Trong nền văn học Cách mạng, có nhiều nhà văn là nhà phê bình tên tuổi. Hoài Thanh là một trường hợp tiêu biểu. Có thể vì những lý do nào đó mà thời kỳ kháng chiến chống Pháp, ông phủ nhận Thi nhân Việt Nam, nhưng thực tế đời sống cho thấy chính tác phẩm này đã làm nên tên tuổi của ông.
MẤY Ý KIẾN VỀ PHÊ BÌNH VĂN HỌC HÔM NAY
TÔN PHƯƠNG LAN
1.
Nhiều người đã nói đến phê bình văn học vừa mang chức năng khoa học văn hoc lại vừa mang chức năng của nghệ thuật. Nhà phê bình văn học Thiếu Mai lúc sinh thời đã đặt tên cho tập tiểu luận phê bình của mình là Hái giữa đôi bờ, hẳn là trên cơ sở của cái “lý’ này.
Trong nền văn học Cách mạng, có nhiều nhà văn là nhà phê bình tên tuổi. Hoài Thanh là một trường hợp tiêu biểu. Có thể vì những lý do nào đó mà thời kỳ kháng chiến chống Pháp, ông phủ nhận Thi nhân Việt Nam, nhưng thực tế đời sống cho thấy chính tác phẩm này đã làm nên tên tuổi của ông. Và trong nền phê bình sau Hoài Thanh, ông mở ra một khuynh hướng phê bình: phê bình cảm thụ, duy mỹ - một khuynh hướng mà thời kỳ đất nước có chiến tranh nó không được khuyến khích nhất là một khi phê bình được coi là một vũ khí trên mặt trận tư tưởng. Sau 1986, cùng với sự phát triển chung của nền văn học, đời sống nghiên cứu, lý luận - phê bình đã có những thay đổi cả về bề rộng lẫn chiều sâu trong đó có sự đóng góp của lối phê bình duy cảm - duy mỹ.
Các lý thuyết của phương Tây đã được du nhập. Trong vài thập niên đầu của thời kỳ đổi mới, thi pháp học được nổi lên và có đóng góp trong đời sống lý luận - phê bình. Ở đây, cần ghi công của Giáo sư Trần Đình Sử, chí ít là với tinh thần và thái độ nhập cuộc, nên một lý thuyết không còn là mới mẻ ở phương Tây nhưng khi nhập vào Việt Nam, nó đã được giới phê bình, nhiều đồng nghiệp và học trò ủng hộ. Và trong tình hình bấy giờ thi pháp học có sức lan tỏa sâu rộng, không chỉ là với các sinh viên cao học, các nghiên cứu sinh mà thi pháp còn là “khởi điểm” cho nhiều cây bút phê bình khi viết về một tác phẩm, tác giả, một thể loại.
Từ sau đổi mới với sự du nhập của nhiều lý thuyết mới, nhiều cây bút nghiên cứu phê bình đã ghi dấu cho mình như Đỗ Lai Thúy với phân tâm học, Trịnh Bá Đĩnh với chủ nghĩa cấu trúc, Trương Đăng Dung với lý thuyết tiếp nhận, Lã Nguyên với phê bình ký hiệu học, ... Rồi là dòng ý thức, diễn ngôn... Điều đó cho thấy, cũng như sáng tác, phê bình văn học cũng đã có sự vận động và phát triển như một nhu cầu tự thân trong bầu khí quyển mới.
2.
Không khó để thấy một đội hình đội ngũ những người phê bình của nhiều thế hệ.
