Nhà thơ Đặng Huy Giang đánh giá: “Theo tôi, không chỉ “có một trí tưởng tượng mãnh liệt và chất trữ tình tế nhị”, thơ Thanh Tùng còn có “lòng yêu thương con người vô bờ bến và một tình yêu cuộc sống cũng vô bờ bến”. Chính vì thế mà trong “Chợ Mường Khương”, ông viết: Rượu giữa chợ với bạn tình giữa chợ/ Ánh mắt nhìn nhau cũng là rượu rót”…   

                   
       THANH TÙNG – NGƯỜI TRUYỀN CẢM HỨNG THƠ

                                                  ĐẶNG HUY GIANG

Người yêu ơi, anh yêu em và em yêu anh và anh yêu em
Ngày là ngắn, tháng ngắn, mưa ngắn, những chuyến tàu là ngắn
Cao là những ngôi nhà, những ngọn cây và đôi ta lại cao hơn
Trên cát bọt sóng tiến tới nó được muốn hôn chân em
Chim các quần đảo bay xa chuyển mùa và những cái rễ của em trong tim anh đã mọc
. . . . . . . . . . . . . . . . . .
. . . . . . . . . . . . . . . . . .
Anh đã cầm chiếc ghi ta bằng hổ phách, anh đã tự đặt bên em”…

Ôi Santiago
Tôi đã yêu người đến nỗi
Tôi đau khổ cả khi không cảm thấy
Rằng người còn có thể đánh tôi
Một chút lãnh đạm của người thôi
Đủ thành mũi dao đâm tôi đau nhói
Có thể nhớ về Santiago không có tôi trong đó
Nhưng không thể nhớ về mình mà không có Santiago!
    Không hiểu tại sao khi viết những dòng đầu tiên về tập thơ tuyển của Thanh Tùng, trong đầu tôi tự nhiên lại ngân vang lên những câu thơ của Pablo Neruda - nhà thơ Chile - Giải thưởng Nobel năm 1971. 7 câu thơ đầu được trích ra từ “Anh yêu em”. 8 câu thơ sau được trích ra từ “Bài ca về Santiago”. Rất có thể, tôi đã cảm thấy giữa Pablo Neruda và Thanh Tùng có điểm tương đồng nào đó, đặc biệt là “có một trí tưởng tượng mãnh liệt và chất trữ tình tế nhị” qua “Lời tuyên dương của Viện Hàn lâm Thụy Điển” về Pablo Neruda và thơ Pablo Neruda.
     Với “Anh yêu em”, Pablo Neruda khẳng định bản chất “là một” của tình yêu: Những cái rễ của em trong tim anh đã mọc; Không có miệng của em, anh không thể nào ca hát”. Với “Bài ca về Santiago”, Pablo Neruda yêu thành phố của ông đến nỗi: Một chút lãnh đạm của người thôi/ Đủ thành mũi dao đâm tôi đau nhói/ Có thể nhớ về Santiago không có tôi trong đó/ Nhưng không thể nhớ về mình mà không có Santiago.
    Theo tôi, không chỉ “có một trí tưởng tượng mãnh liệt và chất trữ tình tế nhị”, thơ Thanh Tùng còn có “lòng yêu thương con người vô bờ bến và một tình yêu cuộc sống cũng vô bờ bến”.
