Tập bản thảo được gia đình nhà thơ lưu giữ, đã đôi lần muốn công bố nhưng vì nhiều lý do nên chưa thực hiện, thực sự là một dấu ấn, một đứa con tinh thần của Quang Dũng, khi mà thân thế, sự nghiệp ông ngày càng được đông đảo công chúng quan tâm tìm hiểu.





Di cảo-hồi ký “Đoàn binh Tây Tiến” của nhà thơ Quang Dũng

Nhà xuất bản Kim Đồng vừa ra mắt bạn đọc tập hồi ký "Đoàn binh Tây Tiến" của nhà thơ Quang Dũng. Đây là tập di cảo lần đầu tiên được công bố tới công chúng. Có một “Tây Tiến” trong thơ và cũng có một “Tây Tiến” trong văn. Đó chính là những gì chứa đựng trong cuốn sách này.
Hơn là một phiên bản văn xuôi của bài thơ, tập hồi ký cho chúng ta biết thêm nhiều điều về hoạt động của binh đoàn khi ấy, cũng như về các chiến sĩ Việt - Lào, những người cầm súng và cả những người cầm kèn trong Đoàn võ trang tuyên truyền cùng tham gia vào sứ mạng giải phóng đất nước mình và nước bạn khỏi ách thực dân xâm lược…
Nhà thơ Quang Dũng làm bài thơ "Tây Tiến" vào mùa xuân năm 1948 với cảm hứng mãnh liệt của một người trong cuộc, ông đã làm bài thơ rất nhanh, để kịp đọc trong Đại hội toàn quân của Liên khu III ở Phù Lưu Chanh. Tuy nhiên, cảm xúc về “những ngày Tây Tiến” thì còn theo ông mãi, như một nỗi nhớ, một ám ảnh khôn nguôi. Năm 1952, ở Cổ Thành, nhà thơ đã hoàn thành tập hồi ký nói trên, và khép lại tập sách bằng “Mấy lời nói trước cùng độc giả”. Các đồng đội, bạn bè, người thân- những người gần gũi nhất của nhà thơ từng được biết về tập hồi ký này.
Hồi ký đã được trích dẫn một chương vào Tuyển tập Văn Thơ Quang Dũng và đã được nhắc đến không chỉ một lần trong những câu chuyện liên quan. Tập bản thảo được gia đình nhà thơ lưu giữ, đã đôi lần muốn công bố nhưng vì nhiều lý do nên chưa thực hiện, thực sự là một dấu ấn, một đứa con tinh thần của Quang Dũng, khi mà thân thế, sự nghiệp ông ngày càng được đông đảo công chúng quan tâm tìm hiểu.
Tập hồi ký cho chúng ta biết về việc thành lập Đoàn võ trang tuyên truyền ngay từ những ngày đầu, với hạt nhân là một số chiến sĩ của Trung đoàn Thủ đô. Cuốn sách còn cho chúng ta biết về nhiệm vụ Đoàn được giao, những việc Đoàn đã làm trong suốt những năm tháng gian lao mà hào hùng ấy. Đó là “làm nhiệm vụ đi tới những bản, những chòm, những mường của khu vực quân ta hoạt động để tuyên truyền chính sách Đoàn kết của Chính phủ, tuyên truyền ý chí kháng chiến của Dân tộc, tuyên truyền cái tinh thần của quân đội Việt Nam.”
Cuốn sách cũng cho chúng ta biết về sự tham gia của đoàn Nhạc binh nổi tiếng của nhạc trưởng Đinh Ngọc Liên trên mặt trận này. Đặc biệt, còn cho chúng ta biết về mối quan hệ gắn bó giữa bộ đội ta và bộ đội Lào, qua một Trung đội Pa thét Lào được cử tham gia vào Đoàn võ trang tuyên truyền Biên khu Lào- Việt.
Sau gần bảy mươi năm, tập hồi ký của nhà thơ- chiến sĩ Quang Dũng về binh đoàn Tây Tiến năm xưa giờ đã trở thành những tư liệu văn nghệ và lịch sử vô giá, đóng góp vào di sản văn nghệ kháng chiến nước nhà. Tác giả viết: “Những tên người trong truyện này, đều là tên thật cả. Những sự ghi chép đây, tác giả chép nguyên sự thực. Hôm nay khi cuốn sách đang ở tay bạn đọc, khi cái quãng đời này đang diễn lại trong trang giấy, thì trong số những người có tên ký ở trên đây cũng đã khuất đi vô số. Đã biết bao mả chiến sĩ cỏ lau cao lấp cả mộ phần/Đã biết bao nhiêu người rỏ máu và nước mắt!/ Đã biết bao nhiêu người kiệt sức gục xuống quanh đây/Để cho chúng ta được thênh thanh tiến bước…Chúng ta hãy kính cẩn tưởng niệm.”

MAI AN - Báo Sài Gòn Giải Phóng