Chính tấm lòng đối với bạn văn và nghiệp văn đã giúp Vũ Từ Trang là một trong số không nhiều nhà văn viết nhiều nhất và hay nhất chân dung văn học. "Tơ trời chùng chình đón đợi" là tập sách thứ 5, sau các tập "Phía sau con chữ", "Nhà văn độc hành độc bộ", "Vì ai ta mãi phong trần", "Phận người trôi nổi" 




Tấm lòng nhà văn với bạn văn

ĐẶNG HIỂN

Tôi đã đọc "Tơ trời chùng chình đón đợi", tập chân dung văn học thứ năm, của Vũ Từ Trang. Đọc một mạch. Cái gì đã cuốn hút tôi hơn những tập chân dung văn học khác, mà tôi đã đọc? Đó chính là cảm xúc, là tình cảm của người viết đối với những nhà văn mà tác giả khắc họa. Đối với các nhà văn đàn anh, đàn chị mà anh đã đọc, đã gặp nhưng chưa  thật gần vì khoảng cách tuổi tác, sự nghiệp, như: Anh Thơ, Hoàng Trung Thông, anh viết với tấm lòng yêu kính như với bậc cô, chú. Nhưng vẫn có sự cảm thông như với những người cùng hội cùng thuyền.

Thật vậy, với Anh Thơ, anh phát hiện ở bà niềm khao khát bứt phá trong khung cảnh hẹp, tù túng của gia đình nho phong nền nếp, mặc dù bà không thể hiện rõ trong thơ. Anh tinh tế nhìn ra những câu thơ đã chứa đựng một cái gì xao xác chuyển động ở bên trong "Lũ cò con chốc chốc vụt bay ra/ Làm giật mình một cô nàng yếm thắm/ Cúi cuốc cào cỏ ruộng sắp ra hoa" (Chiều xuân). Và anh giải thích được vì sao nữ thi sĩ đã từ bỏ cuộc sống êm ấm, điền viên, dẫu chưa phải là lầu son, gác tía, cành vàng lá ngọc để hăm hở đi theo cách mạng, hòa nhập cùng số phận của dân tộc mình. Cảm xúc đối với nhà thơ và văn nghiệp của bà đã khiến tâm hồn đa cảm của người viết tạo nên được những dòng văn dạt dào cảm xúc như văn tùy bút. Đặc biệt, Vũ Từ Trang ghi sâu trong tiềm thức hình tượng tiếng chim tu hú, cũng là hình tượng hay nhất, xúc động nhất, ấn tượng nhất trong thơ Anh Thơ. ''Bỗng tiếng chim tu hú/ Đưa từ vườn vải xa/...Thương một mùa vải đỏ/ Má hồng con đang tươi" (trang 9). Bài chân dung kết thúc bằng cảm nghĩ bên nấm mồ của nữ sĩ bên dòng sông Thương. "Một con người đã dành cả tâm lực cho quê hương, đất nước. Khi yên nghỉ, lại lặng lẽ, bình dị về nằm trên mảnh đất bên bờ sông thanh bình" (trang 19). Chính tâm hồn giàu cảm xúc đã khiến Vũ Từ Trang viết được những dòng văn như tùy bút đầy chất thơ trên.

Với Hoàng Trung Thông, Vũ Từ Trang viết bài "Người say trong tỉnh, tỉnh trong say" - đầu đề độc đáo. Anh phát hiện Hoàng Trung Thông ban ngày là quan, quan văn nghệ, ban đêm lại là nhà thơ. Anh dẫn mấy đoạn trong bài thơ "Mời trăng" Hoàng Trung Thông viết tặng Xuân Diệu: "Ta đọc: Khuyến quân cánh tận nhất bôi tửu". Bạn đọc "Dữ ngã đồng tiêu vạn cổ sầu" (trang 186). Thì  ra rượu chỉ là cái cớ để giải khuây nỗi buồn và đó cũng là cái cớ để ông từ chối nhận một chức quan cao cấp...

Với những nhà thơ trẻ mệnh yểu, giọng văn Vũ Từ Trang đầy đau xót và thương tiếc. Với những nhà văn đã qua đời nhưng sự nghiệp chưa thành, anh rất thương cảm nhưng vẫn rất công bằng. Anh không tô vẽ thêm cho những gì mà nhà văn ấy đã làm được.
Và sau khi đã nêu lên những thành tựu sáng tác của bạn, anh viết (như với bạn văn Phạm Gia Bình): "Bình là người có cuộc sống thực tế ngồn ngộn và Bình rất yêu văn chương. Nhưng Bình phải mất nhiều thời gian với công việc quá chồng chất. Khi gia cảnh đã mát mày mát mặt, thì Bình lại gánh bệnh. Nếu trời cho Bình qua cơn bệnh trọng, Bình vẫn sống cùng chúng tôi, thì Bình sẽ làm thêm được bao việc. Hẳn Bình có nhiều đầu sách chả kém gì ai. Vì Bình luôn tâm huyết với chữ nghĩa, hết tâm cho chữ nghĩa'' (trang 69, 70). Thật  công tâm, cũng thật  chí nghĩa, chí tình.

