Góc nhìn của nhà văn Hà Nguyên Huyến: Sống ở làng mà đôi khi giật mình tự hỏi: không biết có phải làng mình không? Đó là một thực trạng khi làng lên phố và chúng ta sẽ xây dựng một “nông thôn mới” thế nào với đúng nghĩa của nó?





KHI LÀNG LÊN PHỐ

HÀ NGUYÊN HUYẾN

Vị trí địa lý của đồng bằng Bắc bộ nằm trong vành đai của khí hậu nhiệt đới gió mùa. Tính chất thất thường thời tiết, bên cạnh muôn mặt của đời sống (hiện thực và tâm linh) đã sản sinh ra một hình thức kiến trúc, gần đây các nhà nghiên cứu đã thống nhất gọi là: Nhà truyền thống của người Việt!
Có thể khẳng định, nền kinh tế gia trưởng (tự cấp, tự túc) với tổng hòa các mối quan hệ tự nhiên và xã hội đã cho ra đời kiến trúc tiêu biểu của các làng quê Việt là nhà truyền thống. Nhà truyền thống là không gian dành cho cộng đồng mà biểu hiện là gia đình nhiều thế hệ chung sống dưới một mái nhà.
Mệnh đề: Tam đại song tuyền (ba cặp vợ chồng là cha mẹ, con và cháu còn nguyên vẹn), tứ đại đồng cư (bốn đời cùng chung sống với nhau) chẳng đã là khát vọng của bao đời nay đối với nhiều gia đình Việt! Lại nữa, cho đến hôm nay trong không gian nhà truyền thống, ma chay, cưới xin, giỗ chạp, hội hè vẫn được tổ chức như một việc… phải diễn ra như thế mới là trang trọng…
Gỗ xây dựng nhà phần nhiều là gỗ tạp thuộc nhóm 6, nhóm 7, lại giản tiện nhân công, phần sườn mái gỗ đều được “bào trơn, đóng bén”. Về mặt bằng, lòng nhà vẫn có hai buồng và ba gian nhà ngoài, gian giữa vẫn để thờ (khu vực tâm linh). Vật liệu xây dựng tiện ở đâu có thế mạnh thì lấy ngay ở đó.
Vùng có đá vôi lấy đá vôi xây tường. Nơi có đá ong thì lấy đá ong. Không có nữa thì lấy đất đóng gạch mộc. Tận dụng xỉ lò vôi trộn với cát, rồi nhét gạch vỡ vào làm nhân… Miễn sao thành hình viên gạch để xây thành tường, lợp được ngói đã là một thắng lợi rồi!
Đối với nông thôn miền Bắc, người nông dân khi có tiền thì việc đầu tiên là xây nhà. Nhưng xây như thế nào, nhiều khi hoàn toàn không có định hướng. Một loạt nhà nhiều tầng, tường xây xi măng, mái bê tông cốt thép kiên cố đã được thỏa mãn… Chỉ vài năm sau, chúng ta đến bất cứ làng quê nào cũng có cảm giác “nửa quê, nửa tỉnh”.
Nhà ở của nông thôn hôm nay đang đuổi theo những mô hình kiến trúc như thành thị. Mặc dù rất hiện đại với những vật liệu đắt tiền song vô cùng bất tiện. Càng sử dụng thì những công trình này càng bộc lộ những mặt bất cập, những nhược điểm không thể sửa chữa. Chúng ta đã đánh mất một di sản khổng lồ của cha ông mình, cả về vật chất lẫn tinh thần.
Tôi sinh ra và lớn lên ở làng cổ Đường Lâm (thị xã Sơn Tây, Hà Nội). Địa phương này còn hàng nghìn nhà truyền thống, trong đó còn hơn 300 ngôi nhà đang trong danh mục bảo tồn. Nhà truyền thống hiện tồn tại ở đây không phải ngôi nhà nào cũng đáp ứng được công năng trong đời sống hiện đại.
Theo tôi, những nhà truyền thống nhỏ hẹp, nhếnh nhác cần được loại bỏ. Song, xây nhà mới phải như thế nào trong ngôi làng cổ này? Các kiến trúc sư của chúng ta đang nợ làng quê Việt một mẫu thiết kế phù hợp.
Do không có một thiết kế mẫu cho nên nhà ở của nông thôn không có cách nào khác, lại nhiều tầng, nhiều phòng với những vật liệu đôi khi rất lòe loẹt, trong khi đó diện tích đất ở không phải thiếu để có thể xây một ngôi nhà truyền thống. Nhà nhiều tầng, không gian tâm linh được đặt trên tầng cao nhất, đã có những cụ già đi ăn giỗ nhưng lại đưa lễ vật cho gia chủ vì… cao quá không leo lên được! Ở nông thôn, sinh hoạt cộng đồng là một mặt tất yếu của đời sống.
Một năm đôi lần giỗ chạp, những lúc ấy mới thấy sự bất tiện của những kiểu nhà này. Mươi mâm cỗ được dọn ra, nhìn thấy thực khách… mà bật cười. Mâm thì ngồi gầm cầu thang, mâm lại được bày trong phòng ngủ của đôi vợ chồng gia chủ.
