Lạ thật, một đất nước bị đục ruỗng vì tham nhũng như thế mà văn chương chống tham nhũng đếm được trên đầu ngón tay. Dưới chế độ cũ, có ông Toan Ánh viết một quyển sách gần 250 trang với cái nhan đề “Nghệ thuật Tham nhũng và Hối lộ”, quyển sách chan chứa nhiệt tình nhưng chỉ chứa đựng một số sự kiện vụn vặt dưới thời Pháp thuộc mà sự nhũng lạm của bọn quan lại tay sai – đối với dân nghèo – là phần chính yếu.
THƠ VĂN CHỐNG THAM NHŨNG VÀ BUÔN LẬU
VŨ HẠNH
Ngày xưa, các cụ chúng ta không hề nói đến buôn lậu, là điều dễ hiểu. Buôn lậu không phải là một hoạt động đáng kể và chẳng ảnh hưởng gì đến một nước hầu hết sống bằng nông nghiệp. Hơn nữa, các cụ còn xếp những hạng buôn bán – những hạng “thương nhân đa trá” – vào lớp cuối cùng trong đám tứ dân, nên chuyện buôn lậu, nếu có, cũng chẳng mất công bàn luận.
Đối với tham nhũng, thì lại có khác. Đó là chuyện của các quan, của một tầng lớp nho sĩ thành đạt, có liên hệ đến đẳng cấp, danh dự của mình, nên các cụ cũng phải nói vài lời. Sự phản ứng này mang nặng tính cách cá nhân hơn là xã hội, và thiên về mặt đạo đức hơn là chính trị.
Có những nhà nho chửi rủa cuộc đời, công kích vào nhiều mặt trái xã hội, nhưng không đả động gì đến tham nhũng, chẳng hạn như Trần Tế Xương. Ông chỉ đả vào lòng tham, nói chung, của người thiên hạ. Trong bài Chúc Tết, khi ông miệt thị những bọn ham tiền qua một tiếng nó:
Lẳng lặng mà nghe nó chúc giàu.
Ông cũng chỉ tiếp bằng lời mai mỉa nhẹ nhàng:
Trăm nghìn vạn mớ để vào đâu?
Phen này chắc hẳn gà ăn bạc
Đồng rụng, đồng rơi, lọ phải cầu.
Trước ông một chút, nhà thơ Nguyễn Khuyến có đề cập đến tham nhũng, nhưng chỉ đề cập gián tiếp, qua bài Vịnh Kiều, ở hai câu kết:
Có tiền việc ấy mà xong nhỉ?
Đời trước làm quan cũng thế a?
Tưởng chỉ đời nay tham nhũng mới hoành hành, nào ngờ đời trước cũng là như vậy – ý thơ vẫn có phần nào cam chịu trước một thực trạng xấu xa.
Đến cụ Tản Đà thì có khác hơn. Bắt chước những người đi trước, cụ cũng mượn Kiều để nói một lời phê phán Sở Khanh cùng những ai đó đã vì đồng tiền hối lộ mà làm những điều gian ác:
Ba mươi lạng bạc đời Gia Tĩnh,
Để mãi ngàn thu tiếng Sở Khanh.
Nhưng bấy nhiêu đó chỉ là ngẫu hứng nhất thời, không có đối tượng rõ rệt. Khi cụ bước ra làm báo – An Nam tạp chí – bấy giờ mới có thái độ cụ thể, quyết liệt của một ký giả. Đọc tiểu thuyết Tờ chúc thư của ông Ngô Tiếp đăng trong tạp chí An Nam, kể chuyện một ông quan ở Thái Bình đã ăn hối lộ hai ngàn rưởi bạc – bấy giờ là món tiền lớn – cụ đã cảm đề bằng một bài thơ Đường luật với những lời lẽ rất là gay gắt:
Thật có hay là mắc tiếng oan?
Kém năm trăm nữa đủ ba ngàn
Hơi đồng đã sạch mồm ông lớn
Mặt sắt còn bia miệng thế gian
Cũng bởi thằng dân ngu quá lợn
Cho nên quân nó dễ làm quan
Đào mà đào được nên đào mãi
Mềm cứng bây giờ đất Vĩnh An?
Bài này đăng trong An Nam tạp chí số 8. Qua tới số 9, có một vụ mới: một tay quan rất tham tàn, ở Nghệ An, lại nuốt của dân đến ba ngàn bạc. Tên quan nọ họ Phan, nên bài thơ thời sự mang cái tựa đề mỉa mai: “Họ Phan mới”, và Tản Đà lại viết tiếp Cảm đề:
Thái Bình chưa dứt tiếng kêu oan
Lại tiếng kêu trời ở Nghệ An
Một phủ Anh Sơn trong mấy tháng
Mà tay Phan tử lấy ba ngàn
Cũng phường dối nước, quân ăn cắp
Cũng lũ tàn dân, giống hại đàn
Lạnh lẽo hơi sương tòa tạp chí
Lệ ai giàn giụa với giang san.
Tội nghiệp, sau những lời lẽ nặng nề chửi rủa kẻ tham nhũng tàn dân, hại nước, nhà thơ cũng chỉ đành ngồi mà khóc một mình trong cái tòa báo lạnh lẽo. Lạnh lẽo và ế ẩm, vì báo không có được nhiều độc giả.
