Trong bài ”Thơ viết cho những cuốn sách”, Ngô Thế Oanh viết: “Những bạn đường thân thiết của ta/ Vẫn lặng lẽ khiêm nhường trên giá/ Sau những gì ta đã trải qua/ Còn các bạn ta còn tất cả/ Ta từng biết bao niềm vui khác/ Niềm vui nào cũng lẫn chút đắng cay/ Ta từng gặp bao điều dối trá/ Biết làm sao phiền tạo cuộc đời này/ Cả những gì ta vô cùng yêu mến/ Cũng đôi khi đã khiến ta buồn/ Ta khát mãi một chân trời thuần khiết/ Tâm hồn ta nhạy cảm tựa vết thương/ Chỉ còn lại vô tư lòng các bạn/ An ủi ta khi đơn độc một mình/ Chỉ còn lại sự tận tâm các bạn/ Đi cùng ta trong suốt cuộc hành trình...”.
NHÀ THƠ NGÔ THẾ OANH THẢN NHIÊN MÀ SỐNG
ĐOÀN TUẤN
Một lần, vào những ngày giáp tết, đang ngồi uống trà ở 51 Trần Hưng Đạo, Hà Nội, anh Ngô Thế Oanh bỗng hỏi: “Sáng nay em bận gì không?”. Tôi như một kẻ vô công rồi nghề, chẳng có việc gì cụ thể: “Bận gì đâu anh”. Anh Oanh rủ: “Anh em mình xuống thăm anh Xuân Diệu đi”. Ngừng một lát, anh nói tiếp: “Mộ người khác có gia đình chăm. Anh Xuân Diệu có một mình…”. Tôi hiểu. Và chở anh Oanh đi ngay.
Dạo đó, phần mộ nhà thơ Xuân Diệu còn đặt ở nghĩa trang Văn Điển. Qua chợ, chúng tôi mua chút đồ lễ. Ngày đó, nghĩa trang Văn Điển còn nhiều cỏ dại. Những lối vào các phần mộ còn ngập nước. Chúng tôi phải tháo giày, lội chân không vào thắp hương. Gặp ở đây nhiều phần mộ của các văn nghệ sĩ khác như nhà thơ Hồ Dzếnh, tài tử Ngọc Bảo... Anh Oanh trân trọng dọn cỏ, nhặt lá, cắm hoa, thắp hương cho “Thi sĩ của tình yêu”. Bầu trời mùa đông trĩu thấp. Gió nghĩa trang lồng lộng. Nhang nghi ngút cháy. Anh Oanh tâm sự với nhà thơ Xuân Diệu khá lâu. Còn tôi, chạy loăng quăng, thấp hương cho những nghệ sĩ khác.
Ngồi lặng im dưới hàng cây xà cừ, chờ cho hết tuần hương, suy nghĩ vẩn vơ. Mãi sau này, tôi mới biết, anh Oanh có nhiều kỷ niệm với nhà thơ Xuân Diệu. Hai người cùng có quê cha Hà Tĩnh và quê mẹ Bình Định, như Xuân Diệu viết: “Ông đồ Nghệ đeo khăn gói đỏ/ Vượt đèo Ngang kiếm nơi cần chữ/ Cha Đàng Ngoài mẹ ở Đàng Trong/ Hai phía đèo Ngang một mối tơ hồng”. Từ đó, tôi biết thêm, năm nào cũng vậy, anh Oanh đều dành thời gian chăm sóc phần mộ nhà thơ mỗi khi có dịp.
Ngô Thế Oanh là người sống hết sức lặng lẽ. Anh chỉ cốt làm mọi việc cho tâm hồn thanh thản. Một lần khác, buổi trưa, tôi vừa từ Hãng Phim truyện phóng Honda về quán trà cũ. Anh Oanh lại hỏi: “Em bận gì không?”. Tôi cười: “Em thì bận gì”. Anh Oanh rủ: “Ra ngoại thành được không?”. “Có việc gì anh?”.