Người tầng một, kẻ tầng hai, tầng ba… không ai nhìn thấy ai. Có vài mâm cơm mà con cháu nhốn nháo chen chúc nhau ở cái cầu thang hẹp vì chỗ này gọi mắm, chỗ kia gọi cơm canh!
Khi nhà có việc lớn hơn mới thật dầy dà. Chẳng hạn như có đám cưới đám ma thì sự bất tiện mới bộc lộ toàn phần. Công việc này ở thành thị có nhà hàng, khách sạn và nhà tang lễ gánh chịu. Việc mượn đường đi của cả xóm, rồi thuê phông bạt lợp lên để làm đám là chuyện thường!
Mấy năm trở lại đây đời sống khá lên, rất nhiều gia đình trẻ ở nông thôn vẫn không tránh khỏi “văn hóa sập gụ, tủ chè và câu đối hoành phi”. Những vật dụng này chẳng đã là khát vọng của bao đời.
Trong ngôi nhà hiện đại, bày biện những thứ này chưa nói đến sự thiếu hài hòa mà còn không đúng với công năng văn hóa của nó. Tôi bảo một người bạn: Ông có những thứ mà trước đây chỉ nhà phong lưu xưa mới sắm được. Song, nếu sập gụ, tù chè, tủ chùa… đặt trên tầng ba, tầng tư… thì chơi mình à! Bạn tôi ngớ người…
Mấy năm sau bạn tôi quyết định làm một ngôi nhà truyền thống. Sau khi sơ bộ thiết kế số tiền chi phí cũng không nhiều hơn một ngôi nhà bốn tầng. Rất nhiều ý kiến, người bảo nên, người bảo không nên. Bạn tôi đắn đo, cho rằng kiến trúc gỗ không bền vững vì thỉnh thoảng lại phải gọi thợ sửa chữa, duy tu như lợp lại mái ngói chẳng hạn, rách việc!
Tôi nói, anh có biết tuổi thọ của bê tông cốt thép là bao nhiêu năm không. Hiện nay bao nhiêu khu tập thể của Hà Nội đang đứng trước nguy cơ sụp đổ lúc nào không biết, mà tuổi của các công trình này chưa được 50 năm. Trong khi đó tại làng cổ Đường Lâm có những ngôi nhà chỉ là gỗ xoan (nhóm 7) đã gần 400 năm vẫn còn vững vàng!
Ngôi nhà truyền thống của bạn tôi hoàn thành, ba gian nhà ngoài rộng rãi, gian giữa là không gian tâm linh, hai gian bên cạnh, một gian bày sập gụ, tủ chè và một bộ tràng kỷ. Gian bên kia bày cải tù chùa. Hai gian buồng, đúc mái bằng sau đó làm mái dốc lên trên chống nóng. Buồng có toa lét và gắn điều hòa nhiệt độ. Mọi người đến chơi, ai cũng thấy sự hợp lý của kiến trúc này.
Mấy năm sau chúng tôi nghỉ hưu, bạn tôi xuýt xoa: May quá không bán đất quê để về thành thị với con. Ông cứ tưởng tượng xem: Chúng đi làm, mình chẳng biết chơi với ai, lại mấy lần cửa đóng, then cài thì có khác gì bị… cũi trong ngôi nhà của mình.
Giờ đây, một năm đôi lần bạn tôi thực hiện “chữ hiếu” đối với các bậc tiền nhân. Hôm ấy, con cái cũng như bè bạn xa gần tụ hội, hơn chục mâm cỗ bày ra, người mâm này nói chuyện với mâm kia, có người cao hứng còn mang ly rượu đi một vòng chúc tụng. Tình cảm thân mật gần gũi, “ôn cố” để “tri tân”… Ai nhìn thấy cảnh đoàn viên này mới thấy thấm thía ý nghĩa của ngôi nhà truyền thống!
Cuộc sống có đường đi riêng, hiện nay rất nhiều vùng nông thôn đã nhận thấy sự bất cập của kiến trúc ống hoặc những ngôi nhà nhiều tầng ở làng. Rất nhiều nhà thờ của các dòng họ, những nhà có đất đai rộng rãi đã xây dựng những ngôi nhà truyền thống. Trong khuôn viên những ngôi nhà này vẫn có một khoảnh sân và một không gian xanh… Con cái ra phố hay vào các khu công nghiệp làm việc. Tuổi già được ở trong những ngôi nhà này như một không gian sinh thái vậy!
Chúng ta nhận ra điều này thật muộn màng, giá như có sự dẫn dắt của các nhà thiết kế, quản lý thì nông thôn của chúng ta chắc không như hiện tại. Sống ở làng mà đôi khi giật mình tự hỏi: không biết có phải làng mình không? Đó là một thực trạng khi làng lên phố và chúng ta sẽ xây dựng một “nông thôn mới” thế nào với đúng nghĩa của nó?