Nếu không muốn mất mát thì tốt nhất là đừng nên lựa chọn. Nhiều khi lựa chọn, ta tưởng ta đã được nhiều thứ hơn, ta phấp phỏng sung sướng rơn lên với thứ ta đang có mà đâu biết rằng ta vừa đánh mất một trong những thứ quý giá nhất lẽ ra đã thuộc về mình. Thế nên cố gắng để ít phải lựa chọn là tốt nhất.
Nhà văn Như Bình: Đời tôi thuận theo một chữ duyên
HỒNG THANH QUANG
@ Con đường dẫn tới nghề viết của chị đã diễn ra như thế nào?
Như Bình: Tôi nghĩ chẳng có con đường nào định sẵn để cho mình đi, hay nó ở đó cho mình chọn. Với tôi, mọi thứ thuận theo tự nhiên, trong sự xếp đặt bí ẩn của số phận. Hình ra ai sinh ra trên đời cũng đều đã được ông trời lập trình sẵn cho một số phận, thế mới có câu “chạy trời không khỏi nắng”. Nghề viết đến với tôi tình cờ. Tôi học Đại học Sư phạm ra, chưa kịp đi dạy vì hồi đó xin được đi dạy ở Hà Tĩnh là quá khó. Trong những tháng chưa tìm được việc làm đầu tiên, tôi hay đạp xe đi lang thang cùng cô bạn gái thân nhất. Một lần tôi và cô bạn ngẫu nhiên đi qua Đài PTTH Hà Tĩnh (lúc đó Hà Tĩnh mới tách tỉnh, Đài PTTH cũng vừa mới thành lập nên đơn sơ lắm). Bạn tôi nảy ra ý định rủ tôi vào chơi, xem thế nào. Tôi rẽ vào đó, thấy Đài có thông báo tuyển phát thanh viên bản tin. Quan sát thấy công việc ở Đài khá thú vị nên tôi bảo bạn gái mình “tao nộp đơn xin vào Đài làm xem sao”. Thế rồi quá may mắn, tôi được nhận vào làm ở Đài PTTH, một công việc không hề liên quan đến chuyên ngành dạy học mà tôi đã được học. Thế là từ bấy đến nay, nghề nó thành nghiệp gắn với mình đến hết cả đời. Với tôi, nghề tìm đến mình, chọn mình là vì thế.
Tôi bắt đầu sáng tác truyện ngắn ngay trong quãng thời gian đi làm báo. Khi ấy vừa rời ghế nhà trường, rời những gì chỉ được trải nghiệm qua sách vở, tôi được quăng quật vào đời với tất cả những háo hức. Làm báo ở một tỉnh lẻ, vừa nghèo, vừa thiên tai khắc nghiệt, lại là mảnh đất trải qua hai cuộc chiến tranh trên mình đầy những vết thương tích thời hậu chiến, cả trên mảnh đất bầm dập khốc liệt và cả ở những số phận con người tôi được trải nghiệm nhiều. Thời của tôi, báo chí truyền hình chưa phát triển, các phương tiện thông tin đại chúng cũng không rầm rộ, mạng xã hội chưa có và vì vậy Báo và Đài có một vị trí truyền tin chính thống rất lớn. Không như bây giờ, chỉ cần một cái smartphone, mọi người ngồi ở nhà vẫn tiếp cận được lượng thông tin khổng lồ trên khắp thế giới. Vì thế khi tôi được tiếp xúc với thực tế đời sống, đắm mình trong đó, tôi thấy mình bị cuốn hút ghê lắm. Được chứng kiến nhiều câu chuyện, nhiều mảnh đời, nhiều số phận của quê hương… tôi có rất nhiều suy nghĩ, dằn vặt. Mỗi một lần gặp gỡ tiếp xúc, các nhân vật cùng với câu chuyện của họ đã nằm lại trong tâm trí tôi rất lâu, in dấu trong tôi nhiều cảm xúc. Tự dưng thôi thúc mình cầm bút. Ham ước mãnh liệt được viết và được kể lại những gì mình biết. Tôi viết báo và viết cả truyện ngắn.
