Marko viết văn từ năm 14 tuổi, vì như gã nói, ngay từ nhỏ gã đã là một người sống nội tâm và thích đối thoại cùng con chữ. Văn chương trong quan điểm của gã không phải để cố đạt tới một giá trị nào đó ghê gớm, mà đơn giản chỉ để giúp con người phá tan những ảo tưởng trong đời sống của mình




CÓ MỘT GÃ TÂY VIẾT VĂN TIẾNG VIỆT

DIỆP XƯA

Năm năm trước, ở cái thành phố này, gã là một "Tây ba lô" chính hiệu. Năm năm sau, vẫn ở thành phố này, gã bỗng nhiên xuất hiện trong vị thế của một nhà văn, với một cuốn tiểu thuyết viết bằng tiếng Việt - thứ tiếng mà gã phải đánh vật suốt 4 năm qua. Tôi lục tung lại ký ức của mình để xem lần gần nhất một "ông Tây" viết tiểu thuyết bằng tiếng Việt là khi nào, và thực sự không nhớ nổi. Nếu ký ức của tôi chính xác thì gã có thể là người nước ngoài đầu tiên làm điều này. Và đấy là cơn cớ để tôi hẹn gã.
Cao ráo và nhỏ gọn, trắng trẻo và mắt xanh, vẻ ngoài của gã toát lên cái chất "Tây" điển hình. Và tôi ngờ là chỉ cần vẻ ngoài ấy thôi, gã sẽ hút hồn không ít cô gái Việt. Đấy là tôi ngờ thế, chứ không hỏi thẳng gã, vì tôi có nghe nói một bộ phận cô gái Việt rất thích trai "Tây" thì phải.
Trên một diễn đàn nào đó, hình như người ta còn kể tỉ mỉ quá trình các cô gái Việt lên phố "Tây ba lô" ở cả Hà Nội lẫn Thành Phố Hồ Chí Minh để có cơ hội giao lưu, gặp gỡ với trai "Tây". Có lẽ bắt trúng cái tâm lý này mà Nicolas - nhân vật chính trong cuốn tiểu thuyết "Phố Nhà Thờ" của gã, tự cho phép mình cái quyền đượcphung phí tình cảm với các cô gái Việt. Mà còn hơn thế nữa, Nicolas thường nhìn những gì diễn ra ở đất nước này, thành phố này bằng con mắt của một "ông Tây" bề trên. Thế là anh ta phán xét, anh ta soi mói, anh ta chỉ trích, anh ta hưởng thụ...".
Để rồi đến một ngày, cô gái đích thực của anh ta rời bỏ anh ta. Và anh ta thấy mọi thứ sụp đổ rồi" - gã kết luận như thế. Tôi hỏi thêm:
- Đến lúc sụp đổ rồi, anh ta mới nhận ra mình đã có những ứng xử hoàn toàn lầm lẫn?
- Dạ đúng rồi!
- Marko này, (tên thật của gã là Marko Nikolic), anh hỏi thật nhé, nhân vật Nicolas trong tiểu thuyết chính là hoá thân của em phải không?
- Quả thật, Nicolas là em, nhưng là em của một phiên bản cũ. Nicolas tự phụ, ích kỷ, tuy nhiên nó là sự ích kỷ đến từ hoàn cảnh sống, chứ không phải từ một nét tính cách bẩm sinh nào đó.
- Vậy thì qua nhân vật Nicolas và cuốn tiểu thuyết này, rốt cuộc em muốn gửi đến độc giả điều gì?
- Một trong những điều em muốn nói đến đó là những góc khuất của cộng đồng người nước ngoài ở Việt Nam. Họ có những góc khuất mà người Việt Nam không hiểu được. Có những khác biệt mà người Việt Nam không hiểu được. Em chỉ lấy ví dụ: rất nhiều người định cư lâu dài ở đây, nhưng không hề muốn tìm hiểu và hoà nhập với văn hoá Việt Nam. Họ vẫn muốn ứng xử theo đúng văn hoá của họ, mà đôi khi chỉ là một phần tiêu cực trong văn hoá của họ thôi, cho nên tạo ra nhiều lầm lẫn.
