Người tài ở lĩnh vực chính trị phải là người đề xuất ra chính sách mới, chính sách ấy có tác động ảnh hưởng lớn và tích cực đến tự do, dân chủ, hoặc thay đổi đời sống vật chất và tinh thần cộng đồng và dân tộc. Nhà chính trị Kim Ngọc “cha đẻ của khoán hộ”, “cha đẻ của đổi mới trong nông nghiệp”, là một ví dụ sinh động của nhân tài, đi trước thời đại.




CỬA NÀO ĐI, LỐI NÀO VÀO CHO NGƯỜI TÀI?

SƯƠNG NGUYỆT MINH

Xưa nay, người ta cứ hay nhầm lẫn người tài - nhân tài với trình độ học vấn cao. Thạc sĩ, tiến sĩ, phó giáo sư, giáo sư... không phải là nhân tài. Họ chỉ là người có học vấn cao ở lĩnh vực chuyên môn nào đó mà thôi. Cứ ở một trình độ đáp ứng với bộ tiêu chuẩn nào đó, thì ra học vị, học hàm ấy tương đương. Học lực khá trở lên, cộng với chuyên cần chăm chỉ, hai năm sau sẽ thành thạc sĩ, học thêm 3 năm nữa thành tiến sĩ. Đừng nhìn thạc sĩ, tiến sĩ như một cái gì đó cao vời vợi. Thử hỏi, hàng ngàn cụ tiến sĩ của gần một thiên nhiên kỉ Nho học, bây giờ nhớ được mấy ai? Thử hỏi hàng chục ngàn tiến sĩ thời hiện đại, nhớ được những ai?
Bây giờ, đang phổ cập trung học phổ thông. Xã hội phát triển đến một mức nào đó, nhà nước yêu cầu phổ cập đại học, rất có thể sẽ phổ cập sau đại học, tiến tới phổ cập toàn dân là tiến sĩ. Cứ như cách quan niệm người tài là thạc sĩ, tiến sĩ, giáo sư, thì lúc ấy cả nước tài năng, cả quốc gia đi đâu cũng gặp nhân tài ư?

Từ điển Tiếng Việt - Viện ngôn ngữ - Nxb Đà Nẵng - 2001 giải nghĩa từ Nhân tài là: “Người tài năng xuất sắc”. Như thế nào được gọi là Tài năng? Cũng chính cuốn Từ điển tiếng Việt này giải nghĩa từ Tài năng là: “Năng lực xuất sắc, khả năng làm việc giỏi và có sáng tạo một công việc”. Như vậy, người tài – nhân tài không chỉ là người có tài năng, mà phải là... tài năng xuất sắc cơ.

Người ta cũng hay nhầm lẫn người tài với người có kỹ năng kỹ sảo bậc cao. Chẳng hạn, một người thợ thủ công đục chạm đồ gỗ với các hình chim muông thú, hoa văn cách điệu đẹp thì cũng chỉ là nghệ nhân đến mức tinh sảo. Một chàng bắn cung bách phát bách trúng là cung thủ giỏi, thì cũng như anh bán dầu có thể giót dầu qua lỗ đồng xu đặt trên miệng chai, là anh thợ giót điêu luyện. Các cụ xưa bảo: “Trăm hay không bằng tay quen”. Chẳng qua, bắn cung giỏi, chạm khắc đẹp, giót dầu qua lỗ đồng xu, chỉ là có chút năng khiếu cộng với quen tay mà thôi.

Người tài có thể học vấn chuyên môn cao, và cũng có thể không. Nghệ sĩ dương cầm Đặng Thái Sơn đoạt giải nhất cuộc thi piano quốc tế Chopin lần thứ X ở Warszawa, hoặc giáo sư toán học Ngô Bảo Châu đoạt Huy chương Fields là người có học vấn cao và cũng là nhân tài. Người học vấn cao chưa chắc đã là nhân tài. Nhân tài chưa hẳn học vấn đã cao. Nhà thơ thần đồng Trần Đăng Khoa khi 8 tuổi học lớp 2 thì sao gọi là học vấn cao? Nhưng, ông lại viết ra những câu thơ tài hoa: “Ngoài thêm rơi cái lá đá/ Tiếng rơi rất mỏng như là rơi nghiêng”, hoặc: “Mái tranh ơi hỡi mái tranh? Trải bao mưa nắng mà thành quê hương?” Trần Đăng Khoa là nhân tài thơ, chứ không phải “Mình quen nghề mình, người quen nghề người”. Luyện tập làm thơ thành thói quen chỉ ra thứ thơ đọc được, in được chứ xuất thần thì lại là thiên phú.