Truyện ngắn đầu tiên in ở tạp chí văn học nghệ thuật “Hồng Lĩnh”. Người thầy thẩm truyện ngắn cho tôi trong những ngày đầu tiên ấy là nhà văn Đức Ban. Nếu không có đôi mắt tinh đời của chú, lòng tốt và sự nhiệt tình của chú, cùng lời tiên tri “cháu viết đi, cháu sẽ là cây bút truyện ngắn đấy, tin chú và viết được cái nào đưa chú đọc ngay nhé” thì có lẽ tôi đã không hề biết mình còn có một năng lực chưa từng được khai mở, đó là năng lực sáng tác. Tôi bắt đầu công cuộc đi tìm kiếm chính mình bằng cách lao đầu vào viết. Viết được truyện nào đều đưa chú Đức Ban đọc và cái nào cũng nhận được lời khích lệ động viên. Sau khi các sáng tác được chú in cho trên tạp chí “Hồng Lĩnh”, tôi tiếp tục gửi ra các báo Trung ương như báo “Văn nghệ”, “Văn nghệ Trẻ”, “Lao động Cuối tuần” thì đều được in ngay, nên tôi sung sướng lắm. Sau này, trong quá trình sáng tác, rồi trở thành nhà văn, được kết nạp vào hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, tôi vô cùng cảm ơn nhà văn Đức Ban, chú là người thầy đầu tiên giúp tôi khai mở một con đường để tôi tự đi tìm kiếm chính bản thân mình. Chú đã phát hiện ra khả năng của tôi và khích lệ động viên tôi nhiều lắm. Nếu không có sự nhiệt tình, tinh thần trách nhiệm và tấm lòng đáng kính của chú, có lẽ tôi đã không là nhà văn Như Bình như hôm nay.
@ Chị có nhớ tác phẩm nào của mình được công bố mà sau đó, chị cảm thấy mình đã trở thành một nhà văn thực sự?
Như Bình: Tôi chả quan trọng chuyện đó lắm đâu, viết văn tự nhiên như duyên khởi, và nếu không còn viết nữa cũng là do hết duyên mà thôi. Phải sau khi tập sách “Giông biển” ra mắt độc giả vào năm 1995, sau một số những giải thưởng của tạp chí “Văn nghệ Quân đội”, “Văn nghệ Trẻ”, “Văn nghệ Già” và giải thưởng văn học Nguyễn Du tôi mới tin mình có thể trở thành một cây viết. Chỉ là cây viết thôi chứ hai chữ "nhà văn" lúc ấy và ngay cả bây giờ nó lớn lao với tôi lắm. Sau khi “Giông biển” ra mắt bạn đọc, có khá nhiều nhà xuất bản tìm tới tôi và gom truyện ngắn của tôi để in chung với các tác giả nữ, các tác giả trẻ, rồi in trong các tuyển “Truyện ngắn hay”, “Truyện ngắn nữ”, “Truyện ngắn trẻ”, v.v... thì tôi mới tin mình có thể là một người viết văn. Tôi mới chỉ dám nghĩ thế thôi, bởi tôi biết con đường văn chương nó kinh khủng lắm. Năng khiếu là một chuyện, có đủ tài năng không, có trường sức để đi, và có dám buông bỏ tất cả để dấn thân trên một con đường văn chương duy nhất không, đấy lại là một chuyện khác. Tôi chưa bao giờ buông bỏ mọi thứ vì văn chương, cũng chưa từng dấn thân về nó. Tôi đã không đi hết con đường với văn chương.
Mỗi người có một câu chuyện nghề nghiệp riêng của mình, mỗi người có một con đường để đi, tôi không hối tiếc gì về chuyện đó cả. Sau này tôi tập trung cho công việc làm báo, tôi đã từng viết hàng trăm câu chuyện trong chuyên mục "Những chuyện khó tin nhưng có thật" trên tờ báo “An ninh Thế giới” hàng tháng. Có thể có nhiều ý kiến khác nhau về chuyên mục này, có thể rất nhiều độc giả chưa bao giờ thích và đọc nó, nhưng rõ ràng chuyên mục này từ khi tờ báo ra đời cho đến khi tôi dừng hẳn không viết nữa vào năm ngoái thì nó vẫn luôn là chuyên mục ăn khách và có lượng truy cập của độc giả lớn nhất trên tờ “Công an Nhân dân điện tử”. Nếu không bắt đầu từ văn chương, lấy văn chương làm nền tảng, tôi không thể đủ tài, đủ lực, đủ trường sức để viết 1 tháng 2 câu chuyện được nhiều độc giả khen là hấp dẫn trong suốt 18 năm qua.
@ Chị là một nhà văn nữ, chị có cảm giác rằng các cây bút nữ ở ta hiện nay có vẻ như vẫn tiếp tục bị giới mày râu “át vía” hay không?
