Phùng Văn Khai đã khai thác triệt để đặc trưng thể loại với lối kể chuyện lớp lang, các sự kiện được tổ chức bài bản, tiết tấu tự sự nhanh, nhiều điểm nhấn, ngôn từ hài hòa cổ kính và hiện đại, giọng điệu hào sảng, ngợi ca, giúp người đọc dễ dàng theo dõi diễn tiến, đồng thời trình hiện đầy đủ chân dung các nhân vật lịch sử từ diện mạo, tiểu sử, hành động, lời nói, tính cách.
HIỆN THỰC LỊCH SỬ TRONG CÁI NHÌN VÀ SỰ DIỄN GIẢI CỦA PHÙNG VĂN KHAI
NGUYỄN VĂN HÙNG
Phùng Văn Khai không còn là cái tên xa lạ trên văn đàn Việt Nam đương đại. Độc giả biết đến anh như một cây bút sung súc, tài năng trên nhiều thể loại. Ở bất cứ thể loại nào, bằng tinh thần làm việc nghiêm túc, cẩn trọng, sự tìm tòi, thể nghiệm không ngừng, anh dần tạo cho mình dấu ấn và phong cách riêng. Có thể nói, một trong những mảnh ghép quan trọng tạo nên “căn cước” Phùng Văn Khai, đó là những sáng tác về đề tài lịch sử. Sau khi cuốn tiểu thuyết lịch sử đầu tay Phùng Vương ra đời (Nxb. Hội Nhà văn, 2015), tác phẩm đã nhận được những phản hồi tích cực từ các nhà văn, nhà phê bình, đông đảo công chúng độc giả yêu lịch sử và văn chương. Xuất phát từ tình yêu và ý thức trách nhiệm với lịch sử nước nhà, bằng một quan niệm nghệ thuật nhất quán,Phùng Văn Khai tiếp tục trình làng tiểu thuyết lịch sử thứ hai của mình - Ngô Vương (Nxb. Văn học, 2019).Tác phẩm đã thể hiện nỗ lực lớn của tác giả trong việc phục hiện lại một giai đoạn lịch sử vốn vô cùng khan hiếm về tư liệu. Đó được coi như là bản anh hùng ca về tinh thần dân tộc, ý thức tự chủ và sức mạnh lòng dân của cha ông từ những buổi đầu dựng nước và giữ nước.
Lịch sử - hiện thực và tưởng tượng
Ngô Vương lấy bối cảnh lịch sử đầy biến động nửa đầu thế kỉ thứ X, “một trong những thời kì vận mạng dân tộc trải qua một thử thách cực kì hiểm nghèo”. Đây được coi là dấu mốc quan trọng trong tiến trình lịch sử khi lần đầu tiên dân tộc Việt Nam chấm dứt hơn 1000 năm Bắc thuộc, mở đầu cho thời kì tự chủ. Sự nghiệp lừng lẫy của Ngô Quyền gắn với chiến tích Bạch Đằng vang dội trở thành dấu son chói lọi, biểu tượng cho tinh thần yêu nước, tài trí thông minh, sáng tạo và ý chí quật cường chống giặc ngoại xâm của cha ông. Sử gia Lê Văn Hưu trong Đại Việt sử kí toàn thư đã khẳng định: “Tiền Ngô vương có thể lấy quân mới họp của đất Việt ta mà phá được trăm vạn quân của Lưu Hoằng Tháo, mở nước xưng vương, làm cho người phương Bắc không dám lại sang nữa… Tuy chỉ xưng vương mà chưa lên ngôi hoàng đế và đổi niên hiệu, mà chính thống của nước Việt ta Ngô hầu đã nối lại được”. Sau này, khi biên soạn lại bộ Sử kí này, Sử thần Ngô Sĩ Liên khẳng định thêm: “Nhà Tiền Ngô nổi lên được, không chỉ có công chiến thắng mà thôi, việc đặt trăm quan, chế định triều nghi phẩm phục; có thể thấy được quy mô của đế vương”. Có thể nói các sự kiện, nhân vật lịch sử được tác giả lựa chọn, khám phá và diễn giải là tiêu biểu, vừa thể hiện được truyền thống dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt, đồng thời có khả năng nối kết với các vấn đề của thời đại trong bối cảnh hôm nay.