   Chính vì thế mà trong “Chợ Mường Khương”, ông viết: Rượu giữa chợ với bạn tình giữa chợ/ Ánh mắt nhìn nhau cũng là rượu rótTan chợ rồi chân còn ríu vào nhau; trong “Một thoáng Sa Pa, ông viết: Ai cắn vào trái mận/ Mà ngọt nửa không gian; trong “Đà Lạt”, ông viết: Cỏ non, cỏ non, cỏ non/ Ngùn ngụt nỗi buồn xanh ngắt/ Muốn tan vào cỏ, cỏ ơi!; trong “Đến Huế”, ông viết: “Cố đô ơi, mỗi viên gạch cũng run lên trước xúc động con người; trong “Thụy Khuê”, ông viết: Thèm muốn gì tôi không hiểu nổi/ Chỉ biết rằng muốn hôn/ Cả những vết chân trên hè nứt nẻ/ Những vòm liễu nhúng chiều vào đáy nước/ Có tiếng gọi tan thành sương vỡ; trong “Viên gạch ở Hàng Thao, ông viết: Nếu tôi đập viên gạch vỡ/ Một dòng máu tươi sẽ túa ra thắm đỏ”; trong “Con đã ở trong nhà của mẹ”, ông viết: Hương hoa lan nhuộm xanh song gỗ/ Bóng lá cười sáng mặt sân trưa; trong “Hải Phòng lúc ra đi”, ông viết: Máu tôi còn đủ đỏ/ Để phương trời nơi ấy cháy thành thơ”; trong “Hà Nội”, ông viết: Tôi vẫn về Hà Nội của tôi/ Sau những ngày dài khô khốc/ Để thẫn thờ uống từng vết nắng mưa/ Chạy mệt nhoài trên những quảng trường sạm gió; trong “Xuân Lộc”, ông viết: Chợ đã tan tôi còn quanh quẩn mãi/ Như còn hò hẹn với một ai; trong “Hàn Mặc Tử”, ông viết: Thôn Vĩ Dạ chiều nay như trái chín/ Lá trúc sôi một màu xanh nức nở…
     Gắn bó với biển, với môi trường biển, với đời sống biển…Thanh Tùng có những câu thơ về biển, về sóng biển lạ lẫm, chỉ mới đọc lên đã thấy nao lòng. Trong “Vàng đen”, ông có hai khổ thơ ấn tượng.
Đây là khổ thơ thứ nhất:
Những mũi tàu
Phăm phăm như ngựa bè
Những cây buồm
Lặng lẽ giấc mơ nâu.
 Đây là khổ thơ thứ hai:
Vui như sóng
Cũng buồn như sóng
Những con sóng
Qua hồn tôi thêm xiết…
Chưa có ai có “Tình yêu của biển” như ông. Bởi thế mà ông như đã phát hiện ra:
Biển đón ta với màu xanh giàu có
Với tiếng ầm ào
Vừa đe dọa
Vừa vuốt ve trìu mến…
Chưa ai có “Chiến trường xanh” như ông. Bởi thế mà ông gần gũi với biển, với sóng đến mức:
Đất mẹ nuôi ta mùa cá chuồn cá nục
Con sóng chăm ta từng giấc ngủ đung đưa…
 Chưa ai có “Cha với Nha Trang” như ông. Bởi thế mà với ông, sóng còn là một phương thuốc thần kỳ và ông như đã tìm ra sự cứu rỗi từ sóng: “Những con sóng chạy chữa cho cha khỏi nỗi buồn xa xứ.
 Chưa ai có “Xứ mỏ - xứ thơ” như ông. Bởi thế mà từ hai cái xứ ấy ông sở hữu hai câu thơ độc đáo:
Gió thổi nhàu mặt đá
Vịnh xanh – lòng gái đương thì
Tôi bâng khuâng vào sóng…
 Phải là người giàu trải nghiệm, Thanh Tùng mới “nôn nao đầy sóng biển” khi đã “ở ngoài vòng tay Tổ quốc” và ông mới viết được câu thơ qua “Lần đầu ra nước ngoài”: “Như người thủy thủ sắp ra khơi kiểm tra lại phần nước ngọt…”. Thì ra khi vượt biển, con người muốn đi xa được, quan trọng là “phần nước ngọt”, chứ không phải là những phần gì khác.
 Có lúc, ông liên hệ sóng với bước chân con qua “Con tập đi”:
Bước chân con bồng bềnh như sóng
Trôi vô tư đến mọi bến bờ…
 Bên cạnh “Con tập đi”, Thanh Tùng có khá nhiều bài thơ viết về con nói riêng và trẻ con nói chung. Ở mảng đề tài này, thơ ông tràn ngập yêu thương, dường như chỉ nương tựa vào yêu thương mà ông có thơ. Trong “Nói với con”, ông viết:
Từ hôm nay con ơi
Một ngọn gió cũng chia cho con phần mát mẻ
Một con suối cũng vì con mà róc rách
Một tiếng chim cũng vì con mà cất
Mảnh lá trên cành xanh cũng vì con…
     Trong “Nỗi nhớ trẻ thơ”, ông viết:
Không có trẻ thơ thành phố cũng già đi
…………………………………
…………………………………
Không trẻ thơ hoa đỏ mà làm chi!