Anh thầm thì: “Con Lem nhà anh nó cứ đòi tìm cho nó bông lúa. Cả lớp nó không ai biết bông lúa là thế nào”. Tôi hiểu, con gái anh đang học trường cấp II Trưng Vương, Hà Nội nhưng chưa được nhìn thấy bông lúa bao giờ. Tôi cười: “Em thấy bên phố Hàm Long, người ta bán bông lúa giả của Thái Lan, đẹp lắm!”. Anh Oanh tưởng thật: “Lúa giả à? Cho tụi trẻ xem lúa giả không tốt đâu. Ngộ nhỡ sau này...”. Biết mình đùa như thật, tôi vẫn chở anh ra ngoại thành, hái mấy bông lúa, cẩn thận bọc lại về làm “giáo cụ trực quan” cho bọn trẻ.
Lần khác, vẫn bên quán trà cô Vân ở sân 51 Trần Hưng Đạo, tôi thấy anh đứng ngồi không yên. “Có chuyện gì thế anh?” - tôi hỏi. “Anh muốn sang Bắc Ninh mà đường xa quá... Có hai đứa cháu gái bị bắt cóc, bán sang Trung Quốc”. Chà, việc nguy thế này, phải đi ngay. “Nhưng anh sang thì giúp được gì?”. “Ít ra cũng thăm hỏi, động viên ông chú, bà dì”.
Khi chúng tôi sang, cô em đã về được, cô chị thì chưa. Cô em kể, hai người bị một bà làng bên rủ sang Hà Nội bán hàng. Lên xe bus, ngồi một lúc thì người cứ mê mệt, không biết gì nữa...”. Ôi, những cô gái quê chất phác, làm sao chống nổi những nanh nọc người đời!
Có hôm, thấy anh cầm bó hoa hồng trắng. Tôi hỏi, anh trả lời: “Chiều ghé thăm nhà anh Trần Vũ Mai. Hôm nay là ngày giỗ anh ấy!”. Có hôm gặp anh cầm hộp quà gói rất cẩn thận. Tôi chưa kịp hỏi, anh đã thầm thì: “Anh mua chiếc áo bằng thổ cẩm để tặng anh Thu Bồn”.
Lại có buổi sáng, tôi định rủ anh lang thang hàng sách cũ. Anh hẹn hôm khác. Vì sáng ấy, anh đi thắp hương cho nhà văn Chu Cẩm Phong. Tôi hỏi: “Mộ anh Phong ở Hội An cơ mà?”. “Anh đến chùa Vũ Thạch, nơi có bia tưởng niệm anh Phong do chị Liên gửi thờ”. Ôi, tình bạn, tình yêu trong chiến tranh, kéo dài qua cả hai thế kỷ, giờ vẫn cháy lên ngọn lửa xanh ngời.
Ngô Thế Oanh là thế. Ai đó nói: “Làm người tốt khổ lắm”. Ừ, thì việc gì cũng phải bớt chút thời gian, công sức, tiền của để làm cho người thân vui lòng. Nhưng, tôi nghĩ, như anh Oanh, được làm người tốt cũng hạnh phúc lắm chứ. Ít ra, cho lòng mình bình yên giữa cuộc đời biến động. Làm tốt, như để thanh tẩy mình. Làm tốt, như để tự mình cân bằng đời sống nội tâm. Như trong bài thơ Trữ tình, anh tự nhủ: “Không hé một lời. Không điên dại/ Thản nhiên anh sống giữa mọi người”.
Suốt hơn 20 năm, tôi được làm việc ở sân 51 Trần Hưng Đạo, cùng anh Oanh. Sân này có đủ các hội. Nào Sân khấu, nào Điện ảnh, nào Mỹ thuật, nào Âm nhạc v.v... Anh Oanh bên Sân khấu. Tôi bên Điện ảnh. Sứ quán Pháp nằm cạnh. Nơi đây, sáng nào các văn nhân, tài tử cũng tụ tập. Thi sĩ Hoàng Cầm da trắng như cớm nắng với đôi mắt đa tình; nhà thơ Lê Đạt thấp đậm, nhanh hoạt, lúc nào cũng nở nụ cười rộng rãi ấm áp trên môi; thi sĩ Phùng Quán râu dài, quần áo nâu, mũ lá, lúc nào cũng đeo túi thơ bên mình; nhà sử học Trần Quốc Vượng rất lãng tử, đôi mắt tinh anh nói toàn chuyện phiếm mà nặng lòng thời thế; họa sĩ Mai Văn Hiến dáng người cồng kềnh như lão nông, thường nồng mùi rượu. Anh Đào Hùng từ Nhà xuất bản Thế Giới góc bên ghé sang. Vợ chồng dịch giả Đoàn Tử Huyến có hiệu sách ngay bên cạnh. Nhạc sĩ Khắc Huề có phòng ca nhạc bên trong... Và còn lớp sau nữa như Trúc Cương, Trịnh Thanh Sơn, Hoàng Hồng Cẩm, Hoàng Phượng Vỹ cùng nhiều tên tuổi khác.. Bao nhiêu chuyện đã trôi qua nơi này. Nhưng tôi nhận thấy, anh Ngô Thế Oanh ít khi tranh luận. Mặc cho ai nói về quan điểm nọ, chủ nghĩa kia, anh chỉ là người lắng nghe, thỉnh thoảng đưa ra những ví dụ minh họa, những nhận xét khá xác đáng. Tên tuổi, sự nghiệp của các họa sĩ, các nhà thơ, nhà văn lớn trên thế giới, hình như anh đều có tìm hiểu. Những tác phẩm và phong cách của họ, anh dẫn giải tự nhiên, bình dị. Tôi không biết, bằng cách nào anh đã thu nhận trong mình một khối lượng kiến thức văn hóa, nghệ thuật được như vậy.