Như Bình: Trong văn chương phụ nữ vẫn mãnh liệt lắm chứ. Tất nhiên đúng là để mà đưa lên bàn cân so sánh thì đàn ông thành đạt hơn nhiều.
@ Trong những cây bút nữ đang sung sức bây giờ, chị có ấn tượng về những ai nhất? Vì sao?
Như Bình: Tôi thuộc thế hệ 7X, có thể những gì tôi thích đã lỗi thời so với những người trẻ thông minh và thạo công nghệ như bây giờ. Với lại công việc chuyên môn của tôi hiện tại cũng cho tôi may mắn được đọc và cập nhật mảng sáng tác văn học khá nhiều, song tất nhiên để đọc và nắm bắt được tất cả thì tôi không thể. Vì có nhiều tác giả trẻ bây giờ khá nổi trên văn học mạng, tôi không đọc. Nếu để lựa chọn ra những cây bút nữ mà tôi từng thích mê khi đọc truyện của họ thì cho tôi nói về những cây bút một thời như Dạ Ngân, Nguyễn Thị Thu Huệ, Phan Thị Vàng Anh, Trần Thanh Hà… Đó là những nhà văn nữ viết rất sâu, thủ pháp văn chương cao, và những tứ truyện của họ khá độc đáo. Đọc của họ xong thấy mình học được nhiều thứ từ họ. Còn nói về những cây bút nữ sung sức hiện nay, tôi thích Nguyễn Ngọc Tư và Đỗ Bích Thúy. Cả hai cây bút này đều sung sức ở thể loại truyện ngắn, tiểu thuyết và tản văn. Tôi thích họ, bởi hai nhà văn nữ này đại diện cho hai vùng miền đặc trưng với hai cách viết đậm đặc nét đặc trưng nơi mảnh đất mà họ đã sinh ra và lớn lên và đã sống cuộc đời mình ở đó. Đọc của Nguyễn Ngọc Tư, thấy phả ra đặc quánh hơi hám mùi vị của sông nước miền Tây, của nét giang hồ lãng tử của người sinh ra nơi miệt vườn sông. Văn chương của Nguyễn Ngọc Tư như thơ, trong trẻo, tinh khiết, nặng trĩu tâm can, nó chất chứa trong đó bao nhiêu dày vò, đau đớn cũng như nỗi hân hoan của Tư. Văn của Đỗ Bích Thúy cũng vậy, nữ tính, đẹp một cách ma mị, hoang dại, một vẻ đẹp sóng sánh như rượu ủ lên men, như chất chứa cả đại ngàn sâu thẳm, nó như những mảnh hồn của Thúy chưng cất ra biết bao đau đớn và hoan lạc diễn ra nơi mảnh đất Thúy đã từng sống. Cả hai đều viết văn như vắt đến kiệt mình.
Tôi là người tôn thờ mỹ cảm nên văn chương trước tiên phải đẹp, ngôn ngữ phải trau chuốt lấp lánh nhiều vỉa tầng của nó. Ngôn ngữ văn xuôi cũng phải giàu nhạc tính, giàu chất thơ thì mới dẫn dụ tôi đọc tiếp được. Sức hấp dẫn của tác phẩm văn chương chính là ở thủ pháp, bút pháp, cách sử dụng ngôn ngữ, cách kể chuyện. Đã là văn chương, anh muốn viết gì thì viết, trước tiên ngôn ngữ phải đẹp, phải lôi cuốn được cảm xúc người đọc, sau nữa phải ám ảnh độc giả bởi những chi tiết đắt giá. Người viết có đẳng cấp hay không chỉ cần đọc mươi dòng đầu, nhiều lắm là một trang đầu trong sáng tác của họ là mình đã nhận ra rồi. Nguyễn Ngọc Tư và Đỗ Bích Thúy đều là những người viết tài năng.
@ Theo chị, có nhất thiết các cây bút nữ phải gia tăng cái gọi là “nam tính” thì mới gây được ấn tượng mạnh đối với độc giả không?
Như Bình: Không. Tôi nghĩ không cần phải thế
@ Chị nghĩ thế nào về phong cách nữ như ở nhà văn Y Ban chẳng hạn?