Lạ thật, một đất nước bị đục ruỗng vì tham nhũng như thế mà văn chương chống tham nhũng đếm được trên đầu ngón tay. Dưới chế độ cũ, có ông Toan Ánh viết một quyển sách gần 250 trang với cái nhan đề “Nghệ thuật Tham nhũng và Hối lộ”, quyển sách chan chứa nhiệt tình nhưng chỉ chứa đựng một số sự kiện vụn vặt dưới thời Pháp thuộc mà sự nhũng lạm của bọn quan lại tay sai – đối với dân nghèo – là phần chính yếu. Để tránh động chạm với chế độ cũ, tác giả chia nội dung ra làm ba phần: Tham nhũng thời Pháp thuộc, Tham nhũng tiền Genève và Tham nhũng hậu Genève.
Vấn đề tham nhũng, trong quyển sách này, chỉ là hậu quả của một quyền lực độc đoán nằm gọn trong tay của bọn bất lương, chứ không có gì là nghệ thuật. Tác giả không thể hiện được những tay tham nhũng cỡ bự, điển hình: gia đình họ Ngô và những món tiền khổng lồ tuồn ra nước ngoài. Tham nhũng qua sự tống tiền, bắt cóc, thủ tiêu của Ngô Đình Diệm. Tham nhũng đi với buôn lậu qua một đường dây bạch phiến của Trần Lệ Xuân. Và trùm tham nhũng, không còn ai hơn, là Nguyễn Văn Thiệu: bòn rút tiền viện trợ Mỹ, bán các chức vị, vơ vét vàng khối, đầu cơ xương máu bao người…
Nói chung, văn chương tố cáo tham nhũng – ngày xưa – vẫn không ai hơn là cụ Nguyễn Du. Đoạn trường tân thanh là tấn bi kịch của sự tham nhũng. Không có tên quan ác ôn thông đồng với gã bán tơ vu oan giá họa cho gia đình Kiều, để đớp 300 lạng vàng, thì Kiều đâu phải sa chân vào bước lưu lạc, giang hồ? Chuyện Kiều là bản cáo trạng về sự tham nhũng, với những hậu quả bi đát cho số kiếp con người. Ba trăm lạng vàng là cái món tiền chính thức dành lấy cho quan, một món hối lộ để mở cánh cửa cho những nạn nhân vào chốn đoạn trường. Ngoài ra, còn một tầng lớp tay sai thô bạo đã biết khai thác nỗi khổ người dân lâm cảnh cùng khốn cũng để:
Đồ tế nhuyễn, của riêng tây,
Sạch sành sanh vét cho đầy túi tham.
sau khi đã tra tấn người vô tội cực kỳ dã man:
Rường cao rút ngược dây oan,
Dẫu rằng đá cũng nát gan lọ người!
Vấn đề tham nhũng tựu trung chỉ là vấn đề đồng tiền. Đồng tiền không phải sản sinh từ sự làm việc chân chính, từ những con đường lương thiện, mà là đồng tiền tạo bằng áp lực, thủ đoạn, với những biện pháp quanh co, mờ tối. Suốt trong tác phẩm, Nguyễn Du đã đề cập đến “đồng tiền loại ấy” với bao căm phẫn xót xa. Có lúc ông đã kêu lên:
Một ngày lạ thói sai nha,
Làm cho khốc hại chẳng qua vì tiền!
Có lúc ông lắc đầu, ngao ngán:
Trong tay đã sẵn đồng tiền,
Dầu lòng đổi trắng, thay đen, khó gì!
Bi kịch đời Kiều đã bị gắn với đồng tiền tai ác. Không chỉ một lần. Lần đầu nàng phải bán mình cho gã ma cô để lấy số vàng chuộc tội cho cha. Lần hai, nàng là nạn nhân của tên Sở Khanh đã nhận ba chục lạng bạc để gài bẫy nàng đưa vào lầu xanh, chính thức trở thành đệ tử của thần mày trắng. Lần ba, nàng đã cố vượt thoát khỏi cảnh sống ô nhục nên tìm đến để nương nhờ cửa Phật, thì lại gặp lũ họ Bạc đem bán nàng vào nhà thổ để lấy món tiền mà “dọt” đi xa. Thế rồi, vào giai đoạn cuối, khi đã sống đời bà chúa tưởng đâu yên lành với chàng Từ Hải thì những bạc vàng, châu báu lại đến để mua chuộc nàng. Thúy Kiều yếu đuối ngày nào phải hối lộ người, bây giờ thành kẻ quyền thế lại nhận của người hối lộ. Và khi món quà quý giá của Hồ Tôn Hiến đã có tác dụng:
Lễ nhiều, nói ngọt, nghe lời dễ xiêu.
thì nàng đã chọn con đường tự vẫn trên sông Tiền Đường. Làm dân, rồi đến làm quan, con người yếu đuối Thúy Kiều đã bị đồng tiền oan nghiệt – như một định mệnh hung tàn – vùi dập cho đến tơi bời.
Như thế, rõ ràng thực chất truyện Kiều là vấn đề tham nhũng, hối lộ của lớp quyền thế câu kết với bọn lưu manh – thực sự lớp quyền thế này cũng là lưu manh ở cấp cao hơn – để mà khai thác, xô đẩy con người vào những thảm kịch trần gian.
Nguồn: Văn Nghệ TPHCM