Hoàng Kim Dung thường viết hay về những đề tài giản dị quanh mình. Đây là lời tự thú của người phụ nữ, khi nói về đàn ông “Nhưng không có đàn ông/ Đàn bà như sống trong cái hộp/ Không có cửa sổ ngột ngạt”. Cứ tưởng rằng, phụ nữ chỉ yếu mềm như vậy. Nhưng ngờ đâu, họ lại có sức mạnh siêu phàm “Nhưng đàn bà/ Cũng làm đàn ông hóa rồ”
KHU VƯỜN NHIỀU BÓNG MÁT
VŨ TỪ TRANG
Có thể nhiều bạn viết, không hình dung Hoàng Kim Dung đã từng sáu năm mặc áo lính. Việc chị vào quân đội, là do ý nguyện của người cha. Ông muốn người con gái có vóc dáng “liễu yếu đào tơ” được vào quân ngũ, rèn rũa cho cốt cách cứng rắn của người chiến sĩ. Sau sáu năm phục vụ trong Trung đoàn 130, Binh chủng Thông tin liên lạc, Hoàng Kim Dung lại trở về môi trường nghiên cứu nghệ thuật của mình. Học tiếp khoa văn, trường Đại học Tổng hợp, trở về Viện nghiên cứu sân khấu (Bộ Văn hóa), chuyên nghiên cứu về múa rối. Chị có nhiều công trình nghiên cứu về nghệ thuật múa rối nước. Rồi tiếp đó, chị chuyển về Tạp chí Sách, làm phó Tổng biên tập nhiều năm, cho đến khi nghỉ hưu.
Cuộc đời công chức của Hoàng Kim Dung tưởng chừng suôn sẻ, nhiều thuận tiện. Nhưng đời tư, lại nhiều đận gập ghềnh. Những năm tuổi thơ, theo mẹ lên Phổ Yên (Thái Nguyên). Mẹ là cô giáo. Dung sớm được hưởng nền giáo dục vừa khuôn phép, vừa lãng mạn. Chiều thứ bảy hàng tuần, hai mẹ con theo chuyến xe lửa đổ hồi còi vào phố trung du, xuôi về ga Hàng Cỏ (Hà Nội). Căn nhà ông bà ngoại thanh bình ở tầng ba, ngôi nhà phố Hàng Ngang. Những ngày chủ nhật, cô bé phố Hàng Ngang lại theo bạn bè tung tăng quanh bờ hồ Hoàn Kiếm. Những cây liễu buông tóc xanh, những cây lộc vừng trút hoa đỏ như những đốm lửa xuống mặt hồ. Có khi ghé vào hiệu sách, có khi vào hiệu kem. Ấy là những năm tuổi học trò thơ thới và tươi đẹp. Năm 1982, xây dựng gia đình. Sáu năm sau, sinh con. Cậu con trai độc nhất. Chăm nuôi con khôn lớn, năm 2006, vợ chồng chị chia tay nhau, sau nhiều năm tháng bất hòa. Chia tay, chị xách va li quần áo, sách vở ra đi. Ra đi, nhưng tâm trạng luôn giằng xé, con trai sẽ sống ra sao. Khi người chồng đổ bệnh, dù tình đã cạn, nhưng nghĩa vẫn còn, chị lại nén lòng trở về chăm sóc. Ba năm cuối, người chồng lâm bệnh nặng, chị là người sẵn sàng làm bất cứ việc gì, giúp anh đỡ cơn đau. Năm 2015, người chồng mất. Gia đình bên nội, mong chị trở về ở cùng với con, làm chỗ dựa cho con. Căn nhà hạnh phúc của hai mẹ con lại chất ngất tình thương yêu. Con trưởng thành, chị lo tổ chức cho con trai có tổ ấm riêng. Ngôi nhà lại ấm thêm, bởi tiếng trẻ nhỏ ríu rít, líu lo. Ngôi nhà năm tầng, phố lớn, lui vào ngõ lớn, đủ cho tiện lợi và sự yên tĩnh. Những bạn bè thân của Hoàng Kim Dung, nói rằng, kết cục có hậu dành cho chị. Kể lan man đôi dòng đời tư của chị, là muốn nói khu vườn nhiều bóng mát chị được hưởng sau này. Dù là khu vườn nhiều bóng mát trong thơ.