Như Bình: Chị Y Ban là một cá tính độc đáo. Người viết cá tính như chị Y Ban hiếm lắm và đáng trân trọng rồi. Chị viết cũng đầy chất đàn bà mà... Trong văn chương tôi không thấy Y Ban nam tính. Có thể chị mạnh mẽ và “nam tính” ở lời ăn tiếng nói, ở cách hành xử, nhưng đọc văn của chị thấy vật vã đàn bà lắm. Thỉnh thoảng “Văn nghệ Công an” cũng may mắn được in truyện ngắn của nhà văn Y Ban… thực sự là tôi thấy chị ấy viết không như nói đâu, văn chương của chị ấy nền nã mà.
@ Tôi cũng thấy nhà văn Y Ban giàu nữ tính lắm, một nữ tính luôn phải tìm cách tự bảo vệ trong một thế giới đầy bất cập của nam tính...
Như Bình: (Cười): …
@ Theo chị, có nhất thiết các cây bút nữ phải tiếp tục “dịu dàng”, đến mức “dịu dàng quá, dịu dàng không chịu nổi” như một câu thơ của Olga Bergolts đã viết hay không?
Như Bình: Không. Tôi cũng không nghĩ là các cây bút nữ phải “dịu dàng quá dịu dàng không chịu nổi”. Những cây bút nữ như tôi vừa kể trên, họ đâu có dịu dàng trong văn chương. Văn chương của họ đầy tính nữ, dữ dội và sâu thẳm với những khát khao được sống và yêu. Có những nhà văn viết truyện không nhiều như chị Phan Thị Vàng Anh, hay họ ít viết đi, lâu nay vắng bóng trên văn đàn như chị Trần Thanh Hà thì tôi chưa bao giờ hết mê những trang viết của họ. Với tôi họ dù viết tiếp hay không viết nữa thì đó vẫn là những nhà văn nữ thực sự mà tôi ngưỡng mộ. Tôi nghĩ thích ai là gu của từng người. Không thể bắt tôi thích người này theo đánh giá của số đông. Có thể đó là một tác giả viết nhiều, ra tiểu thuyết như gà đẻ trứng, thậm chí đoạt giải cao nhất của văn chương đi chăng nữa, nhưng tác phẩm của họ không quyến rũ được độc giả như tôi chẳng hạn thì cũng đành chịu. Tôi nghĩ văn chương cho dù bạn viết cái gì, ít hay nhiều thì vẫn phải ám ảnh người đọc cho đến khi trang cuối cùng đã khép lại, những dòng chữ cuối cùng đã đưa câu chuyện rời bỏ ta rồi mà tâm trí ta vẫn không thôi "bấn loạn" về nó. Tôi sợ nhất là đã từng viết hay rồi, sau đó trên con đường văn chương, càng về cuối họ càng viết nhạt. Tôi thà không đọc họ đoạn sau này còn hơn. Thú thực công việc chuyên môn hiện nay của tôi liên quan đến tờ báo văn chương. Nhiều khi đọc một tác phẩm bây giờ của một nhà văn nổi tiếng, trước đó tôi đã mê mẩn họ, giờ đọc những gì họ viết sau này, tôi bị thất vọng khủng khiếp. Ngoài tài năng thiên bẩm ra, tôi nghĩ văn chương nghệ thuật còn như là lộc trời cho. Mà đã là lộc trời thì người viết chỉ xuất thần và nổi tiếng một giai đoạn nào đó thôi, đừng có cố đấm mà ăn cả… Ở đời nên biết dừng lại đúng lúc. Đừng đánh mất cảm xúc của độc giả đã dành cho mình. Đừng làm cho họ thất vọng… Thế nên tôi tôn trọng những người từng viết rất hay và giờ họ dừng viết. Đừng vội phán xét về họ, trên thế giới có những nhà văn rất nổi tiếng, cả đời họ chỉ viết một tác phẩm mà thôi.
@ Chúng ta đều biết cái chân lý rất quen thuộc này: Văn học là nhân học. Mà con người thì luôn là những tâm tính chung, số phận chung, khó có thể phân biệt theo ngành nghề. Nhìn từ góc độ ấy, theo chị, đâu là sự khác nhau giữa những nhà văn mặc sắc phục và những nhà văn không mặc sắc phục?
