Trong làng thơ phương Nam những năm đầu thế kỷ 21, Trần Lê Khánh là một phát hiện thú vị đối với giới mộ điệu cũng như giới nghiên cứu. Qua những tập thơ đã xuất bản như “Lục bát múa”, “Dòng sông không vội”, “Ngày như chiếc lá”, “Giọt nắng tràn ly”… chân dung thi sĩ Trần Lê Khánh hiện ra với dáng vẻ vừa trầm tư vừa lãng đãng. Nói cách khác, Trần Lê Khánh tự vẽ khuôn mặt mình bằng cái tôi trần gian lặng lẽ và cái tôi hư ảo thoát tục!



TRẦN LÊ KHÁNH MỘNG MƠ GIỮA HAI BỜ HƯ THỰC

LÊ THIẾU NHƠN


Trần Lê Khánh đến với thơ khá muộn. Sau tuổi 40, anh mới tìm đến thi ca, hoặc thi ca mới gõ cửa tâm hồn anh. Đó là ở góc độ quan sát bình thường, còn thơ lắng đọng và thơ tích tụ trong mỗi người mỗi cách khác biệt, rất khó nhận biết. Đôi khi thơ đã nằm sẵn ở từng mạch máu chỉ chờ thời điểm thích hợp để ùa ra trang giấy mà thôi. Với trường hợp Trần Lê Khánh thì cứ tạm hiểu thơ đã gọi tố chất thi sĩ của anh bằng âm thanh ngẫu nhiên như có sự an bài của số phận “Buồn ơi cởi áo đêm nay/ Em cài bông tuyết khuy này lạnh run”. Tuy nhiên, nếu đọc thơ Trần Lê Khánh theo tiến trình nhập cuộc sáng tạo của tác giả, thì thơ đã giúp anh thấy được chính mình phía run rủi được mất nhân duyên: “Hạt bụi tìm lại bản năng/ Đi săn cho được chỗ nằm sạch trơn”.

Một đặc trưng dễ nhận thấy ở thơ Trần Lê Khánh là anh luôn nén chặt cảm xúc bay bổng bằng cái nhìn lý trí, để câu mông lung và câu hờ hững tạo đà cho câu phát hiện: “Rừng xưa giấu bớt cây/ Sóng khua cơn gió đuổi/ Đêm mùa đông không tuổi/ Dấu lửa chờ bên thông”. Một bài thơ ngắn, câu thơ thứ tư kéo cả ba câu trước vào một niềm riêng xao xuyến, thì không thể nói tác giả không chú trọng kỹ thuật viết!

Thi sĩ Trần Lê Khánh có thao tác làm thơ độc đáo. Anh thường tìm cách kéo hai sự vật hoặc hai hiện tượng rất xa lại gần nhau. Cứ thế, lửa đặt cạnh nước, trắng đặt cạnh đen, hiện thực đặt cạnh tưởng tượng, mặt đất đặt cạnh thiên đường… để từng sự tương tác chuyển hóa thành thơ, để từng cơn va đập chuyển hóa thành thơ. Bài thơ “Dè sẻn” vỏn vẹn hai câu, nhưng lại mở ra nhiều suy tư: “Dòng sông chỉ có một thân/ Mang theo chiều muộn bao lần hả anh”. Dòng sông trước mắt, còn chiều muộn mơ hồ, vậy mà khi dòng sông sánh đôi chiều muộn lại nảy sinh tâm trạng bâng khuâng tiếc nuối “một thân” xen lẫn ngẩn ngơ hoài niệm “bao lần”.

Thi sĩ Trần Lê Khánh không hứng thú với những lời thánh thót hay những câu vang vọng. Thơ anh có xu hướng cô đặc lại, như viên sỏi ném xuống mặt hồ ý thức phẳng lặng những xa vắng trùng khơi. Thơ Trần Lê Khánh thực đấy mà hư đấy, gần gũi đấy mà thăm thẳm đấy. Đọc thơ Trần Lê Khánh, không khó hình dung anh đang ngắm chiếc lá la đà cành thấp với màu xanh của bầu trời cao vọi. Thế nhưng, đọc thơ Trần Lê Khánh phải có sự giải mã để có thể tiếp cận đầy đủ giá trị thẩm mỹ mà anh gửi gắm qua từng dòng lơ lửng. Tất nhiên, Trần Lê Khánh không có mục đích đánh đố độc giả, anh chỉ tìm cách ký thác mới mẻ hơn, quyết liệt hơn những ý niệm của mình về cuộc sống, về ân nghĩa, về thị phi. Thử phân tích bài thơ “Vũ trụ” có 4 câu
“Trăm năm rồi
Tiếng chuông chiều
Rót không đầy
Gợn gió phiêu phiêu”
Bài thơ chỉ có 13 chữ, nhưng chia thành hai chủ thể trữ tình cùng đánh cược với trăm năm: tiếng chuông và ngọn gió! Tiếng chuông có thể trầm mặc, tiếng chuông có thể thảng thốt, nhưng qua một thế kỷ vẫn rót không đầy gợn gió đang hắt hiu thổi qua lòng người. Điệp từ “phiêu phiêu” ám ảnh tâm trí người đọc, và điệp từ “phiêu phiêu” cũng là thứ cảm giác còn lại sau cùng của người đọc, khi tiếng chuông cũng tan, khi ngọn gió cũng bay!

