Nhà văn Hồ Anh Thái kể chuyện Hội chợ sách Frankfurt: “Chen chân trong đám công chúng ấy một lúc thì dường như ai cũng ngạt thở, đầu óc váng vất, phải tản ra những sân khấu giao lưu tác giả hoặc các quán cà phê mà ngồi thư giãn. Mà giá vé vào cửa cho công chúng đâu có mềm: 75 euro/ngày (khoảng 1,9 triệu đồng). Giá vé cho giới kinh doanh sách trong mấy ngày giao dịch còn cao hơn”.
SÁCH VẪN LÀ THỨ BÙA MÊ TRÊN HÀNH TINH
HỒ ANH THÁI
Trong năm ngày mở cửa, từ 16/10 đến 20/10, Hội chợ sách quốc tế Frankfurt 2019 thu hút 302.267 khách tham dự từ 104 quốc gia, với 7.450 gian trưng bày. Nhìn vào những con số tổng kết, càng khẳng định một điều đã được chứng thực từ lâu: đây là hội chợ sách lớn nhất hành tinh.
Sách vẫn là thứ bùa mê trên hành tinh không chỉ cần có sách
Tôi từng dự những hội chợ sách bề thế không kém như hội chợ Gothenburg ở Thụy Điển, hội chợ Kolkata ở tiểu lục địa Ấn Độ. Đến những nơi như thế để thấy dù ai nói ngả nói nghiêng thì sách vẫn là một thứ bùa mê của rất nhiều người trên cái hành tinh không chỉ cần có sách này. Trong cuộc họp báo khai mạc hội sách Frankfurt 2019, nữ văn sĩ Ba Lan vừa đoạt giải Nobel văn chương Olga Tokarczuk nói: “Tôi tin vào thứ văn chương tập hợp được mọi người và làm nổi bật những điểm chung của con người”.
Hội chợ Frankfurt hàng năm đều mở cửa năm ngày: Ba ngày đầu dành cho giới xuất bản và làm sách chuyên nghiệp mua bán bản quyền, các tác giả giới thiệu tác phẩm mới, các nhà kinh doanh giao dịch sách và những sản phẩm phụ trợ, phái sinh từ sách. Hai ngày cuối tuần dành cho công chúng, người nườm nượp kéo vào hội chợ, các cầu thang trôi hoạt động liên tục. Để tránh quá tải, đầu cầu thang luôn có nhân viên bảo vệ ngăn một dòng khách lại, chỉ cho hàng người đi tiếp sau khi dòng khách đi trước lên được tầng trên.
Chen chân trong đám công chúng ấy một lúc thì dường như ai cũng ngạt thở, đầu óc váng vất, phải tản ra những sân khấu giao lưu tác giả hoặc các quán cà phê mà ngồi thư giãn. Mà giá vé vào cửa cho công chúng đâu có mềm: 75 euro/ngày (khoảng 1,9 triệu đồng). Giá vé cho giới kinh doanh sách trong mấy ngày giao dịch còn cao hơn.
Nhắc lại một chút lịch sử: Hội chợ sách Frankfurt thời hiện đại được lấy mốc từ năm 1949, tức là vừa tròn 70 năm. Nhưng khởi thủy của hội chợ là từ gần 600 năm trước: Ngay sau khi Johannes Gutenberg phát minh ra kỹ thuật in bằng cách sắp chữ, các nhà kinh doanh sách đã tổ chức hội chợ sách đầu tiên vào năm 1454. Ban đầu đấy là nơi mua bán bản thảo, dần dần thành chỗ quảng bá cho những cuốn sách mới in ra, rồi thành nơi giao dịch bản quyền, tìm kiếm nguồn tài trợ…
Gặp một nhà làm sách những năm gần đây đã mua được bản quyền nhiều cuốn sách văn chương có giá trị, tưởng đâu việc giao dịch bản quyền thời đại kỹ thuật số chỉ cần ngồi ở Việt Nam và sử dụng văn phòng ảo, nhưng anh bảo sự gặp gỡ trực tiếp tại hội chợ thế này mới tăng cường tình thân và sự tin cậy. Có khi vừa nhìn thấy một gương mặt thân quen, tay bắt mặt mừng, phía đối tác đã thông báo ngay có tác phẩm mới nào đáng chú ý, và bản quyền đã được dành sẵn cho ta. Mỗi kỳ hội chợ, với người này là chỗ đến chơi và uống bia Đức, với người khác lại là nỗ lực để giành được quyền dịch và in những tác phẩm giá trị.
Gian trưng bày của Hà Nội năm nay vào loại bề thế trong tương quan hội chợ: 140 m2 với hình ảnh Khuê Văn Các cao rộng và thiết kế tạo ấn tượng những cánh cửa từ Văn Miếu mở vào cõi văn chương. Nhớ lại năm đầu Hà Nội chỉ thuê được 24 m2 (và cả bây giờ, nhiều nước vẫn chỉ thuê bằng ấy diện tích) thì mới thấy nỗ lực của thành phố qua bốn năm tham gia hội chợ Frankfurt.