Cũng như tác phẩm đầu tay Phùng Hưng, khi viết Ngô Vương, Phùng Văn Khai đối diện với những thử thách không hề nhỏ. Những sự kiện, nhân vật lịch sử có một “khoảng cách” rất xa, vì vậy những tư liệu vô cùng ít ỏi, tản mạn, mà không phải cái nào cũng khả tín, khả kiểm. Những bộ chính sử còn lưu lại như Đại Việt sử ký toàn thư đời Lê, Đại Việt sử ký tiền biên đời Tây Sơn, Khâm định Việt sử thông giám cương mục đời Nguyễn; hay những bộ sử do cá nhân biên soạn như Lịch triều hiến chương loại chí của Phan Huy Chú… chỉ dành khoảng vài trăm đến trên dưới một nghìn chữ để ghi chép về thời Ngô Quyền và chiến tích Bạch Đằng giang. Những công trình địa lí học lịch sử, địa phương chí, hay thần tích, gia phả, truyền thuyết, giai thoại… có bổ sung thêm ít nhiều chi tiết, song cũng không thể khỏa lấp hết điểm trống, điểm trắng, điểm mờ của một giai đoạn lịch sử tuy ngắn nhưng có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Ở một khía cạnh khác, Dương Đình Nghệ, Ngô Quyền và những chiến tích chống quân Nam Hán, đặc biệt là huyền thoại vô tiền khoáng hậu Bạch Đằng giang vốn đã ăn sâu vào tâm thức người Việt, khiến sự hư cấu, sáng tạo vốn là địa hạt của tiểu thuyết trở nên hạn hẹp hơn bao giờ hết. Từ những khó khăn này mới thấy hết sự dũng cảm, bản lĩnh và tài năng của ngòi bút Phùng Văn Khai. Anh đã biến những bất lợi, khó khăn thành lợi thế, động lực, khi tận dụng tối đa những cứ liệu được ghi trong chính sử; dung hòa hợp lí những câu chuyện lưu truyền trong dã sử, truyền thuyết, giai thoại dân gian, thần tích, gia phả; tham bác những nhà văn, nhà nghiên cứu uy tín, chuyên sâu; và trên hết phát huy năng lực tưởng tượng, sáng tạo của mình, nhằm tìm kiếm một nẻo đường riêng để khám phá, phân tích, luận giải lịch sử một cách chân thực, khách quan trong một sinh thể nghệ thuật sinh động, giàu sức sống.
Ngô Vương được kết cấu theo kiểu tiểu thuyết chương hồi, gồm 18 hồi hấp dẫn, với dung lượng gần 500 trang bề thế. Phùng Văn Khai đã khai thác triệt để đặc trưng thể loại với lối kể chuyện lớp lang, các sự kiện được tổ chức bài bản, tiết tấu tự sự nhanh, nhiều điểm nhấn, ngôn từ hài hòa cổ kính và hiện đại, giọng điệu hào sảng, ngợi ca, giúp người đọc dễ dàng theo dõi diễn tiến, đồng thời trình hiện đầy đủ chân dung các nhân vật lịch sử từ diện mạo, tiểu sử, hành động, lời nói, tính cách. Từ những cứ liệu sẵn có được ghi trong chính sử và dã sử, anh đã dày công sắp xếp, tổ chức, hư cấu, tưởng tượng để bồi đắp nên da thịt liền mạch cho các sự kiện và đời sống nhân vật. Nhà văn đã khéo léo, tinh tế lựa chọn các sự kiện lịch sử tiêu biểu nhất làm nền cho những trầm tư, chiêm nghiệm về lịch sử của mình. Điều này không phải nhà văn sáng tạo về đề tài lịch sử nào cũng ý thức và làm tốt được. Nhờ vậy bức tranh lịch sử được tái dựng một cách chi tiết, chân thực, sống động như hai lần đánh tan quân thủy bộ của Hán triều, đuổi Lý Khắc Chính, Lý Tiến, giết Trần