Như Bình: Câu hỏi này khó quá. Biết trả lời sao cho chính xác được nhỉ. Theo cảm quan của tôi, theo “suy nghĩ bằng bụng” của tôi (chữ của nhà báo Phan Đăng) thì hình như có sự khác biệt lớn lao giữa nhà văn mặc sắc phục và nhà văn không mặc sắc phục đấy. Ngày xưa khi tôi chưa mặc sắc phục, tôi ở Hà Tĩnh, tôi viết tự do và bản năng vô cùng. Tôi không biết đến giới hạn của sự sợ hãi… Tôi cứ viết như thiêu thân, viết cho thỏa đam mê. Còn khi tôi mặc sắc phục rồi, nhìn lại một vài đồng nghiệp của mình, tôi thấy hình như họ cũng như tôi lại thấy mình khó viết. Cái này chả ai làm gì mình cả để mà mình tự dệt ranh giới cho mình. Chả có ai giới hạn suy nghĩ của mình, cũng không ai bó thân mình mà không hiểu sao mình lại tự đóng khung mình trong những giới hạn. Có khi chính là ý thức về sắc phục mình đang mặc trên người đã vô hình trao cho mình những trọng trách lớn lao hơn, buộc mình phải nghiêm ngắn chỉn chu hơn chăng.
@ Cá nhân chị có nghĩ rằng, nếu không phải là một nhà văn nằm trong lực lượng công an, thì các sáng tác của chị có khác không? Chị nghĩ thế nào về những sáng tác của các nữ nhà văn nằm trong lực lượng công an nhân dân?
Như Bình: Cũng có thể có, mà cũng có thể không. Sáng tạo văn chương thì chỉ có một mẫu số chung duy nhất là giá trị của tác phẩm. Dù ở lực lượng nào, công an hay dân sự, thì khi sáng tác, mọi hình thức bên ngoài đều không phải là rào cản đối với sáng tạo. Câu hỏi này của anh nảy cho tôi một ý khác. Nếu không vào Công an, nếu không ra Hà Nội, có thể tôi đã đắm mình trong một góc nhỏ ở Hà Tĩnh. Tôi làm biên tập viên ở Đài PTTH, hoặc sang làm tạp chí văn học nghệ thuật “Hồng Lĩnh” và đeo đuổi nghiệp văn chương. Vì trước khi ra Hà Nội công tác, tôi đã ở trong Ban Chấp hành của Hội VHNT Hà Tĩnh. Cuộc đời cho ta những lựa chọn, và lựa chọn nào mà chả mất mát. Khi ta lựa chọn cái này thì đương nhiên ta đã đánh mất những thứ khác rồi… Nếu không muốn mất mát thì tốt nhất là đừng nên lựa chọn. Nhiều khi lựa chọn, ta tưởng ta đã được nhiều thứ hơn, ta phấp phỏng sung sướng rơn lên với thứ ta đang có mà đâu biết rằng ta vừa đánh mất một trong những thứ quý giá nhất lẽ ra đã thuộc về mình. Thế nên cố gắng để ít phải lựa chọn là tốt nhất.
Còn về các nữ nhà văn trong công an thì tôi không ấn tượng gì nhiều. Có thể sức đọc của tôi đang quá hạn hẹp, chưa đọc hết các tác phẩm của các nữ nhà văn trong công an nên không có gì nhiều để nói, và tôi cũng chả dám lạm bàn. Còn nếu nói các sáng tác của các nữ nhà văn công an in hằng tuần trên ấn phẩm “Văn nghệ Công an” mà tôi đang làm thì không có nhiều đâu. Các nữ nhà văn công an cũng ít cộng tác. Mà xét cho cùng thì trong Chi hội Nhà văn Công an, số nhà văn nữ cũng chỉ đếm trên đầu ngón tay thôi. Đó là thực tế.
@ Chị có ấn tượng gì về nhà văn Trần Thanh Hà?
Như Bình: Như tôi đã nói ở trên, Trần Thanh Hà là một nhà văn viết không nhiều mà tôi ấn tượng. Tôi thích đọc truyện của chị ấy. Đọc và thán phục. Tìm một nhà văn nữ sung sức hiện tại viết được như Trần Thanh Hà ngày xưa là hơi bị hiếm. Văn chương của Hà nhuyễn, đẹp, hay. Hà viết truyện thông minh sắc sảo, đắm đuối vô cùng. Truyện nào của Hà cũng có tứ. Các nhân vật trong truyện của Hà không có ai tẻ nhạt. Những người đàn bà trong truyện có khi phải “giập nát” vẫn sẵn sàng tranh đấu, giằng xé quyết liệt để đòi quyền được sống và yêu. Văn chương của chị đôi khi đẹp một cách nhức nhối, tàn nhẫn và lạnh giá. Truyện ngắn “Cái tổ con sẻ rơi” là một ví dụ của vẻ đẹp tàn nhẫn ấy. Nếu so với Nguyễn Ngọc Tư và Đỗ Bích Thúy, tôi đặt ngang bằng Hà với hai nữ nhà văn kia và văn chương của Hà chở tải được cái chất của mảnh đất miền Trung vô cùng khắc nghiệt và nhiều mất mát. Tiếc là chị vì một lí do nào đó đã không trường sức như hai nhà văn nữ kia để tiếp tục có thêm nhiều tác phẩm mới. Hoặc giả có thể chị viết mà chưa công bố. Hà có đủ đầy tất cả những thế mạnh trong văn chương để nổi tiếng. Nhưng Hà còn gây thêm cho người đọc một sự "váng vất”. Cái không khí ấm, sắc, lạnh, váng vất trong truyện Hà đủ cả. Tôi ấn tượng nhiều về Trần Thanh Hà.