Nghe Marko nói tới đây, tôi chợt nhớ lại một đoạn trong tiểu thuyết "Phố nhà thờ" của Marko, khi hai nhân vật thầy giáo đối thoại với nhau quanh chuyện dạy tiếng Anh ở đất nước này. Cả hai đều là người nước ngoài đến Việt Nam, và họ mau chóng nhận ra nhiều gia đình Việt Nam bây giờ coi tiếng Anh là cánh cửa vạn năng mở ra cả một chân trời mới, thế là người ta không ngại vung tiền cho con cái học tiếng Anh.
Và thế là hàng loạt các trung tâm tiếng Anh với lời quảng cáo "người dậy là thầy bản xứ" mọc ra như nấm. Ai dè, rất nhiều người trong đó chỉ là Tây ba lô, thường dạy học một cách qua loa, thiếu phương pháp, thiếu trách nhiệm, và rất nhiều người thậm chí còn dạy chui, không có giấy phép, không có chứng chỉ hành nghề.
Thực ra thì chính Marko cũng đang dạy tiếng Anh cho một trung tâm lớn ở Hà Nội. Gã quen và hiểu bản chất của rất nhiều người ngoại quốc ở Hà Nội đang hành nghề giống như mình. Thành thử, khi gã hạ bút viết những câu như thế này trong cuốn tiểu thuyết của mình thì chắc chắn những bậc phụ huynh nào đang muốn gửi con vào những trung tâm tiếng Anh đắt tiền với hàng loạt những lời quảng cáo "trên trời" sẽ phải tìm hiểu, suy nghĩ cho thấu đáo: "Dạy tuỳ thích, dạy bừa mà thôi. Chơi Game, rèn luyện phát âm, làm trò chơi ô chữ, giết thời gian. Học sinh vui trong lớp thế là đủ rồi. Phụ huynh không biết thực tế hoặc không có lựa chọn nào khác".
Marko viết văn từ năm 14 tuổi, vì như gã nói, ngay từ nhỏ gã đã là một người sống nội tâm và thích đối thoại cùng con chữ. Văn chương trong quan điểm của gã không phải để cố đạt tới một giá trị nào đó ghê gớm, mà đơn giản chỉ để giúp con người phá tan những ảo tưởng trong đời sống của mình. Chính từ những ảo tưởng mà con người lầm lạc. Chính từ những ảo tưởng mà con người không nhận ra bản chất đích thực của hạnh phúc. "Và một hôm, tôi chợt nhận ra mình đã đánh mất Trà My, em sẽ chẳng bao giờ quay lại cuộc đời tôi nữa. Và song song với sự nhận ra đó, tôi cũng nhận ra giá trị của cái không còn" - nhân vật chính trong "Phố Nhà Thờ" đã cám cảnh thốt lên như vậy.
Nói chuyện văn chương mãi cũng mệt, tôi đột nhiên hỏi Marko: "Em nghĩ gì về người Việt Nam?". Gã cười, rồi hỏi lại: "Điểm tốt hay chưa tốt?". Tôi bảo "Cả hai, và hãy nói về điểm chưa tốt trước nhé". Không cần nghĩ ngợi, tư duy gì nhiều, gã liệt kê rành mạch 3 điểm "chưa tốt" của người Việt trong mắt gã. Một là người Việt thường nghĩ ngắn, chứ ít khi nghĩ dài.
Gã chứng minh bằng việc rất nhiều người Việt mà gã quen biết không hề thấy nhức nhối với vấn đề ô nhiễm môi trường, bởi lý do: "Ô nhiễm thì kệ ô nhiễm, tôi sống thì tôi vẫn sống".
Gã cau mặt lại và bảo: "Họ không hề nghĩ rằng ô nhiễm gây ra những hậu quả lâu dài. Có thể bây giờ họ vẫn sống, nhưng 4 năm nữa thì sao? 5 năm nữa thì sao? 50 năm nữa thì sao? Thế hệ con cháu họ thì sao?". Chỗ này thì khác hẳn so với người châu Âu, vì theo gã người châu Âu thường có cái nhìn lý tính, dài hơi hơn nhiều.