Ngay với những nhà văn đã có một cuộc đời suôn sẻ, thậm chí một đời văn mà nhiều người mơ ước, thì Vũ Từ Trang vẫn cảm thông với nỗi day dứt thầm kín trong lòng bạn. Phan Quế đã viết hàng trăm bài thơ, có bài được giải thưởng, đã viết vài trường ca, hơn chục tập tiểu thuyết, nhưng tới tuổi 70, vẫn còn ngần ngại làm tuyển tập, vì anh còn "chùng chình đợi câu thơ phía trước". Tác giả "Tơ trời chùng chình đón đợi" rất hiểu tâm lí các nhà văn, vì anh cũng là một nhà văn.

Với những nhà văn tương đối thành đạt và tuổi thọ cũng đã thuộc lớp người ''xưa nay hiếm'', anh vẫn dành những lời an ủi cuối cùng sau những lời khẳng định về văn nghiệp. Như viết về Nguyễn Phan Hách, khi kết thúc chân dung bằng chi tiết ấm lòng: Một buổi về Bắc Ninh, đúng lúc nhạc hiệu Đài phát thanh tỉnh cất lên giai điệu "Làng quan họ quê tôi'' (thơ Nguyễn Phan Hách, nhạc Nguyễn Trọng Tạo), khuôn mặt Nguyễn Phan Hách ánh lên niềm vui sướng, Vũ Từ Trang kết luận: ''Đời người cầm bút, có được tác phẩm để đời như anh, hạnh phúc biết nhường nào. Vậy thì cái chết có phải là kết thúc đâu, phải không anh?!''. 

Tôi không hiểu khi viết tập chân dung này, Vũ Từ Trang có nghĩ đến câu thơ của Nguyễn Du trong truyện Kiều "Chữ tài chữ mệnh khéo là ghét nhau'' không? Nhưng tôi thấy nhiều chân dung nhà văn trong sách này, ứng nghiệm với câu thơ của Nguyễn Du. Không có cuộc đời và văn nghiệp của nhà văn nào là viên mãn. Nhưng cái quý nhất là tấm lòng của họ, nhiệt huyết của họ và những thông điệp mà họ gửi tới cuộc đời. Như nhà thơ Hoàng Kim Dung đã phải chia tay với chồng, nhưng khi chồng bị ốm nặng, chị lại về chăm sóc anh. Chị viết một câu thơ rút ruột: "Một mình, một mình lại một mình", thì có hai người đàn ông đến xin chia sẻ với chị. Chị hốt hoảng kêu lên: ''Ấy là em kêu cô đơn trong thơ, còn trong đời thường thì em đâu cô đơn. Em còn con trai em, con dâu em và thằng cháu nội cực kỳ đáng yêu. Làm sao em cô đơn được". Thì ra chữa bệnh cô đơn của nhà văn không phải dễ. Vì đó là sự cô đơn sang trọng, sự cô đơn cao đẹp, sự cô đơn trong tâm hồn.

Đối với nhà văn đa tài mà vất vả, thậm chí bất hạnh trong đời, Vũ Từ Trang rất thông cảm, trận trọng. Không phải ngẫu nhiên mà anh dành tới 3 trang sách để liệt kê những tác phẩm của Hoài Anh. Nhà văn Chu Hồng Hải khi được in tập truyện "Cuộc phiêu lưu của mèo con" mới 20 tuổi, Nhà xuất bản phải cử người đến gặp, để xác minh có phải tác phẩm của anh không. Nhà văn trẻ ấy lại đa cảm như nhà thơ. Anh từng mượn xe Mô-kích xoàng để đưa bạn nữ từ Thái Nguyên về Tuyên Quang. Anh từng hát và đọc thơ đến khuya trong cuộc gặp mặt với bạn văn, nhân em gái anh học ở Liên Xô về nghỉ hè. Anh vừa hát, vừa đọc thơ, vừa khóc, khiến Công an đi tuần qua phải… nhắc nhở.

