Nhà văn Trần Văn Tuấn nhận định: "Trong bối cảnh nhiều giá trị đang bị thử thách, viết về nông thôn sẽ trả lời được những cây hỏi gay gắt về sự phát triển tổng thể xã hội”. Còn nhà văn Hoàng Đình Quang chia sẻ: “Tôi cho rằng, đã đến lúc phải cảnh tỉnh về sự tha hóa đang đe dọa nông dân”.





NHÀ VĂN TRẦN VĂN TUẤN

                                         


“Thời hội nhập có nhiều vấn đề nóng bỏng hơn, nên nông thôn không còn là đề tài ưu tiên của các nhà văn. Tác phẩm của kinh tế thị trường đang phải chạy đua với những thị hiếu khác nhau của bạn đọc. Thế nhưng, tôi vẫn cam đoan rằng, nông thôn là đề tài hấp dẫn nhất cho sáng tác văn học. Nhất là trong bối cảnh nhiều giá trị đang bị thử thách, viết về nông thôn sẽ trả lời được những cây hỏi gay gắt về sự phát triển tổng thể xã hội. Tôi nghĩ, đã đến lúc cần phải có một đợt vận động viết về nông thôn thật bài bản, thật công phu. Thể loại cần đầu tư nhất là tiểu thuyết, vì phải dùng đến tiểu thuyết mới mổ xẻ được thực trạng nông thôn thời hội nhập nhiều bộn bề lắm nguy cơ!”
                

NHÀ VĂN HOÀNG ĐÌNH QUANG

                                      


“Đề tài nông thôn đòi hỏi ở nhà văn cả hai yếu tố: tư tưởng và kiến thức. Thời gian qua vẫn có tác phẩm viết về nông thôn, nhưng chất lượng rất thấp, nếu không muốn nói thẳng thắn là nhạt. Vì sao? Vì nhà văn chỉ mượn nông thôn làm cảnh. Tôi vẫn rất hứng thú với đề tài nông thôn, mà khía cạnh tôi quan tâm là sự biến động cả về môi trường lẫn tâm tính. Tôi cho rằng, đã đến lúc phải cảnh tỉnh về sự tha hóa đang đe dọa nông dân. Nông thôn phải thoát khỏi đói khổ là điều đương nhiên, nhưng người nông dân đừng tự mang về sự lạc hậu theo ý đồ của những kẻ muốn lợi dụng nông thôn. Tích tụ ruộng đất và tích tụ thặng dư là chiến lược, nhưng quan trọng hơn là cần gìn giữ bản sắc văn hóa. Nếu không, khi đô thị đã phát triển thành một khối bê tông ngột ngạt, thì nông thôn cũng chỉ còn lại những dấu tích kỳ dị!”