Cải cách ruộng đất, gia đình thầy Hàn Thọ xếp vào diện bần nông, nghĩa là rất nghèo. Thầy Hàn Thọ không thuộc diện bị đưa ra đấu tố mà thầy cũng chẳng đấu tố ai. Chẳng lẽ cha mẹ là bần nông nghèo khó, con lại nâng lên thành địa chủ và xúi người khác “Lôi cổ bọn nó ra đây/ Bắt quỳ gục xuống, đọa đày chết thôi”!




HÃY XUA ĐI CON QUẠ TRÊN MỒ XUÂN DIỆU

NGUYỄN QUỐC TRUNG

Trên đường đưa tôi từ Hương Sơn đến Can Lộc (Hà Tĩnh), khi ngang qua đoạn đường trước Nhà văn hóa Xuân Diệu, biết tôi thăm quê nhà thơ, người lái taxi đang vui chợt sa sầm mặt:
- Trước đây tôi mê thơ Xuân Diệu, nhưng từ khi đọc bài đấu tố cha mẹ: “Ai về làng Bố Hạ/ Nhắn vợ chồng thằng Thụ/ Rằng chúng bay là lũ quốc thù…/ Lôi cổ bọn nó ra đây/ Bắt quỳ gục xuống, đọa đày chết thôi” thì tôi căm phẫn, dị ứng với thơ ông.

Dứt lời, anh tăng tốc xe, mặt giận dữ. Tôi cho anh biết, không chỉ riêng anh, nhiều người đọc mấy cái gọi là thơ ấy đã tỏ ra bất bình với Xuân Diệu, ai mà ngờ nổi, nhà thơ nổi tiếng với những tác phẩm được họ ngâm nga, chép vào sổ tay, lấy để thả thính cho người mình yêu và những bài thơ hừng hực khí thế yêu nước mà vẫn thấm đẫm tính nhân văn, lại hành xử độc ác với cả bố mẹ như thế. Để rồi có kẻ còn độc mồn gọi Xuân Diệu là “thi sĩ chó đẻ”, “ngoài Xuân tóc đỏ còn có Xuân tóc quăn”. Mạng thông tin xã hội đang có nguy cơ để những kẻ văn hóa ứng xử thấp thóa mạ người khác tới độ mất nhân tính vậy đó.

Trảo Nha, nghĩa là nanh vuốt, vốn là làng nổi tiếng ở xứ Nghệ. Xuân Diệu đã dùng bút danh là Trảo Nha, và ông chỉ một bút danh ấy, chứng tỏ rằng ông đã yêu quý quê cha đến nhường nào. Trảo Nha là địa chỉ khảo cổ thời kỳ đồ đá mới, qua những lần khai quật ở đồi Nghèn, đã tìm được những rìu, búa, cuốc bằng đá. Trảo Nha đất địa linh nhân kiệt, nơi sinh ra các vị đại khoa Ngô Cảnh Hữu, Ngô Phúc Tịnh, Ngô Phúc Mai, Nguyễn Bật… Thời Lê Tây Sơn có 18 vị quận công, 36 hầu tước, 4 vị tạo sĩ (tiến sĩ võ), chỉ trong làng này nếu liệt kê danh nhân, danh tước, các ông tiến sĩ có thể hết vài ba trang giấy. Nhắc tới làng này, trước tiên người ta nghĩ đến Xuân Diệu, ông hoàng thơ tình, một bộ óc bách khoa văn học. Xuân Diệu là niềm tự hào không chỉ của nhân dân vùng này mà là của hết thảy chúng ta. Danh nhân văn hóa, đặc biệt là người sáng tạo tác phẩm văn chương tầm cỡ Xuân Diệu sống mãi bởi được lưu truyền trong thư viện nhân dân.