Thơ ca, bao đời, nó luôn là tấm gương phản ánh rõ nhất tâm hồn người viết. Chị là người thèm khát đi tới nhiều miền đất. Tâm hồn chị luôn muốn trải dài theo những ngả đường. Khi miền núi. Khi miền biển. Khi xuôi về với đồng bằng bát ngát. Chỉ đọc qua tên các bài thơ, đủ thấy tâm hồn người viết luôn muốn xẻ chia, bám sát thực tế cuộc sống sôi động. Như Qua Ngã ba Đồng Lộc, trước cái chết bất tử của mười cô gái thanh niên xung phong:
Tôi càng hiểu thêm ý nghĩa điều còn và mất
Của kiếp người trong cõi nhân sinh.
Đến địa đạo Vĩnh Mốc, dấu tích sự sống vượt trên đạn bom một thời, chị nhận thức:
Tiếng trẻ thơ chào đời khoai sắn lớn lên
Sự kỳ diệu của con người từ những điều đơn giản nhất.
Tới miền biển đầy nắng và gió, chị phác họa một Quy Nhơn với nhiều nối khắc khoải:
Có nỗi nhớ không chỉ là nỗi nhớ
Có nỗi buồn đâu chỉ có buồn thôi
(Gửi Quy Nhơn)
Hoàng Kim Dung thường viết hay về những đề tài giản dị quanh mình. Đây là lời tự thú của người phụ nữ, khi nói về đàn ông “Nhưng không có đàn ông/ Đàn bà như sống trong cái hộp/ Không có cửa sổ ngột ngạt”. Cứ tưởng rằng, phụ nữ chỉ yếu mềm như vậy. Nhưng ngờ đâu, họ lại có sức mạnh siêu phàm “Nhưng đàn bà/ Cũng làm đàn ông hóa rồ” (Đàn ông). Quả thật, trong thế giới lung linh và đầy bất biến của tình yêu, bao chàng trai đã phát rồ phát dại, vì mất bạn tình của mình. Cõi nhân sinh rộng lớn, con người càng không thể thiếu con người.
Ở tập thơ Trong mưa, tập thơ thứ ba của chị, bài thơ Tuổi bốn mươi, được nhiều bạn đọc đồng cảm.
Tuổi gặp nỗi buồn không muốn nói
Má hồng môi thắm đã qua đi
Để rồi:
Muốn lặng thầm đi lại cháy bùng
Giữa chừng thảng thốt lại như không
Bài thơ ra đời cách đây đã trên hai mươi năm. Có lẽ thời ấy, người phụ nữ cũng khiêm nhường vậy. Phần khác, còn lệ lối sống, lối cảm của người viết. Chứ thời nay, tôi không tin người phụ nữ tuổi bốn mươi, lại có nội tâm giằng xé một cách dịu dàng vậy. Vì phụ nữ tuổi bốn mươi thời nay, đang độ mạnh mẽ, trào sôi lắm. Đó là những đám lửa bừng bừng sức sống. Cái nội lực mạnh mẽ đáng sợ, có thể làm đổ mọi thành quách, bởi họ làm chủ được bản thân. Chứ đâu phải Vườn xưa im ắng nghe cây chín/ Những trái thời gian khẽ phập phồng. Nhưng có lẽ, chính sự “cam phận-dịu dàng” trong bài thơ, lại dễ chiếm được cảm tình của người đọc là vậy chăng?
Hai mươi hai năm, sau tập Trong mưa, Hoàng Kim Dung vừa ra mắt bạn đọc tập thơ Không sớm và không muộn. Tập thơ đánh dấu cái mốc cảm xúc mới mẻ của một nội tâm đã đủ độ chín. Người đọc dễ nhận ra một tâm hồn tươi trẻ, điềm tĩnh trước bao biến động.