Năm nay bên cạnh việc trưng bày sách, các nhà xuất bản tổ chức hội thảo, còn có các nghệ sĩ Xuân Long, Lan Anh trình diễn nhạc dân tộc và nghệ thuật múa rối, công ty sách Thái Hà trình diễn quy trình làm tranh Đông Hồ, nghệ nhân Đào Giáng Hương của khách sạn Metropole giới thiệu món bún thang và bánh cốm… Chiều ngày 16/10, Phó chủ tịch Ủy ban nhân dân Hà Nội Ngô Văn Quý đã ký với ông Juergen Boos - Chủ tịch hội chợ sách Frankfurt - một biên bản ghi nhớ MoU về hợp tác tổ chức các hoạt động tại hội chợ sách quốc tế Frankfurt.
Mong ước không xa Việt Nam là khách mời danh dự tại hội sách Frankfurt
Mong ước của lãnh đạo Hà Nội, của sở Thông tin và Truyền thông, giới văn chương và xuất bản là một ngày không xa Việt Nam sẽ được mời làm khách danh dự Guest of Honour tại hội chợ sách lớn nhất hành tinh. Ông chủ tịch và bà phó chủ tịch hội sách Frankfurt đều đánh giá cao sự tham gia của đoàn Hà Nội năm nay, đặc biệt lần đầu tiên có diễn giả từ Việt Nam là nhà văn Hồ Anh Thái có thể tham gia tọa đàm trực tiếp bằng tiếng Anh với các nhà văn nước ngoài. Lãnh đạo hội sách cho đó là sự khởi đầu tích cực để hình ảnh Việt Nam và sách Việt Nam được ghi nhận tại Frankfurt, một trong những điều kiện cần thiết cho sự tiếp tục hợp tác những năm tới.
Có thể nhìn lại danh sách những nước được mời làm khách chính tại hội sách Frankfurt hơn mười năm qua: 2003: Nga, 2004: các nước Arab, 2005: Hàn Quốc, 2006: Ấn Độ, 2007: Catalan, 2008: Thổ Nhĩ Kỳ, 2009: Trung Quốc, 2010: Argentina, 2011: Iceland, 2012: New Zealand, 2013: Brazil, 2014: Phần Lan, 2015: Indonesia, 2016: Flanders và Hà Lan, 2017: Pháp, 2018: Georgia.
Năm 2019 này, Na Uy là khách mời danh dự. Ban tổ chức đưa ra lý do: Na Uy là xứ sở của một nền văn chương đầy ấn tượng, bắt đầu từ nhà soạn kịch kinh điển Henrik Ibsen cho đến nhà văn viết truyện trinh thám mới nổi gần đây là Jo Nesbø (tác giả những cuốn sách đã dịch ra tiếng Việt: Chim cổ đỏ, Người con trai, Kẻ báo thù). Đi cùng Jo Nesbø đến các diễn đàn của Frankfurt là những nhà văn kiệt xuất của Na Uy: Karl Ove Knausgård, Maja Lunde. Như thể làm tăng ấn tượng về Na Uy, hoàng thái tử và công chúa Na Uy cũng xuất hiện cùng các nhà văn của đất nước mình.
Ban tổ chức cũng đã quyết định chọn khách danh dự cho năm 2020: Canada. Lần đầu tiên khách danh dự sẽ sử dụng hai thứ tiếng Anh và Pháp để trình bày về nền văn chương nước mình. Một đội ngũ hùng hậu sẽ xuất hiện tại hội sách: Alice Munro (giải Nobel văn chương), Margaret Atwood (nhiều năm được đề cử Nobel, tác giả Sát thủ mù, Chuyện người tùy nữ), Yann Martel (Cuộc đời của Pi, Miền non cao xứ Bồ Đào), Michael Ondaatje (Bệnh nhân người Anh), Douglas Coupland, Dany Laferrière…
Bốn năm trước, láng giềng ASEAN của ta là Indonesia được mời làm khách danh dự Frankfurt 2015. Nước bạn đã gửi sang hội sách những nhà văn xuất sắc thuộc các thế hệ. Việt Nam mong được làm khách danh dự tại hội sách Frankfurt, vậy thì có lẽ nên học hỏi kinh nghiệm của nước láng giềng Đông Nam Á.
Năm ấy các nhà văn Indonesia đã khuấy động nhiều diễn đàn của hội sách: họ dùng tiếng Anh thành thạo trong những cuộc luận bàn chuyên môn về văn học, về chính trị, xã hội, bằng tư duy sắc sảo, bao quát mà cụ thể. Họ gửi sang hội sách những nghệ nhân ẩm thực, làm tưng bừng cả khu vực dành cho người sành ăn Gourmet Gallery, vừa thao diễn nấu nướng vừa giới thiệu sách ẩm thực xứ vạn đảo bằng tiếng Anh. Và rất nhiều nghệ sĩ ca múa nhạc dân tộc biểu diễn để minh họa cho những cuốn sách về nghệ thuật dân gian Indonesia.
Ta cần nỗ lực trong một tương lai gần, trước mắt là trong một kế hoạch 5 năm, vậy ít nhất cần nâng cao khả năng tổ chức và khả năng vận động như nước láng giềng. Và quan trọng nhất: thực lực của giới văn chương Việt, thực lực của giới xuất bản Việt trong việc dịch và xuất khẩu văn chương. Hãy hình dung: ta có thể đưa sang Frankfurt dăm bảy nhà văn mà lâu nay phương Tây đã biết và vẫn dịch, nhưng vấn đề là hội sách vẫn chưa chấp nhận mời vào tọa đàm những nhà văn không thể trao đổi trực tiếp bằng tiếng Anh.
Như vậy, để được mời làm khách danh dự của hội chợ sách chắc là còn cả một chặng đường ở phía trước.
Nguồn: Zing