Ảnh của bà luôn luôn xuất hiện trên các trang báo. Đám “thợ săn ảnh" và các tay bút phóng sự luôn bén gót bà. Còn cuộc sống riêng tư của bà đã thực sự kích thích mối quan tâm và tính hiếu kỳ của hàng triệu người.




NĂM NGƯỜI ĐÀN ÔNG TRONG CUỘC ĐỜI MỘT NỮ MINH TINH

“Chỉ khi yêu hay được yêu, tôi mới cảm nhận ra mình đang sống. Và những gì tốt đẹp, diệu kỳ, dễ chịu nhất trong cuộc đời, vào thời điểm đó mới hiển hiện trong tôi. Thiếu vắng tình yêu tôi giống như một quả bong bóng xà phòng dễ tan vỡ, hoặc như ngọn cỏ dại lắt lay trước gió “. Nữ minh tinh màn bạc Pháp- Brigitte Bardot đã viết trong cuốn hồi ký “Mấy chữ B.B “ của mình như thế.
Quả là như vậy. Brigitte Bardot sinh ngày 28 tháng Chín năm 1934. Ngay từ năm 16 tuổi, đã “bén duyên" với điện ảnh để năm 1952 bà bước ra trước ống kính và nhanh chóng nổi tiếng, trở thành biểu trưng của Điện ảnh Mới của Pháp- một thứ điện ảnh khoáng hoạt hơn, cởi mở hơn và cũng mẫn cảm hơn. Bradot rất nhanh chóng được công nhận là biểu tượng sexi, trở thành người đầu tiên được chọn làm mẫu cho pho tượng bán thân mang tên Marianna- biểu trưng của nước Pháp. Ảnh của bà luôn luôn xuất hiện trên các trang báo. Đám “thợ săn ảnh" và các tay bút phóng sự luôn bén gót bà. Còn cuộc sống riêng tư của bà đã thực sự kích thích mối quan tâm và tính hiếu kỳ của hàng triệu người. Ấy vậy nhưng thiếu vắng tình yêu, bà không muốn tiêp xúc với ai, kể cả các đồng nghiệp, các đạo diễn, các nhà báo, các phóng viên ảnh.
Xin được kể về 5 người đàn ông đã đi qua cuộc đời bà...

ROGER VADIM
“Vadim không nói gì cả, anh nhìn tôi trừng trừng, nửa như dọa dẫm, nửa như ve vuốt, khiến tôi không còn tự chủ được nữa" - Bardot kể lại ấn tượng đầu tiên về Roger  Vadim như thế. Hai người gặp nhau một cách tình cờ, khi nàng mới 16 uổi. Ảnh Bardot đăng trên tạp chí ELLE và đạo diễn Pháp nổi tiếng Mark Allegre muốn gặp. Roger Vadim (tên thật là Vidim Plemannikov)- con trai một người Nga lưu vong là trợ lý của ông đạo diễn kia.Cha mẹ Bardot phản đối mối tình của con gái mình với Vadim, nhưng đôi bạn trẻ khá cứng đầu không chịu nghe lời. Hai năm sau, vào năm 1952 họ thành vợ thành chồng. Cả hai cùng nhau say mê tìm tòi về phim ảnh. Đến năm 1956, dù Bardot đã xuất hiện trong nhiều bộ phim, bà mới tham gia bộ phim đầu tay của Rogie Vadim- “Và thượng đế sinh ra đàn bà". Bộ phim này gây một “vụ nổ” về phương diện sáng tác của cả Vadim lẫn Bardot. Phim bị phê phán vì..quá “thẳng thắn” (bênh vực phụ nữ có quyền tự hào về hình thể mà Thượng đế ban tặng). Người ta tranh cãi, rồi cấm chiếu nhưng cái chính là cả ở châu Âu lẫn nước Mỹ rất đông người xem kéo tới rạp. Nhưng cũng chính bộ phim này chấm dứt cuộc sống lứa đôi của hai con người kỳ lạ này.

JEAN-LOUIS TRINTIGNANT
“Đóng những cảnh yêu đương tôi thật là tôi. Vì tôi luôn thật là tôi nên tôi đã yêu bạn diễn Jean- Luois Trintignant . Với Vadim, tôi như em gái của anh. Tôi mãi mãi giữ tình cảm đó với anh, anh là chỗ dựa, người bạn, là gia đình của tôi.Nhưng tôi không yêu anh nữa. Trong tôi tình cảm đối với anh từ lâu đã tắt nguội. Còn đối với Jean-Louis tôi được trải qua những cảm xúc thật nồng ấm.Anh là một con người khiêm nhường, sâu sắc, biết lắng nghe, bình thản, chỉn chu, mạnh mẽ mà cũng hay cả thẹn. Anh không giống tôi. Anh tốt hơn tôi”
Nam diễn viên Pháp trẻ tuổi cũng trở nên nổi tiếng nhờ bộ phim “Và Thượng đế sinh ra đàn bà”.  Chính trong quá trình ghi hình bộ phim này tình yêu đã nảy nở giữa Brigitte Badot và Jean-Louis;  tình yêu ấy đã phá hủy cuộc hôn nhân giữa Bardot với đạo diễn Roger Vadim. Mối tình này đủ sức sống tới hai năm sau. Rồi Jean-Luois bị gọi vào lính và Bardot có niềm say mê mới.