@ Tôi biết, với tư cách một nhà báo, một trong những cây bút chủ lực một thời của các chuyên đề “An ninh Thế giới Cuối tháng và Giữa tháng” trong hơn một thập niên đầu thế kỷ XXI, chị đã từng viết nhiều chân dung xuất sắc về các văn nghệ sĩ đương đại. Bây giờ nhìn lại, liệu chị có thể cho biết, ấn tượng gì sâu đậm hơn cả đọng lại ở chị sau những cuộc gặp gỡ với những nhân vật rất đặc biệt và nhiều thân phận đó?
Như Bình: Tôi cảm ơn giai đoạn này, tôi được làm báo với tất cả tâm thế của một nhà báo được thỏa sức làm nghề với tinh thần tận hiến và cảm giác mình có lý do để tận hiến. Có quá nhiều chân dung, nhiều nhân vật xuất sắc mà nếu như không phải làm nghề viết chắc gì tôi đã may mắn được gặp họ và tiếp xúc với họ. Tôi mới chỉ tập hợp lại in thành hai cuốn sách ký chân dung “Người mang lại ái tình” và “Những ẩn khuất của số phận”. Từ năm 1999 đến nay, đã tròn 10 năm, nếu để in thành sách thì cũng đến ba bốn tập nữa nhưng tôi chưa có ý định gì. Sau này nếu cần tôi sẽ tìm lại và tập hợp sau, bởi làm sách đôi khi chỉ để giữ lại những ký ức, giữ lại những tư liệu sống của những nhân vật nổi tiếng một thời cho riêng mình. Đó là một cách đóng chặt những kỷ niệm và cất lên giá. Rất nhiều nhân vật giờ đã trở thành người thiên cổ rồi. Mỗi một nhân vật là một pho sách cho tôi được đọc. Họ dạy cho tôi cách nghĩ, cách để tồn tại, để sống. Họ dạy tôi cách vượt qua sóng gió, qua những cơn bão của số phận… Tôi nhớ cuộc gặp gỡ với bà Trần Thị Hồng, vợ của danh họa Trần Văn Cẩn hồi bà còn sống. Bà sống trong một căn gác cũ chật chội đầy bụi nhưng chất đầy tranh của danh họa Trần Văn Cẩn. Nước mắt bà vẫn chảy trong câm lặng mỗi khi kể về người chồng quá cố và những kỷ niệm của bà. Bà vẫn để nguyên xi những đồ vật cũ ngày xưa ông bà dùng, chiếc cốc, tấm bìa viết các ghi chú của ông treo ở cửa ra vào... Tình yêu với người thầy lớn, với người tình của bà chính là cây thập tự quá nặng đè xuống cuộc đời vừa dư thừa hạnh phúc, vừa dư thừa mất mát và thiệt thòi của bà.
