm kiếm cách thể hiện mới, có khi khá lạ lẫm và cầu kỳ về hình thức – ngược lại, lớp trung niên, vẫn giọng thơ chân phương, cảm xúc dàn trải, sức gợi không nhiều. Sự trì trệ khi đó của thơ có thể do, trước hết là tình hình kinh tế xã hội tiếp tục khó khăn phức tạp, cuốn vào bức bách hàng ngày. Nhưng nguyên nhân chi phối có lẽ là bản lĩnh nhập cuộc, dấn thân của người làm thơ còn khoảng cách đáng kể. Về phía công chúng, đến lúc họ muốn tìm tới một thứ thơ gần gũi và chân thực hơn, dồn nén cảm xúc. Do vậy, không lý gì người làm thơ mãi đem đến một thứ thơ tẻ nhạt, “lạ hoắc” và rắc rối viển vông vô cảm. Chính sự khó hiểu và không “ăn nhập” gì với đời sống làm phần lớn người yêu thơ lạnh nhạt, xa dần mà có nhà thơ than phiền “công chúng đã quay lưng với thơ”. Lẽ ra câu trách cứ này phải nói ngược lại, bởi nó như một thứ nhân – quả nhãn tiền. Để tránh ngộ nhận, nhiều người đã thẳng thắn nói:”Cuộc sống hàng ngày đã quá chật vật, thời gian đâu để mắt tới những bài thơ vô hồn, đánh đố nữa”.
Nhân đây, xin mở ngoặc một chút về thơ ĐBSCL. Đội ngũ làm thơ khu vực này trong hơn thập niên qua đã tăng lên đáng kể, có đến hàng trăm, nhứt là trong sinh viên, học sinh. Trên các báo văn nghệ địa phương và trung ương thường có thơ của họ. Điểm nổi trội của mảng thơ này là trong trẻo, giản dị. Tính triết lý của thơ ĐBSCL thường được ẩn trong toàn bài hơn là chăm chút từng câu chữ. Từ đó cũng bộc lộ một số hạn chế đáng suy ngẫm. Đó là chất sống trong thơ chưa nhiều, dấu ấn, tâm trạng xã hội còn mờ nhạt, đơn giản. Cảm giác giữa thơ và hiện thực đời sống chưa thật liền mạch. Thơ tình yêu chung chung còn nhiều với màu sắc và ngôn ngữ ít chắt lọc.
Thơ trước hết là sản phẩm sáng tạo của sự giãi bày đầy rung cảm và trăn trở của nhà thơ. Mỗi người đọc là một thế giới cộng hưởng vô cùng phong phú. Không ai máy móc đòi thơ phải thỏa mãn những gì nhà thơ muốn truyền tải. Thuộc tính của thơ là tìm tòi đổi mới, nếu không thì thơ sẽ nghèo nàn, nhàm chán, còn lại chỉ là xác chữ. Nhưng không vì mượn cớ cách tân, ẩn dụ tinh tế mà né tránh đối thoại với những bức xúc đời sống, vô tình đẩy thơ ngày càng xa người đọc bởi sự “siêu cảm” và khó hiểu. Một khi người đọc không tìm gặp tâm tình gẩn gũi trong thơ thì sức sống của thơ dễ khô héo, liệu còn ai yêu thơ và cần đến thơ nữa. Có một thực trạng rất trầm trọng, đó là nhiều tờ báo trong nước đã không còn in thơ nữa. Các nhà phát hành thì đã lắc đầu với thơ từ lâu rồi. Xuất bản thơ bây giờ hầu như là tác giả tự bỏ tiền ra in để làm vui, tặng bạn bè, người quen là chính. Nhưng có một hiện tượng rất lạ, có thể nói là vui nữa, đó là người yêu thơ, đọc thơ ngày một thưa vắng mà người làm thơ thì hình như ngược lại. Vậy có phải thơ hiện nay đang rơi vào “khủng hoảng thừa” vì quá ít thơ hay, nên có vẻ nó đang “ sống gượng”? Thơ nhiều nước trên thế giới có “đìu hiu” như thơ xứ mình không? Tương lai của thơ rồi sẽ ra sao? Rất cần sự góp thêm tiếng nói của Hội Nhà văn Việt Nam trong lúc này.
Với thói quen của người đồng bằng sông Cửu Long, tôi thường ví người làm thơ cũng không khác mấy người trồng hoa và làm vườn. Chọn giống, chọn đất và chăm bón tốt thì mới mong có được những mùa hoa đẹp trái ngon. Mà khi đã đẹp và ngon thì chắc là nhiều người sẽ thích. Bởi xưa nay, thơ có bao giờ giờ là thứ “làm chơi ăn thiệt”. Có một người bạn rất chịu khó đọc, đã bộc bạch: “Không cách nào khác, thơ phải được chưng cất từ cảm xúc thấm đẫm chất trải nghiệm thì mới mong có được những Giọt-Rượu-Thơ ngẫm nghĩ cho người”.
20.8.2019