Thứ hai, rất nhiều người trẻ Việt Nam sống ảo. "Họ thường phô ra tất cả những gì đẹp nhất của mình lên mạng ảo. Chính vì quá quen sống ảo, ứng xử với cái ảo nên cuối cùng trở lại cuộc đời thì họ lại bối rối, không biết phải ứng xử ra sao" - Marko vừa nhún vai vừa nói.
Gã còn nói thêm, cùng với "sống ảo" thì những người trẻ mà gã gặp trong các quán cà phê thường cúi mặt vào điện thoại và lướt mạng quá nhiều. "Người Việt thích lướt mạng hơn đọc sách, phải không anh?" - gã hỏi ngược lại tôi.
Hỏi mà cũng như tự trả lời rồi, vì năm ngoái, rất nhiều tờ báo Việt Nam đăng tin: một năm, một người Việt đọc trung bình khoảng 4-5 quyển sách, trong khi con số này ở châu Âu dao động từ 40 - 50 quyển. Và cuối cùng, Marko nhận xét người Việt xính ngoại, ưa hình thức. Tôi hơi sốc với hai chữ "xính ngoại" thốt lên từ miệng gã, nên đã hỏi lại: "Em hiểu rõ nghĩa từ này chứ?". "Rõ chứ! Rõ anh ạ" - Gã trả lời.
Gã kể lại chuyện thấy những người bạn nhất định phải mua một cái áo thuộc nhãn hiệu nổi tiếng này/ một cái quần thuộc nhãn hiệu nổi tiếng kia, rất tốn tiền, trong khi theo gã: "Có khi mặc đồ made in Việt Nam còn đẹp hơn thế nhiều. Mà em toàn mặc đồ made in Việt Nam anh ạ".
Thế rồi gã kể về trào lưu của một bộ phận nào đó những người trẻ Việt chạy theo văn hoá phương Tây, và cứ nghĩ một cách lầm lẫn rằng đã là "Tây" thì cái gì cũng tốt. "Trong cuốn tiểu thuyết của em, em đã chỉ ra nhiều góc khuất của cộng đồng Tây ở Việt Nam.
Cũng có những góc khuất như thế ở Tây, vì vậy, không phải cứ hễ Tây là đều tốt cả. Thật tiếc là nhiều người trẻ Việt Nam chỉ chạy theo các giá trị phương Tây, mà không hiểu chính giá trị văn hoá của mình". Riêng về điểm tốt của người Việt thì gã bảo: "Người Việt rất lạc quan anh ạ. Trong hoàn cảnh nào cũng lạc quan. Đấy là điều phương Tây phải học".
Tính đến lúc này, sau 5 năm ở Việt Nam gã đã đi phượt khắp từ Bắc vào Nam và cho biết rất thích thú với văn hoá Việt. Mặc dù mới 33 tuổi nhưng gã đã đi qua 70 nước trên thế giới, và đến lúc này thì khẳng định là sẽ gắn bó lâu dài với Việt Nam. Hiện tại, gã đang yêu một cô gái Việt, và đừng bất ngờ nếu ít nữa sẽ chính thức trở thành rể Việt.
"Em sẽ tiếp tục quan sát Việt Nam và tích luỹ thêm vốn liếng cho mình để viết cuốn thứ 2. Viết xong cuốn thứ nhất, em hết vốn rồi" - Marko bảo. Và gã còn bảo luôn: "Nếu cuốn thứ nhất nói về cộng đồng người nước ngoài ở Việt Nam thì cuốn thứ 2, em dự định sẽ nói về đời sống Việt Nam với sự chênh lệch giàu nghèo và sự xuất hiện của một tầng lớp mà bây giờ người Việt gọi là "đại gia".
Thế đấy! Gã nói hai tiếng "đại gia" như người Việt, và "bắt bệnh" xã hội Việt Nam một cách tinh quái chẳng kém gì người Việt. Thật lòng, tôi đọc cuốn tiểu thuyết đầu tiên của gã vì tò mò xem một người nước ngoài viết văn bằng tiếng Việt sẽ như thế nào, còn bây giờ tôi đang chờ đợi và hy vọng sau vài năm nữa sẽ ngấu nghiến đọc cuốn thứ 2 của gã, không phải với tâm thế này. Mà đấy sẽ là tâm thế của một người phải đọc để còn "tỉnh" ra nhiều thứ.


Nguồn: An Ninh Thế Giới cuối tháng