Bây giờ làng Trảo Nha đã đổi khác hoàn toàn, đường đất nay được trải nhựa, đổ bê tông bắt vào tận ngõ xóm, nhà tranh vách đất đã thay bằng nhà ngói, nhà tầng. Chợt nhớ bài thơ Ngói mới Xuân Diệu viết năm 1959, tiếng reo vui của thi sĩ trước mái rạ lụp xụp thay bằng nhà cao rộng lợp ngói đỏ thời miền Bắc xây dựng xã hội mới, hạnh phúc của người dân cũng là hạnh phúc của nhà văn. Giờ đây nông thôn đã có nhà lầu, xe hơi. Trên cánh đồng nông dân làm việc bằng máy cày, máy bừa, máy gặt, vận chuyển hàng hóa bằng xe tải, không còn cảnh “đòn gánh tre chín dạn hai vai”, như câu thơ Nguyễn Du mà sinh thời Xuân Diệu thường trích dẫn khi nói về sự cơ cực của nông dân.
***
Người chúng tôi gặp là bác Hữu Dật, người mà tôi được biết thời chiến tranh biên giới Tây Nam, làm nghĩa vụ quốc tế ở Campuchia. Sau khi nghỉ hưu bác về quê sưu tầm văn hóa dân gian vùng sông La núi Hồng và làm từ thiện giúp trẻ em nghèo được đến trường. Vốn tính ngay thẳng, bộc trực của người miền Trung, bác Dật nói ngay khi tôi hỏi về những câu thơ “đấu tố” trên:
- Những ai quan tâm tới tiểu sử Xuân Diệu sẽ biết ngay đó là thứ hàng giả, là ngụy tạo nhằm hạ uy tín nhà thơ Xuân Diệu. Trước tiên, như ta đã biết, Bố Hạ không phải là quê Xuân Diệu, cha Xuân Diệu là Ngô Xuân Thọ, chứ không phải là Thụ như kẻ xuyên tạc bịa đặt. Cụ Ngô Xuân Thọ đỗ tú tài, hồi bấy giờ tú tài được xem là học vấn khá cao, khi nhận văn bằng được làng đón rước. Dân làng gọi cụ là thầy Hàn Thọ, vì cụ tú không làm quan chức trong chính quyền do thực dân bảo hộ mà đi dạy học. Thầy giáo Hàn Thọ đã vào Quy Nhơn dạy học rồi kết duyên với cô Nguyễn Thị Hiệp, ở làng Gò Bồi, Tuy Phước, tỉnh Bình Định. Gia đình cô Hiệp làm nghề chế biến nước mắm thủ công. Xuân Diệu đã viết những dòng đằm thắm trong bài thơ Cha đàng ngoài, mẹ ở đàng trong:
Ông đồ Nghệ đeo khăn gói đỏ
Vượt đèo Ngang kiếm nơi cần chữ
Cha đàng ngoài, mẹ ở đàng trong
Hai phía đèo Ngang: một mối tơ hồng.
Cha đàng ngoài, mẹ ở đàng trong
Ông đồ nho lấy cô làm nước mắm.
Vợ chồng thầy Hàn Thọ có hai người con là Ngô Xuân Diệu, tức là nhà thơ Xuân Diệu và Ngô Xuân Sanh, bút danh viết văn là Tịnh Hà.
Tôi vội nói:
- Tôi được gặp nhà văn Tịnh Hà một đôi lần thời ông công tác ở báo Văn nghệ, thường trú ở thành phố Hồ Chí Minh. Đó là một người nho nhã, đọc nhiều, hiểu biết rộng, khiêm nhường đến rụt rè.
Bác Hữu Dật nói tiếp:
- Khi Ngô Xuân Sanh vào tuổi thiếu niên thì kinh tế gia đình gặp rất nhiều khó khăn. Năm lên bảy, Ngô Xuân Sanh đã bỏ nhà đi phụ quán cơm, kéo xe, làm kép hát cải lương, được điều chú không bao giờ xa rời đèn sách nên sau đó đi dạy học trường tư và viết văn. Đó có lẽ nhờ cái gốc văn hóa dòng họ, bố là nhà Nho chăng? Năm 1943, Ngô Xuân Sanh viết xong truyện vừa Chim lồng. Chính anh trai Xuân Diệu đọc và khuyên em lấy bút danh là Ngô Thứ Xuân.

Bác Hữu Dật cho biết thêm:
- Sau thời gian ở Bình Định, thầy giáo Hàn Thọ về Can Lộc. Ruộng vườn ở Trảo Nha hẹp nên thầy giáo đưa gia đình lên làng Thổ Hoàng (nay thuộc xã Phương Mỹ, huyện Hương Khê) khai hoang, trồng khoai sắn, trỉa lúa cạn, gọi là lúa lốc, chịu được hạn hán. Thời bấy giờ dân miền xuôi di dân lên miền ngược khẩn hoang khá đông. Khai hoang cần người có sức khỏe tốt. Gia đình thầy Hàn Thọ không có lao động khỏe để vỡ hoang nên chỉ làm được vài ba sào ở ven đồi. Cải cách ruộng đất, gia đình thầy Hàn Thọ xếp vào diện bần nông, nghĩa là rất nghèo. Thầy Hàn Thọ không thuộc diện bị đưa ra đấu tố mà thầy cũng chẳng đấu tố ai. Chẳng lẽ cha mẹ là bần nông nghèo khó, con lại nâng lên thành địa chủ và xúi người khác “Lôi cổ bọn nó ra đây/ Bắt quỳ gục xuống, đọa đày chết thôi”! Nhà thơ Xuân Diệu là người rất có hiếu, “Đội ơn thầy, đội ơn má sinh con/ Cảm ơn thầy vượt đèo Ngang bất kể/ Cảm ơn má biết yêu người xứ Nghệ/ Nên máu con chung hòa cả hai miền”. Chúng ta chưa biết khi Xuân Diệu làm công chức hưởng lương, lĩnh nhuận bút có gửi phụ giúp cha mẹ hay không, nhưng trả nghĩa bằng thơ như vậy là có hiếu. Nói cho cùng, tiền bạc rồi cũng xài hết, còn thơ lưu lại cho muôn đời. Qua những bài thơ ấy chúng ta ghi ơn thầy Hàn Thọ đã sinh dưỡng cho đất nước một nhà thơ lớn.

