Tác phẩm “Xóm bờ giậu tập hợp những câu chuyện trong trẻo và đầy màu sắc mà nhà văn Trần Đức Tiến viết cho bạn đọc nhỏ tuổi. Ông đưa con về lại khung cảnh thanh bình của làng quê Bắc bộ cách đây nửa thế kỉ, để nghe chú dế hát ca, hay ngắm những bông hoa đồng nội khoe sắc. 




@ Không chỉ là những câu chuyện dành  thiếu nhi, “Xóm Bờ Giậu” giống như những thước phim trong trẻo về làng quê Bắc bộ. Dường như những kỉ niệm tuổi thơ đã tác động mạnh mẽ đến ông?
Trần Đức Tiến: Những kỉ niệm về thời thơ ấu chắc sẽ còn theo tôi suốt cuộc đời. Đến độ tuổi nào đó, rồi bạn sẽ thấy tuổi thơ quay về trong tâm trí bạn. Cái chữ “vòng đời” tưởng bình thường, quen dùng, nhưng thực ra rất hay đấy. Bạn sinh ra, lớn lên, rời bỏ mảnh đất chôn rau cắt rốn của mình, đi đây đi đó, làm việc này việc nọ, đổ mồ hôi sôi nước mắt mưu sinh, vui buồn được mất. Loanh quanh một hồi, lúc lưng đau chân mỏi, bỗng nhiên lại thấy rưng rưng nhớ về những năm tháng tuổi thơ. Người cũ, cảnh cũ, một cánh diều, một chiếc cần câu, một buổi trưa đi bắt ve sầu, bắt chuồn chuồn, một trò nghịch dại… cứ gọi là hiện về rõ mồn một. Những thứ đó là một phần tài sản tinh thần vô giá của bạn, là tâm hồn bạn, con người bạn. Không muốn đánh mất mình thì bạn phải biết cách giữ lấy chúng.

@ Có độc giả cho rằng: "Trong bối cảnh đô thị hóa chóng mặt như ngày nay, những khung cảnh thanh bình được miêu tả trong tác phẩm của ông giống như một thứ tư liệu đặc biệt bằng văn chương cho con trẻ". Ông nghĩ sao về điều này?
Trần Đức Tiến: Tôi viết cho các em bằng suy nghĩ và tình cảm thật của mình, còn những thứ đó có trở thành “tư liệu đặc biệt” hay không thì không dám nói. Nhưng quả thật có một thực tế: Sau khi “Xóm Bờ Giậu” ra mắt bạn đọc, tôi nhận được những câu hỏi hết sức bất ngờ từ một số đứa trẻ: hoa Cúc Áo là hoa gì? Bọ Dừa có phải là Bọ Hung? Thậm chí, còn có em không biết thế nào là bờ giậu. Hóa ra từ cuốn sách và ngoài cuốn sách của tôi, còn không ít thứ phải “tranh cãi”, và đó là những cuộc tranh cãi hết sức lý thú: mối, rắn mối, thạch sùng, ốc sên, sên… Tại sao con Vạc Sành trong Nam, khi sống ngoài Bắc, trong thẻ căn cước lại có tên là Chàn Chạt, Cành Cạch, Sặt Sành?… Nói thế để thấy, đôi khi văn chương cũng mang giá trị tư liệu thật.

@ Là một người sinh ra và lớn lên ở làng quê, thứ mà ông yêu quý và tiếc nuối nhất khi nhớ về những khung cảnh xưa cũ trong trang viết của mình là gì?
Trần Đức Tiến: Là vẻ đẹp bình dị, mộc mạc của những khung cảnh xưa cũ đó. Chúng hòa quyện một cách tự nhiên với cái tình cảm chân chất của người nhà quê. Cánh đồng, con sông, mái đình, ao bèo, cái ngõ nhỏ tre trúc ban đêm nhiều đom đóm bay… Cảnh ấy sinh ra cho người ấy. Người ấy phải sống trong cảnh ấy. Thiên nhiên không tách rời con người. Con người là một phần của thiên nhiên, cùng chung sống, gắn bó, hòa hợp.

@ Theo nhà văn, điều khó nhất khi viết truyện đồng thoại cho các bạn nhỏ là gì?
Trần Đức Tiến: Đồng thoại, ở một số nền văn học khác, được hiểu là thể loại truyện dành cho trẻ em. Ở nước ta, theo cách hiểu thông thường, cũng là truyện dành cho trẻ em, nhưng nhân vật là loài vật hoặc những vật vô tri vô giác được nhân cách hóa: con chó, con mèo, cái bàn, cái ghế, hòn đá, bông hoa, cuốn sách… Phải để con trẻ nghe thấy tiếng hát của con Thằn Lằn, tiếng thở dài của con Ốc Sên, và đọc được bài thơ của con Dế trên chiếc lá mít. Hơn thế, còn phải làm cho bạn đọc nhỏ tuổi tin vào những điều đó, và từ đó, các cháu sẽ học được cách “nghe” và “đọc” được nhiều thứ khác. Đấy là thử thách khó vượt qua nhất, nhưng cũng là tham vọng lớn lao của những người viết truyện đồng thoại, tôi nghĩ vậy.

@ Không chỉ là những câu chuyện trong trẻo dành cho tuổi nhỏ, "Xóm Bờ Giậu" còn chứa đựng những bài học bổ ích về cuộc sống? Theo ông, trong thời đại hiện nay, điều cần nhất mà chúng ta phải dạy cho con trẻ là gì?
Trần Đức Tiến: Qua một người bạn, tôi được biết: Vince Ford, một nhà văn viết truyện thiếu nhi nổi tiếng người New Zealand, từng nói: Thách thức lớn nhất đối với ông và đồng nghiệp của ông là suy nghĩ, hiểu biết không bằng, thậm chí thua đứt lũ trẻ! Thế đấy! Tôi tin ông nhà văn này thành thực. Vì chính tôi, khi viết cho các em, tôi cũng không bận tâm đến chuyện “bài học” hay dạy dỗ. Hãy để cho các em đọc mình, và nếu các em thấy thích thú với những con vật nhỏ bé, những bông hoa dại, những giọt sương đêm hay những tia nắng đầu ngày… thì những “bài học”, nếu có, sẽ tự khắc thấm vào tâm trí các em, góp phần nuôi dưỡng tâm hồn các em. Nhà văn không cần phải nói thêm bất cứ điều gì.


Nguồn: Zing