Trong “Trẻ em”, ông viết:
Không đứa trẻ nào không phải con tôi
Tôi chỉ gửi mọi nhà âu yếm hộ.
     Cả đời Thanh Tùng, ông tự nhận mình là một cậu bé. Trong “Điểm mười”, ông tự nhận: Trước cậu bé ngày xưa trong trắng/ Cho tôi bây giờ vẫn chỉ là cậu bé ngày xưa vụng dại. Trong ông, dường như lúc nào, nhất là khi làm thơ, cũng có con mắt trẻ thơ như vậy. Cho nên, cũng thật dễ giải thích khi ông lúc nào cũng “chạy về mãi với ngày xưa” để “sống với ngày xưa”, tìm lại “tiếng ngày xưa”, “chỗ ngày xưa”, “hơi thở ngày xưa” để tập hợp thành một tên gọi vừa thân tình, vừa tha thiết và dạt dào thương cảm: Mùi xưa.
     Bài “Mùi xưa” là một khoảnh khắc sáng chói trong thơ Thanh Tùng trong tâm trạng “âm thầm đổ nhớ xuống hôm nay”. Như hiện  ra từ tiềm thức, như được trở về từ một cõi xa xăm thánh thiện nào đó, từ Thanh Tùng đã bật lên những câu thơ viết ra một lần và có thể không khi nào ông có thể viết lại được nữa. Đọc lên thấy được vẻ đẹp của “dạt dào”, của “xa xót”,  nói chính xác hơn là rất gần với “Bao nhiêu nước mắt/ dạt dào và trong” của thi sĩ người Ba Lan A. Mickiewicz trong “Bao nhiêu nước mắt…”vậy:
Tôi đã ở rất xa mùi xưa
Xanh xao gọi mãi đến vô cùng
Ở nơi ấy có ai của tôi không?
Ở nơi ấy có tôi của tôi không?
     Tình yêu và những gì liên quan đến tình yêu, cũng là một mảng đề tài đáng kể trong thơ Thanh Tùng và làm nên thơ Thanh Tùng. Trong mảng đề tài này, ông tự nhận Bây giờ tôi đi giật lùi/ Tình yêu ở lại phía sau tôi (“Bây giờ”). Như thế cũng có nghĩa, tình yêu (lứa đôi) của Thanh Tùng luôn ở phía sau, luôn thuộc về quá khứ.
     Tình yêu ấy trong ông là chiếc hôn (“Mùa hè cuối cùng”): Mỗi chiếc hôn cũng làm biển động. Tình yêu ấy là những giọt nước mắt được xâu chuỗi lại với một sự liên tưởng lạ lùng (“Sám hối): Những giọt nước mắt móc vào nhau thành sợi xích. Tình yêu ấy là em, là nhân vật trữ tình của thơ ông, vừa ở nghĩa chấp nhận, vừa ở nghĩa nâng vực, dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào, tình huống nào: Và chính em đã vớt anh lên/ Sau khi dìm xuống đáy; Ôi tình yêu như lưỡi câu tự nuốt/ Rồi tự mình cứ lơ lửng treo lên và em trong ông là lớn lao và có ý nghĩ như thế này đây (“Em với Hòn Gai”): Một mình em bắt cỏ cây phải khóc; Bao câu thơ đưa em qua bến Cháy/ Khói sóng còn vẽ mãi một thời xuân; Em đã thêm vào con sóng nhỏ/ Cứ xô hoài bờ đá cũng mặn lên.