Bảo nơi bến Giang Biên, đặc biệt là dìm mười vạn binh tướng Giao vương Lưu Hoằng Tháo tại cửa Bạch Đằng giang. Xoay quanh các sự kiện chính này, tác giả còn tạo dựng bối cảnh lịch sử thời đại với những địa danh, vùng đất đã lưu danh vào sử sách như bến Giang Biên, Bạch Đằng giang, sông Cái, thành Đại La, Cổ Loa, Đường Lâm, Màn Trù, Cổ Pháp, Ái Châu, Hoan Châu, Đằng Châu, Hồng Châu, Phong Châu... Người đọc không khỏi phải bất ngờ pha lẫn sự thán phục bởi khả năng tái hiện các sự kiện lịch sử một cách rộng lớn, chân thực, chi tiết và sinh động, nhất là trận chiến Bạch Đằng. Ý nghĩa, giá trị lịch sử của sự kiện này đã được khẳng định trong tiến trình lịch sử dân tộc Việt; song diễn biến cụ thể của nó vẫn là một khoảng trống lớn. Như đã nói, hầu hết những bộ chính sử của chúng ta và những bộ sử của Trung Quốc như Ngũ đại sử ký, Tư trị thông giám… ghi chép không đầy đủvà thiếu thống nhất. Với lượng thông tin ít ỏi của nó hoàn toàn không cho phép dựng lại một cách chi tiết chiến thắng Bạch Đằng năm 938. Điều này lí giải tại sao còn quá thiếu vắng những công trình lịch sử hoành tráng, quy mô; cũng như các sáng tạo văn học nghệ thuật về giai đoạn này. Riêng trong lĩnh vực sáng tạo về đề tài lịch sử, theo sự khảo sát của chúng tôi, trước Phùng Văn Khai mới chỉ có tác phẩm Ngô Vương Quyền của Trần Thanh Mại. Trong nỗ lực tiểu thuyết/ lãng mạn hóa lịch sử, Trần Thanh Mại đã tái hiện chân dung Ngô Quyền trong cuộc chiến với Kiều Công Tiễn, và sau này trong chiến tích Bạch Đằng. Trong cách hình dung của ông, đó là cuộc “đại thắng của Thiện trên Ác, của Ánh sáng trên Bóng tối, của Quyền trên Tiện, và là cuộc gieo mầm độc lập đầu tiên cho Tổ quốc Việt Nam”. Đây là nỗ lực lớn của Trần Thanh Mại, song điều đó vẫn chưa đáp ứng được kì vọng của cộng đồng, bởi điểm nhấn của tác phẩm - chiến tích Bạch Đằng mới chỉ đề cập một cách sơ lược trong vài trang ít ỏi. Phải đến Ngô Vương của Phùng Văn Khai, hình hài của sự kiện vô tiền khoáng hậu trong sử Việt mới thật sự được phục dựng đầy đủ, bề thế như chính ý nghĩa và giá trị của nó. Nhà văn họ Phùng đã huy động toàn bộ những kiến thức về lịch sử, quân sự, địa lí, chính trị, đặc biệt là khả năng tưởng tượng, sáng tạo cùng sự mẫn cảm, nhạy bén của người nghệ sĩ để tái hiện bức tranh không chỉ hoành tráng, chi tiết, nhiều điểm nhấn về chiến tích Bạch Đằng, mà còn qua đó khắc họa chân dung chân thực, sinh động, sắc nét về những con người làm nên chiến thắng ấy. Có thể nói, người đọc như được xem những thước phim với đầy đủ cung bậc cảm xúc, khi lo lắng, hồi hộp cho vận mệnh dân tộc trước sức mạnh khủng khiếp của kẻ địch; lúc tự hào, ngưỡng vọng về tài trí, bản lĩnh của cha ông nhằm bảo vệ sự toàn vẹn lãnh thổ, sự bình yên nhân dân. Từ chân dung các tướng lĩnh đến hình ảnh binh lính, nhân dân, từ phe ta đến phe địch, từ suy nghĩ, tính toán đến diện mạo, hành động, tất cả đều được miêu tả chân thực đến từng chi tiết.