Tốt nghiệp Khoa Văn Đại học Tổng hợp Hà Nội, năm 1971, anh tình nguyện xin vào chiến trường. Nơi anh đứng chân là mặt trận Quảng Đà vô cùng ác liệt. Tại nơi này, nhà văn Chu Cẩm Phong, người bạn cùng trường, cùng Khoa Văn, học trước anh 4 khóa, đã hy sinh; nữ nhà văn Dương Thị Xuân Quý đã ngã xuống... Và anh đã cùng các nhà văn - chiến sĩ, những người đồng đội như nhà thơ Bùi Minh Quốc, nhà viết kịch Nguyễn Khắc Phục, nhà báo Trần Văn Thành, nhà báo Dương Đức Quảng... đi qua cuộc chiến, có mặt ở Sài Gòn vào ngày 30 tháng 4 năm 1975 vĩ đại.
Tại Sài Gòn, Ngô Thế Oanh đã gặp nhà thơ Thanh Thảo từ Tây Ninh về. Hai chiến binh, hai cựu sinh viên cùng trường gặp nhau, cùng có sở thích sưu tầm sách. Các anh mua đủ loại: Văn học, triết học, cổ điển, hiện đại... của Tây, của ta, chất đầy quanh nhà. Rồi sau đó, các anh ra miền Trung, về trại viết Quân khu V do nhà văn Nguyễn Chí Trung làm trưởng trại.
Và khi ra Hà Nội, Ngô Thế Oanh lại khệ nệ mang theo những thùng sách đó. Nhiều bạn bè cùng lứa, người mua xe máy, người mua tủ lạnh v.v... Nhưng sau này, những tiện nghi vật chất đó dần hỏng hết. Riêng những cuốn sách cũ, ngày càng giá trị. Tôi hay ngồi ở phòng làm việc của anh, xung quanh toàn sách. Nhà anh cũng vậy. Bốn bức tường là sách.
Tôi đã chứng kiến nghi lễ nhà thơ Huy Cận trân trọng tặng sách cho nhà thơ Ngô Thế Oanh ra sao. Nhà thơ Lửa thiêng ghi nắn nót từng chữ. Nhà thơ ”Tâm hồn” - tên một tập thơ của Ngô Thế Oanh, xuất bản năm 1995 - đưa hai tay cảm động đón nhận cuốn sách bìa cứng trong căn phòng nhỏ cũng bừa bộn sách.
Trong bài ”Thơ viết cho những cuốn sách”, anh viết như cho chính mình: “Những bạn đường thân thiết của ta/ Vẫn lặng lẽ khiêm nhường trên giá/ Sau những gì ta đã trải qua/ Còn các bạn ta còn tất cả/ Ta từng biết bao niềm vui khác/ Niềm vui nào cũng lẫn chút đắng cay/ Ta từng gặp bao điều dối trá/ Biết làm sao phiền tạo cuộc đời này/ Cả những gì ta vô cùng yêu mến/ Cũng đôi khi đã khiến ta buồn/ Ta khát mãi một chân trời thuần khiết/ Tâm hồn ta nhạy cảm tựa vết thương/ Chỉ còn lại vô tư lòng các bạn/ An ủi ta khi đơn độc một mình/ Chỉ còn lại sự tận tâm các bạn/ Đi cùng ta trong suốt cuộc hành trình...”.