     Ngoài “Thời hoa đỏ” với Em không đi hết tháng ngày đắm say, Hoa đặt vào lòng ta những vệt đỏ/ Như vết xước của trái tim và Như máu ứa một thời trai trẻ, trong vệt thơ tình yêu, Thanh Tùng còn có “Qua Quảng Yên” chất chứa một tình yêu mê đắm đến mức lý tưởng mà ngỡ cả đời không bao giờ đến được:
Trời rót xuống bao nhiêu say
Em rót vào bao nhiêu nhớ
Những chào mời siết một vòng ôm
Làm sao mà chứa nổi
Chân trời treo đầy tiếng sóng
Vẽ những đường hồi hộp của biển khơi
Cây vẽ lên ảo giác
Tôi sẽ thành tan nát
Nếu không kịp trốn vào đâu
Bông lau tìm lật qua chiều đông tái
Cho tôi quên cả lối đi về
Em sôi nổi làm tôi ngần ngại
Có bao giờ tôi dám ước mơ đâu!
     Phần bản-năng-thi-sĩ trong con người Thanh Tùng rất lớn. Ông như được trời sinh ra để làm thơ. Trong ông luôn dồi dào cảm xúc và sẵn nguồn thơ, đến nỗi thơ lúc nào cũng đầy ứ và chỉ chực tuôn trào.
    Về những câu thơ ứng tác của Thanh Tùng, nhà thơ Nguyễn Vũ Tiềm viết: “Ai từng làm thơ đều biết, tìm thi ứng, nung nấu tứ thơ, viết, sửa từng câu từng chữ, có khi hàng năm mới được bài thơ. Hồi còn nhỏ, tôi được đọc truyện “Nhà thơ ứng tác” của văn học Nga, ấn tượng mãi đến giờ. Tôi nghĩ, người có khả năng ứng tác là một biệt tài trời phú, trường hợp này, trên thế giới vô cùng hiếm hoi. Nhưng đó là truyện, chắc là hư cấu thôi, chứ dễ đâu có thật! Vậy mà giờ đây, ngay bên cạnh tôi, cùng làm việc với tôi, là một nhà thơ ứng tác tài ba bằng xương bằng thịt, có thật một trăm phần trăm. Nhiều lúc tôi nhìn ông, chiêm ngưỡng ông và thầm hỏi: Con người bình dị vậy mà tài năng đặc biệt đến thế ư? Bí mật trời phú cho ông được cất giấu ở chỗ nào vậy?”
    Vì lẽ ấy mà về mặt hình thức, thơ Thanh luôn tràn ra ngoài mọi khuôn phép. Ông không bao giờ lệ thuộc vào hình thức và cũng không bao giờ ông coi trọng hình thức. Thơ ông rất ít khi ngắt khổ và ông cũng ít viết thơ ngắn. Thơ ông là đời sống và chính là cuộc sống. Ông luôn muốn “Cho thơ sát với thịt da người” (“Thơ giữa chợ”). Trong “Còn đây một thời hoa đỏ” do nhà văn Văn Chinh tuyển chọn mới xuất bản gần đây, chỉ có dăm bảy bài thơ ngắn. Đó là “Rhodes”(5 câu), “Nụ cười Lagiocon”(4 câu), “Nỗi bức bối của tình yêu” (2 câu), “Lý giải” (4 câu), “Không đề” (4 câu), “Hoa mai” (4 câu), “Thu Hà Nội” (4 câu). Trong “Còn đây một thời hoa đỏ”, ông chỉ viết có một cặp lục bát truyền thống hiếm hoi qua “Cần Thơ”:
Em ơi đến với tôi không
Để mai lúa trổ đòng đòng vào thơ.
     Thanh Tùng là người kết nối, kích hoạt cảm xúc thơ, mỹ cảm thơ đến với độc giả. Và ông cũng là người truyền cảm hứng thơ tới độc giả. Làm được như thế không phải dễ! Đó cũng là một phần làm nên giá trị và vai trò thơ Thanh Tùng.
     Tôi nghĩ, trong làng thơ nước nhà, lâu lắm rồi, mới có một Thanh Tùng - thi sĩ như thế! Và sau ông, không biết bao giờ, chúng ta mới có một thi sĩ kiểu Thanh Tùng!