Hay như nhân vật nhà triết học Nguyễn Hào Hải. Ông ở ẩn trong căn gác rộng hai tầng ở salon số 4 Hạ Hồi. Một nhân vật hào hoa bậc nhất còn sót lại của Hà Nội cũ. Căn gác rộng của ông treo đầy những bức tranh của họa sĩ Dương Bích Liên. Ông ở đó và im lặng mỗi ngày để đọc những cuốn sách triết học phương Tây kinh điển bằng tiếng Pháp. Ông ở đó và tháng năm quanh quẩn với cái bóng của mình, với những ký ức cũ cùng người bạn thân đã quá cố Dương Bích Liên. Ở ông là cả một pho tư liệu sống về một thời của Hà Nội cũ, đời sống hội họa văn chương của Hà Nội cũ... Viết về những nhân vật đã mất, tôi ấn tượng nhất là viết về danh họa Dương Bích Liên, nhà thơ Quang Dũng, nhà thơ Hoàng Trung Thông. Tôi đã viết loạt bài gồm hai, ba chương về họ. Tôi có cảm giác như khi tôi viết về họ, cảm về họ, tôi như được trò chuyện với linh hồn của họ. Lúc đấy tôi không hề thấy họ đã mất. Cảm giác đó rõ rệt nhất ở chân dung Dương Bích Liên…
Ngoài ra tôi cũng ấn tượng với nhân vật thi sĩ Hoàng Cầm, tôi đã có những cuộc trò chuyện cuối với ông trên căn gác xép áp mái những ngày cuối cùng. Ở đó ông nằm nhìn lên trần nhà và thở dài những hơi thở nuối tiếc và đau khổ vì bệnh tật vì cảm giác bất lực với tuổi già. Hay như Nghệ sĩ Nhân dân Đào Mộng Long ở trên căn gác nhỏ của phố Nguyễn Bỉnh Khiêm. Cũng như thi sĩ Hoàng Cầm, người ông mỏng tang như một tờ giấy pơluya nằm thiêm thiếp trên giường. Thế nhưng khi tôi đến ông đã nhanh nhẹn nhỏm dậy, huýt sáo, soi gương và mỉm cười, nói với tôi những câu đùa hóm hỉnh. Đôi mắt ông ánh lên những tia sáng linh lợi ấm áp. Căn phòng cũ của ông treo đầy những bức ảnh ông chụp vào vai nhân vật của những vở kịch, những bộ phim kinh điển một thời. Bao quanh ông là những ký ức lộng lẫy huy hoàng, vàng son của quá khứ. Ông không nói một lời về nỗi cô đơn, về thất bại trong hôn nhân, hay là về nỗi cay đắng khủng khiếp của một Nghệ sĩ Nhân dân tài năng cuộc đời sinh ra để gắn với sân khấu mà lại phải từ giã sân khấu sớm bởi những quy định vô cảm của bộ máy nhà nước… Tôi không thể quên được việc sau khi gặp ông trở về, tôi vừa gõ máy tính, vừa khóc. Tôi nhớ đến câu nói của ông khi bà Phạm Thị Thành đến thăm ông: “Em đến thăm anh mừng lắm, anh già yếu quá rồi sống cũng vô ích. Anh muốn chết quách đi. Nghĩ đến chết anh thoải mái lắm”.
Tôi nhận ra một điều căn cốt mà những nhân vật của tôi đã gửi lại cho tôi. Càng là những người nổi tiếng, trí tuệ xuất sắc, tri thức chất chứa, đời sống mênh mông như biển thì họ càng dung dị, càng yêu thương và trân trọng con người. Càng là những nhân cách lớn họ càng cư xử nhân văn và giản dị biết bao nhiêu. Đó là những thông điệp đẹp đẽ nhất giúp cho tôi sống tốt hơn và nhận ra những chân giá trị của cuộc đời.
@ Trong giai đoạn cuối đời của nhà thơ Phạm Tiến Duật, chị đã từng không chỉ một lần tiếp xúc với anh và đã viết nên những bài báo cực kỳ xúc động và chân thực, đầy nỗi niềm không dễ gì lý giải. Bây giờ, sau tất cả mọi điều đã trôi qua, chị còn nhớ gì về nhà thơ tuyệt vời này của chúng ta?
Như Bình: Nhớ chứ. Không riêng gì nhà thơ Phạm Tiến Duật đâu, mỗi một nhân vật đều ghim vào tôi một nỗi nhớ. Với Phạm Tiến Duật, giai đoạn cuối tôi tiếp xúc nhiều với nhà thơ, chứng kiến cuộc sống, mái ấm hạnh phúc và người đàn bà cuối đời của ông. Tôi không hiểu chuyện riêng của gia đình ông nên không dám nhận xét gì về cuộc sống của ông với người vợ đầu. Nhưng với người mà ông Duật coi như vợ sau này, chị Bình ở Khâm Thiên, tôi thấy ông Duật thật may mắn khi cuối đời có một tri âm, tri kỷ để sưởi ấm. Chị Bình là người đàn bà nồng nàn và thời điểm đó, chị yêu ông Duật với tất cả sự kính trọng và ngưỡng mộ chân thành. Âu thế cũng đã là an ủi.