3.
Tôi gặp anh Ngô Thế Oanh lần đầu vào cuối năm 1991 khi sinh viên Khoa Văn Trường Đại học Tổng hợp tổ chức đêm thơ. Tôi đến dự. Lắng nghe. Tôi thật sự bất ngờ khi nghe anh Oanh đọc bài thơ “Độc thoại Mandelstam”. Đối với tôi, khi ấy, nhà thơ Nga này cùng với vợ ông, nữ thi sỹ A. Akhmatova mới được in lại ở Moscow. Và báo chí viết về cuộc phỏng vấn của Osip Mandelstam với người cộng sản Nguyễn Ái Quốc khi ông nhận ra từ con người Việt Nam giản dị này tỏa ra ánh sáng “văn hóa của tương lai”. Tôi cũng đang đọc Mandelstam nhưng chưa dám dịch. Gặp anh Oanh, được anh chia sẻ về nhà thơ mình yêu mến. Từ đó, chúng tôi thường gặp nhau, nói những chuyện mà như Nguyễn Bính thường tự giễu là “toàn thứ viển vông”.
Ngô Thế Oanh là người sống giản dị. Bởi anh đã từng nhìn thấy những sự giàu có. Ngày Đà Nẵng mới giải phóng, có người nhờ anh đong từng lon nhẫn vàng. Và anh giúp họ vô tư, lòng không mảy may vương vấn. Tôi đã nghe những chuyện, anh cùng các anh Thanh Thảo, Ngụy Ngữ, Lê Văn Ngăn, Thái Bá Lợi... rong chơi bao năm mà túi rỗng không vẫn vô tư như những người giàu nhất. Bởi các anh đã có những động lực sáng tạo thúc đẩy và mục đích văn chương dẫn dắt. Bỏ lại xe Honda ở Sài Gòn cho người bạn, nhảy xe đò ra Huế chơi như không. Điều này đã được nhà thơ Thanh Thảo kể rất vui trong hồi ức “Lang thang trong chiến tranh”.
Những người lính làm văn nghệ, chỉ cốt thỏa mãn chí tang bồng của người trai thời đất nước cắt chia. Và được hạnh phúc trở về sau cuộc chiến, các anh hiểu giá trị đời thường. Và khi cầm bút, những cánh rừng, những trận đánh, những gương mặt đồng đội, nhân dân năm xưa hiện ra. Họ đã sống và đã chết như những gì giản dị. bình thường nhất. Ngô Thế Oanh viết về họ hay viết về những gì hôm nay đều với giọng thơ giản dị nhưng sâu sắc. Giở tập “Tâm hồn” (Nhà xuất bản Đà Nẵng) của anh, tôi có thể chọn một bài bất kỳ nhưng bài nào cũng chân thành, da diết. Hãy cùng đọc bài “Những ngọn gió ký ức”: “Anh làm sao tắt ngọn gió ký ức/ vẫn thổi không sao nguôi được/ những dặm đường đã qua trong chiến tranh/ hoa lau trắng/ buổi chiều cao chất ngất/ nấm mộ vô danh/ đồng đội anh nằm lại bên đường/ chỉ có đá xếp vùi thay cho đất/ chỉ ngọn lửa cháy thay cho nước mắt/ và lời thề vang âm thầm/ Anh đã trở lại bình yên với cuộc sống đời thường/ căn nhà/ tiện nghi/ vợ con/ những gì ngỡ vượt xa điều anh từng ước muốn/ cả những dòng thơ thời nào anh mộng tưởng/ những dòng thơ từng ám ảnh anh/ Nhưng vì sao/ vì sao/ biết bao lần/ chợt lại dậy lên/ ngọn gió thổi không nguôi từ ký ức”.
Ngô Thế Oanh viết không nhiều. Hình như anh chỉ in khi có được sự tài trợ cho người kháng chiến cũ, nói như nhà thơ Thanh Thảo. Nhưng những gì anh viết từ trước, càng đọc lại, tôi càng thấm thía. Bởi thơ anh, không chỉ nói cái bên ngoài mà tìm kiếm cách nói bằng những hình ảnh ấn tượng nhất và giá trị sâu xa với những điều bình thường nhất.
Nguồn: An Ninh Thế Giới giữa tháng