Không dừng lại ở các trận chiến hào hùng, khốc liệt, các chiến công vang dội, hùng tráng của tiền nhân, nhà văn còn khắc họa sinh động, sắc nét những sinh hoạt văn hóa, phong tục tập quán, lao động sản xuất của người dân, như là nơi lưu giữ nét đẹp văn hóa, bản sắc, tâm hồn Việt: tinh thần tự tôn, ý chí tự cường, khát khao hòa bình, lòng nhân nghĩa, bao dung của muôn dân Đại Việt. Phải là người đọc nhiều, hiểu rộng, am tường, cùng sự đĩnh đạc, bản lĩnh, tài tưởng tượng, hư cấu mới có thể có những trang viết chính xác, sinh động đến nhường vậy. Không những vậy, tác phẩm đã chạm vào trái tim và khối óc của độc giả hôm nay, kết nối thông điệp cổ nhân, khơi gợi trong họ những bài học quý báu về tinh thần yêu nước thương nòi, lòng tự hào, ý chí quật cường chống giặc ngoại xâm, bảo vệ bờ cõi của muôn dân Việt.
Lịch sử: luận giải và nối kết
Quay về quá khứ hào hùng của dân tộc, bằng cảm hứng dân tộc và thời đại sâu sắc, trên tinh thần chiêm bái, ngưỡng vọng, Phùng Văn Khai đã ngợi ca nhiệt tình cuộc kháng chiến thần thánh của dân tộc trước họa xâm lăng phương Bắc, chiêm bái ngưỡng vọng tài năng, đức độ của các anh hùng. Từ chân dung lịch sử đến hình tượng nghệ thuật, các anh hùng dân tộc, các tướng lĩnh tài ba, các vị hào trưởng như Dương Đình Nghệ, Ngô Quyền, Ngô công, Phạm công, Kiều công, Đinh Công Trứ, Ngô Tôn Tư, Đoàn Thành, Phạm Bạch Hổ, Dương Tam Kha, Đỗ Cảnh Thạc…, đến các cụ hương thôn phụ lão, sĩ tốt, dân thườngnhư được sống lại. Trong số đó, Phùng Văn Khai tập trung tô đậm hai hình tượng tiêu biểu là Dương Đình Nghệ và Ngô Quyền.
Với Dương Đình Nghệ, ngòi bút của anh đã khắc họa chân dung một vị hào trưởng khí phách, bản lĩnh, tài năng, đứng ra tập hợp những anh hùng hào kiệt, tướng lĩnh tài ba, những vị châu mục nghĩa khí, những hào trưởng tài danh khắp nơi vì nghiệp lớn. Họ Dương chính là linh hồn của hai trận chiến oanh liệt đánh tan quân thủy bộ Hán triều dưới sự chỉ huy của Lý Khắc Chính, Lý Tiến, Trần Bảo. Xuất thân là một nha tướng tin cậy của Khúc Hạo, ông cai quản vùng đất Ái Châu, một vùng trọng yếu của bờ cõi. Nhờ tài chăn dân mở cõi và tầm nhìn xa trông rộng, ông đã thu phục được nhân tâm, ổn định đời sống nhân dân. Đến khi đất nước lâm nguy, chính ông đã giương cao ngọn cờ chính nghĩa, cùng các tướng lĩnh tâm phúc và sự trợ giúp đắc lực của các hào trưởng, đập tan mưu đồ bá chủ của Hán triều, mở ra thời kì độc lập tự chủ của dân tộc Việt. Không chỉ làm nên nghiệp lớn, Dương Đình Nghệ có công lớn trong việc bồi dưỡng, đào tạo Ngô Quyền, con nuôi, nha tướng, con rể và sau này trở thành “vị vua đứng đầu các vua”. Ông không chỉ trao truyền cho Ngô Quyền những bài học về võ công, cách điều binh khiển tướng, sự mưu lược, dũng cảm trên trận tiền; mà còn là những bài học về Đạo làm chủ thiên hạ: “mong con tự nghĩ làm sao vừa giữ được mình vừa giúp được dân mới là đức của kẻ anh hùng” [tr.89], “bậc làm chủ tướng phải lấy khoan hòa nhân nghĩa làm đầu, phải hiểu được đạo lý đuổi giặc sâu sắc hơn thế trận đánh giết một mất một còn chỉ chuốc lấy chinh chiến liên miên” [tr.89]. Sự nghiệp, ý chí và tâm nguyện của Dương Đình Nghệ sau khi ông qua đời được chính Ngô Quyền tiếp nối hoàn thành một cách rực rỡ nhất.