Tài là do trời cho, do phúc đức cha ông ban tặng. Người ta có thể học để làm dầy kiến thức, được gắn cho các danh hiệu nọ các chức tước kia, chứ không ai học để thành tài nổi. Người có học vấn cao, người có chức vụ lớn, nếu kết quả làm việc cũng chỉ tương đương hiệu quả với những người cùng trình độ, người cùng chức vụ thì không thể nói là nhân tài. Nhân tài phải là người có năng lực, phẩm chất tài năng vượt trội. Nhân tài hoàn toàn khác với nhân lực trình độ cao. Người tài bao giờ cũng đi cùng tài năng sáng tạo, chứ không phải quen học, quen làm, quen việc đến mức thành quen tay, thành kĩ xảo.

Nhân tài bao giờ cũng có đóng góp lớn cho quốc gia dân tộc. Nhân tài không phải là người bình thường. Họ có tư duy và tầm nhìn cao hơn người bình thường. Họ nhìn thấy các vấn đề của cộng đồng, của đất nước, mà người khác không nhìn thấy. Họ làm được các việc mà người bình thường không làm nổi. Họ là người khai sáng, khai phá, khai phóng, đạt được thành tựu sáng tạo hơn người. Trong các hoàn cảnh nghiệt ngã, éo le của bản thân, gia đình, cộng đồng, của đất nước, họ luôn biết tự vượt qua, và dẫn dắt cộng đồng cùng vượt qua. Hiệu quả công việc của người tài bao giờ cũng vượt trội, thành tựu cũng vượt qua người bình thường gấp nhiều lần. Đã nói người tài, thì phải nói đến kết quả của tư duy và hành động của họ. Có nghĩa là phải có thành tựu cụ thể tác động tích cực đến cộng đồng, dân tộc, không chung chung được.
Còn trên nhân tài là thiên tài, là xuất chúng, là tuấn kiệt. Số người này rất hiếm hoi. Nếu là thiên tài thì sản phẩm của họ còn có tính vạch thời đại của đất nước, của nhân loại. Thiên tài Albert Einstein với phát minh Thuyết tương đối là một ví dụ sinh động.

Nhân tài trong văn học - nghệ thuật là phải có tác phẩm lớn, đóng góp vào giá trị tinh thần của cộng đồng dân tộc. Chẳng hạn như Vũ Trọng Phụng, Nam Cao là những nhân tài tài năng. Còn thiên tài phải kể đến các vị có tầm nhân loại như: Tolstoi với “Chiến tranh và hòa bình”, “Anna Karenina”; Victo Huygo với tiểu thuyết “Những người khốn khổ”, Cervantes với tiểu thuyết “Đon ki ho te”. Hay thiên tài âm nhạc Beethoven với kiệt tác âm nhạc: Giao hưởng số 6 Fa trưởng (Đồng quê); các bản sonata Bi tráng, Ánh trăng... Hoặc danh họa Vincent Van Gogh với bức tranh đầy số phận nổi tiếng... “Hoa diên vĩ”; và danh họa Pablo Picasso đồng sáng lập chủ nghĩa lập thể, tác giả của họa phẩm Guernica lừng danh...vv.

Người tài ở lĩnh vực chính trị phải là người đề xuất ra chính sách mới, chính sách ấy có tác động ảnh hưởng lớn và tích cực đến tự do, dân chủ, hoặc thay đổi đời sống vật chất và tinh thần cộng đồng và dân tộc. Nhà chính trị Kim Ngọc “cha đẻ của khoán hộ”, “cha đẻ của đổi mới trong nông nghiệp”, là một ví dụ sinh động của nhân tài, đi trước thời đại. Còn Chủ tịch Hồ Chí Minh lãnh đạo Cách mạng tháng 8 năm 1945 thành công, viết Bản Tuyên ngôn độc lập khai sinh nước Việt Nam dân chủ cộng hòa thì rõ là thiên tài chính trị, quân sự, văn hóa. Nhân tài thời nào cũng hiếm, thiên tài, tuấn kiệt, xuất chúng... càng hiếm hơn. Cụ Nguyễn Trãi viết: “Tuấn kiệt như sao buổi sớm/ Nhân tài như lá mùa thu”. Sao buổi sớm bao giờ cũng hiếm hoi. Mùa thu là mùa lá rụng, lá trên cành cũng ít. Tuấn kiệt, nhân tài lúc nào cũng hiếm. Nhưng, Nguyễn Trãi cũng viết “song hào kiệt thời nào cũng có”. Người hào kiệt là “Người có tài năng và chí khí hơn hẳn người bình thường.” Sự thật là thiên tài, tuấn kiệt, hào kiệt thời nào cũng có, còn nhân tài tuy ít nhưng lúc nào cũng sẵn. Chỉ có điều là chính quyền các cấp có muốn trọng dụng họ, và sử dụng họ như thế nào mà thôi.