Bừng lên những tia nắng sớm mai
Khu vườn trong núi khẽ hát bài ca mùa hạ
Gió nhẹ nhàng thổi xôn xao khu vườn
Những khóm hoa hé nụ đầy sương
(Bản tình ca khu vườn)
Một cảm xúc như hừng sáng, giống như khu vườn bừng lên khi vượt qua những giông gió.
Hãy ngước nhìn bầu trời trong xanh
Gió mênh mang thổi phố xa rất gần
Những hàng cây xanh lá bay trong gió
Chúng ta cảm nhận một ngày nắng đẹp
Vì không phải hôm nào bầu trời cũng xanh như thế
Vì không phải hôm nào gió cũng thổi mênh mang
Người viết, đã đủ lòng tin với chính mình “Người yêu dấu/ Đừng hỏi đường xa/ Cùng nắm tay nhau/ Cứ đi rồi sẽ đến” (Đừng hỏi vì sao). Có được niềm tin như thế, ắt hẳn là người đã làm chủ được mình. Và hình như người ấy đang ngập tràn trong một ánh sáng kỳ ảo nào đó.
Đã bững dậy/ Khúc giao thoa nồng thắm/ Cho muôn hoa trái cỏ cây/ Bừng sáng trong đêm/ Của miền xuân muộn. Cái niềm vui lung linh, như không thể dấu được:
Trong tĩnh lặng vô cùng của đêm
Không ai tìm thấy em
Chỉ riêng có anh
Trong tha thiết dịu dàng như cỏ
Trong dữ dội như biển khơi
(Ánh sáng đêm)
Không quá ảo tưởng trước niềm vui bất chợt, người phụ nữ đã đi qua những cung bậc vui buồn đời mình, đủ tiên lượng xúc cảm của mình và đã “Tự biết”:
Tôi không thể chân trần trên cát bỏng
Vượt đường xa ngàn dặm giữa hoang vu
Tôi không thể qua sông dài biển rộng
Khi không con tàu vượt sóng đại dương
Tôi nhỏ nhoi trước bão tố gầm gào
Đôi vai gày nhiều khi như sắp ngã...
Tuy nhiên, người phụ nữ nào chả có phút yếu mềm, nhất là con người chị lại mang nặng tâm hồn người làm thơ. Một đêm mưa muộn, đủ làm tâm hồn dễ ủ dột:
Bao lâu rồi đêm nay ta sợ
Bao lâu rồi đêm nay buồn bã
Bao lâu rổi nước mắt ta rơi
(Đêm mưa)
Cái cảm giác đó, lặp lại trong một hoàn cảnh khác, một “Đêm mưa ở núi”, chị lại thốt lên: Tôi như mưa gió ở trong lòng. Lại một ngày chủ nhật, với người khác, có thể đó là ngày vui đoàn tụ. Còn ở chị, nỗi buồn cô đơn như phơi ra không dấu được Một mình một mình lại một mình. Cái trạng thái cô đơn, chứ không phải cô độc, không riêng gì chị, mà như ai chả từng nếm trải. Nhưng khốn nỗi, trái tim của thi sĩ, bao giờ chả thấy cô đơn. Tràn ngập cô đơn. Cô đơn trước đám đông. Cô đơn bên người thân. Cô đơn với chính mình. Cô đơn, như một thuộc tính, để đồng hành với sáng tạo.
Hình như trong thơ, Hoàng Kim Dung càng thật với chính mình. Cứ ngỡ trong khu vườn đầy ánh sáng huyền ảo kia, ngập tràn tiếng nói, tiếng cười, hay đâu, người chủ khu vườn tốt tươi ấy, lại thốt lên thân phận của mình:
Nhiều khi tôi như thân cò
(Nhiều khi)
Ở hoàn cảnh mêng mang khác, “Có những khi sao yếu đuối mỏng manh/ Như người ốm tưởng mình sắp ngã” chị cũng lại thốt lên:
Thì mình cũng như thân cò lặn lội.