Cái thử thách khắc nghiệt nhất đối với thể loại thơ ngắn là năng lực chữ. Những chữ sáo mòn và những chữ du dương, không thể nào tạo được hiệu ứng thơ ngắn. Thi sĩ Trần Lê Khánh hơn một lần chứng minh anh biết dùng chữ và anh biết say chữ. Trong bước đi của thi pháp, chữ vừa đẩy người ra xa, chữ vừa níu người lại gần, thì không gian thơ ngắn vốn khá chật chội mới đủ mở ra vòm sinh khí khác cho độc giả. Chữ của Trần Lê Khánh không gọt giũa sang trọng và cũng không trang điểm diêm dúa. Trần Lê Khánh thả chữ vào bài thơ đầy ngẫu hứng mà cũng thật chính xác. Bài thơ “Mà thôi” khá tiêu biểu cho kiểu chữ nghiêng ngả của Trần Lê Khánh
“Phố xa lo lót con đường
Hàng cây cúi xuống mà buông lá vàng
Ngọn đèn nghĩ ngợi miên man
Người đi qua phố chẳng màng bước chân”
Chữ “lo lót” nối phố xa với con đường, còn chữ “cúi xuống” lại gieo cho lá vàng một linh hồn băn khoăn. Còn hai dữ liệu “ngọn đèn” và “người đi” cứ nhòa vào nhau, cứ đổ lên nhau vì cảnh vật đã “không màng bước chân”. Sự vật hiện ra trong bài thơ vừa âm thầm tượng hình vừa thanh thoát siêu hình! Kể, mà như không kể! Tả, mà như không tả! Bài thơ “Mà thôi” giấu kín một tiếng thở dài, dùng dằng mơ hồ giữa khoảng lặng có nghĩa và vô nghĩa!

Sự thành công của Trần Lê Khánh ở thể loại thơ ngắn, nhờ dung hòa sự tài hoa và sự chiêm nghiệm. Trong sương khói cảm xúc, Trần Lê Khánh biết cách khái quát những ý niệm riêng tư để thuyết phục độc giả khó tính. Phẩm chất ấy, rõ ràng nhất ở… tiêu đề của mỗi bài thơ. Phần lớn những bài thơ ngắn của Trần Lê Khánh, nếu hờ hững với tiêu đề thì sẽ hao hụt ít nhiều. Nói không ngoa, tiêu đề giống như mật khẩu, nắm giữ 50% sức mạnh chinh phục của mỗi bài thơ mà Trần Lê Khánh viết ra
.  
Phải đặt mình vào bối cảnh tiêu đề “Về nhà”, thì mới thấm thía sự quạnh quẽ của “chiếc bóng” trong bài thơ: “Hoàng hôn/ Người lữ khách/ Đi ngang đời mình/ Chiếc bóng”

Phải thắc mắc như tiêu đề “Nhớ chưa”, thì mới chia sẻ được nỗi hắt hiu của ngọn lửa chuyển mình theo que diêm để tìm đến ngọn nến giữa vỡ òa dâng hiến: “Ngọn lửa/ Men theo que diêm/ Tìm bóng mình/ Trên ngọn nến lung linh

Phải minh định “Em đi” phía xa mờ như tiêu đề, thì mới xao xác từng tiếng động nhỏ nhoi vẫn cồn cào ký ức: “Gió/ Nhặt tiếng lá rơi/ Muôn đời/ Còn sót lại”

Phải bước vào cuộc “Yêu” như tiêu đề, thì mới hiểu hết sự hoang vu không chừa cho ai lối thoát nào trước kỷ niệm vùi chôn heo may: “Em/ Quên mùa thu/ Quên chiếc lá bay trong lòng/ Hai mặt hoang vu”

Cũng như, phải kết nối tiêu đề “Trong lúc em mơ” với bốn câu xô lệch, thì mới cảm nhận trọn vẹn vẻ đẹp u tịch hòa vào mênh mông: “Ngọn đèn dầu/ Ném bóng mình/ Qua cửa sổ/ Cho một vì sao”.

Thơ Trần Lê Khánh không phải là thứ thơ ngâm vịnh. Thơ Trần Lê Khánh không ru ngủ ầu ơ thương nhớ, mà thơ Trần Lê Khánh đánh thức mộng mơ nhân bản. Cụ thể hơn, thơ Trần Lê Khánh chỉ phù hợp với những người dám ngồi một mình để suy tư cùng vài khoảnh khắc rong rêu của định mệnh. Ở đó, vui buồn không còn đáng rạch ròi, mưa nắng không còn đáng ái ngại, khi nhìn năm tháng mất còn như một “Vở kịch” phiêu bồng: “Em về bước nhẹ như tiên/ Hoàng hôn đỏ mặt trong phiên của mình/ Thuở em đứng đó lung linh/ Tự dưng trái đất lập trình để quay”./.