Ý tưởng đưa nội dung của các tác phẩm văn học Việt Nam vào trong thế giới nhạc trẻ đã thực sự mang đến một làn gió mới cho nền âm nhạc nước nhà, cũng như một lần nữa khẳng định tính nhân văn sâu sắc được gửi gắm trong các tác phẩm văn học ấy. Không chỉ dừng lại ở việc phổ nhạc cho thơ vốn được xem là chuẩn mực trong sáng tác, nghệ sĩ Việt Nam ngày nay đã sáng tạo, đưa nguyên vẹn tác phẩm văn xuôi vào thế giới âm nhạc, ngay cả tạo dựng, biến tấu từ hình ảnh cho đến lời bài hát.



Đưa cảm hứng văn học vào MV ca nhạc: Xu hướng được nhiều nghệ sĩ trẻ lựa chọn

NGUYỄN PHƯƠNG HÀ

 Xu hướng này dần trở nên rõ rệt khi đã có tới 3 tác phẩm âm nhạc như vậy ra đời vào năm 2019, được đầu tư vô cùng công phu, từ khâu hình ảnh, trang phục, ngoại cảnh, âm nhạc cho đến nội dung, mặc dù trước đó đã xuất hiện tuy còn chưa đầu tư và ít về số lượng. Cốt truyện của những MV này vẫn giữ mạch truyện gốc, nhân vật gốc của các tác phẩm văn học nhưng đều rất khéo léo khai thác những khía cạnh, góc nhìn vô cùng mới mẻ, đôi khi còn biến tấu chúng so với nguyên tác để đem đến cho khán giả một cái nhìn mới, chuyển đi một thông điệp trong câu chuyện mà họ đang kể. Chính sự độc đáo này đã tạo nên sức nóng cho các MV nói trên cũng như mở ra một xu hướng làm MV mới cho các ca sĩ trẻ hiện nay.
 Được công chiếu chính thức vào 23/4/2019 và cũng là tác phẩm tiên phong cho trào lưu làm MV lấy cảm hứng từ các tác phẩm văn học, Anh ơi ở lại đã thực sự tạo biến tấu trong nội dung. Đây là câu chuyện Tấm Cám mới của nữ ca sĩ trẻ Chi Pu. Cô Cám trong Anh ơi ở lại đã giãi bày tâm tình của mình với khán giả qua ca từ nhẹ nhàng nhưng vô cùng day dứt, buồn tủi.
            Anh ơi ở lại tuy tập trung vào khai thác tâm lý và góc nhìn của nhân vật Cám, vốn là một điểm sáng về mặt nội dung, nhưng đáng khen hơn nữa là chỉ trong vỏn vẹn 5 phú 41 giây mà ta có thể thấy rõ sự đầu tư và cố gắng của ekip làm nhạc và dựng hình. Tấm Cám được tái hiện đầy đủ, rõ ràng, lớp lang từ những hình ảnh mang tính biểu tượng như cá bống, chim vàng anh, cây thị cho đến từng chi tiết nhỏ như miếng trầu hay trang phục của các nhân vật. Tất cả đều hoàn hảo tái hiện lại một Tấm Cám, dù mới, nhưng vẫn gìn giữ nguyên tác.    
Sau một thời gian dài vắng bóng trên sàn diễn ca nhạc, Hoàng Thùy Linh đã chọn cách trở lại bằng lần thứ hai làm một MV mang đậm sắc màu “văn học” khi mà trước đó cô đã cho ra mắt ca khúc Bánh trôi nước cũng lấy cảm hứng từ bài thơ cùng tên của nữ sĩ Hồ Xuân Hương vào năm 2016. Để Mị nói cho mà nghe như một cuốn sổ tay của một học sinh yêu thích môn văn, ghi chép đầy đủ, sinh động và hết sức sáng tạo về các tác phẩm văn học nổi tiếng như Vợ chồng A Phủ, Chí Phèo, Tắt đèn, Lão Hạc, Số đỏ, Vợ nhặt…
Khác hẳn Bánh trôi nước vốn nổi đình đám một thời với chỉ vỏn vẹn câu thơ của nhà thơ Hồ Xuân Hương, ở MV Để Mị nói cho mà nghe, Hoàng Thùy Linh cũng thành công phổ nhạc và dựng lên những khung hình kì ảo và bắt mắt, Mị hồn nhiên đi khắp nơi để dạo chơi và “giao lưu” với các nhân vât, tác phẩm văn học khác. Tìm “cậu Vàng” cho Lão Hạc, cùng Thị Nở nấu cháo hành cho Chí Phèo. Các tác phẩm chảy trôi rất mượt mà cùng với tone nhạc cao, cử chỉ nhí nhảnh, nhanh nhẹn của cô Mị phiên bản Hoàng Thùy Linh đối lập hoàn toàn so với cô Mị buồn tủi, chịu thương chịu khó, khao khát được tự do của Tô Hoài.