Vũ Từ Trang viết nhiều về những nhà văn đã khuất. Đối với những nhà văn tuổi đời và sự nghiệp dang dở, anh đặc biệt thương cảm. Anh viết với những dòng văn đẫm nước mắt. Với nhà văn Nam Ninh, Vũ Từ Trang đã kịp khẳng định vẻ đẹp của văn anh: "Dù viết về đề tài công nghiệp, anh đã sớm hướng trong văn mình về vẻ đẹp nội tâm, giàu chất nhân văn của con người. Nhân vật của anh là những người bình thường trong cuộc sống nhưng thường có số phận éo le, họ luôn toát lên vẻ đẹp riêng. Mà như riêng anh phát hiện ra cái vẻ đẹp chìm khuất mà lung linh kỳ ảo ấy..." (trang 46).
Anh không né tránh viết về những vất vả của nhà văn trong đời thường. Nhà thơ Hoàng Trung Thủy có thời đêm đêm phải vác ghế ra bãi biển chào khách ngồi nghỉ để lấy tiền dịch vụ nuôi vợ con. Nhưng cái quan trọng, là trong hoàn cảnh vất vả ấy, nhà thơ vẫn viết và viết hay. Hoàng Trung Thủy được các bạn văn bầu là Chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật không phải vì anh có tài quản lí, mà vì anh là nhà thơ đã từng được giải cuộc thi thơ của Báo Văn nghệ năm 1969. Anh là tác giả của những vần thơ rung động lòng người, như "Vẫn biết rồi thu sẽ nhuốm vàng/ Mà sao cứ mỗi độ hè sang/ Lòng anh thêm một lần đau đớn/ Khi thấy mùa xuân lặng lẽ tàn" (trang 34).

Mỗi nhà văn có một cái đạo sống, triết lý sống. Nguyễn Xuân Khánh, nhà văn cao tuổi nhất trong tập sách, tác giả của bộ ba tiểu thuyết lịch sử "Hồ Quý Ly", "Mẫu Thượng Ngàn", "Đội gạo lên chùa". Ông quán triệt đạo ''tùy duyên'' qua hình tượng những nhân vật của ông. Có lần, ông trực tiếp thuyết minh về đạo ''tùy duyên'' qua lời nhân vật sư cụ Vô Uý: ''Không rèn luyện để hướng tới cao thượng không phải là người. Cao thượng đó là cái tâm của Phật. Đó là cái tâm từ, tâm bi, tâm hỉ, tâm xả. Tâm từ là yêu thương tất cả chúng sinh. Tâm bi thương xót những người đau khổ. Tâm hỉ vui với người đang vui. Tâm xả không dính chấp được thua ở đời. Đạt được bốn cái tâm cao thượng ấy là tiến được khá xa trên con đường tu lập''.

Trong hoàn cảnh hiện nay, tôi không hoàn toàn tin ở câu nói người xưa "Có cùng, thì thơ mới hay". Nhưng tôi tin, có sự rung động mãnh liệt thì thơ văn mới hay. Viết chân dung văn học cũng thế. Đương nhiên, viết chân dung văn học thì phải hiểu cuộc đời, tác phẩm của nhà văn. Nhưng nếu không có một tấm lòng đối với nhà văn, đối với nghiệp văn, thì bài chân dung sẽ như một bài giới thiệu phê bình, thậm chí một đoạn văn học sử, một đoạn văn thuyết minh. Điều này thực hiện được là nhờ kiến thức, tài năng của Vũ Từ Trang. Nhưng trước nhất, trên hết, là tấm lòng của anh đối với nhà văn,  đối với nghiệp văn. Anh đã hơn một lần thốt ra bằng lời: "Văn chương là gì? Nó là đôi cánh mơ hồ kéo con người bay là là trên mặt đất, vượt trên cơm áo gạo tiền. Vượt lên chức quyền, vượt trên mọi nỗi nhọc nhằn của kiếp người" (trang 35).

Văn chân dung là một loại văn có sự giao thoa giữa lý luận phê bình và bút kí, đòi hỏi sự hài hòa của nhiều yếu tố gần như đối lập, về thi pháp như tự sự và trữ tình, tư duy hình tượng và tư duy logic, về tâm lí như lí trí và cảm xúc; về thủ pháp như giới thiệu và bình...
Văn phẩm này của Vũ Từ Trang, tôi  thấy đã thể hiện được phần lớn những yêu cầu trên. Mà bằng chứng là sự thỏa mãn của người đọc khi tìm hiểu chân dung các nhà văn mà sách đã khắc họa. Chính tấm lòng đối với bạn văn và nghiệp văn đã giúp anh chọn lọc và hài hòa các yếu tố trên. Vũ Từ Trang là một trong số không nhiều nhà văn viết nhiều nhất và hay nhất chân dung văn học. "Tơ trời chùng chình đón đợi" là tập sách thứ 5, sau các tập "Phía sau con chữ", "Nhà văn độc hành độc bộ", "Vì ai ta mãi phong trần", "Phận người trôi nổi"  mà anh đã xuất bản trong những năm gần đây.


Nguồn: Văn Nghệ Công An