Sát cánh cùng Dương Đình Nghệ ngay từ những ngày đầu, Ngô Quyền đã tỏ lộ những phẩm chất thiên bẩm của người lãnh đạo đại trí, đại dũng, đại nghĩa. Cùng với nhiều tướng lĩnh ưu tú, từ chỗ là cánh tay đắc lực, tin cẩn của Dương Đình Nghệ, ông trở thành thống soái chỉ huy cuộc chiến chống lại mười vạn quân của Giao vương Lưu Hoằng Báo tại bến Bạch Đằng. Nhà sử học Lê Văn Hưu đời Trần đã ca ngợi Ngô Quyền là người “mưu giỏi mà đánh cũng giỏi”; quân thù khiếp sợ uy danh của ông và thừa nhận ông là “người kiệt hiệt, chớ nên khinh suất”. Dưới sự miêu tả của Phùng Văn Khai, Ngô Quyền hiện lên là một “vị tướng nhà trời”, có tầm nhìn xa trông rộng, tài phán đoán, khả năng quan sát tuyệt vời, dũng mãnh, mưu trí, tiên phong trong các trận chiến một sống một còn với quân địch. Sau khi Dương Đình Nghệ mất, ông đã thống lĩnh tướng sĩ, muôn dân giết Kiều Công Tiễn, trả thù cho họ Dương, và cũng là bước quan trọng chuẩn bị nghênh chiến với đại quân Nam Hán đang lăm le ngoài biên ải. Chính tài năng, nghị lực bản thân, thực tiễn phong phú, sôi động do nhiều năm theo Dương Đình Nghệ đánh đuổi quân Nam Hán đã rèn luyện Ngô Quyền thành một nhà quân sự dày dặn kinh nghiệm, một thủ lĩnh thực thụ, có uy tín và tầm ảnh hưởng rộng lớn. Không những vậy, nhà văn còn tập trung khai thác lòng nhân từ, đức khiến tốn, sự bao dung ở vị anh hùng dân tộc này. Ngô Quyền yêu tướng lĩnh, sĩ tốt như ruột thịt, thương xót, quý trọng mọi sinh linh: “Trong quân, họ Ngô thường yêu sĩ tốt như ruột thịt. Ngô Quyền bất kể đánh thành, đuổi giặc, ban đêm, ban ngày đều xông lên trước hàng quân rất dũng mãnh khiến ba quân đều cảm phục” [tr.119]. Trong mỗi trận đánh và đặc biệt sau chiến thắng, ông đều lấy lòng nhân, chính nghĩa, sự vị tha, đức độ để đối xử với những kẻ bên kia chiến tuyến. Ông lập đàn hỏa thiêu, làm chủ tế lễ siêu thoát cho kẻ bại trận; cấp lương thực, nước uống, dẫn đường cho binh lính còn sống về nước, nhằm giữ tinh thần hòa hiếu lâu dài về sau. Với muôn dân, ngay sau chiến thắng, ông nghĩ ngay đến việc tri ân, cảm tạ, trợ giúp cho họ trở lại với cuộc sống yên bình, ấm no. Ông cũng không quên cho người ghi chép, khôi phục, tổ chức các lễ hội, phong tục, tập quán. Đằng sau những việc làm tưởng chừng như bình dị của Ngô Quyền, Phùng Văn Khai đã cho thấyý thức của một bậc đế vương trong việc khôi phục truyền thống lịch sử, tạo dựng các thiết chế văn hóa, phong tục, tập quán cho sự tồn tại của một quốc gia dân tộc riêng biệt trong sự đối trọng với văn hóa Hán triều. Bởi một khi ý thức ấy được lưu giữ, phát huy sẽ trở thành nguồn sức mạnh vô biên, giúp chúng ta có thể đánh đuổi bất kì kẻ thù nào đang có dã tâm đồng hóa dân tộc Việt.
