Nhà văn Tô Hoàng đánh giá: “Với “Bấm chân qua tuổi dại khờ” nhận ra ngay, dầu kỹ càng, dầu chăm chút cách mấy vẫn thấy ánh mắt nheo nheo trước cái thời sự hàng ngày; những đúc rút, ngẫm ngợi trước thời cuộc; những suy tư vật vã của đúng với sai… vẫn chen lấn, xô đẩy tìm vị trí xứng đáng nhất giữa những rung động thi ca của tác giả



CẢM  XÚC QUA TRẢI NGHIỆM

(Đọc tập thơ “Bấm chân qua tuổi dại khờcủa CAO XUÂN SƠN, NXB Hội Nhà Văn 2019 )

TÔ HOÀNG 

103 bài trong gần 20 năm, tính từ thời gian tập thơ “Chuông Lá đến tập thơ này- “Bấm chân qua tuổi dại khờ”. Là ít hay nhiều đây? Cao Xuân Sơn không bon chen cùng thiên hạ ra hết tập thơ này tới tập thơ khác. Để tính số đầu sách, nhưng anh vẫn viết đều đều...

Trước hết hãy ghi nhận trong 20 năm ấy nhà thơ không dại dột tự mình giam hãm trong bốn bức tường, đủ laptop với tủ lạnh đầy ắp quả trái và máy điều hòa kiềm bớt nóng, găm bớt lạnh. Gót chân nhà thơ tung bụi khắp vùng, miền đất nước và còn phóng xa hơn, tới Roma, Copenhagen, Moskva, Paris… Rồi nhướng mắt lên nhìn ngắm, quan sát. Để bắt chộp mọi biểu hiện, mọi sắc màu, nhân tình thế thái ở nơi này, nơi kia. Nhưng những quan sát, bắt chộp ấy, với từng bài thơ, tứ thơ đã được thanh lọc, thẩm thấu, qua rung động giàu tưởng tượng và mỹ cảm để thành những dòng thơ, câu thơ  giàu độ hàm xúc và sức khái quát:
Với Đà Lạt :
Vàng ngơ ngác dã quỳ không tuổi
Và thông xanh không trẻ cũng không già
Mắt ngựa thồ ven hồ lay láy nắng
Đà lạt ai nhìn cũng khách đường xa
Với Mộc Châu :
Phập phừng men rượu bản
Ơi Tân lập, Phiềng Cành
Chỉ một lần lạc bước
đủ một đời chông chênh
Với Hội An:
Mòn mỏi nắng mưa vai gầy phố cổ
gánh lãng quên phong kín dấu ưu phiền
sông Hoài đó,u ơ cơn mê ngủ  
như chưa từng mặn ngọt sóng bon chen
Và cứ vậy, nhẩn nha với Copenhagen:  
Sáng thức dậy li ti ngoài phố lạnh
những bông hoa vẫn tím nở dại khờ
như chưa có vòm trời nào đó vỡ
cũng chưa từng ai đó thoắt bơ vơ 
với Quảng trường Đỏ Moskva :
Trăm năm với nghìn năm chớp mắt
vĩnh cửu ngân dài một tiếng chuông
nước Nga chào tôi bằng một ngày nắng tốt
lịch sử đi nhón gót giữa Hồng trường.
Với Paris:
Không thể lấy tình yêu cắt nghĩa đớn hèn
Có Eiffel nào bắt đầu bằng sợ hãi?
ngàn ấy năm,sao ta mãi đắn đo nghi ngại?
Ngục Bastiletrong mỗi trái tim người

Có phải là cảm giác của riêng tôi không, khi mỗi bài thơ trong tập “Bấm chân qua tuổi dại khờ” không chỉ, không thể đọc qua một lần. Liệu có phải là lầm lạc không, những gì ẩn chứa phía sau câu chữ, vần điệu, cảm hứng sao na ná mang cái chất úp mở, trốn tìm, ẩn chứa kịch tính của một áng văn xuôi.

Này đây :
Những chiếc lá cuối đông Hà Nội
nhợt  tái niềm ngóng đợi
...
Những chiếc lá cuối đông Hà Nội
Rụng rồi còn khắc khoải
....
Những chiếc lá cuối đông Hà Nội
 rơi rơi vồi vội
Ai cũng ngỡ mình như có lỗi
líu ríu bàn chân tìm nhau
Này đây:
Ngủ đi nào đôi mắt
Ngày ngắn, đêm không dài
....
Ngủ đi nghìn day dứt
Bận lòng chi ngày mai
....
Một lần tình nghiêng vai
một đời mình vương nợ
chút bình yên trong tim
còn ngại gì dông gió?

Hoàn toàn không phải là tứ thơ hoài cổ trở về nơi xưa để đau đáu nhớ tiếc bụi tre, giếng nước, mùi rơm mới sau vụ gặt đã biết mất trong thời buổi làng thành phố thị. Càng không phải thứ thơ mệnh danh là “hậu hiện đại để tung tác nhặt chữ lạ, reo những vần điệu tắc tị mà thách đố người đọc...
Ấy vậy, với “Bấm chân qua tuổi dại khờ” nhận ra ngay dầu kỹ càng, dầu chăm chút cách mấy vẫn thấy ánh mắt nheo nheo trước cái thời sự hàng ngày; những đúc rút, ngẫm ngợi trước thời cuộc; những suy tư vật vã của đúng với sai…vẫn chen lấn, xô đẩy tìm vị trí xứng đáng nhất giữa những rung động thi ca của tác giả. Phải chăng, đây mới đích thực là tín hiệu hiện đại của thi pháp, khi nhà thơ không ươn hèn, trí trá trút gánh nặng trách nhiệm xã hội lên đôi vai của những người khác.

Bởi quả là mọi thứ, mọi việc còn ngổn ngang, xô bồ; mọi chuyện đang đan xen, kết soắn vào nhau như một thách đố sự giải mã của những lương tâm cầm bút..
Để muôn đời là vết xước ban mai
xuống biển nôn nao, lên rừng thắc thỏm
tuổi thơ bỏ rơi ta giữa cơ man hố thẳm
trong veo ơi, sao rót mãi cay xè? 
(Vết xước ban mai)
Việc đời cong mấy cũng ngay
việc mình lại thích loay hoay cãi mình
thoắt hiền minh thoắt vô minh
cái “ hâm “ làm tội làm tình cái thân
(Ngửa bài chơi ván tất tay)
Tháng năm xoay xoáy vực
chênh vênh bờ nhân duyên
bao mặn nồng chớp mắt
trượt chân vào nhớ quên 
( Rỗng )

Giở lại trang bìa 1, ngẫm ngợi với cái tựa tập thơ “Bấm chân qua tuổi dại khờ. May sao, không có chữ “đã ” trước mấy chữ “qua tuổi dại khờ ”. Nghĩa là, tuổi dại khờ vẫn đang còn, sẽ còn là mãi mãi. Anh không khôn ngoan, rành rọt được đâu! Nhà thơ cứ mãi mãi phải bấm chân mà bước đi thôi..
Và có lẽ chính vì thế, anh sẽ còn là nhà thơ!