JACQUES CHARRIES
“Jacques Charries là một ngôi sao sáng chói nhất trong bộ phim “Những kẻ dối lừa". Bộ phim này gây ấn tượng mãnh liệt và thành công đến không ngờ. Anh đã trở thành một Gerard Phillipe mới: lãng tử, đẹp trai, có học vấn ". Vẫn là lời Brigitt Bardot.
Sau khi chia tay với Trintignant, Bardot trải qua hai cuộc tình ngắn ngủi. Nhưng đến năm 1958 trong thời gian tham gia bộ phim “Mùa hè nghiệt ngã", nữ diễn viên dành nhiều cảm tình với Jacques Charries. “Suốt ngày, trên trường quay tôi nhìn thấy Jacques, trò chuyện với anh, ăn trưa với anh và đóng cảnh yêu đương với anh..”.
Bardot dính bầu. Và ngày 18 tháng Sáu năm 1959 hai người làm lễ thành hôn. Thời kỳ này có thể xem là năm tháng “nở hoa” trong cuộc đời Bardot: tậu villa, thoát khỏi đạo quân săn ảnh, các căn buồng luôn luôn thả rèm để tránh ánh mắt dòm giỏ của đám phóng viên. Chẳng bao lâu sau đám cưới  Jacques có lệnh gọi nhập ngũ, nhưng anh không muốn sang chiến đấu ở Algieri, thành thử anh mắc bệnh hoảng loạn tinh thần. Cơn sang chấn nặng đến độ đã có lần Jacques định tự vẫn. Anh thường xuyên cáu bẳn, cãi cọ với Brigitte. Điều này báo trước cuộc hôn nhân của hai người sẽ mau chóng kết thúc. Hai người chia tay vào năm 1962. Jacques nhận nuôi đứa con trai. Điều này khiến về sau Brigitte hối tiếc mãi. Sự nghiệp điện ảnh của Jacques cũng xuống dốc: Anh sắm vai tới đầu năm 1970, ấp ủ ý định trở thành nhà sản xuất phim. Và đến năm 1980 thì vĩnh viễn rời khỏi lĩnh vực điện ảnh.

CA SỸ, NHÀ SOẠN NHẠC SERIOZ GENSBUR
Vào giữa những năm 1960, Serioz Gensbur không nổi tiếng lắm nhưng trong giới âm nhạc anh được yêu mến, kính trọng như một nhà soạn nhạc, một ca sỹ có năng lực. Bản thân Bardot cũng không quan tâm nhiều đến tiếng tăm của Gensbur. Mối tình giữa hai người tuy ngắn ngủi nhưng để lại nhiều thành công có ý nghĩa. Bardot cũng không xa lạ với âm nhạc. Nữ diễn viên điện ảnh này đã cho ra đời một album vào năm 1960. Bà làm quen với Gensbur khi hát bài ca “ Bonnie and Clyde" của ông vào mùa thu năm 1967. Bài hát này ngay lập tức đi vào hai album “ Initials B.B “ và Đĩa hát “Bonnie and Clyde “. Ngoài ra, Genzbur còn ghi giọng bà trong bài hát “Je taime..moi nonplus” nhưng chính bà lại không cho phổ biến. Mãi sau này nữ ca sỹ Jein Brirkin mới hát bài hát này.

ALEN DELON
Cuối năm 1960, không hiểu do đâu công chúng bỗng đồn thổi: tất cả những bạn diễn của  Brigitte Bardot đều là tình nhân của bà. Chí ít ra, lời đồn thổi này không đúng với Alen Delon. Hai người gặp nhau khi cùng đóng chung trong bộ phim “ Những câu chuyện tình nổi tiếng” vào năm 1961. Trong phim này có một nhánh chuyện kể về mối tình giữa con trai của một quận công với con gái của một chú hề.  Đấy là những năm tháng nặng nề trong cuộc đời Bardot. Còn cuộc gặp gỡ lần hai diễn ra tại trường quay bộ phim “ Ba bước nữa tới hố sâu” vào năm 1968. Cả hai lần đó đều không hề làm nẩy sinh giữa họ một tình cảm gì khác ngoài tình bạn diễn. Nhưng những bức ảnh hai người chụp chung thường tạo thành cái cớ để người ta đồn thổi rằng có một mối tình đã nẩy nở giữa hai người. Ngược lại, trong quan hệ thực Bardot lại xem thường Alen Delon.
Trong cuốn tự truyện của mình Bardot đã viết về Alen Delon những dòng như sau: “Tôi đã đóng cặp với anh ấy 2 lần. Cả hai phim đều không thành công. Rõ ràng, thứ rượu pha chế giữa Delon và Bardot không gây ra chút say sưa nào. Quan hệ giữa hai chúng tôi không bao giờ vượt qua giới hạn của sự tôn trọng lẫn nhau. Cũng không có sự ấm áp, thân ái nào!  Tiếp xúc với Delon hệt như gặp chiếc tủ trang điểm ở đầu giường. Ánh mắt đó, gương mặt đó không có chút gì biểu cảm. Chúng không làm bạn xao xuyến, không rủ rê bạn. Trong cặp mắt, gương mặt ấy không thấy sự thành thật, không có cả cảm xúc và sự nồng nhiệt. Alen là một con người rất lạnh giá và cực kỳ ích kỷ.
                                              TÔ HOÀNG