Chiến thắng vĩ đại của Dương Đình Nghệ và sau này là Ngô Quyền được Phùng Văn Khai luận giải sâu sắc, thấu đáo, thuyết phục từ nhiều góc nhìn: người lãnh đạo tài trí, mưu lược, đức độ; tướng lĩnh can trường, trung thành; binh sĩ dũng mãnh, hết mình; đặc biệt là sự chung sức đồng lòng của muôn dân, từ hương thôn, làng mạc, đến nơi cửa biển, cửa sông. Anh đã xác quyết một chân lý bất di bất diệt, bằng hàng loạt cuộc khởi nghĩa và chiến tranh giải phóng dân tộc, kháng chiến giữ nước, từ khởi nghĩa Hai Bà Trưng, Lý Nam Đế, Bố cái Đại vương Phùng Hưng, các đời Khúc chúa, Dương công đến chiến thắng Bạch Đằng dưới thời Ngô Quyền, nhân dân ta đã giành được trọn vẹn độc lập chủ quyền, bảo vệ bờ cõi non sông đất nước và giữ được cội rễ bền vững bản sắc văn hóa riêng. Kết nối từ quá khứ đến vấn đề hôm nay, Phùng Văn Khai đã truyền đi những bài học lịch sử đắt giá: “Khi lòng dân không theo về, dẫu thành cao hào sâu, binh tướng đầy đủ cũng chỉ là cô độc mà thôi. Mới thấy rằng đạo lí của người giữ ngôi cao không nằm nơi gươm giáo mưu kế mà phải là nhân tâm đức độ bao dung” [tr.234], “mạch nguồn mọi chiến thắng bao giờ cũng bắt rễ từ tấm lòng bình dị của muôn dân” [tr.320], “chúng tướng đồng lòng muôn dân hòa mục yên ổn làm ăn mới là tường đồng vách sắt của một nước” [tr.443]. Qua Ngô Vương, Phùng Văn Khai cũng gửi đi thông điệp sâu sắc, dân tộc Việt Nam đều yêu nòi giống, quý sinh mạng, chuộng hòa bình, ý thức tự chủ, tinh thần dân tộc; hiền lành chất phác mong được yên ổn cày bừa nông tang, mưu sinh buôn bán, thờ cúng tổ tiên, hiếu kinh cha mẹ, vạn bất đắc dĩ mới buông cày bừa cầm gươm giáo giữ đất đai của tổ tiên. Tất cả điều này càng có giá trị hơn bao giờ hết trong thực tiễn của đất nước hôm nay, khi dân tộc Việt Nam đang phải đối diện với muôn vàn thử thách bên trong và bên ngoài nhằm bảo vệ chủ quyền trọn vẹn vững bền của lãnh thổ, cũng như sự bình yên, phát triển lâu dài của nhân dân.
Ngô Vương đã khơi dậy lòng tự hào dân tộc, tinh thần tự chủ, sức mạnh đoàn kết trong mỗi người Việt Nam. Phùng Văn Khai không chạy theo hình thức với lối viết cầu kì, hiện đại, không a dua, gây sốc bằng “giải thiêng”, “giải minh”, mà tập trung phục dựng chân thực, sinh động các sự kiện, nhân vật, từ đó gửi gắm những suy tư, chiêm nghiệm cá nhân của mình trong mỗi câu chuyện lịch sử. Với anh, lịch sử vốn là như vậy, con người hôm nay không thể thay đổi được chân lí và kết cục, mà quan trọng là hiểu đúng lịch sử, rút ra những bài học từ quá khứ, hình thành cho mình một ý thức, một thái độ, từ đó gắn bó với nơi mình sinh ra, trân trọng những di sản của cha ông. Với tư duy lịch sử sâu sắc, Phùng Văn Khai và tiểu thuyết Ngô Vương xứng đáng có một vị trí trong lĩnh vực văn học nghệ thuật sáng tạo về đề tài lịch sử, và nói không quá rằng, cách làm của anh có thể là một tham khảo quý cho những ai đang có ý định sáng tạo về đề tài lịch sử.