Từ đầu thế kỷ mới đến nay, những người cầm bút từ khoảng đầu những năm 70 vẫn là một lực lượng đông đảo, giữ vị trí chủ chốt trên các báo và tạp chí ở phía Bắc, vốn là những cán bộ giảng dạy, cán bộ nghiên cứu ở các trường Đại học, Viện nghiên cứu. Những La Khắc Hòa, Lê Thành Nghị, Bùi Việt Thắng, Phan Trọng Thưởng, Nguyễn Ngọc Thiện, Trần Đăng Suyền, Nguyễn Đăng Điệp, Hồ Thế Hà, Chu Văn Sơn, Văn Giá, Đỗ Lai Thúy, Phan Huy Dũng, Lưu Khánh Thơ, Bích Thu, Tôn Phương Lan, Mai Hương, Lý Hoài Thu, Trần Thị Trâm, Nguyễn Hữu Sơn, Lê Dục Tú, Nguyễn Đình Tú... Họ là những người sống lâu năm với văn đàn, với nghề tuy sự xuất hiện của họ trên văn đàn dường như càng ngày càng ít hơn do những công việc quản lý, đào tạo chiếm mất khá nhiều thời gian, hoặc do những hạn chế về sức khỏe và tuổi tác. Cách đây ít lâu, Nguyễn Hòa là một cây bút xông xáo, thiện chiến mà ngay tập phê bình của anh cũng cho thấy được thái độ của người viết: Bàn phím và cây búa. Ngòi bút anh vươn ra nhiều tác giả, vấn đề, nhất là ở những chỗ nóng như “đạo văn”, hoặc “gõ cửa” những tác phẩm mà lời “khen” còn vênh lệch với những chuẩn mà anh cho là đích thực. Và anh được dư luận chú ý trong hai luồng cảm giác mỗi khi bài của anh xuất hiện: e ngại và tò mò. Vậy nhưng không biết vì lý do gì mà mấy năm nay ít thấy anh ít xuất hiện hơn. Rồi Chu Giang Nguyễn Văn Lưu mà tên sách Luận chiến văn chương cũng đã cho thấy được tinh thần mà tác giả này đưa vào đời sống phê bình...; tất nhiên sức thuyết phục trong những bài luận chiến ấy đến mức nào lại là vấn đề khác. Qua một vài hiện tượng tranh luận trên văn đàn, tôi nghĩ đến câu thành ngữ “của cho không bằng cách cho”, “nói phải củ cải cũng nghe”. Rất cần tránh hiện tương “hòn bấc ném đi, hòn chì ném lại” mà để làm được điều đó, rất cần sự ôn hòa, bình tĩnh, thấu lý đạt tình.
Cũng cần phải nói thêm rằng, các nhà phê bình thế hệ này vẫn thuộc hơn với vùng đất mà lâu nay vốn quen canh tác: sáng tác của những nhà văn từng tham gia hoặc viết trong giai đoạn chiến tranh chống Mỹ. Đòi hỏi sức sáng tạo có tính khai mở như với thế hệ trẻ, tôi nghĩ là việc hơi khó nhưng đánh giá một cách tổng quan những đóng góp của từng cá nhân trong một cái nhìn khách quan khi ít nhiều có độ lùi và tính định hình ở từng cây bút là việc cần thiết. Giải thưởng lý luận phê bình Hội Nhà văn năm 2018 trao cho Lê Thành Nghị với Bóng người trong bóng núi là một ví dụ. Tất nhiên không chỉ có thế. Gần như viết về các nhà văn thế hệ chống Mỹ và trước đó, các nhà phê bình đã có những đánh giá mang tính tổng kết thấu đáo. Phê bình hàn lâm thường không có tính kịp thời, nhưng sâu sắc, kỹ càng. Có thể tìm thấy điều này trong các công trình của các nhà phê bình - nghiên cứu công tác ở các Viện, các Trường Đại học mới xuất bản hoặc trong những bài viết lẻ gần đây trên các báo và tạp chí của Hội, của Viện. Theo tôi, tính “trực chiến” ở thế hệ này tiêu biểu nhất có lẽ là Bùi Việt Thắng. Hai tập tiểu luận phê bình Thi pháp tiểu thuyết hiện đại và Hà Nội - Từ góc nhìn văn chương của anh mới xuất bản là một minh chứng thuyết phục về việc đọc nhiều, viết nhanh, viết khỏe, cập nhật với sáng tác của nhiều thế hệ thế hệ, so với những đồng nghiệp cùng trang lứa... Một cây bút nổi lên trong thời gian gần đây với lối viết gây ấn tượng là trường hợp Khuất Bình Nguyên. Giọt sương trong lá sen (Giải thưởng lý luận phê bình Hội Nhà văn 2016) và Giấu vàng trong gió thu hấp dẫn người đọc bởi chất văn trong phê bình khi anh tạo ra các cách tiếp cận khác nhau cho mỗi chân dung văn học. Thế hệ này có những người sáng tác viết phê bình gây được dấu ấn như Văn Chinh, Vũ Từ Trang, Phạm Khải... Người sáng tác viết phê bình so với người nghiên cứu có cái khó nhưng cũng có những thuận lợi, chí ít là thẩm thơ và lựa chọn chi tiết.