Nói gì thì nói, đó thật sự là may mắn của nhà thơ bởi lúc ông đau ốm suy kiệt có một người đàn bà lo toan chăm sóc hết mực cho ông, thực lòng nhỏ nước mắt lên nỗi thương tâm của ông, nước mắt của người đàn bà yêu ông và ông yêu đã phần nào làm dịu nỗi thương tâm của ông những giây phút cuối đời ấy. Hình như giây phút ông bình yên nhất, thèm được sống nhất chính là lúc ông chuẩn bị rời bỏ dương thế… Sao lại buồn đến thế chứ! Tôi ám ảnh mãi đôi mắt của ông Duật khi nhìn chị Bình cái hôm tôi đến thực hiện buổi phỏng vấn cuối cùng ở trong bệnh viện 108. Cái nhìn tiếc nuối và bất lực. Ánh nhìn ấy tôi đã bắt gặp trước đó trong căn nhà chị Bình ở ngõ Khâm Thiên lúc ông mới biết bệnh. Ông ngồi đợi tôi bên chiếc bàn nhỏ, trong lòng ôm con chó nhỏ. Đôi mắt ông buồn bã kinh khủng mặc dù ông luôn tỏ ra bình thản để đón nhận những gì dữ dội nhất sắp xảy ra phía trước. Thực sự đó là một nhà thơ đầy bản lĩnh đáng khâm phục.
@ Theo chị, có nhất thiết một nhà thơ lớn thì đời sống phải truân chuyên và éo le không?
Như Bình: Một nhà thơ lớn không nhất thiết phải có một đời sống truân chuyên và éo le, nhưng nhất thiết phải có một cuộc đời không tẻ nhạt. Một nhà thơ lớn phải sống cho ra một đời sống đúng nghĩa và ông ấy phải để lại những giá trị từ chính cuộc đời ông.
@ Những nhân vật nữ nào trong các bài báo đã để lại những xúc cảm sâu đậm nhất ở chị?
Như Bình: Nhà báo Trần Thị Kim Cúc nguyên phát thanh viên Đài Tiếng nói Việt Nam, nhà thơ Trần Thị Đạo Tĩnh, nữ sĩ Đoàn Lê, nhà thơ Lê Thị Mây… Họ đều để lại trong tôi những cảm xúc sâu đậm bởi những gì mà cuộc đời của họ đã trải thật kỳ lạ. Tôi vừa khâm phục họ, vừa thương họ vô cùng.
@ Đã có bài báo nào mà về sau khiến chị phải ân hận vì thực tế về sau cho thấy, sự thực không phải như những gì mà chị đã cảm thấy?
Như Bình: Đáng tiếc là có, chỉ duy nhất một nhân vật khiến cho tôi có cảm giác này.
@ Có ý kiến cho rằng, trái tim nhà văn dễ làm cho ngòi bút của nhà báo trở nên thiếu khách quan khi phản ánh hiện thực. Chị nghĩ gì về ý kiến này?
Như Bình: Hoàn toàn có thể có như vậy chứ. Trái tim nhà văn dễ làm cho ngòi bút của nhà báo trở nên thiếu khách quan. Nhưng nếu ngòi bút nhà báo mà không có thêm sự nhạy cảm tinh tế, sự rung động sâu sắc của trái tim nhà văn, bài báo đó sẽ không thể là bài báo mang lại nhiều giá trị nghệ thuật và gây được ấn tượng mạnh cho người đọc.
@ Chị có dự định gì cho tương lai gần trong công việc sáng tác không?
Như Bình: Giờ đây tôi thích vẽ tranh và đang vừa học vừa tập vẽ. Vẽ tranh là một cách thiền tuyệt vời nhất. Thiền với nghệ thuật thì sẽ dễ nhập thiền một cách tự nhiên hơn, và mình không hề phải cố gắng để đạt đến sự tĩnh. Tôi có một số dự định cho tập tản văn “Khói” và cuốn truyện thiếu nhi “Dòng sông một bờ” tôi tái bản và làm mới thêm để tặng cho con trai nhỏ của mình. Nhiều thứ… Nhưng tôi vốn rất tệ vì là kẻ biếng nhác với bản thân. Riêng với bản thân thôi. Tôi không vội vã mưu cầu, cũng không sốt sắng đặt ra những nguyên tắc để đạt tới. Từ lâu lắm, tôi chọn sống lặng lẽ, sống không mấy ai biết tới, sống sao cho an nhiên tự tại mới là giá trị căn cốt mà tôi hướng đến.
@ Xin cảm ơn chị!
Nguồn: Đại Đoàn Kết