(Biển và anh)
Sự chân thành, không biết dấu mình, ấy đôi khi, lại tạo ra sức mạnh của thi ca. Ở tập thơ “Không sớm và không muộn” nhiều người quý tác giả của nó hơn, bởi sự chân thành đó. Hoàng Kim Dung kể rằng, đôi khi, cũng khổ vì sự chân thành. Chả là, trong thơ, chị không dấu mình sự cô đơn. Ấy rồi tháng trước, có một nhà thơ xách va li quần áo từ tỉnh xa về gặp chị. Dáng độ phong trần, áo phông quần bò, mũi giày còn vương bụi đường xa. Nhà thơ kia tuyên bố nhất định sẽ ở lại cùng chị, để chị đỡ phần cô đơn. Hoàng Kim Dung hốt hoảng kêu lên “Ấy là em kêu cô đơn trong thơ, chứ đời thường em đâu cô đơn. Em có con trai em, con dâu em và thằng cháu nội cực kỳ đáng yêu. Làm sao em cô đơn được”. Nhà thơ đường xa đến, lại tưởng như chị thử thách mình. Anh lại thảng thốt, anh biết, anh biết, em vô cùng cô đơn. Anh muốn chia sẻ sự cô đơn cùng em. Chị phải pha hai tuần trà, mới giảng giải để anh nhà thơ kia vui lòng xách va li quần áo đi khỏi nhà mình.
Lại nhớ năm trước, một nhà thơ từ Lâm Đồng ra, đến thăm và rất muốn đón chị vào thành phố bạt ngàn thông trong đó, sinh sống cùng anh. Anh bảo, tại câu thơ Một mình một mình lại một mình của chị, ám ảnh anh. Anh thấy mình có lỗi, nếu để chị sống một mình. Thì ra, sự chân thành trong thơ, đôi khi làm phiền toái cho chị. Chị nói rằng, chị chúa ghét những câu thơ rên rỉ buồn đau của một vài nhà thơ khác. Chị yêu cuộc sống này. Yêu và xây dựng cuộc sống như yêu một khu vườn có nhiều bóng mát. Ở đấy, có hương hoa quả bốn mùa tươi tốt. Có tiếng chim hót líu lo. Có cả những cánh ong rù rì siêng năng kiếm mật. Tầng trên khu vườn, những búp lá xanh non, líu ríu vẫy chào bầu trời thánh thiện cao xanh. Ở tầng giữa các vòm cây, có cả những cành lá tơ tướp vừa trải qua những cơn mưa bão. Những cành lá bị thương đang quẫy mình trở lại sự sống tươi tốt, bất diệt. Dưới tầng lá, có cành cây bị gãy, như cánh tay người bị trơ xương. Thân cây vẫn rần rật dâng dòng nhựa ứa lên những búp, những cành. Những rễ chùm, rễ cọc vẫn âm thầm vặn mình dưới lòng đất, chuyển tải sự sống cho cây. Những bóng nắng lưa thưa, lọc qua các tán lá, tạo các vệt nắng tròn nhảy múa như trò ú tim trẻ nhỏ trên thảm có rờn xanh. Giữa khu vườn nhiều bóng mát, chị muốn nhủ khách bộ hành hãy dừng chân đôi chút. Rồi hãy tiếp tục cuộc hành trình lữ thứ của kiếp người.
Để tỏa ngát hương thơm kỳ lạ
Trong đắm say sang trọng
Trong nhớ nhung vời vợi
Sao đẹp tươi xanh
Sao rạo rực nắng về.
(Bản tình ca khu vườn)
Trước vẻ đẹp trang trọng của thiên nhiên, con người như được tự tin và an nhiên hơn. Những câu thơ trong bài thơ Đừng hỏi vì sao đã nói hộ nỗi niềm của chị:
Nào vô tư đi bên nhau
Hồn nhiên nghe cây hát trên đường
Gió vẫn thổi mang hương thơm
Của hoa hồng xứ sở…
Nguồn: Văn Nghệ