Để Mị nói cho mà nghe không phải là một MV quá đầu tư về mảng nội dung, nhưng đã thành công trong việc lồng ghép khéo léo các tác phẩm tạo nên một màu sắc vừa hài hước lại vui tươi, đồng thời ôn lại những câu chuyện xưa cũ bất hủ cho thế hệ trẻ hiện nay mãi khắc ghi và in dấu.
Gần đây nhất, quán quân Giọng hát Việt năm 2015 Đức Phúc cũng cho ra mắt ca khúc Hết thương cạn nhớ cũng lấy cảm hứng từ tác phẩm văn học đình đám Chí Phèo của nhà văn Nam Cao. MV Hết thương cạn nhớ gây ấn tượng đối với công chúng không chỉ nhờ vào giai điệu dễ nghe và giọng hát xuất sắc của Đức Phúc mà còn nhờ vào cốt truyện đã đươc biên tập lại, cùng với đó là các cảnh quay tái hiện ngôi làng Vũ Đại rất chân thực và sống động với dàn diễn viên “khủng” như hoa hậu Đỗ Mỹ Linh trong vai Thị Nở, NSND Hoàng Dũng trong vai Bá Kiến
          Chia sẻ về ý tưởng làm mới Chí Phèo, ca sĩ Đức Phúc cho biết, cốt truyện được thay đổi, tạo nên nhiều bất ngờ. Cùng với Hết thương cạn nhớ, khai thác cốt truyện xoay quanh nhân vật Chí Phèo của Nam Cao, MV Chí Phèo của Bùi Công Nam cũng chinh phục người nghe bằng ca từ, giai điệu mang âm hưởng dân ca, Bùi Công Nam đã đem đến sức sống tươi trẻ cho nhân vật anh Chí qua những phút giây thăng hoa trước tình yêu dành cho Thị Nở. Câu từ gọn ghẽ, giai điệu đồng quê bắt tai, lại tái hiện sinh động nhân vật văn học quen thuộc đã khiến Chí Phèo trở thành ca khúc được yêu thích nhất của Bùi Quang Nam. Anh đây quậy phá khắp đất trời rượu chè lè nhè đi khắp nơi/ Lang thang cười hát ca với đời anh chí phèo... anh chí phèo/ Em đây chẳng nết na ngoan hiền chẳng được diệu dàng lại kém duyên/ Ba mươi rồi đấy vẫn chưa chồng em Thị Nở... Em Thị Nở…. 
            Chất nhạc trong các MV chủ yếu là ballad với tiết tấu chậm, đều đều mở ra một câu chuyện với tiếng piano mộc mạc và đẩy cao trào nhờ phân đoạn lên tone cuối bài. Đây là thể loại nhạc êm tai và dễ dàng làm hài lòng số đông khán giả, đi cùng với đó là sự đầu tư kỹ lưỡng về trang phục, bối cảnh đã khiến cho những MV Vpop không chỉ đạt đỉnh về kinh phí sản xuất (MV Hết thương cạn nhớ có mức đầu tư lên đến 1,2 tỷ), doanh thu phát hành khủng mà còn trở thành điểm nhấn trong đời sống nhạc trẻ vốn đang khá ồn ào và ít nhiều thiếu vắng sự chuyên nghiệp.
           Chính vì vậy, không khó để hiểu những MV ca nhạc lấy cảm hứng từ những tác phẩm văn học lại nhận được sự ủng hộ không chỉ của công chúng yêu nghệ thuật mà còn tạo thành trào lưu trong đời sống hiện nay với những câu Để Mỵ nói cho mà nghe vừa thân thuộc, hài hước vừa nhắc nhớ đến một giai đoạn lịch sử đau buồn của dân tộc - đêm trước của cách mạng Tháng Tám. Việc đưa cảm hứng văn học vào MV ca nhạc đang dần trở thành xu hướng được nhiều nghệ sĩ trẻ lựa chọn. Và công chúng yêu nghệ thuật nói chung, văn học nói riêng có quyền hy vọng, những tác phẩm văn học sẽ được làm mới, được bước ra ngoài đời thật với những gam màu sống động, giúp người trẻ có cái nhìn chân thực hơn về xã hội mà ông cha ta đã từng sống.


Nguồn: Văn Nghệ