Vậy là chúng ta biết thêm về người cha Xuân Diệu. Phải chăng, từ trong gia đình Nho phong, cần cù ấy mà bản tính Xuân Diệu làm việc không quản thời gian và luôn cần kiệm. Là một ông hoàng thơ tình nhưng Xuân Diệu không có thú vui hưởng thụ rượu chè, hút xách như một vài văn nghệ sĩ đương thời. Bác Hữu Dật dặn tôi:
- Anh ở thành phố lớn, quen biết nhiều trí thức, nên tìm xem nguồn gốc cái gọi là thơ ấy xuất phát từ đâu. Tại sao chúng lại tính hãm hại Xuân Diệu, một nhà thơ, một danh nhân văn hóa? Và kẻ nào đang tâm làm chuyện tày đình như thế?

***
Thật là may mắn cho tôi, trở về thành phố Hồ Chí Minh chưa được bao lâu, một buổi sáng chủ nhật ở quán cà phê cóc trong hẻm phố ở quận 3, tôi được gặp một người từng sống trong vùng tạm chiếm Sài Gòn - Gia Định vào những năm 1950 đến ngày giải phóng. Ông là người đọc nhiều, rất mê thơ Xuân Diệu, Chế Lan Viên, Huy Cận, Tế Hanh. Chúng tôi cao hứng đọc những bài thơ mình yêu thích rồi trò chuyện về thân thế sự nghiệp các văn tài ấy. Khi nghe tôi nói về cái gọi là thơ Xuân Diệu đấu tố cha mẹ đó, thì ông đáp liền: “Trò hề của cái đám trong Bộ Chiêu hồi thời Mỹ - ngụy đó mà”. Rồi ông cho biết, bài đó in trong tạp chí Lòng mẹ của Bộ Chiêu hồi năm 1967. Hồi đó, chúng tổ chức một bộ phận chuyên xuyên tạc, bôi nhọ thực tế ở miền Bắc. Mục tiêu của chúng nhắm tới là dân sống trong chế độ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa không được tự do, luôn bị đàn áp, văn nghệ sĩ không được tự do sáng tạo, bị cầm tù, chúng khoét sâu sai lầm thời kỳ cải cách ruộng đất. Họa sĩ T.T. khi ấy đang là trung tá ở Tổng cục Chiến tranh chính trị quân đội ngụy, đã viết về nhà văn Nguyễn Tuân “tự tử ở hồ Hoàn Kiếm”. Câu chuyện dựng đứng lên rằng, đêm ấy Nguyễn Tuân một mình uống rượu đến khuya rồi cắp vỏ chai trèo tường ra hồ Gươm tự vẫn. Điều đáng nói là chính thời gian ấy, nhà văn Nguyễn Tuân đang kiên cường đánh giặc bằng những bút ký, tùy bút về những sự việc đặc sắc của quân và dân Hà Nội bắn cháy máy bay Mỹ và cả lời thú tội của đám phi công Hoa Kỳ đang ngày một nhiều thêm ở “khách sạn Hilton” (nhà tù Hỏa Lò). Các áng văn ấy của Nguyễn Tuân được phát trên Đài Tiếng nói Việt Nam. Nghe đâu sau này ông T.T. ân hận về việc làm thiếu lương tâm đó và có cải chính. Nhưng chắc rằng vết nhơ trong cuộc đời người họa sĩ có khiếu vẽ chân dung này khó mà gột rửa nổi.

Bộ Chiêu hồi còn lấy lời bài hát cách mạng, bịa lời lệch lạc, dung tục phát lên Đài Tiếng nói Gươm thiêng ái quốc và thâu băng để máy bay trực thăng phát loa khi bay vào nơi mà chúng cho rằng bộ đội, du kích hoạt động hòng lung lạc ý chí của quân ta. Chúng sáng tác những bài hát chán chường, buồn thảm nhằm làm suy yếu tinh thần bộ đội ta, nhưng ngờ đâu chúng đã khiến binh lính Việt Nam Cộng hòa thêm mất hết nhuệ khí, đào ngũ ngày càng đông vì chính những bài hát đó.

Nhà thơ - nhà văn hóa lớn Xuân Diệu vĩnh biệt cõi nhân gian đã hơn ba thập kỷ. Người yêu văn học thấy trống vắng đi nhiều. Thơ Xuân Diệu đã là sản phẩm tinh thần của đất nước, của dân tộc. Dẫu giờ đây có lắm phương tiện, nhiều trò giải trí nhưng không thể thay thế được văn học vì ngôn ngữ văn chương làm giàu cho tâm hồn, tạo cho con người cốt cách, cảm hứng sống bền vững. Chắc hẳn, bạn đọc cùng thời với nhà thơ không thể quên những buổi nói chuyện thơ với chất giọng hào sảng, nồng nhiệt, uyên bác của Xuân Diệu. Sức lao động nghệ thuật của Xuân Diệu thật phi thường, suốt mấy chục năm, ông đã viết nên những bài, những công trình nghiên cứu đặc sắc để cho chúng ta đi vào cõi thơ của Nguyễn Trãi, Hồ Xuân Hương, Nguyễn Đình Chiểu, Cao Bá Quát, Đào Tấn… Sự nghiệp của Xuân Diệu là bất diệt.


Nguồn: Hồn Việt