Sử cũ, có câu chuyện tiến cử nhân tài thế này: Hoàng đế Đường Thái Tông coi nhân tài là nền tảng quốc gia, ông bảo thừa tướng Phong Đức Di: “Gần đây trẫm không thấy khanh tiến cử nhân tài nào cho trẫm cả?". Thừa tướng cung kính thưa: "Xin bệ hạ thứ lỗi! Cho đến lúc này, vẫn chưa có nhân tài nào xứng đáng để thần tiến cử". Đường Thái Tông cả giận: "Từ cổ chí kim, không thời nào không có nhân tài, chẳng qua họ xem xem kẻ ở ngôi cao như ta có xứng đáng để phục vụ hay không? Năm xưa, Chu Vũ Vương vời được Khương Thái Công ra làm việc, ngài phải hạ mình, đích thân kéo xe đi hơn 800 bước cầu hiền tài. Nếu không hạ mình cầu tài thì sao gây được cơ đồ. Nhân tài lúc nào chả có, chẳng qua bỏ sót mà thôi". Tể tướng nghe xong, hổ thẹn quá, đành cáo lui. Lịch sử đã từng ghi Lưu Bị “Tam cố thảo lư”, ba lần đến lều tranh cầu hiền tài Gia Cát Lượng, mới lập nên nhà Thục, tạo thành thế chân vạc trong thiên hạ thời Tam quốc.

Ở Việt Nam ta, nếu Lê Lợi không trọng dụng Nguyễn Trãi thì khởi nghĩa Lam Sơn có vượt qua được núi rừng Thanh Hóa, để “Đánh một trận sạch không kình ngạc/ Đánh hai trận tan tác chim muông”, xóa sạch bóng quân Minh xâm lược, lập ra một triều đại nhà Lê rực rỡ? Cụ Hồ lập nên một Nước Việt Nam dân chủ cộng hòa và đánh đuổi giặc Pháp xâm lược ra khỏi bờ cõi, một phần là Cụ biết cầu hiền tài một cách khao khát và chân thành. Trong lúc chính quyền non trẻ ở tình thế ngàn cân treo sợi tóc: giặc ngoại xâm, giặc đói, giặc dốt, Cụ Hồ đã trân trọng viết thư cho cụ Bùi Bằng Đoàn - vốn là Thượng thư Bộ Hình của chính quyền phong kiến Bảo Đại vừa bị đánh đổ với lời lẽ chân thành, cầu thị:
"Thưa Ngài! Tôi tài đức ít ỏi, mà trách nhiệm nặng nề. Thấy Ngài học vấn cao siêu, kinh nghiệm phong phú. Vậy nên, tôi mời Ngài làm Cố vấn cho tôi, để giúp thêm ý kiến trong công việc hưng lợi, trừ hại cho nước nhà dân tộc. Cảm ơn và chúc Ngài mạnh khỏe. Kính thư". Cụ Hồ còn mời ngài Vĩnh Thụy (vua Bảo Đại) – đứng đầu chính quyền phong kiến thối nát mà Cụ vừa đánh đổ ra làm cố vấn. Các vị Hán học như Viện trưởng Viện dân biểu Trung Kỳ Huỳnh Thúc Kháng, hoặc đại thần của triều đình cũ như: Phạm Khắc Hòe, Phan Kế Toại... hay các vị Tây học như Trần Đức Thảo, Trần Đại Nghĩa. Đặng Thai Mai, Trần Huy Liệu...; các doanh nhân tài năng như Trịnh Văn Bô, Nguyễn Sơn Hà... cũng được Cụ Hồ trân trọng mời làm việc, đi kháng chiến kiến quốc.

Cụ Thân Nhân Trung viết: “Hiền tài là nguyên khí quốc gia”. Cầu được người hiền tài là nguyên khí quốc gia rồi, nhưng sử dụng họ như thế nào cũng không kém phần quan trọng. Người xưa nói: “Dụng nhân như dụng mộc”. Người nào việc nấy. Không lấy sở trường làm sở đoản và ngược lại. Tiếc rằng, ở ta hiện nay có tình trạng người tài không được làm việc, hoặc người tài chán... bỏ đi. Họ không được trọng dụng, mà đãi ngộ cũng kém, môi trường làm việc càng không phù hợp. Có 13 cháu đứng đầu các cuộc thi Olympia đi nước ngoài học thì 12 cháu không về. Giáo sư Ngô Bảo Châu, nếu về Việt Nam công tác nhận lương khởi điểm 6 triệu đồng/1 tháng. Nghệ sĩ Đặng Thái Sơn về nước giảng dạy thì sẽ ra sao với tài năng của ông không bị lãng phí?
Có những tỉnh thành ưu tiên ưu đãi nhân tài, nhưng thực ra lại lấy người có học vấn thạc sĩ, tiến sĩ về làm việc, biên chế. Tuyển người có bằng cấp, mà không tuyển người thực tài. Nhưng, điều nhức nhối nhất là có những người quan lộ thần tốc mà chẳng mấy tài cán. Người bất tài rất kị người tài. Người bất tài sẽ tiếp tục tuyển chọn, nâng đỡ, lôi kéo kẻ bất tài khác chầu tụ quanh mình. Dĩ nhiên, người tài không có đất dụng võ, ngồi chơi xơi nước, người tài tự thấy lòng tự trọng tổn thường, rồi bỏ đi. Lối nào đi, cửa nào vào cho người tài?