Một đội ngũ những người phê bình văn học trẻ đã định hình và đang dần chiếm lĩnh văn đàn, sẽ thế chân cho thế hệ trước. Nói là trẻ nhưng về tuổi đời thực sự họ không còn trẻ. Đó là những cây bút trên dưới bốn mươi, đang hoạt động trên các báo, tạp chí với hai khuynh hướng hàn lâm và báo chí mà các tên tuổi như Hoàng Đăng Khoa, Trần Thiện Khanh, Lê Hồ Quang, Nguyễn Thanh Tâm, Đoàn Ánh Dương, Đỗ Hải Ninh, Lê Hương Thủy, Nguyễn Hoài Nam, Thái Phan Vàng Anh, Cao Hồng, Cao Kim Lan, Hoàng Thụy Anh, Phan Tuấn Anh, Trần Ngọc Hiếu, Mai Anh Tuấn... đã không còn xa lạ. Đây là một thế hệ sung sức, hầu hết sử dụng được ngoại ngữ cho chuyên môn, năng động và có chính kiến. So với thế hệ trước, đội ngũ này có lối tiếp cận vấn đề và cách viết mới mẻ, hấp dẫn hơn. Từ ngữ, dưới ngòi bút của họ, dường như cũng tung tẩy, điệu đà và mạnh mẽ nên vấn đề mà họ truyền tải trở nên có sức bật hơn trên con đường đến với bạn đọc…
Phê bình trẻ gắn với văn học trẻ, như một sự tương đồng. Đơn giản là nhiều khi, cũng như trong đời sống gia đình, mỗi thế hệ có những cách sống, cách tư duy và thị hiếu, thói quen ... khác nhau, tuy không đến nỗi cách biệt. Hội nghị viết văn trẻ Hà Nội vừa tổ chức ngày 12/11 vừa qua đã cho thấy tiếng nói của các nhà văn trẻ - những tiếng nói khác nhau nhưng đồng nguyện ở một mục đích: kéo văn chương lại gần với độc giả, văn chương là vấn đề của con người và phải được thế giới biết đến. Muốn thế phải khuyến khích mọi sự sáng tạo, tìm tòi. Những tiếng nói của giới trẻ, của người sáng tác, chỉ trong phạm vi Hà Nội, nhưng có thể là tiếng nói chung của giới viết văn trẻ, tuy chưa thật đầy đủ, nhưng thể hiện một khát khao được đổi mới, được thể hiện, cần được nâng đỡ, khuyến khích và chú ý.
3.
Trở lại với vấn đề phê bình văn học là một công việc đi giữa đôi bờ văn chương và nghệ thuật, những năm gần đây, với các lý thuyết du nhập từ phương Tây, phê bình văn học cũng mang sắc thái khác. Tính chuyên nghiệp đã định hình được thể hiện trong nhiều bài viết, hoặc được rút từ các luận án, hoặc do những người viết đã chín hơn sau một thời kỳ làm luận văn, luận án. Diện khảo sát được mở rộng hơn, vấn đề được đi sâu hơn. Chẳng hạn, nghiên cứu hình tượng người nông dân đã được gắn với nông thôn và nông nghiệp, đã đặt trong chiều dài lịch sử cũng như điều kiện xã hội ngày nay. Chẳng hạn nghiên cứu vấn đề chiến tranh đã dần thoát ra khỏi cái nhìn “địch - ta”, đã đi sâu vào nhân tính, vào hòa hợp dân tộc, đi vào những đề tài mới. Đã có những bài viết về văn học hải ngoại, coi văn học này là một bộ phận của văn học nước nhà. Đã có những bài viết về một số tác giả đô thị miền Nam thời đất nước cắt chia nhằm đánh giá thỏa đáng những đóng góp của họ cho văn học dân tộc. Đã đến lúc cần phải có cái nhìn công tâm, khoa học đối với văn học nói riêng và văn hóa nghệ thuật ở vùng đô thị miến Nam trước 1975.
Những vấn đề nêu trên, trên thực tế, được thực hiện trong các đề tài luận văn, luận án, các đề tài khoa học ở các viện, các trường. Tuy nhiên đáng tiếc là ít hoặc chưa được công bố công chúng rộng rãi vì nhiều lý do, trong đó có lý do ở các báo và tạp chí hiện nay, mảng lý luận phê bình hình như chưa được chú ý đúng mức.
Cùng chung “cảnh ngộ” với văn hóa đọc trong tình hình hình văn hóa nghe nhìn lấn lướt, phê bình văn học cần có những định hướng để phát triển. Thử tổ chức một hội thảo bài bản về phê bình văn học trẻ để có sự nhận dạng, khuyến khích họ, vì đây là công việc nặng nhọc, thù lao ít... nhưng lại rất cần cho sự phát triển của một nền văn học. Chắc chắn rằng ở đó sẽ có những tiếng nói cần được lắng nghe, cần được thấu hiểu