Thơ haiku góp phần tôn vinh văn hóa Nhật và thắt chặt tình hữu nghị Việt – Nhật nên Tổng lãnh sự quán Nhật ở TP. Hồ Chí Minh hai năm một lần mở cuộc thi thơ haiku. Rất nhiều người tham dự mặc dù cuộc thi rất khó ăn… Bất ngờ kết quả cuộc thi thơ haiku lần này lại lọt về tay Lâm Long Hồ của Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật An Giang.




LÂM LONG HỒ VỚI GIẢI THƠ HAIKU

NGÔ KHẮC TÀI

Hai thể loại thơ có số lượng câu chữ ngắn nhất và nổi tiếng phải kể đến là thơ tứ tuyệt của Trung Quốc và thơ bài cú (haiku) của Nhật Bản. Thơ tứ tuyệt bốn câu hai mươi tám chữ. Ở câu số hai và bốn đúng luật phải có vần. Khó ở chỗ bốn câu gọi là khai, thừa, chuyển, hợp; nghĩa là câu đầu mở ra, câu hai thêm ý vào, câu ba chuyển ý như ngược lại nhưng câu thứ tư lại hợp ba câu trên như thành câu hỏi để cho bạn đọc bất ngờ trước khoảnh – khắc – trong – cái – vô – cùng. Vì vậy mới được gọi là tuyệt. Người đọc cảm xúc nhưng khó nghĩ thêm ý gì mới hơn. Rất nhiều người làm thơ bốn câu nhưng không phải là tứ tuyệt.
Thơ haiku ngắn hơn với mười bảy âm tiết, cũng có thể nhiều hơn nhưng chỉ thêm hai hoặc ba chữ thôi. Đặc tính của thơ haiku cũng để diễn tả khoảnh – khắc – trong – cái – vô – cùng qua miêu tả một mùa nào đó trực tiếp hay gián tiếp thông qua hình ảnh hoa lá, cây cỏ, động vật, lễ hội… mang đặc trưng của mùa trong năm. Haiku thường chỉ gợi chứ không tả và kết thúc thường không có gì rõ ràng, hoàn toàn phụ thuộc độc giả cảm nhận. Đặc biệt haiku có một câu hai một chữ gọi là quý ngữ để miêu tả mùa giúp bạn đọc hiểu bài thơ.
Nói đến văn học Nhật là phải nói đến thơ haiku vì nó kết hợp nhiều giá trị văn hóa xứ sở hoa anh đào như kimono, tinh thần võ sĩ đạo… Thơ haiku góp phần tôn vinh văn hóa Nhật và thắt chặt tình hữu nghị Việt – Nhật nên Tổng lãnh sự quán Nhật ở TP. Hồ Chí Minh hai năm một lần mở cuộc thi thơ haiku. Rất nhiều người tham dự mặc dù cuộc thi rất khó ăn… Bất ngờ kết quả cuộc thi thơ haiku lần này lại lọt về tay Lâm Long Hồ của Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật An Giang.
Tại sao tôi bất ngờ? Vì An Giang gần đây xuất hiện nhiều cây viết trẻ như Đông Triều, Nguyễn Đức Phú Thọ, Trần Sang, Lê Quang Trạng, Trần Tâm, Lâm Trúc… mang lại nhiều tiếng tăm cho tỉnh nhà. Về phần Lâm Long Hồ, mặc dù học văn nhưng ở Hội, Hồ có chuyên môn thiết kế đồ họa, trình bày sách báo, nghe đâu đang xây dựng website cho Liên hiệp Hội An Giang, thỉnh thoảng bạn có làm thơ nhưng tôi không chú ý. Tôi phải thú thiệt chuyện này, chẳng những tôi mà còn rất nhiều người nữa. Ngày nay người làm thơ quá nhiều, trong khi người tìm đến văn thơ là mong gặp những thông tin, những suy nghĩ mới lạ mà họ không nghĩ ra. Việc đọc cũng là học hỏi lẫn nhau, đồng thời hâm nóng cảm xúc của mình. Chính vì vậy bạn đọc chỉ lướt qua xem cái tựa, mấy câu mở đầu, mấy câu cuối rồi cho qua. Để bạn đọc không cho qua, để có bài thơ hay, để sóng sau bắt kịp sóng trước thì thơ phải mang lại điều gì đó thú vị. Viết để khoe chữ thì dễ, muốn được lĩnh giải hơi khó… vì phải trăn trở, cải tạo bản thân, phải sống thật. Văn tức là người ai mà giả qua văn thơ là biết ngay. Nghe tin Lâm Long Hồ đoạt giải Nhất thơ haiku tôi bất ngờ và mừng cho Văn nghệ An Giang là vì vậy. Sau đây là ba bài thơ của Hồ đã gởi dự thi:
1. Nhà ở quê hết Tết/ gió xô cánh cửa cũ/ tiếng bản lề du dương.
2. Cà phê ngày Tình nhân/ hai màn hình điện thoại/ chiếu sáng hai mặt người.
3. Tháng Bảy trời mưa/ mẹ ngồi một mình/ mâm cơm gần chục chén.*
Như đã nói, thơ haiku chỉ gợi, không tả, kết thúc không rõ ràng. Haiku nhờ người đọc đồng cảm khoảnh khắc đời người trong cái vô cùng. Ban đầu tôi chọn bài một nhưng kết quả đoạt giải lại là bài thứ hai. Tôi phải đọc lại nó và thấy Ban Giám khảo đã đúng khi trao giải cho bài thơ này. Chữ quý ngữ ở bài này quả thật không rõ ràng nhưng hay là “ngày Tình nhân”. Một lễ hội mà những đôi tình nhân gặp nhau nhưng lại gặp nhau trong quán cà phê. Cuộc gặp diễn ra qua màn hình điện thoại. Bài thơ kiệm lời nhưng nói lên thời đại con người ngày nay đầy đủ phương tiện vật chất, kỹ thuật nhưng lại rất cô độc. Rất là xót xa và buồn qua “hai màn hình điện thoại chiếu sáng hai mặt người”.
Tôi rất cảm xúc khi đọc bài thơ này, không biết nói gì với Lâm Long Hồ, nhận ra mình đã già trước các bạn trẻ. Chợt nhớ mấy câu thơ mình làm đã lâu, viết ra đây thay cho lời chúc mừng: Đêm qua hiu hiu gió/ Đâu hay Xuân lẽn về/ Từng nụ hoa thanh mảnh/ Nở lúc nào không hay.
_________________________
* Tứ từ bức ảnh chụp mẹ Thứ của Đại tá, Nhà báo Trần Hồng.